Đình Khoái Cầu, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội còn gọi là đình Khoai thờ Linh Lang Đại Vương và Trung Thành Phổ Tế Đại Vương cùng đình Khoái Nội.
Phạm vi thờ Đức Linh Lang Đại Vương hầu khắp đồng bằng Bắc Bộ
nên đình luôn có đôi voi vì theo tích lúc 7 tuổi ngài xin vua cờ lệnh và voi đá
đánh giặc. Đức Trung Thành Phổ Tế Đại Vương chính là Thổ Lệnh Trưởng thống lĩnh
thủy quân Đào Trường, hay Bạch Hạc Tam Giang Đại Vương hay Quan Đệ Tam. Ngài được
thờ dưới tên Trung Thành Phổ Tế Đại Vương ở khu vực Phú Xuyên, Thường Tín, Hà
Nam.
Làng Khoai là tên Nôm của thôn Khoái Cầu, xã Thắng Lợi,
huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Xưa kia, các thôn của xã Thắng Lợi thuộc 2 tổng
Đông Cứu và Bình Lăng, sau năm 1945 chia thành 15 thôn thuộc 3 xã: Phúc
Bình, Vũ Lăng, Vân Yên Hà. Năm 1948, ba xã này hợp nhất thành xã Lê Lợi. Năm
1956 tách ra xã Thắng Lợi gồm 12 thôn: Khoái Nội, Khoái Cầu, Kiều Thị, Đào Xá,
Hướng Dương, Bình Lăng, Bất Một Thượng, Bất Một Hạ, Mai Xá, Phương Cù, Đống
Xung, Hướng Xá. Năm 1968, thôn Hướng Xá cắt về xã Quất Động.
Xã Thắng Lợi nằm ở phía Nam huyện, có diện tích tự nhiên là
5,91 km2, dân số 9.614 người, đa số là người Kinh; phía bắc giáp xã Quất Động,
phía nam giáp xã Tô Hiệu, phía tây giáp xã Dũng Tiến, phía đông giáp xã Lê Lợi
và sông Hồng. Xã Thắng Lợi nằm dọc hai bên đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc–Nam;
có đường liên xã nối với bến sông Hồng rất thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Dân xã Thắng Lợi sống chủ yếu bằng nghề cấy lúa, trồng hoa
màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các thôn Hướng Dương, Đào Xá, Kiều Thị có nghề
làm lọng và thêu ren, sản phẩm thêu còn xuất khẩu được. Ngày nay tỷ trọng giá
trị sản xuất của nông nghiệp giảm xuống 19% so với 81% của công nghiệp, thủ
công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Xã Thắng Lợi có truyền thống khoa bảng với các vị
nổi tiếng: Trần Duy Hinh đỗ tiến sĩ năm 1448, Đào Tuấn Khanh đỗ tiến sĩ năm
1463, Đinh Thúc Thông hoàng giáp 1463, Nguyễn Hãng bảng nhãn 1529, Phạm Văn
Lan 1580. Xã còn có các di tích quốc gia: đình-chùa Hướng Dương và
đình-chùa Khoái Cầu xếp hạng năm 1995, đình-chùa Đào Xá xếp hạng năm 2000.
Theo bản “Bình Lăng xã Khoái Cầu thôn Thần tích” soạn
bằng chữ Hán do một viên thừa phái sao lại ngày mồng 10 tháng 9 năm Khải Định
thứ 3 (1918) và lưu giữ tại đình làng Khoai, dân sở tại thờ hai Thượng đẳng
phúc thần là Trung Thành Phổ Tế và (Uy) Linh Lang đại vương. Trung Thành là
mỹ tự do vua Lý Thái Tông tặng cho Phổ Tế đại vương, một vị thủy thần ở
ngã ba sông Lương; dọc theo con sông này có nhiều đền thờ ngài.
(Uy) Linh Lang đại vương là con của vua Trần Thánh Tông.
Hoàng hậu Minh Đức được thần báo mộng, sau sinh ra một bọc, hoàng cung vứt bỏ
ra đường. Bọc vỡ ra, bên trong là một cậu bé khôi ngô.
Lớn lên hoàng tử thích giao du, tinh thông văn chương, võ
nghệ. Khi vua nhà Nguyên sai quân sang xâm lược nước ta, hoàng tử xin vua cha
cho cầm quân cự giặc ở Bình Than, Mạn Trù v.v. và lập nhiều chiến công.
Thắng giặc xong, ngài được phong là “Dâm Đàm đại vương”,
năm ấy mới 36 tuổi. Ngày mồng 8 tháng 8, ngài tự nhiên không bệnh tật mà mất.
Nhà vua cho lập miếu thờ và gọi là “Linh Lang thánh tử”.
Kiến trúc và di vật lịch sử
Đình Khoái Cầu được xây dựng từ thời Lê Trung hưng, mặt
quay về hướng tây, bên tả là chợ làng Khoai. Tam quan gồm các trụ
biểu đắp câu đối chữ Hán, 2 cổng bên xen giữa 4 bức tường nhỏ có
phù điêu mai, tùng và cặp ngựa hồng, bạch. Sân đình khá lớn dẫn đến
toà tiền tế rộng 5 gian, hai bên sân có dãy tả, hữu mạc. Gần đây đình được
trùng tu nhưng thiên về bền chắc và bào trơn đóng bén, mặc dù ở các câu đầu
vẫn có chạm trổ lá lật, lá đồng, hoa cỏ.
Hậu cung xây theo kiểu 2 tầng 8 mái, hiện nay giữ được
gần nguyên vẹn kiến trúc thời Nguyễn. Các mái đao xây cuốn vòm, lợp ngói
ri, trên bờ nóc có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Phần cổ diềm phía mặt tiền
đắp nổi 3 chữ Hán lớn “Đối tại thiên” (sừng sững giữa trời) ca ngợi công đức của
hai vị thành hoàng cũng như tầm vóc của ngôi đình...
Đình làng Khoai hiện còn giữ được nhiều di vật quý,
trong đó có một cổ kiệu bát cống thời Nguyễn cùng một số đồ tế khí của thời
Lê; đặc biệt có một con voi đúc bằng đồng, nặng khoảng 1 tấn. Năm 1947, theo
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, nhân dân đã ủng hộ nhà nước để đúc đạn,
sau đó tòa đại bái từng bị phá. Năm 1995, đình [và chùa] thôn Khoái Cầu đã
được xếp hạng là di tích lịch sử—văn hoá quốc gia.