Đình Kiều Hạ, nằm trong cụm di tích đình - chùa Kiều Hạ, thuộc thôn Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng thờ phụng thành hoàng làng là các nhân thần Cao Sơn Đại vương, Qúy Minh Đại vương, Chiêu Minh Tôn thần và Chiêu Văn Tôn thần.
Từ trung tâm thành phố Hải Phòng có thể đi bằng nhiều phương
tiện với những ngả đường giao thông thuận tiện khác nhau, hỏi thăm về thị trấn
An Dương, hoặc chân cầu Kiến An bên phía huyện An Dương, sau đó hỏi tiếp về
UBND xã Quốc Tuấn, từ đây hỏi thăm về cụm di tích chúng ta sẽ được người dân địa
phương chỉ dẫn nhiệt tình đến khu di tích.
Tên xã Quốc Tuấn xuất hiện sau năm 1945, lấy tên vị Anh hùng
dân tộc Trần Quốc Tuấn có công chỉ huy quân dân Đại Việt trong hai cuộc kháng
chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Kiều Hạ ngày nay là một
trong bốn thôn của xã Quốc Tuấn: Kiệu Hạ, Kiều Thượng, Nhu Kiều và Văn Xá.
Danh sách làng xã dưới triều Nguyễn làng Kiều Hạ có tên là
Điều Yêu Hạ, thuộc tổng Điều Yêu ( còn gọi là Đào Yêu), tổng Đào Yêu có 10 xã:
Đào Yêu, Đào Yêu Thượng, Đào Yêu Hạ, Đào Yêu Đông, Đào Yêu Trung, Nhu Điều, Tri
Yếu, Hy Tái, Tiên Sa và Xích Thổ.
Năm 1901, các xã có tên Điều được đổi thành Kiều. Điều Yêu Hạ
đổi thành Kiều Yêu Hạ và sau này được gọi ngắn gọn là Kiều Hạ. Kiều Hạ đã trở thành
địa danh hành chính của địa phương.
Kiều Hạ, tên thuở ban đầu Kiều Yêu Hạ (嬌夭下),theo
Hán tự có nghĩa là vùng đất tươi đẹp và ở phía dưới. Tên địa danh sau này đến đầu
Thế kỷ XX được gọi ngắn gọn là Kiều Hạ, tuy là cách gọi mới nhưng vẫn cơ bản giữ
được ý nghĩa như trên.
Kiều Hạ vùng đất, con người hình thành vào thời Hùng Vương
và đến thời Lý- Trần Thế kỷ XII- XIII được ổn định. Những căn cứ để xác định đó
là Thành hoàng làng Kiều Hạ phụng thờ là 4 vị danh tướng của thời Hùng Duệ
Vương gồm: Cao Sơn Đại vương, Qúy Minh Đại vương, Chiêu Minh Tôn thần và Chiêu
Văn Tôn thần. Trong đó hai ông Chiêu Văn và Chiêu Minh là người địa phương Kiều
Hạ.
Một cứ liệu khác để chứng minh, tại chùa Kiều Hạ ( Linh
Quang tự) còn tấm bia đá dựng niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700), nội dung ghi rất
nhiều người công đức trùng tu ngôi chùa,
bia cũng ghi chùa Linh Quang là danh lam cổ tích có từ rất lâu đời.
Xưa kia Kiều Hạ có 1 đình, 1 chùa và 3 miếu, miếu Sộp, miếu
Liệu và miếu Khu Linh. Miếu Sộp, miếu Khu Linh thờ Thành hoàng; miếu Liệu,
tương truyền thờ bà Liệu người trông coi, quản lý kho vũ khí cho quân đội,
nhưng chưa rõ vào thời nào.
Kiều Hạ là quê hương giầu truyền thống yêu nước cách mạng,
trong kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Kiều Hạ được Uỷ ban Hành chính
kháng chiến liên tỉnh Hải - Kiến chọn làm căn cứ kháng chiến, giữ vị trí cầu nối,
bàn đạp chống Pháp của huyện An Hải ( gồm huyện An Dương và huyện Hải An trước
đây). Đình Kiều Hạ năm 1947 là nơi Đội Quyết tử huyện An Dương thành lập và
ngày 8 tháng 2 năm 1947 làm lễ tuyên thệ tại chùa Kiều Hạ để bước vào cuộc
kháng chiến.
