Truyền thuyết kể lại rằng, khi xây xong đình, làng cử người lên đền Hùng xin thẻ, kết quả là Kim Lũ thờ Quý Minh đại vương, Kim Văn thờ Ngọc Hoa công chúa (vợ Tản Viên sơn thánh). Đến ngày hội làng, phải rước kiệu đại vương sang đền Kim Văn để thỉnh chị dâu về dự.
Đình Kim Lũ làng Lủ Trung có từ lâu đời, mới được xây lại. Theo
thần lệ là nơi thờ phụng thần núi Quý Minh Đại vương. Đình xếp hạng: Di tích
thành phố năm 2018. Địa chỉ tại số 206 đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận
Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội.
Làng Kim Lũ nằm ven bờ nam sông Tô Lịch, từ thời Lê sơ đã
đông đúc dân cư. Khi Mạc Đăng Dung (1483-1541) chiếm ngôi, tương truyền có một
phi tần nhà Lê mang thai trốn thoát về Lủ, sinh ra hoàng tử Lê Duy Ninh tại
thôn Trung; lớn lên được Nguyễn Kim lập làm vua Lê Trang Tông (1515-1548). Sau
khi vua mất, dân Kim Lũ xây đền thờ và Lê Thần Tông (1607-1662) đã cấp ruộng để
dân lấy hoa lợi làm giỗ.
Đầu thời Nguyễn, Kim Lũ là một xã thuộc tổng Khương Đình,
huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín. Năm 1942, xã thuộc Đại lý Hoàn Long, Hà Nội.
Năm 1946 đổi là Tam Kim vì có ba thôn: Kim Lũ, Kim Giang, Kim Văn.
Năm 1949, xã có thêm 2 thôn Thượng Đình, Hạ Đình sáp nhập và
thuộc quận VI. Năm 1954, Thượng Đình và Hạ Đình tách về Nhân Chính, xã Tam Kim
nhập thêm thôn Đại Từ nên đổi tên là xã Đại Kim. Từ cuối 2003 trở thành phường
Đại Kim, thuộc quận Hoàng Mai.
Kim Lũ vốn có nghề phụ là làm bánh đa khoai, chè lam, kẹo vừng,
bỏng bộp. Nơi đây còn nổi tiếng với những vị đỗ đại khoa như Hồng Hạo
(1677-1748), Nguyễn Công Thái (1684-1758), Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), Nguyễn
Trọng Hợp (1834-1902), Nguyễn Sĩ Cốc (1888-?).
Cổng đình nhìn ra đường Kim Giang, bên trong thờ Quý Minh đại
vương. Nay trong nhà tả mạc của đình làng còn giữ được tấm bia Kim Lũ Trung
Thôn Văn Từ Bi, dựng năm Đinh Hợi đời vua Đồng Khánh (1887). Tháng 4-2018 tại
Quyết định số 2001/QĐ-UBND đình được xếp hạng di tích lịch sử thành phố.
Kiến trúc
Đình Kim Lũ mới trùng tu trong thập niên 2010. Tam quan nằm
giáp đường Kim Giang, cổng chính gồm 2 trụ biểu lớn, cổng phụ hai bên xây 2 tầng
8 mái giả. Sân gạch khá rộng, giữa sân có một bức bình phong đắp cuốn thư, bên
hữu bình phong là một nhà khách 3 gian 2 dĩ có hàng hiên, xây tường hồi bít đốc.
Tiền tế 3 gian rộng, hai bên là dãy tả hữu vu 3 gian, cũng xây tường hồi bít đốc.
Đại đình xây chồng diêm, hậu cung sâu 3 gian. Hiện tại đình có rất ít cây xanh.
Đồ họa 3D mô phỏng Đình Kim Lũ sau khi nâng cấp
Di sản
Tương truyền Kim Lũ là quê ngoại của Lê Trang Tông. Một lần
vua về đây làm lễ tế Nguyên Tiêu, nhân dịp này đã tặng các bô lão trong làng
cùng tuổi 55 như vua mỗi vị một vuông khăn đỏ.
Sau này dân Kim Lũ hàng năm có tục vào ngày 7 tháng Giêng âm
lịch làm lễ lên lão từ tuổi 55, đồng thời khao lão cho các cụ bằng và già hơn
thế. Đền Vua Lê xưa gọi là điện Kim Long, tiếc rằng bị phá từ thời kháng chiến
chống Pháp. Xung quanh đền có một số di tích như Ao Chầu, Giếng Ngự, Vườn Phủ,
Mả Quan.
Có thể đến đây thăm di tích nhà thờ Tổ do Nguyễn Siêu xây,
bên cạnh nhà thờ thượng thư Nguyễn Trọng Hợp, nhà thờ tể tướng Nguyễn Công Thái
và đền thờ công chúa Lê Thị Cúc Phương, con vua Lê Đại Hành.
Làng có một cổng chính và năm cổng phụ nhìn ra năm hướng
khác nhau. Cổng chính quay hướng Đông, trên có đắp hai chữ “Quan Miện” (Mũ
Quan), do án sát Sơn Tây là Nguyễn Sĩ Nhiếp hưng công.
Năm 1902, vua Thành Thái từ Huế ra khánh thành cầu Long
Biên, có về Kim Lũ thăm thầy học cũ là cụ nghè Nguyễn Trọng Hợp. Tại đình làng
còn đôi câu đối của cụ nghè:
Tản lĩnh vân cao dao vọng, thần quang thiên thu nhiễu
Tô giang thủy tú trường lưu, danh tích bách linh triều.
Đông Tỉnh tạm dịch:
Mây cao trông vời đỉnh Tản, nghìn thu tỏa ánh thần
Nước đẹp chảy mãi dòng Tô, trăm linh chầu danh tích.
Đình Kim Lũ. Panorama (c) NCCong 2018
Lễ hội
Hàng năm Kim Lũ có 3 ngày lễ lớn. Ngày 7 tháng Giêng âm lịch:
Lễ khao lão và lên lão. Ngày 22 tháng Giêng: Lễ tạ ơn vua Lê. Từ ngày 8 đến 10
tháng Hai: Lễ hội đình làng. Các cụ kể: ngày xưa khi xây xong đình, làng cử người
lên đền Hùng xin thẻ xem được thờ ai.
Kết quả là Kim Lũ thờ Quý Minh đại vương, Kim Văn thờ Ngọc
Hoa công chúa (vợ Tản Viên sơn thánh, anh của Quý Minh Đại Vương). Cho nên đến ngày hội
làng phải rước kiệu đại vương sang đền Kim Văn để thỉnh bà chị dâu về dự cùng.