Theo thần tích lưu giữ trong đình, Trương Quang là một vị tướng người làng đi theo Tản Viên Tam thánh. Ngài chìm cùng chiến thuyền xuống sông sau khi đánh đuổi được quân của Thục Phán ra khỏi bờ cõi Văn Lang.
Đình Kiều Thị có từ thế kỷ 16. Thờ thành hoàng:
Thông Quang đại vương Trương Quang, tướng của vua Hùng thứ 18. Địa chỉ:
thôn Kiều Thị, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Cách Hồ Gươm:
khoảng 24km về phía nam.
Trước tháng 8-1945 thôn Kiều Thị thuộc xã Vũ Lăng, tổng
Bình Lăng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Ngày nay thôn
nằm ở khoảng giữa của đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và quốc lộ
QL1A, về hành chính thuộc xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.
Thôn Kiều Thị xưa kia từng gọi điếm Cầu Thị, thuộc trang
Vũ Lăng, một làng Việt cổ ở cách bãi Tự Nhiên ven sông Hồng chỉ
khoảng 4 dặm. Tương truyền, bãi đất bồi đó chính là nơi nảy nở mối
duyên kỳ lạ giữa chàng đánh dậm Chử Đồng Tử với công chúa cả Tiên
Dung của vua Hùng thứ 18. Vị thành hoàng Kiều Thị cũng sống dưới
thời Hùng Duệ vương nhưng có nguồn gốc thuỷ thần.
Sân đình Kiều Thị. Photo NCCong ©2019
Lược sử
Theo thần tích lưu giữ trong đình, Trương Quang là một
vị tướng người làng đi theo Tản Viên Tam thánh. Ngài chìm cùng chiến
thuyền xuống sông sau khi đánh đuổi được quân của Thục Phán ra khỏi bờ
cõi Văn Lang.
Vua phong Ngài là Thông Quang đại vương, mỹ tự Vạn Cổ
Phúc Thần Ức Niên Hương Hoả Dữ Quốc Đồng Hưu Vĩnh Vi Hằng Thức khâm tai. Về
sau vua Trần Nhân Tông tặng thêm 8 chữ Thượng Đẳng Phúc Thần Uy Linh Hiển Ứng.
Bản thần tích trên do Hàn Lâm viện Đông Các đại học sỹ
Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572). Năm Vĩnh Tộ thứ 5 (1624)
Thiếu khanh Nguyễn Hiền chiểu theo bản chính gốc phụng tả. Năm Khải Định thứ 3
(1918) các hương lão của thôn Kiều Thị đã được phép lập và mang bản sao về
đình.
Vườn đình Kiều Thị. Photo NCCong ©2019
Kiến trúc
Từ quốc lộ QL1A có con đường to lát gạch, xe ô tô có
thể đưa du khách thẳng đến cổng làng Kiều Thị khá đồ sộ rồi rẽ
trái sang cụm di tích chùa, đền và đình nằm bên nhau. Đình mới được
trùng tu trên nền cũ, mặt vẫn quay hướng tây bắc nhìn qua sân ra hồ
nước, mé hữu sân có một cổ thụ rất đẹp.
Tiền tế xây rộng 3 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc,
hiên dài với hàng cột và cửa gỗ bức bàn, trên bờ nóc có đắp hình
lưỡng long triều nguyệt. Mặt bằng đình làm theo hình “chữ Công” hậu
cung kết nối với tiền tế và có hai hành lang nhỏ ở hai bên. Mái cung
cấm nhô hơi cao và lưng áp gần bức tường ngăn với vườn chùa.