Đình La Cả, phường Dương Nội, quận Hà Đông thờ Thành hoàng Đương Cảnh Công và hai người vợ của ông là Tuyên Nương và Trinh Nương. Ông đã có công lãnh đạo người dân diệt thú dữ bảo vệ làng quê thời Hùng Vương thứ 17.
Theo truyền thuyết và bản thần phả sao lại, vào năm Thành
Thái thứ 6 (1894) trên cơ sở bản gốc của Đông Các đại học sỹ Nguyễn Bính biên
soạn năm 1572: vào thời Hùng Vương thứ 17, vùng đất rộng lớn từ chân núi Tản
Viên xuống đồng bằng bị hàng ngàn thú dữ kéo về hoành hành, gây thiệt hại lớn
cho người, mùa màng và gia súc. Vua Hùng cho sứ giả đi tìm người tài về diệt trừ
thú dữ cứu dân.
Thời đó, có ông Dương Cảnh Công là người làng La Cả lên kinh
đô xin vua được thống lĩnh quân tướng đi diệt ác thú. Ông đã tập hợp trai tráng
khắp nơi, sắm vũ khí, làm hầm bẫy và tổ chức các cuộc săn lùng. Từng bầy thú dữ
lần lượt bị tiêu diệt.
Cuối cùng, chúa sơn lâm là "con hổ lang vàng mép"
bị sa bẫy tại làng La. Dân làng giết thịt ăn mừng, xương hổ chôn thành gò đống,
gọi là đống hùm trên đường từ đình về quán của làng hiện nay. Bộ da hổ được giữ
nguyên để dâng lên Dương Cảnh Công - người có công diệt trừ ác thú, được dân
làng tôn thành thành hoàng.
Tại Đình làng hiện còn giữ 22 đạo sắc phong “Đương Cảnh
Thành hoàng Đô đốc linh ứng Đại vương; Bảo thắng phù tộ Đại vương; Tả trung
công Hoàng hậu Đại vương; Hữu trung cung Hoàng hậu Đại vương”.
Đình nằm trên thế đất cao rộng nhìn về hướng Tây, kiến trúc
của Đình được dựng theo lối chữ Nhị (=) gồm hai ngôi Tiền tế và Đại Bái, phía
ngoài có thêm Tả, Hữu mạc, sân và Nghi môn kiểu cột đồng trụ, tường bao. Đình
nhìn ra cánh đồng với hệ thống cột đồng trụ đồ sộ. Tam quan đình La Cả hai tầng
8 mái đao cong, giữa hai tầng được đắp vẽ rồng bay phượng múa. Qua Tam quan là
sân đình rộng. Hai bên Tả, Hữu mạc là 4 cột đồng trụ được đắp con sấu, búp sen
đối xứng nhau.
Đây là một ngôi đình cỡ lớn và là một công trình kiến trúc
quý hiếm. Ngôi Đại bái 7 gian 2 dĩ với chiều dài 22m, rộng 5,29m, cao 4,2m được
làm theo thể thức hai hàng chân cột. Đại đình 4 mái chảy rộng đều được lợp ngói
ri cổ, 4 đầu đao Rồng 3 lớp cong thanh thoát.
Chính giữa bờ nóc đắp nổi “Lưỡng long chầu nguyệt” dưới mặt
hổ phù biểu thị sức mạnh, hai bên là guột chầu vào bờ nóc. Từ bờ nóc xuống các
đao đình là những con giống: kìm, nghê đang ở tư thế chạy lên, ngoảnh đầu xuống
rất sinh động. Kiến trúc bên trong toà Đại Đình vì nóc kiểu chồng rường giá
chiêng.
Điểm nổi bật nghệ thuật điêu khắc trên kiến trúc đình La Cả
rất phong phú: từ đầu dư, đầu bẩy, rường cốn, đấu kê đều được chạm khắc ván đầu
rồng, rồng cách điệu uyển chuyển, vân mây, hoa lá và lá lật.
