Nằm trong cụm di tích ATK II huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang), đình Lạc Yên, xã Hoàng Vân là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đình thờ phụng thờ nhị thánh Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương thời Hùng Vương thứ 18.
Ngôi đình được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII), tu sửa
lớn ở thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và các giai đoạn sau này. Khu di tích rộng hơn
1.000 m2, trong khuôn viên có cây đại cổ thụ soi bóng bên giếng đình tôn thêm vẻ
cổ kính. Năm 2009, đình Lạc Yên được đại trùng tu nhưng vẫn bảo lưu được nhiều
nét văn hoá truyền thống.
Bình đồ kiến trúc ngôi đình kiểu chữ đinh gồm toà tiền đình
ba gian, hai chái nối toà hậu cung 2 gian, cửa gỗ thượng song hạ bản chạy suốt
3 gian. Liên kết khung vì mái kiểu chồng rường giá chiêng truyền thống. Các cấu
kiện kiến trúc không chạm khắc.
Hậu cung đặt ngai thờ, bài vị thần Cao Sơn, Quý Minh đã có
công đánh đuổi ngoại xâm bảo vệ đất nước thời Hùng Vương. Trong đình còn lưu giữ
các tài liệu, hiện vật có giá trị như ngai thờ, hương án cổ, bộ tranh sơn mài:
Quản mã, Quản tượng, bát hương gốm cổ và nhiều hiện vật giá trị khác.
Đình Lạc Yên đã được trùng tu khang trang.
Giá trị nổi bật của di tích lịch sử cấp tỉnh này là nơi ghi
dấu những sự kiện lịch sử gắn liền với quá trình hoạt động và đấu tranh của các
đồng chí lão thành cách mạng được nhân dân thôn Lạc Yên giúp đỡ, che chở. Nơi
đây còn ghi nhận tình cảm, niềm tin sắt son của nhân dân địa phương với cách mạng.
Làng Lạc Yên, trung tâm ATKII của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc
kỳ, tiếp giáp với Hà Nội và căn cứ địa Việt Bắc. Vùng quê này có cơ sở cách mạng
vững vàng, phát triển rộng rãi, quần chúng nhân dân được giác ngộ và rèn luyện.
Các lớp huấn luyện quân sự, nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết và đấu tranh cách
mạng của Đảng được tổ chức ở đây giành thắng lợi.
Dù đời sống kinh tế khó khăn, thiếu thốn nhưng nhân dân địa
phương luôn nhiệt tình bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ. Hầu hết các gia đình ở khu ấp
Đồng Hang - Lạc Yên và xóm Đá (Vân Xuyên) đều có cơ quan và cán bộ ở. Cuối năm
1941, nhiều đoàn thể cứu quốc của mặt trận Việt Minh ra đời ở Đồng Áng, Vân
Xuyên, Lạc Yên, Thanh Vân… bảo vệ an toàn cho cán bộ đi lại hoạt động và nêu
cao tinh thần yêu nước, cách mạng.
Bộ tranh gỗ quản tượng còn lưu giữ tại Đình lạc Yên.
Bút tích của ông Ngô Văn Cam, nguyên cán bộ lão thành cách mạng
ở thôn Lạc Yên còn ghi lại: “Khoảng tháng 6-1941, ông Lục (Hải Lục), Xứ ủy tổ
chức quán triệt Nghị quyết Trung ương VIII (chuyển mặt trận phản đế sang mặt trận
Việt Minh) tại đình Lạc Yên và nhà ông Trầu ấp Đồng Hang-Lạc Yên sau đó tổ chức
mít tinh tại đình được đa số nhân dân trong làng và quần chúng cách mạng trong
vùng ATK II tham dự. Đình Lạc Yên còn là một trong những nơi tổ chức hội họp của
các đoàn thể cách mạng do cán bộ cách mạng tổ chức…
Năm 1941-1942, Trường Quân chính trực thuộc Trung ương huấn
luyện quân sự tại soi Đồng Hang-Lạc Yên do đồng chí Lương Văn Chi (anh giáo
Quan) phụ trách, thời gian đó đội tự vệ đưa đón cán bộ thường lấy đình Lạc Yên
và một số nơi khác làm địa điểm liên lạc. Sau năm 1942, phong trào cách mạng
trong vùng bị khủng bố, một số cán bộ cách mạng bị bắt và bị tù đày. Đình Lạc
Yên vẫn là một trong những địa điểm liên lạc của cán bộ hoạt động bí mật...
Đình Lạc Yên từng là nơi hội họp, tập hợp các tin tức của
cán bộ cách mạng. Mọi diễn biến của phong trào chống Pháp đều được phổ biến tại
ngôi đình làng. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, tại ngôi đình, nhân dân, dân
quân tự vệ đã hăng hái tập luyện quân sự chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành
chính quyền.
Đồng Ngọc Dưỡng
Nguồn: Báo Bắc Giang