Đình Kiền Bái - Thủy Nguyên - Hải Phòng, thờ phung nhị vị thành hoàng Tòng Tiền và Lôi Công, là hai anh em sinh đôi. Đào Lôi Công là người đã có công giúp ba đời vua Lý thế kỷ XI (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tôn, Lý Thánh Tông) trị vì đất nước, giữ yên bờ cõi.
Lược sử di tích của Đình Kiền Bái
Theo bản thần tích hiện còn lưu giữ tại đình do Đông các Đại
học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1571 thì đình Kiền Bái thờ vị thần Đào Lôi Công làm
thành hoàng làng. Đào Lôi Công là người đã có công giúp ba đời vua Lý thế kỷ XI
(Lý Thái Tổ, Lý Thái Tôn, Lý Thánh Tông) trị vì đất nước, giữ yên bờ cõi.
Ngoài ra đình còn thờ một vị thành hoàng khác nữa là Đức
Thánh Cả Bích - Ngọc Đại Vương, người có công khai hoang, chiêu mộ dân lập ấp để
tạo nên vùng Hổ Bái Trang - Kiền Bái ngày nay.
Theo "Thuỷ Nguyên huyện thần tích" hiện lưu trữ tại
Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Hà Nội, đình Kiền Bái được nhân dân lập nên và thờ
hai vị thành hoàng Tòng Tiền và Lôi Công, là hai anh em sinh đôi. Tương truyền,
2 vị đều khôi ngô tuấn tú, nhưng đều mất sớm, rất linh thiêng, đã nhiều lần phù
hộ dân làng Kiền có cuộc sống yên ổn, làm ăn thịnh vượng.
Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta (1287 - 1288), 2 vị âm
phù Vua Trần đánh giặc. Vua cho lập đền thờ và phong thần hiệu: Trung Quốc Cảm ứng
thượng đẳng thần và Lôi Công Uy Diệu thượng Đẳng thần.
Ban thờ hai vị thần Tòng Tiền và Lôi Công
Năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương chỉ huy tướng lĩnh thủy bộ qua
đây để mở trận địa trên sông Bạch Đằng, ông cho quân nghỉ ngơi qua đêm ở trang
Hổ Bái. Đêm ấy, hai vị thần Tòng Tiền và Lôi Công hiển linh về báo mộng cho Quốc
Công, hứa sẽ nổi “âm phong” - gió Đông Nam để tạt bè lửa vào quân giặc, góp phần
âm phù giết giặc.
Sau thắng lợi trên sông Bạch Đằng, Tiết chế Quốc Công Hưng Đạo
Đại Vương thấy giấc mộng linh nghiệm, bèn cấp cho dân làng 300 quan tiền để tu
sửa đình Kiền Bái khang trang hơn, đồng thời xin vua ban cấp sắc phong thần hiệu
là Trung Quốc Cảm ứng thượng đẳng thần và Lôi Công Uy Diệu thượng đẳng thần. Hiện
nay, trên thân cột cái đình Kiền vẫn còn dòng chữ ghi “ Chính Hòa lục niên”, tức
năm 1685 Dương lịch.
Giá trị kiến trúc và
nghệ thuật của di tích
Mặt tiền của Đình với hai sập thờ đá đối xứng qua gian giữa
tiền tế, được làm vào năm 1893
Bia đá, nơi ghi lại niên đại và quá trình tồn tại của di
tích
Đình Kiền Bái được xây dựng vào nửa cuối thế kỉ 17, kiến
trúc hoàn toàn làm bằng gỗ lim, là ngôi đình hiếm hoi ở Hải Phòng còn giữ được
hệ thống ván sàn từ khi khởi dựng. Đình ngoài hay còn gọi là tiền đường gồm ba
gian, gian giữa là nơi tiến hành các nghi lễ tế tự. Đình trong (hậu cung) gồm
ba gian chuôi vồ là nơi an tọa của Đức Thành Hoàng bản thổ.Hệ mái đình có 4
mái, lập ngói mũi hài, hoành mái có tiết diện vuông, trên mái bố trí các con giống.
Hậu cung được nối vuông với toàn tiền tế tại vị trí gian giữa, chiều ngang bằng
chiều rộng gian giữa tiền tế, chiều dài 8,3m. Hậu cung có kết cấu tương tự toàn
Tiền tế.