Ông Trần Thành Ngọ chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang tỉnh Hải
Kiến đã về đình Kiều Hạ động viên, khích lệ Đội Quyết tử An Dương. Đội Quyết tử
do ông Đặng Cương (Phạm Văn Vịnh) chỉ huy, ông Nguyễn Dần làm Chính Trị viên (
ông Nguyễn Dần sau làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng).
Sau này đồng chí Đặng Cương hy sinh, đội mang tên Đại đội Đặng
Cương. Đình Kiều Hạ là nơi bộ đôi Đặng Cương học tập, rèn luyện, là điểm xuất
phát của đại đội Đặng Cương đi đánh địch trên các địa bàn thuộc huyện An Dương.
Đình cũng là nơi tổ chức giáo dục những thanh niên lầm đường, lạc lối cầm súng
theo giặc để trở về với nhân dân.
Trước phong trào kháng chiến mạnh mẽ của dân làng Kiều Hạ, kẻ
thù đã tìm cách càn quét, tàn phá nơi đây. Điển hình là ngày 7 tháng 5 năm
1947, kẻ thù đã dùng lực lượng lớn đánh vào làng Kiều Hạ, chúng đốt phá 156 nóc
nhà và giết hại 157 người dân của làng, trong đó có nhiều gia đình bị tàn sát cả
nhà.
Tuy mất mát, đau thương, nhưng nhân dân Kiều Hạ vẫn kiên
trung, anh dũng giữ vững tinh thần chiến đấu đi theo kháng chiến đến ngày toàn
thắng. Sự kiện ngày 7 tháng 5 năm 1947 đã được nhân dân Kiều Hạ dựng bia khắc
ghi tội ác của kẻ thù thực dân, đế quốc và tay sai.
Vào ngày đó hàng năm nhân dân tổ chức thành ngày giỗ trận của
dân làng để tưởng nhớ sự hy sinh của đồng bào quê hương. Đồng thời khắc sâu tội
ác của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của tổ quốc.
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc Kiều Hạ có 4 Bà mẹ
Việt Nam anh hùng, 1 gia đình được tặng bằng có công với nước, 119 liệt sĩ, 43
thương bệnh, binh. Đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp làng Kiều Hạ vinh dự
có ông Đinh Văn Phờ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Những thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp của
làng Kiều Hạ đã góp phần to lớn xây dựng nên xã Quốc Tuấn trở thành đơn vị Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đình Kiều Hạ
Đình Kiều Hạ thờ bốn vị Thành hoàng: Cao Sơn Đại vương, Quý
Minh Đại vương, Hoàng Triều Tôn thần và
Hoàng Bá Tôn thần. Các vị Thành hoàng là những danh tướng của Hùng Duệ
Vương, vua Hùng đời thứ 18. Theo bản thần tích của đình Kiều Hạ và sách “Từ điển
bách khoa địa danh Hải Phòng”, thân thế, sự nghiệp của bốn vị Thành hoàng thờ tại
đình Kiều Hạ được tóm lược như sau:
Nguyễn Sùng tên hiệu Cao Sơn Đại vương có người em là Qúy
Minh Đại vương, hai ông cùng sinh ngày 15 tháng 9, cùng hóa ngày 10 tháng 2 thời
vua Hùng Vương thứ 18.
Thân phụ là Nguyễn Danh Đính, thân mẫu là Cao Thị Nham, quê ở
động Lăng Thương ( còn đọc là Lăng Xương), phủ Gia Hưng, tỉnh Sơn Tây ( nay thuộc
Hà Nội). Khi 12 tuổi bố mẹ qua đời hai ông được người anh họ là Tản Viên đưa về
nuôi, coi như người ruột thịt. Hàng ngày 3 anh em kiếm củi làm kế sinh nhai.
Sơn Thánh Tản Viên được Thái Bạch thần tinh và vua Thủy Tề
cho cây gậy trúc thần và sách ước để làm việc thiện cứu dân giúp đời. Người dân
tôn vinh Tản Viên Sơn Thánh, Tản Viên phong cho Cao Sơn là Tả thần, phong cho
Qúy Minh là Hữu thần, chia nhau cai quản các vùng rừng núi.
Thời đó ở trang Điều Yêu Hạ, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương có vợ
chồng ông Phạm Hòa và bà Trần Thị Diệu, gia đình hiền lành phúc hậu, ham làm điều
thiện. Gia đình ông bà là hào trưởng trong vùng.
