Đình làng Bái Khê tọa lạc tại thôn Liêm Bái, xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, thờ phụng Đông Quốc Đại vương và Linh Lang Đại vương. Cả hai ngài đều là võ tướng đã có công chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi và có ơn đức khai hoang, lập làng.
Đình có lịch sử hình thành từ lâu đời và là trung tâm tín
ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, diễn xướng dân gian của cộng đồng địa phương xưa
nay.
Theo người dân địa phương Đình được xây dựng đời vua Tự Đức
(1848-1880). Năm 1951 thực dân Pháp rỡ đình để làm bốt Nam Am. Đến năm 2011
Đình được nâng cấp, tu sửa. Đình làng Bái Khê có cảnh quan đẹp, không gian rộng
thoáng, đảm bảo được sự hài hòa, gần gũi giữa kiến trúc tín ngưỡng và khu dân
cư.
Mặt tiền đình quay hướng Nam là hướng mang lại sinh khí, may
mắn an lành cho Nhân dân. Đình có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh gồm tòa tiền tế
và hậu cung. Tiền tế đình gồm 5 gian, nền lát gạch men, cao hơn mặt sân 1.4m, của
đình được xây giật bẩy cấp tạo thành bậc lên xuống, hai đầu hồi xây tường kín tận
đốc, mái làm kiểu bốn mái, chéo đao tàu góc.
Hoa văn trang trí trên các hệ vì chủ yếu đắp vẽ hoa sen, vân
cụm, chữ thọ. Trang trí trên hệ mái tòa Tiền tế là các đề tài: lưỡng long chầu
hổ phù đội quả lôi, kìm ngậm bờ nóc, các đầu đao đắp tổ hợp rồng, phượng, lân,
mây cuộn. Hệ thống cửa tòa Tiền tế gồm 3 gian cửa gỗ kiểu thượng song hạ bản, mỗi
gian bốn cánh.
Hậu cung đình gồm một gian hai dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc,
kết cấu mái kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Phía trong cùng tòa hậu cung, vị trí
gần sát tường được xây bệ bê tông, giữa bệ đặt mũ thờ và long ngai của hai ngài
Thành hoàng Đông Quốc Đại vương và Linh Lang đại vương.
Đình làng Bái Khê là nơi tôn thờ nhị vị thành hoàng là Đông
Quốc và Linh Lang đại vương. Cả hai ngài đều là võ tướng, vừa có công chống giặc
ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, lại vừa có ơn đức khai hoang, lập làng cho nhân dân
nên được nhiều vua của các triều đại sau ban tặng sắc phong, nhân dân suy tôn
làm Thành hoàng, lập đình, miếu phụng thờ.
Bên cạnh đó, Đình còn là không gian linh thiêng nơi cộng đồng
dân cư Bái Khê tổ chức lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian…Hàng năm tại đình
làng, bản đình và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày mồng 10 tháng 3
âm lịch.
Có thể nói, lễ hội Đình làng Bái Khê với ý nghĩa cao đẹp là
tưởng nhớ người anh hùng có công với quê hương, đất nước đã ăn sâu vào tiềm thức
của mỗi người dân nơi đây. Ngày hội Đình đã trở thành lời nhắc nhở, thúc giục
biết bao thế hệ từ già trẻ, gái trai, cả những người con xa quê hương đều trở về
thành kính ngưỡng vọng. Điều đó thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, một nét
đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của người dân làng
Bái Khê.
Đình làng Bái Khê hiện nay còn lưu giữ được một số di vật, cổ
vật như:
- Chân tảng kê cột: số lượng 07, chất liệu đá xanh. Chân tảng
để trơn không trang trí, được đục giật hai cấp: cấp đế hình vuông, cấp trên đục
tròn. Niên đại thế kỷ XIX- XX.
- Bia đá: số lượng 01, chất liệu đá xanh. Bia tạo kiểu bia dẹt,
trán bia hình bán nguyệt, hai mặt bia đã bị mờ mòn không còn nhìn được hoa văn
và chữ trên bia.
- Hòm đựng sắc phong: chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng, quanh
thân vẽ trang trí hình rồng chầu mặt nhật, văn triện. Niên đại thế kỷ XX.
- Long ngai: số lượng 01, chất liệu gỗ, son son thếp bạc,
trên cùng là tay ngai ôm lấy lưng rồi chạy ra hai bên phía trước, tay ngai như
thân của đôi rồng, đầu tay ngai được chạm hai đầu rồng trong tư thế vươn cổ ra
phía trước. Thân ngai có sáu trụ con tiện chia đều hai bên để dỡ tay ngai. Bệ
ngai tạo kiểu chân quỳ giật tam cấp thót dần lên, trong các cấp bệ được chạm khắc
các đề tài chim thiêng, hoa cúc, hổ phù. Niên đại thế kỷ XX.
- Sập thờ: chất liệu gỗ, hình chữ nhật, dáng chân vuông thẳng,
thân sập được quây bằng những tấm ván dầy để chảm nổi các hình hoa cúc, lá
thiêng, văn triện. Niên đại thế kỷ XX.
- Bát bửu: Số lượng 01, chất liệu gỗ, phần chính của bát bửu
được bố cục trong một khung vuông với trung tâm là các vật thiêng: cuốn thư,
đàn, lẵng hoa, bầu rượu, quạt vả, tù và, hòm sách, bút lông. Niên đại thế kỷ
XX.
Những cổ vật
này góp phần quan trọng để nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật của ngôi đình nói
riêng, là nguồn tư liệu thực tế để các nhà nghiên cứu mỹ thuật và tạo hình tiếp
tục nghiên cứu về nghệ thuật trang trí truyền thống trong các kiến trúc cổ truyền
thống.