Gian giữa với ban thờ chính của đình
Ban thờ trong đình
Bên trong đình còn nguyên vẹn sàn gỗ
Điêu khắc gỗ quý giá của đình qua năm tháng
Nghệ thuật khắc, chạm hiếm có trên các kiến trúc gỗ của di
tích
Đình Kiền Bái có sức hấp dẫn du khách thập phương, các nhà
nghiên cứu không chỉ ở giá trị lịch sử mà còn do nghệ thuật trang trí kiến trúc
tài hoa và phóng khoáng của người xưa. Cả công trình là một bộ sưu tập tranh
điêu khắc gỗ quý giá được tạo tác trên nền của một kiến trúc cổ kính và tao
nhã.Nghệ thuật trang trí ở đình Kiền Bái chủ yếu được tập trung thể hiện trên
các vị trí có điều kiện phô diễn được vẻ đẹp của mình. Rồng là đề tài phổ biến
và có mật độ khá dày đặc trong các hoạt cảnh trang trí.Ở mỗi mảng chạm khắc dù
là chạm nổi hay chạm lộng hay chạm bong kênh, bong hình thì giữa trung tâm bao
giờ cũng là một rồng lớn (rồng mẹ) có thân mập, ngắn lượn từ dưới lên, đầu ngóc
cao, mặt quay ra ngoài.
Kiệu rồng
Rồng có đầu to, trán dô, miệng há rộng, mũi sư tử và tóc là
các cụm đao lửa hình mũi mác bay về sau tạo cảm giác động trong không gian
tĩnh.Thân rồng tròn lẳn phủ một lớp vảy rắn nổi, chân có bốn móng sắc nhọn như
cựa gà chọi. Chung quanh rồng mẹ dù đang vuốt râu hay hí thủy, có rất nhiều rồng
con trong một tổng số lẻ như: 5, 7, 9, 11 và 13.
Đi kèm với rồng là những con vật trong hàng tứ linh như phượng,
lân. Phượng thường được thể hiện trong tư thế trình diễn nghệ thuật “gia truyền”
với những động tác múa uyển chuyển và kiêu sa.Con rồng không chỉ được thể hiện
cùng đồng loại hay các bậc tứ linh mà nó còn hòa mình với các con thú khác
không phải là con vật “linh” ở trên các bộ vì nóc hay mặt ngoài các ván bưng.
Đó là những con vật rất đỗi thân quen với làng quê và con
người Việt Nam, như lợn, chó, dê, nai, mèo, cá... nhiều nhất vẫn là lợn.Lợn có
thân hình mập mạp như trong tranh Đông Hồ nhưng lại nghịch ngợm như các chú lợn
rừng hoang dã.
Lợn ngồi trên lưng nắm râu, cầm tóc và còn cả gan gặm chặt lấy
đuôi rồng.Ngoài ra, đình còn có những tiểu cảnh đậm vẻ làng quê yên bình như lợn
ăn lá dáy, mèo ngủ ngày, người cưỡi voi, ngựa voi âu yếm, voi chiến đua tài...
Giá trị văn hóa của Đình Kiền Bái
Trống và chiêng đồng đặt bên trong đình
Kiến trúc nghệ thuật ấn tượng của đình
Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa của Đình Kiền Bái
Bên cạnh nét kiến trúc mang vẻ đẹp cổ xưa độc đáo, đình Kiền
Bái cũng được biết đến là nơi tổ chức nhiều lễ hội lớn được tổ chức từ ngày 10
đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào những ngày này, dân làng ra đình
tế lễ và nô nức vào hội: Hội hát đúm, hội nấu bánh chưng, trò chơi dân gian cướp
cây bông…gắn kết người dân, nâng cao đời sống tinh thần và duy trì nét độc đáo
của văn hóa Việt.
Người dân đến chiêm bái tại Đình vào ngày lễ, tết (Ảnh: Sưu
tầm)
Đình Kiền Bái là một di tích kiến trúc tiêu biểu ở thời hậu
Lê, là sản phẩm văn hóa của thế kỷ XVII – thế kỷ phát triển rực rỡ nhất của nghệ
thuật dân gian. Các bức chạm khắc có giá trị to lớn, thể hiện tính dân tộc sâu
sắc, với đề tài phong phú từ con người cho đến con vật gần gũi với đồng quê. Với
những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đó, Đình Kiền Bái được Nhà nước
xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1986./.
Bài viết và ảnh: Vũ
Thị Tố Uyên