Ông bà sinh được hai người con trai khôi ngô tuấn tú, người
anh được đặt tên là Văn, người em tên Minh. Năm 12 tuổi tài năng hơn hẳn người
thường, dốc lòng nghiên cứu văn chương, võ lược. Năm 18 tuổi hai ông đều quyết
chí lập công giúp nước. Hai anh em đến kinh đô học tập, luyện rèn.
Thời gian đó Vua Hùng lập trường kén rể ở Bạch Hạc, Việt Trì,
hai anh em Văn, Minh đều ứng thi nhưng không đạt. Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại
vương và Qúy Minh Đại vương cũng đến trường thi. Sơn Thánh dâng lễ trước và được
vua gả công chúa và đưa về động trong núi.
Cao Sơn khi về gặp hai anh em Văn, Minh, thấy hai người khôi
ngô, tuấn tú chí khí hơn người, hỏi rõ nguồn gốc rồi nhận làm con nuôi, yêu
thương như con đẻ. Sơn Thánh được vua phong làm Tả Đô đài Đại phu, Qúy Minh làm
Hữu Đô đài Đại phu. Cao Sơn đổi tên cho hai người con nuôi theo dòng dõi Hoàng
tộc, ông Văn là Hoàng Triều, ông Minh là Hoàng Bá.
Sau thời gian đó Thục Phán vốn là cháu ngoại vua Hùng dẫn
quân đến xâm lấn. Sơn Thánh tâu nhà vua cử Cao Sơn làm Dũng liệt Đại tướng
quân; Hoàng Triều là Tuần kiểm úy, Hoàng Bá làm Phòng nhung úy, quản lĩnh 5
ngàn thủy quân, 300 chiến thuyền để đồn trú tại các cửa bể. Cử Qúy Minh làm
Hùng Uy tướng quân dẫn 5 vạn tinh binh, 300 quân kỵ trấn thủ chặn đánh quân địch
theo đường bộ.
Hoàng Triều, Hoàng Bá xin với cha nuôi về qua Kiều Hạ, các
Ngài thấy nơi đây là vùng đất hiểm yếu có nhiều dòng chảy bao bọc, nước đổ về.
Các Ngài cho chiêu mộ tráng đinh, lập đồn binh để tiếp ứng đánh địch.
Xếp đặt xong mọi việc các ông mang quân đi đánh giặc, đến
sông Lục Đầu gặp địch, các ông ra sức tiến đánh, hai tướng giặc là Hùng Cự và Sầm
Thúc bị giết. Quân giặc thua to, chúa Thục phải chạy về nước, quân ta về triều
báo tiệp.
Đức ngài Cao Sơn cùng hai người con nuôi về Kiều Hạ khao
quân, trẻ già trai gái rất mừng vui và xin được làm thần tử. Đất nước thanh
bình vua phong Cao Sơn làm Quyền chưởng quốc tiết chế Võ định công, Hoàng Triều
làm Hữu Đô lang, Hoàng Bá làm Tả Đô lang.
Sau thời gian đó song thân của hai ông qua đời, vua cho
Hoàng Triều, Hoàng Bá về cư tang cha, mẹ. Hai ông thờ cúng hiếu kinh ba năm,
mãn tang về triều nhậm chức. Nhà vua thưởng công cho hai ông nên ban cho Kiều Hạ
được miễn trừ thuế khóa, lao dịch.
Dân Kiều Hạ đều ca ngợi công ơn của hai ông. Vua Hùng ở ngôi
được 105 năm sau đó cơ đồ họ Hùng chuyển về tay Thục. Cao Sơn bỏ quan về sống ẩn
dật nơi quê nhà tại núi Tung Sơn, nằm ở bên phải núi Tản Viên, sau đó ông mất
vào ngày 10 tháng 2. Chúa Thục thấy Ngài là bầy tôi trung liệt có nhiều công lớn,
nên phong cho Ngài là Cao Sơn Thượng đẳng thần và lệnh trong nước nơi nào Đại
Vương đóng quân được dựng đền, miếu phụng thờ.
Sau khi Cao Sơn Đại vương mất, đức ngài Hoàng Triều, Hoàng
Bá về Kiều Hạ cùng dân làng dựng miếu thờ Cao Sơn Đại Vương. Hai ông sống cùng
dân trại lấy nhân nghĩa để cố kết lòng người, mang tín lễ để rèn thành mĩ tục,
hết lòng giúp đỡ người nghèo khổ.