Đáng chú ý là các đầu dư đình đều được chạm nổi đầu rồng miệng
ngậm hạt ngọc với râu tóc hình đao mác nét đặc trưng của thời Lê. Trên những
hàng cột đình có các hệ thống câu đối được sơn son thếp vàng ca ngợi công lao vị
Thành hoàng làng.
Trong cách mạng, đình La Cả là nơi tập trung cướp chính quyền
cách mạng Tháng 8 vào ngày 17/8/1945, tịch thu toàn bộ ấn tín, sổ đinh điền,
triện bạ về tay nhân dân. Đình còn là trụ sở của Việt Minh, trụ sở của Uỷ ban
kháng chiến và còn là nơi hoạt động của các đoàn thể như: Thanh niên cứu quốc,
phụ nữ cứu quốc.
Đặc biệt nơi đây còn diễn ra lễ hội truyền thống dân gian đậm
nét độc đáo
“Hội Đăm, rước giá, hội Thầy,
Vui là vui vậy chẳng tày Giã La”
Hội chính còn gọi là đại đám, thường 5 năm mới mở một lần. Đại
đám bắt đầu từ ngày hội 6 tháng giêng kéo dài đến hết 14 tháng giêng âm lịch. Lễ
hội ở đây có nhiều điều hấp dẫn và khác biệt với các lễ hội những làng lân cận.
Đi đầu đoàn rước là đội sư tử tượng trưng cho sức mạnh, sự uy nghi của phật thánh và còn tạo sự vui nhộn cho lễ hội.
Đúng 9 giờ, sau các nghi lễ dâng hương thì các đội rước đã vào vị trí chuẩn bị xuất phát rước kiệu lên Miếu đón Thánh.
Đối với người dân làng La, đây là một ngày thực sự vui vẻ và hạnh phúc, mọi người tụ họp từ sớm để chờ đợi đoàn kiệu đi qua.
Các bà, các cụ khăn áo chỉnh tề để tham gia vào đội rước, ai nấy đều rất hào hứng và phấn khởi.
Đây là đội trống đi ngay sau kiệu tạo sự vui tươi, nhộn nhịp.
Các bé tham gia đội múa xin tiền với những tiếng trống rộn ràng, những đôi tay uyển chuyển đã làm nên một hình ảnh độc đáo, góp phần gìn giữ các nét đẹp văn hóa từ lâu đời.
Mỗi một tổ dân phố đều đặt bàn thờ đón kiệu đi qua, mong một năm người dân của khu phố được ấm no, vui vẻ, mùa màng bội thu.
Rước kiệu ông đều là những thanh niên trai tráng, tượng trưng cho sức mạnh và uy nghiêm, Thành Hoàng làng là người có công lao to lớn trong việc đánh bại thú dữ đem lại bình an cho dân làng.
Đây là kiệu bà lớn, người vợ đầu tiên của Thành Hoàng làng, bà là người có công đầu tiên khi dẫn đường cho Đức Thành Hoàng tiến vào rừng sâu diệt hổ.
Sau cùng là kiệu bà bé, người vợ thứ hai của Đức Thành Hoàng, Bà cũng có công khi giúp Thành Hoàng diệt hổ dữ.
Sau khi đã rước kiệu vào Miếu, đội rước vào trong Miếu làm nghi lễ dâng hương và kết thúc buổi lễ.
Tục đánh Hổ với toàn bộ cảm hứng anh hùng ca xen lẫn chất trữ
tình dân gian mà không hội nào có được. Hội Giã La độc đáo, đặc sắc, giữ đậm
nét truyền thống dân gian là nơi tụ hội không chỉ của dân làng mà còn cả du
khách muôn phương.
Đình La Cả không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng
làng xã truyền thống, trung tâm tín ngưỡng dân gian thờ Thành hoàng làng, người
có công với dân với nước mà còn chứa đựng những giá trị kiến trúc nghệ thuật với
trình độ thẩm mỹ cao xứng đáng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết
định số 13/2000/QĐ-BVHTT ngày 28/7/2000 của Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch).