Đình Thôn La Xuyên, Xã Yên Ninh, Huyện Ý Yên, Tỉnh Nam Định thờ phụng danh tướng công xưởng của hai triều đại Đinh – Tiền Lê, chỉ huy xây dựng Kinh đô Hoa Lư và là tổ nghề chạm gỗ.
Đức ông Ninh Hữu Hưng sinh năm 939. Ông được vua Đinh Tiên
Hoàng ban chức “Công tượng lục phủ giám
sát đại tướng quân” (Vị đại tướng trông coi nghề mộc của sáu phủ). Trong thời
nhà Đinh rồi sau đó là thời Tiền Lê, ông chỉ huy việc xây dựng Kinh đô Hoa Lư với
các cung điện như Bách Bảo Thiên Tuế,
Phong Lưu Tử Hoa, Long Lộc, Trường Xuân. . . cùng nhiều đền, chùa, dinh thự.
Sau khi vua Lê Đại Hành đánh bại quân Tống, đất nước trở nên
thanh bình, thịnh vượng. Vua nghĩ đến việc phát triển nghề nông, thường tới các
nơi để khuyến khích việc mở mang ruộng đất. Tướng quân Ninh Hữu Hưng thường đi
theo hộ giá nhà vua.
Vào ngày 24 tháng 4 năm Tân Mão (tức ngày 9 tháng 6 năm
991), khi ngự thuyền rồng dọc theo sông Sắt tới khu vực Thiết Lâm – Cái Nành
thuộc huyện Vọng Doanh, nhà vua thấy nơi đây thế đất rất đẹp nên đã lên bờ dừng
chân ngoạn thưởng và viếng ngôi miếu cổ thờ 2 vị Lương Bình Vương, An Nhu Vương
thời vua Hùng. Thấy cảnh vật còn hoang sơ, nhà vua cho ông ở lại nơi này để
truyền ân lớn của triều đình, mở rộng quy mô ngôi thần miếu.
Đức ông Ninh Hữu Hưng đem con cháu họ hàng đến đây mở đất cấy
cày, dựng thành ấp lớn.
Ông bỏ tiền chiêu tụ dân các nơi tới, khuyến khích canh nông
và phát triển nghề chạm khắc gỗ. Ngôi miếu
cổ được tu sửa thành đền và được ông rước chân nhang Diêm Đế từ núi Dục Thúy về
thờ chung cùng với 2 vị Lương Bình Vương, An Nhu Vương.
Vùng đất bên bờ sông xưa được gọi là trại La Ngạn sau này được
đổi thành làng La Xuyên.
Vào ngày 6 tháng 4 năm Kỷ Mùi (1019) niên hiệu Thuận Thiên
triều vua Lý Thái Tổ, ông mất, thọ 81 tuổi. Họ hàng, con cháu và dân làng đưa đức
ông về an táng ở dưới chân núi Xương Bồ. Vua Lý Thái Tổ cho rước thần vị ông phối
thờ trong đền.
Do có công khai hoang, lập ấp mà người dân La Xuyên tôn ông
là Dinh Điền Quan Lão La Đại Thần.
Nghề chạm khắc gỗ do ông truyền dạy đã trở thành nghề truyền
thống của La Xuyên từ hơn 1000 năm. Người dân nơi đây thờ ông là Tổ nghề và
Thành Hoàng của làng. Vì vậy nơi thờ ông cũng là đình của làng.
Ngọc Phả đình La Xuyên được
lưu trong Bộ Lễ của triều Lê do Tiến sỹ Nguyễn Hoàn viết vào năm 1749 đã
ghi lại những sự tích và công trạng của Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng.
(Nguyễn Hoàn là Tiến sĩ Khoa Quý Hợi (năm 1743), Viện Quận
công, Thượng Thư Bộ Lại kiêm Quốc Sử Tổng Tài, một trong những tác giả của tác
phẩm Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục lưu trong Văn Miếu Quốc Tử Giám và là
người soạn bài văn khắc trên bia Tiến sỹ Khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Cảnh
Hưng thứ 39 (năm 1778) – Khoa thi mà Ninh Tốn đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp.)
Tại đình có một tấm bia nhỏ ghi “La Thần linh tích” và một dòng chữ nhỏ “Lê
triều Thái Hòa nguyên niên (1443) hiển
tích, Nguyễn triều Khải Định Giáp Tí
(1924) tu tạo”.
Đình được xây dựng theo hình chữ Đinh. Tòa tiền đường gồm 3
gian, được làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Hệ thống vì tại tiền đường
được thiết kế theo phong cách chồng rường giá chiêng.
Gánh đỡ các bộ vì là 4 hàng cột lim to khỏe, có đường kính
50 cm. Tại đây các cấu kiện gỗ như câu đầu, xà thượng, xà hạ, con rường đều được
soi chỉ, điểm các hàng lá lật mềm mại. Tất cả kết hợp cùng những nét cổ kính,
uy nghiêm.
Đình La Xuyên nằm quay về hướng tây, bao quanh là cánh đồng
lúa. Các công trình phụ trợ như hồ nước, hệ thống nghi môn, vườn cây đều được bố
trí hài hòa, tạo nên một cảnh quan tuyệt mỹ. Bao quanh khuôn viên ngôi đình là
hệ thống tường gạch, tạo nên một không gian kiến trúc hoàn chỉnh.
Nối tiếp tiền đường là trung đường và chính tẩm. Cũng giống
như tiền đường, hai tòa này cũng được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Đây chính là
nơi thể hiện rõ nét tay nghề tài hoa của các nghệ nhân La Xuyên. Các hình tượng
rồng, tứ quý, tứ linh… trên các cánh cửa, các bộ vì được chạm bong, chạm lộng với
kỹ thuật gia công cầu kỳ, tỉ mỉ, sắc nét.
Nằm về phía bắc của đình La Xuyên là ngôi Phủ thờ Mẫu được
thiết kế theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh. Hệ thống vì gỗ lim tại công
trình này cũng được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, chạm khắc các đề tài
tứ quý, tứ linh, lá lật… với nhiều kiểu dáng, đường nét khác nhau thể hiện tính
sáng tạo, trình độ điêu luyện của một làng nghề truyền thống. Ngôi Phủ này được tu sửa vào mùa xuân năm Đinh Mão năm thứ 3 đời
vua Tự Đức (1876).
Đình, Phủ La Xuyên là nơi lưu giữ, thể hiện nét tài hoa của
những nghệ nhân chạm khắc gỗ kế thừa nghề truyền thống do Lão La Đại Thần Ninh
Hữu Hưng truyền dạy. Chính vì nét hoàn mỹ, độc đáo về mặt kiến trúc và cảnh
quan của ngôi đình mà cố kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện khi còn sống đã có đề
nghị đưa Đình La Xuyên vào danh mục bảo tàng nghệ thuật cổ của vùng Sơn Nam.
Đình La Xuyên cũng là
nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa làng nghề từ hơn 1000 năm.
Xưa kia theo tục lệ hàng năm vào dịp giao thừa có tục mọi
người ra đình gặp nhau, hòa giải xích mích trong năm và chúc nhau năm mới gặp
nhiều may mắn. Thời khắc giao thừa, dân làng mang đuốc ra Đình, lấy lửa về xông
nhà với mong ước ngọn lửa sẽ xua tan cái cũ, mang lại hồng phúc cho một năm mới,
làm ăn phát đạt.
Lễ hội dân gian làng nghề
được tổ chức từ ngày 9 đến 11 tháng 3 Âm lịch. Cứ cách 3 năm, vào các
năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu thì Lễ hội được tổ chức to hơn các năm khác. Lễ hội không
chỉ là dịp vui xuân, thưởng thức các trò chơi dân gian mà còn là cơ hội để những
người dân La Xuyên xa quê được hòa mình vào những nét thuần phong mỹ tục của
quê hương, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn.
