Đình Lam Cầu xã Dương Quang, huyện Gia Lâm thờ vị thần Long Đỗ, hiệu là Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương, có công trạng to lớn trong lịch sử xây dựng và bảo vệ nền độc lập của đất nước, được nhân dân tôn vinh thờ phụng.
Cũng như các làng cổ của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, thôn Lam Cầu,
xã Dương Quang cũng có đình – nghè thờ thành hoàng và chùa để thờ Phật. Di tích
Đình Lam Cầu là tên nhân dân gọi theo địa danh của làng từ xưa.
Trước năm 1945, Lam Cầu nguyên là phần đất thuộc tổng Dương
Quang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nay thuộc xã Dương Quang, huyện Gia Lâm,
ngoại thành Hà Nội. Đình Lam Cầu được UBND Thành phố xếp hạng là di tích lịch sử
– kiến trúc nghệ thuật năm 2007.
Đình Lam Cầu là di tích văn hoá tín ngưỡng được xây dựng lên
để thờ thần hoàng làng là Bạch Mã Đại vương – vị thành hoàng của kinh thành
Thăng Long có công phù giúp nhà vua xây thành Đại La. Thành Thăng Long xưa có ”
tứ trấn” bảo vệ kinh thành và bốn vị thần cai quản, bảo vệ, “tứ trấn” đó là: Đền
Quán Thánh – trấn ở phía Bắc, đền Voi Phục trấn phía Tây, đình Kim Liên trấn
phía Nam và đền Bạch Mã trấn phía Đông.
Do vậy, thần Bạch Mã Đại Vương là vị thần trấn giữ phía Đông
kinh thành. Lai lịch của vị thần được truyền tụng như sau: tương truyền vào thế
kỷ IX sau công nguyên, viên quan đô hộ nhà Đường là Cao Biền đắp La Thành, khi
ra ngoài cửa Đông thấy một người lạ trong đám mây ngũ sắc, Biền vốn là đạo sỹ,
có ý muốn trấn áp.
Đêm Biền nằm mộng thấy người đã gặp, người đó tự xưng là Long
Đỗ, Biền đem bùa bằng đồng chôn yểm. Đêm sau nổi mưa gió, sáng ra thấy bùa đồng
bị đánh tan như bụi. Biền sợ và lập đền thờ.
Năm 1010, đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ, Lý Thái Tổ dời đô từ
Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành nhưng nhiều lần đắp lên lại bị sụp đổ. Vua
cho người cầu khấn Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần
theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững. Lý Thái Tổ phong
làm thành hoàng của kinh thành Thăng Long.
Theo thần tích, đình Lam Cầu thờ vị thần Long Đỗ, hiệu là Quảng
Lợi Bạch Mã Đại Vương, có công trạng to lớn trong lịch sử xây dựng và bảo vệ nền
độc lập của đất nước, được nhân dân tôn vinh thờ phụng. Do vậy, nhân vật được
thờ ở trong di tích mang ý nghĩa lịch sử văn hoá và nhân văn sâu sắc.
Đề cập đến niên đại xây dựng của đình, cho đến nay vẫn chưa
thấy một tư liệu nào nói về năm khởi dựng nhưng theo lời các cụ truyền lại thì
đình Lam Cầu trước kia cổ kính và bề thế với nghi môn to cao, hai bên có tả hữu
mạc, giữa sân đình có giếng sâu khoảng 10m xung quanh xếp gạch vồ.
Đình chính có kết cấu năm gian hai dĩ, bốn góc đao có mái
cong. Cũng theo như các cụ cao tuổi ở địa phương còn cho biết thêm ngôi đình
chính là nhà oản của bà vợ chúa Trịnh bán lại cho làng khi nhà Trịnh suy tàn
vào năm 1788. Đồng thời căn cứ vào kết cấu kiến trúc với những mảng chạm khắc:
vân mây, đầu dư…có thể khẳng định ngôi đình ra đời vào cuối thời Hậu Lê.
Kiến trúc của đình gồm
các hạng mục: nghi môn, tòa đại đình và
hậu cung.
Nghi môn xây kiểu cột trụ biểu, hai cột giữa đỉnh trụ hình đấu,
phía dưới là ô lồng đèn, thân trụ để trơn, mái xây bằng gạch ghi ba chữ quốc ngữ
“Đình Lam Cầu”, hai bên là hai cửa vòm nối hai cột trụ biểu nhỏ. Qua nghi môn
là sân lát xi măng, phía trước đại đình là bức bình phong.
Toà đại đình với kết cấu năm gian xây kiểu tường hồi bít đốc
tay ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh không trang trí, hai bên bờ
nóc đắp nổi hai con kìm đầu quay vào nóc mái, bờ giải xây kiểu bậc thang, phía
trước hai tường hồi xây hai trụ biểu, phía dưới là ô lồng đèn để trơn, thân trụ
đắp đôi câu đối.
Phía trước mở ba cửa, cửa giữa làm kiểu “bức bàn”, hai gian
bên làm kiểu “ván bưng”, hai gian ngoài xây tường phía trước, trên là những
thanh gỗ nhỏ làm kiểu chấn song. Cửa ván gió được bố trí đều ở năm gian đại
đình, được chạm lộng với đề tài trang trí là vân mây, hoa lá, vân chấm hỏi
thành từng cụm, bậc thềm xây một cấp lát xi măng.
Đình có kết cấu sáu hàng chân cột được kê trên chân tảng đá
xanh một lớp, các cột hiên kê bằng đá xanh hai lớp (lớp trên hình tròn, lớp dưới
hình vuông). Bộ khung đỡ mái với sáu bộ vì kèo kết cấu kiểu “thượng ván mê,
trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên”, phần ván mê khắc hình chữ thọ, mái phân “thượng
tam – hạ tứ”, nền nhà lát gạch chỉ.