Người dân đều ca ngợi công đức của hai ông như trời, đất như
cha mẹ của mình. Được ba năm, hai ông bị bệnh, trước khi mất hai ông mời dân
làng đến trao cho 300 quan tiền để mua ruộng đất dùng cho việc thờ cúng và xin
được phối thờ ở dưới ban thờ người cha nuôi.
Hai Ngài cùng mất ngày 10 tháng Chạp. Nhân dân Kiều Hạ làm lễ
an táng hai ông tại nơi đất lành, rồi viết thần hiệu Hoàng Triều, Hoàng Bá lên
thần vị để thờ cúng chung với miếu thờ của Cao Sơn Đại Vương. Niên hiệu Hưng
Long thứ 20 (1312 ), vua Trần Anh Tông gia tặng cho Cao Sơn duệ hiệu: Anh uy,
Cương đoán, Phù hóa, Đôn nghĩa. Nhiều triều đại ban sắc phong cho Cao Sơn Thượng
đẳng thần, Hoàng Triều, Hoàng Bá là tôn thần. Sau này dân làng Kiều Hạ tôn thờ
bốn vị làm Thành hoàng và tạc tượng để phụng thờ.
Thần tượng Đình Kiều Hạ
Đình Kiều Hạ theo tương truyền được khởi dựng vào thời Hậu
Lê, Thế kỷ XVII – XVIII, trải qua thăng trầm của lịch sử công trình đã bị hủy
hoại, năm 1986 đình được từng bước xây dựng lại trên nền đất cũ. Đình Kiều Hạ
hiện nay là công trình kiến trúc truyền thống nhìn về hướng Tây Nam, tọa lạc
trên khuôn viên đất rộng trên 1200 m2.
Ngôi đình làm bằng vật liệu hiện đại kết hợp với vật liệu
thiên nhiên. Đình có mặt bằng kiến trúc chữ công, mái tòa tiền tế chéo đao tầu
góc, lợp ngói mũi hài lớn. Trên mái đình được đắp trang trí theo đồ án truyền
thống như đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm,
các góc đao đắp tổ hợp rồng chầu, phượng vũ.
Đình cấu trúc tiền tế 5 gian, 2 gian ống muống và 3 gian hậu
cung cũng là cung cấm. Hệ thống khung chịu lực của đình Kiều Hạ làm bằng bê
tông, cốt sắt, hệ thống cấu kiện đỡ mái bằng gỗ. Tiền tế cấu trúc 4 bộ vì
chính, vì bốn hàng chân cột, kết cấu bộ vì theo thức vì nách thuận chồng bốn
con, vì nóc thuận chồng 2 con và tạo giá chiêng.
Trên các cấu kiện kiến trúc đều được đắp trang trí đề tài
truyền thống như lá lật, hoa sen cách điệu. Hệ thống cửa chính tòa tiền tế gồm
ba bộ cửa làm bằng gỗ tốt, đóng theo kiểu cửa cổ, cửa thùng khung khách. Hai
gian ống muống, bộ vì kết cấu hai hàng chân cột, cột quân thay bằng tường bao
che, cấu trúc vì tương tự như bộ vì gian tiền tế.
Tòa cung cấm có nền cao hơn nền bên ngoài khoảng 35 cm, bởi
vậy bước lên cung cấm phải qua bậc cấp. Cung cấm có ba cửa, cửa chính lớn ở giữa
có bốn cánh, cửa nách hai bên, mỗi cửa hai cánh, các cửa làm theo thức cửa ba
lô. Trong cung cấm, gian chính điện xây bệ thờ lớn, trên bệ thờ đặt trang trọng
thánh tượng của bốn vị Thành hoàng.
Đình Kiều Hạ tuy trải qua binh lửa chiến tranh, nhưng đến
nay vẫn còn bảo lưu được khá nhiều đồ thờ tự, tế khí có giá trị về lịch sử, mỹ
thuật, nhiều hiện vật đã trở thành cổ vật như: thánh tượng, câu đối, đại tự,
nhang án, kiệu bát cống…Xin giới thiệu một số di vật tiêu biểu như sau:
- Thần tượng: gồm bốn vị Thành hoàng được tạc bằng gỗ quý,
ngồi trong long ngai. Bốn vị thần tượng và long ngai đều được chạm khắc với
phong cách tương đồng, rất tinh xảo và có giá trị mỹ thuật cao. Thần tượng có
kích thước lớn hơn người thường một ít, ngồi tự nhiên, chân buông thẳng, hai
bàn tay với các ngón tay búp măng dài đặt úp tự nhiên trên đầu gối, thần tượng
trong tư thế thiết triều. Thần tượng mặc phẩm phục, đội mũ cánh chuồn, chân đia
hia.