Đặc biệt, trong lễ hội dân gian làng nghề thường tổ chức
trình diễn các sản phẩm gỗ do những người thợ trong làng chế tác. Buổi trình diễn
sản phẩm gỗ mỹ nghệ không chỉ là dịp để những người thợ trao đổi, học tập kinh
nghiệm của nhau mà còn là dịp quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống,
đúng như câu ca lưu truyền:
Giai nhân con cháu Cái Nành
Dẫu không Khoa bảng cũng thành nghệ nhân
Trong Lễ hội dân gian làng nghề theo tục lệ có nghi thức rước
nước từ sông Sắt về chùa rồi về đình với ý nguyện cầu mong mưa thuận gió hòa,
nhà nhà ấm no. Đoàn rước kiệu đi vòng quanh trục đường chính của làng. Đi đầu
đoàn rước kiệu là đội trống, phường nhạc bát âm, nhạc phách, đội rồng,
lân. Tiếp sau là đội rước kiệu gồm kiệu
thất cống, kiệu bát cống. Đi sau đội rước kiệu là đội tế Nam quan, đội tế Nữ
quan rồi đến đoàn của các cụ cao niên, sau cùng là đông đảo người dân trong
làng.
Người dân La Xuyên thường tổ chức làm lễ cúng Lão La Đại Thần
Ninh Hữu Hưng vào ngày 24 tháng 4 Âm Lịch – ngày ông đặt chân lên vùng đất này.
Trong ngày này mọi người cùng tụ hội, bày cỗ tại Đình làng và tưởng nhớ tới
công đức của ông.
Từ hơn 1000 năm nay, người dân La Xuyên đã tới khắp nơi
trong cả nước xây dựng cung điện, đền, chùa, miếu, phủ và tạo ra các sản phẩm gỗ
mỹ nghệ với trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngọc Phả đình La Xuyên ghi “Chí Lê triều phục hưng Nguyên
Hòa Giáp ngọ niên, Lê Đế hạnh từ quan
dân nghệ nghiệp, kiến kỳ hương dân phong tục thuần phác, mộc tượng tinh thông
tiện đới ngũ nhân hồi kinh khai mộc phường chấn hưng thủ nghệ” – Nghĩa là “Thời
nhà Lê trung hưng, niên hiệu Nguyên Hòa năm Giáp Ngọ (1534), vua Lê (Trang
Tông) có qua làng xem dân làm nghề. Nhà vua thấy phong tục nơi đây thuần phác,
nghề nghiệp tinh thông bèn đem 5 người về kinh đô mở rộng chấn hưng nghề mộc“.
Uống nước nhớ nguồn, dân làng La Xuyên vẫn luôn ghi nhớ đến
công đức của Tổ nghề. Đình La Xuyên có câu đối ca ngợi Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng:
“Mộc tượng giáo dân nguyên hữu ý
Kiến đô lập quốc sử lưu công”
Hơn 1000 năm nay, dân làng La Xuyên vẫn làm ăn phát đạt, ấm
no hạnh phúc nhờ nghề truyền thống của mình. Sập gụ, tủ chè, tràng kỷ, ngai, ỷ,
kiệu, hương án, bát biểu, cửa võng, cuốn thư, . . . của làng nổi tiếng khắp nơi
cả trong nước và nước ngoài về độ bền, vẻ đẹp của các hoa văn, mảng khối, đường
nét, gợi chất thơ từ nhiều điển tích cổ Phương Đông.
Sau năm 1954, kinh tế tư nhân và của hộ gia đình không được
Nhà nước khuyến khích, nghề gỗ mỹ nghệ tưởng chừng như mai một. Với tâm nguyện
gìn giữ một vốn quý là nghề truyền thống cho dân làng, một số nghệ nhân tâm huyết
trong làng đã lập ra Hợp tác xã đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Tâm từ năm 1962.