Hoa văn trang trí trên kiến trúc toà đại đình tập trung chủ
yếu trên các con rường, đầu dư, quá giang đều chạm nổi vân mây, hoa văn thực vật,
các thân bẩy hiên được chạm rồng, hoa lá. Đặc biệt đầu dư gian giữa chạm hình đầu
rồng bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng với đường nét mềm mại, chau chuốt mang
phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Gian giữa có bức đại tự sơn son thiếp vàng ghi bốn chữ Hán:
“Từ vọng trấn đông”, hai bên là đôi câu đối với nội dung:
“Mã giá tư thiên
lai phù lý ức cao linh tích cổ
Long Biên truyền đại thắng khâm tô đới nhĩ chính từ tôn”
Tạm dịch:
“Xe ngựa từ trời xuống,
nâng đỡ nhà Lý vào cung thiêng từ trước
Long Biên thắng địa, Nhị Hà uốn lượn, sông Tô ôm ấp mãi đền
thiêng”
Phía dưới là hương án
đặt các đồ thờ tự, được chạm khắc khá tỉ mỉ và công phu mang phong cách nghệ
thuật thế kỷ XIX. Hai bên hương án là đôi hạc đồng chân cổ cao, đường nét mềm mại,
uyển chuyển phản ánh quan niệm cổ xưa của dân gian Việt, hạc đứng trên lưng rùa
là biểu tượng sự thanh cao, bền vững, vĩnh hằng của con người với trời đất. Sau
hương án là ban thờ được xây bằng gạch nơi đặt các đồ thờ tự.
Phần tiếp giáp gian giữa đại đình và hậu cung được xây cao
hơn 50 cm, hậu cung có cấu trúc hai gian, mái lợp ngói ta, bộ khung đỡ mái với
ba bộ vì kèo khác nhau,7y vì ngoài làm kiểu “giá chiêng”, vì giữa làm kiểu “ván
mê”, vì trong làm kiểu “vì kèo quá giang”; mái phân “thượng nhất – hạ nhị”, nền
nhà xây gạch chỉ. Chính giữa là ban thờ, phía trên đặt long ngai và bài vị của
thành hoàng cùng các đồ thờ tự khác.
Các thân ngai và bài vị được chạm thủng, chạm nổi và chia
thành từng dải. Hai tay ngai là hai đầu rồng, thân rồng uốn quấn lấy các thanh
gỗ tròn đỡ lấy tay ngai. Đỉnh bài vị là hình mặt trời lửa, ghi chữ Hán “Thượng
đẳng Bạch Mã đại vương thần vị” mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XX.
Nổi bật ở di tích là giá trị nghệ thuật thể hiện qua hệ thống
các di vật với sự phong phú và đa dạng về chất liệu như bức đại tự, đôi câu đối
gỗ, ngai thờ, bài vị, hương án, chân nến, bộ chấp kích, hạc đồng…mang phong
cách nghệ thuật thế kỷ XX. Các di vật này đều được chạm khắc tinh xảo, chau chuốt
với các đề tài trang trí truyền thống.
Tất cả là minh chứng sinh động cho khả năng sáng tạo nghệ
thuật của ông cha ta. Cùng với khối kiến trúc, đây sẽ là những tư liệu quý giúp
cho việc nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử của địa phương, lịch sử Thăng Long –Hà
Nội.
Song song với hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, tại đình còn
diễn ra các nghi lễ của lễ hội truyền thống. Đây là ngày dân làng Lam Cầu thể
hiện tấm lòng thành kính của mình đối với vị thần hoàng làng không chỉ có công
lao to lớn với nước mà còn luôn bảo trợ, chở che và mang lại cuộc sống tốt lành
cho dân làng.
Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, trước đây làng mở
hội trong 3 ngày (14,15,16 tháng 3 âm lịch) với đầy đủ các nghi lễ như tế lễ,
rước kiệu, dâng hương…thôn Lam Cầu còn kết chạ với thôn Đề Trụ do vậy từ ngày
13 tháng 3 thôn Lam Cầu rước lên thôn Đề Trụ đến ngày 15 tháng 3 thì rước ngược
lại.
Ngày nay, quy mô lễ hội thu hẹp lại chỉ diễn ra trong ngày
15 tháng 3 âm lịch và không có rước kiệu, tế lợn sống mà lễ vật chỉ đơn giản có
thủ lợn, xôi trắng và vẫn diễn ra các trò chơi như đánh đu, đánh cờ, chọi gà, đấu
võ….
Trải qua thời gian với những biến động của lịch sử, xã hội
và thiên nhiên nên các công trình kiến trúc của đình bị mai một dần, khối di vật
bị thất tán. Mặc dù như vậy, di tích tồn tại đến ngày nay vẫn giữ được vẻ khang
trang, lộng lẫy, đình đã được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân địa
phương luôn chăm lo, tu bổ bảo quản, giữ gìn tốt.
Cùng với di tích trong vùng, đình Lam Cầu đã trở thành một địa
chỉ văn hoá du lịch hấp dẫn. Mỗi khi về thăm Dương Xá, quê hương của ỷ Lan, là
người phụ nữ tài sắc thời nhà Lý, đã từng thay vua cai trị đất nước, thăm cụm
di tích đình – đền – chùa Sủi – Phú Thị, đình thờ Đào Liên Hoa có công đánh dẹp
loạn 12 sứ quân mang lại sự thống nhất lớn mạnh cho dân tộc, chắc chắn du khách
sẽ không quên ghé thăm đình Lam Cầu và thắp nén hương tưởng niệm vị thần của
Thăng Long – Hà Nội.