Trên các vị trí bối tử, đầu gối, vai phẩm phục đều được thêu
rõ long, vân hội, phía dưới vạt áo của phẩm phục thêu sóng nước. Tượng mặt
vuông chữ điền, mắt nhìn thẳng, có hàng ria mép trên miệng và chòm râu dài. Thần
thái thể hiện sự cương nghị, nhưng cũng rất nhân hậu, bao dung. Toàn bộ tượng
được sơn son, thếp bạc, phủ mầu vàng kim đẹp lung linh. Qua hoa văn tạo tác
trên phẩm phục có thể xác định bốn thần tượng được tạo tác trong cùng thời gian
và có niên đại cuối Thế kỷ XIX.
- Kiệu bát cống: kiệu bát cống làm bằng gỗ quý và nhẹ, kiệu
thuộc loại kiệu trung. Kiệu gồm 8 người khiêng, dùng để rước thánh trong các dịp
lễ hội làng. Kiệu cấu tạo gồm 4 cặp thanh rồng, các cặp thanh rồng được kết nối
với nhau thành ba tầng qua những chốt sắt và bánh chè, bởi vậy khi tháo lắp dễ
dàng và khi rước kiệu có thể di chuyển quay các hướng một cách thuận tiện.
Các thanh rồng được chạm khắc tinh xảo với hình rồng có đầy
đủ đầu, thân và đuôi. Đầu rồng chạm nổi rõ mắt lồi, có những chùm râu, tóc dài
bay theo chiều gió về phía sau, thân rồng tạc nổi những hàng vảy ken chồng lên
nhau thành từng lớp, đuôi rồng uốn cong tỏa rộng dài ra về phía sau như những dải
mây.
Trên kiệu đặt long đình, long đình nối kết với kiệu qua hệ
thống mộng xuyên, khi cần có thể nhấc ra khỏi kiệu. Trên long đình cũng được chạm
khắc rất tinh xảo và đẹp với các đề tài tứ linh, tứ quý hoa lá thiêng. Đây là bộ
kiệu long đình còn nguyên vẹn có giá trị mỹ thuật cao. Qua những nét hoa văn tạo
tác có thể xác định được bộ kiệu long đình được chế tác và cuối Thế kỷ XIX.
- Câu đối: hai bộ câu đối được tạo tác có kích thước kiểu
dáng tương đồng nhau, câu đối kiểu lòng máng, có kích cao và khá lớn được treo
trang trọng trên cột cái tòa tiền tế. Diềm câu đối chạm khắc hoa văn hoa dây,
câu đối chạm trang trí theo thức thượng cầm, hạ thú, phía trên đầu câu đối chạm
nổi hình chim phượng, dưới câu đối chạm nổi hình lân trong mây. Câu đối chạm nền
hoa gấm, khắc nổi đối liễn bằng chữ Hán sơn then.
-Câu đối treo cột cái gian trung tâm tòa tiền tế
Chữ Hán:
- 翊保雄圖故國有喬木
- 光谁越史施惠及下民
Phiên âm:
- Dực bảo Hùng đồ cố quốc hữu kiều mộc
-Quang thùy Việt sử thí huệ cập hạ dân
Dịch nghĩa:
- Gíup sức triều Hùng, nước xưa có danh tướng
- Sử Việt sáng danh, ân huệ để cho dân
Câu đối thứ 2, treo tại cột cái gian bên tòa tiền tế;
Chữ Hán: - 護國庇民越地千秋增錦秀
- 扶危助難南天萬古印輝煌
Phiên âm:
- Hộ quốc tí dân, Việt địa thiên thu, tăng cẩm tú
- Phù nguy, trợ nan, Nam thiên vạn cổ, ấn huy hoàng
Dịch nghĩa:
- Gíúp nước, cứu dân,
đất Việt ngàn năm thêm mãi đẹp
- Chuyển nguy, giải hạn, trời Nam muôn thuở rõ huy hoàng
Hai câu đối không đề lạc khoản, nhưng qua hoa văn trang trí
trên câu đối có thể xác định câu đối có niên đại đầu Thế kỷ XX, câu đối do cộng
đồng dân làng cung tiến vào đình Kiều Hạ.