Lúc đầu Hợp tác xã này mang tên Hợp Lực và gồm 18 vị
như: cụ Phạm Xuân Huấn, cụ Dương Văn Lai
(ông nội của ông Dương Văn Hiền – Chủ tịch HĐQT của Công ty La Xuyên Vàng hiện
nay), cụ Dương Văn Thắng, cụ Dương Văn Dần, cụ Dương Văn Kỷ, cụ Ninh Văn Chi, cụ
Ninh Văn Cương, cụ Ninh Văn Quyền, cụ Ninh Văn Cao, cụ Ninh Văn Nhượng, cụ Nguyễn
Văn Thi, cụ Phạm Văn Hạnh, cụ Dương Văn Tích, cụ Dương Văn Lưỡng, cụ Lương, cụ Đồng, . . .
Trong số các lão nghệ nhân này nay các cụ Tích, cụ Lưỡng vẫn còn sống và
đã ở tuổi xấp xỉ 100.
Cùng với việc truyền nghề mang tính chất gia đình của dân
làng, Hợp tác xã đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Tâm của La Xuyên đã đóng góp to lớn trong
việc gìn giữ nghề truyền thống của tiền nhân và dạy, truyền nghề cho con cháu.
Thế hệ người học nghề đầu tiên tại Hợp tác xã nay cũng ở lứa tuổi 60 – 70 và là lứa nghệ nhân có tay nghề cao.
Vào thời kỳ đó, sản phẩm của Hợp tác xã Đồng Tâm đã xuất
sang các nước Ba Lan, Hungary, Đông Đức, . . . Từ khi kinh tế tư nhân và của hộ
gia đình được Nhà nước khuyến khích thì nghề truyền thống này phát triển mạnh mẽ
và Hợp tác xã đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho chính La Xuyên
mà còn cho các làng nghề thủ công khác của xã Yên Ninh cũng như cho các cơ sở đồ
gỗ mỹ nghệ trong cả nước.
Hiện nay, La Xuyên là làng đông dân nhất của xã Yên
Ninh. Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh
Nam Định thì năm 2007, dân số toàn xã Yên Ninh là 9962 người thì riêng La Xuyên
là 3315 người, chiếm khoảng 33,28% (hiện tại số hộ trong làng La Xuyên đã lên đến
1115 với khoảng 4000 nhân khẩu).
Hiện nay, tại La Xuyên có 30 Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc
Doanh nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ chiếm phần lớn trong số các Công ty và Doanh nghiệp
của toàn xã Yên Ninh. Trong số 1115 hộ gia đình, chủ yếu là các hộ gia đình sản
xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chỉ có một số ít gia đình làm dịch vụ hoặc nông nghiệp.
Đi dọc Quốc lộ 10 ngang qua địa phận La Xuyên, có thể thấy
cơ ngơi và quy mô kinh doanh của một số Doanh nghiệp đồ gỗ như La Xuyên Vàng,
Hiền Oanh, Công Trang, Đức Sơn, . . .
Cùng với các làng thuộc xã Yên Ninh, làng La Xuyên hàng năm
tạo ra nhiều sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh Nam Định.
Theo thống kê của Sở công thương Nam Định năm 2007 thì La Xuyên chiếm 50,20%
giá trị sản xuất đồ gỗ của toàn xã Yên Ninh. Tỉ trọng thuế đóng góp vào Ngân
sách nhà nước cũng ở mức cao.
Các nghệ nhân của La Xuyên còn mở các doanh nghiệp đồ gỗ,
trang trí nội thất rất nổi tiếng tại các địa phương khác như Công ty trách nhiệm
hữu hạn sản xuất thương mại Hoàng Sơn, Ninh Décoration tại Bình Dương của ông
Ninh Văn Sự (con của lão nghệ nhân Ninh Văn Chi).
Đình La Xuyên là nơi thờ những người có công với nước và để
lại ân đức to lớn cho dân. Đình La Xuyên đã được Bộ Văn hoá thông tin công nhận
là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.