Đình Kim Tiên thuộc thôn Kim Tiên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội, thờ phụng vị nhân thần là Bạch Hạc Tam Giang Đại vương Thổ lệnh Đào Trường, phò giúp vua Hùng Duệ Vương dẹp loạn Hoan Châu, đánh giặc ngoại xâm phương Bắc.
Làng Kim Tiên xưa còn có tên gọi là làng “Tươn”, xa xưa làng
Kim Tiên hầu như là rừng rậm đầm lầy, lau sú. Theo truyền tích dân gian thì
làng có từ đời nhà Trần. Lúc đầu gọi là trang sau phát triển lên thành làng.
Làng nằm trên một khu đất ba bề có sông, có rừng, có đầm, cảnh quan kỳ ảo rất đẹp
khác nào cảnh tiên, nên mới có tên gọi là Kim Tiên.
Theo nguồn tư liệu thành văn trong đình như thần phả, sắc
phong cho biết: Đình Kim Tiên là nơi tưởng niệm thần Bạch Hạc Tam Giang, một
nhân vật được thờ làm thành hoàng của nhiều làng quê truyền thống.
Công tích của vị thần được ghi lại như sau: Ông Đào Trường
(tức thần Bạch Hạc Tam Giang) là con thứ ba của ngài Thái phó đất Hoan Châu tên
gọi là Đào Bột. Tướng công Đào Trường có tài võ nghệ cao cường, được tiến cử
làm thổ lệnh trưởng, cai quản lệnh quận Nam Sơn.
Khi ấy giặc Bắc đem quân xâm lược nước Văn Lang, trước nạn
ngoại xâm, Hùng Duệ Vương đã vời thổ lệnh Đào Trường về triều để bàn kế hoạch
đánh giặc. Thổ Lệnh tâu rằng “nên đón đường thuỷ mà đánh”. Nhà vua chuẩn tấu và
giao cho Đào Trường thống lĩnh thuỷ quân, chỉ một trận đã dẹp tan quân giặc.
Thắng trận, Đào Trường đã được triều đình phong làm Thổ lệnh
Quốc thống Đại vương trấn giữ thành Bạch Hạc, chức Quốc trưởng lệnh Đỗ lạc Long
hầu Đại Tướng quân. Sau đó thổ lệnh Đào Trường còn chỉ huy quân đội Văn Lang
đánh tan cuộc xâm lược thứ hai của giặc phương Bắc, dẹp yên loạn ở Hồng Châu.
Trên đường từ Hồng Châu trở về, ông đã hoá. Nghe tin ông mất,
nhà vua vô cùng thương tiếc, phong cho Đào Trường là Thượng đẳng phúc thần và
cho phép 172 làng lập đền thờ Bạch Hạc Tam Giang, trong đó có làng Kim Tiên.
Hàng năm cứ ngày 8 tháng giêng âm lịch, nhân dân lại tưng bừng
mở hội, lễ hội mang những nghi thức thể hiện lòng kính trọng biết ơn các vị thần
Thành hoàng làng và mang đậm bản sắc dân tộc.
Di tích đình Kim Tiên được xây dựng từ khá lâu đời, trải qua
những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, ngôi đình vẫn giữ được nét cổ kính của
ngôi đình truyền thống. Đình toạ lạc trên một khu đất cao thoáng rộng với mái
đao cong ẩn hiện dước tán cây cổ thụ. Đình được bố cục theo lối chữ “đinh” gồm
5 gian 2 dĩ làm theo lối thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ.
Trong di tích còn bảo lưu được số lượng di vật quý như 10 đạo
sắc phong thần, trong đó sắc sớm nhất có niên hiệu Tự Đức thứ 7 (1854), sắc muộn
nhất có niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924).
Đáng chú ý là tấm bia đá có niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4 (1738),
bài ký trên bia ghi việc công đức tu sửa đình, đôi sấu đá thờ với tư thế chầu,
đầu và thân chạm vân xoắn và đạo mác nhọn nghệ thuật thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn
các di vật khác có giá trị như hạc thờ, long ngai, bài vị, hương án, kiệu bát cống,
bát bửu, cửa võng, hoành phi, câu đối có niên đại tạo tác thế kỷ XVIII - XIX.
Đình Kim Tiên đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di
tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1998./.
Theo Hà Nội Danh thắng
và Di tích tập 01