Xưa kia nhân dịp tưởng niệm ngày mất của Cao Sơn, Qúy Minh,
ngày 10 tháng 2 âm lịch, nhân dân Kiều Hạ tổ chức hội làng trong ba ngày 8, 9
và 10. Trong hội lễ có rước thánh từ đình ra miếu Sộp, sau đó đi quanh làng rồi
về đình tế lễ. Lễ rước thánh có kiệu, long đình, bát hương và các nghi trượng,
nghi vệ như: bát biểu, tàn tán lọng, chấp kích…Ngoài phần tế lễ dâng hương
thánh, lễ hội còn có những trò chơi thi đấu như: đấu vật, bắt vịt, đi cầu thùm,
đu tiên…Ngày nay địa phương đang từng bước kế thừa và phát huy những nét văn
hóa đặc sắc trong lễ hội làng của tiền nhân để lại.
Chùa Kiều Hạ
Chùa Kiều Hạ, nằm trong cụm di tích đình – chùa Kiều Hạ xã
Quốc Tuấn. Chùa Kiều Hạ có tên Nôm là chùa Hang, tên chùa Hang, được giải thích
bởi tại khuôn viên chùa có hang nước ngọt, song tên Nôm chùa còn gợi mở cho
chúng ta suy nghĩ về thời gian ngôi chùa hình thành từ rất xa xưa, vì tên Nôm của
người Việt thường được sử dụng trước Thế kỷ X.
Chùa có tên chữ là Linh Quang (靈光), tên mang ý nghĩa ánh
sáng linh thiêng của Phật pháp được chiếu rọi tới nơi đây. Qua nghiên cứu về những
cổ vật hiện ngôi chùa đang lưu giữ, bảo tồn như bia đá, tượng pháp …có thể xác
định chùa Kiều Hạ được xây dựng muộn nhất vào thời Mạc, Thế kỷ XVI. Bởi trong
bia đá dựng niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700), ghi việc trùng tu lớn ngôi chùa,
có ghi chùa Linh Quang là nơi cổ tích danh lam có từ rất lâu đời.
Thời điểm trùng tu trên sư trụ chùa là vị tăng Phạm Minh
Hào, tên chữ là Huyền Văn, người xã An Hựu (nay là thôn An Hựu, xã Khởi Nghĩa,
Tiên Lãng).
Trong đợt đại trùng tu chùa lớn nêu trên văn bia ghi rõ làm
lại thượng điện, thiêu hương, tu bổ lại tượng, đúc hồng chung (chuông lớn) và
làm một số pho tượng mới…
Chùa Kiều Hạ
Cũng như đình Kiều Hạ, chùa Kiều Hạ cũng có những thành tích
tham gia đóng góp trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của địa
phương. Nhà sư Thích Thanh Mỹ trụ trì chùa Kiều Hạ trong thời gian kháng chiến
chống Pháp đã có nhiều công lao, nên ông đã được tặng Huân chương kháng chiến hạng
3. Trải qua thăng trầm của lịch sử ngôi chùa Kiều Hạ đã bị hủy hoại trong thời
kỳ kháng chiến chống Pháp.
Năm 2010 chùa Kiều Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ, thế
đất chùa tọa lạc trên gò đống rất cao ráo, theo các nhà phong thủy chùa nằm
trên lưng của con rùa. Bên cạnh chùa có lạch nước thông ra sông Lạch Tray, trước
đây thuyền bè của người dân làm ăn trên sông nước vào neo đậu tại đây để lấy nước
ngọt và lên chùa lễ Phật.
Chùa Kiều Hạ hiện nay làm bằng chất liệu hiện đại kết hợp với
vật liệu truyền thống. Chùa có mặt bằng kiến trúc chữ đinh truyền thống, gồm 5
gian tiền điện và 3 gian hậu điện.
Chùa xây kiểu đầu hồi bít đốc, trụ đấu tay ngai. Bộ khung
tòa tiền điện có kích thước khá cao, tạo cho nội thất chùa thông thoáng, cấu
trúc bộ khung gồm 6 bộ vì, vì 5 hàng chân cột, có hệ thống cột hiên, trên cột
hiên được đắp nổi hình rồng uốn lượn trong mây trong tư thế bay lên.
Các bộ vì kết cấu, vì nách thuân chồng 3 con, vì nóc thuận
chồng 2 con và tạo thành giá chiêng. Trên các cấu kiện của bộ vì đều được đắp
trang trí hoa văn theo thức truyền thống lá guột, hoa sen cách điệu. Tòa hậu điện
cấu trúc gồm 4 bộ vì, vì hai hàng chân cột, hệ thống cột quân không có, cấu kiện
xà gác trên tường bao che của chùa. Kết cấu các bộ vì của tòa hậu điện tương tự
như bộ vì tòa tiền điện.
Trải qua thăng trầm lịch sử và binh lửa chiến tranh chùa Kiều
Hạ còn gìn giữ được nhiều cổ vật có giá trị về lịch sử văn hóa và mỹ thuật. Xin
giới thiệu một số cổ vật tiêu biểu như sau:
- Tấm bia đá: “Trùng tu Linh Quang tự” (重修靈光寺),bia
đặt trên lưng rùa đá, trên diềm bia, trán bia đều chạm khắc hoa văn trang trí rất
đẹp. Bia dựng niên hiệu Chính Hòa, đời vua Lê Hy Tông thứ 21 (1700). Soạn văn
bia là vị chức sắc của làng có tên là Phạm Minh, tên chữ là Huyền An.
- Chuông đồng: Chuông
cao 110 cm. đường kính miệng 63 cm, bia đúc niên hiệu Gia Long thứ 13 (1814)
- Tượng Phật: tổng số
15 pho tượng gồm: tam thế 3 pho, Adi đà tam tôn 3 pho, Hoa nghiêm tam thánh 3
pho, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu 3 pho, tượng Đức Ông, tượng Mẫu, tượng Khuyến
thiện, Trừng ác, Thích Ca sơ sinh. Hệ thống tượng của chùa có niên đại trải dài
từ Thế kỷ XVII đến đầu Thế kỷ XX. Hệ thống tượng Phật chùa Kiều Hạ là bộ sưu tập
tượng Phật rất cổ kính còn lại rất ít của các chùa trong huyện An Dương
Tại chùa Kiều Hạ hàng năm vào các dịp lễ Phật đản 8 tháng 4
âm lịch; ngày hội chùa đầu xuân 9 tháng Giêng, lễ Thượng Nguyên. Ngày 14 tháng
7 âm lịch, ngày giỗ của vị sư tổ Thượng tọa Thích Thanh Mỹ, nhà chùa lấy làm
ngày giỗ tổ chung của chùa, Đặc biệt ngày 7 tháng 5 âm lịch được quy ước là
ngày giỗ trận chung của cả làng, tại đình, chùa Kiều Hạ, nhân dân tổ chức dâng
hương để tưởng niệm, cầu siêu cho những người dân vô tội bị thực dân Pháp sát hại
năm 1947.
Chùa Kiều Hạ hiện nay do nhà sư Thích Thanh Nguyên trụ trì,
nhà sư cũng đã gắn bó với ngôi chùa gần 40 năm. Những công trình kiến trúc hiện
có tại chùa hầu như do nhà sư cùng nhân dân tạo dựng. Nhà chùa hiện có trên 300
hội viên Hôi quy hướng về Phật, hành đạo.
Chùa Kiều Hạ có khuôn viên cảnh quan đẹp với hồ nước trong
mát có hoa sen nở rực rỡ, nhiều cây cổ thụ trong vườn, có vườn tháp với 6 mộ
tháp, trong đó có 5 mộ tháp cổ kính, chứng minh cho chiều dài thời gian với những
tầng lớp các vị sự trụ trì tại chùa. Chùa Kiều Hạ còn tiềm ẩn khá nhiều những
giá trị lịch sử văn hóa cần được tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu.
Đình - chùa Kiều Hạ với những giá trị hàm chứa đang trở
thành một địa chỉ đỏ để người dân trong và ngoài địa phương đến chiêm bái, tri
ân những sự hy sinh anh dũng của tiền nhân trong công cuộc kháng chiến chống
Pháp thần thánh của dân tộc. Đồng thời tìm đến một vùng quê văn hóa mang dấu
tích từ thời Hùng Vương dựng lên nhà nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của người
Việt.
Nguyễn Thị Sen
Nguồn: Cổng thông tin điện tử xã Quốc Tuấn