Đình làng Bùi thờ hai vị thần tướng tài giỏi Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương thời vua Hùng Vương thứ 18 đã có công dẹp giặc Thục Phán, đem lại cuộc sống ấm yên cho nhân dân lộ Bắc Giang. Hai vị thần tướng được nhân dân làng Bùi tôn làm Thành hoàng làng.
Xã Cao Thượng có 13 thôn làng: Thôn Hòa Sơn, Chám, Trong Cao
Thượng, Đình Cao Thượng, Hợp Tiến, Bậu, Tân Lập, Tân Tiến, Chùa, Trong Hạ,
Ngoài hạ, Phố Bùi.
Cao Thượng là một miền quê có lịch sử lâu đời, có di tích lịch
sử văn hóa, chùa tháp, đền miếu, nhà thờ họ ở các thôn, có nhiều lễ hội và sinh
hoạt văn hóa dân gian nổi tiếng. Tiêu biểu như Đình chùa Cao Thượng, chùa Tiên,
chùa A Mắt, đình Chanh..
Làng Bùi là một làng cổ, nằm cách trung tâm huyện Tân Yên
khoảng 1km. Du khách có thể theo đường bộ khá dễ dàng, thuận tiện và nhanh
chóng tới thăm làng Bùi, tìm hiểu những công trình văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo
ở đây.
Đình làng Bùi là một công trình tín ngưỡng, xưa bao gồm toà
tiền tế, hậu cung, hai dải vũ hai bên, phía trước có giếng nước và hai cây đa cổ
thụ trên trăm năm tuổi. Theo nội dung chữ Hán ghi trên câu đầu cho biết: đình
làng Bùi là một di tích có niên đại chính xác được xây dựng vào năm Cảnh Hưng
thứ 33 (tức 4 năm 1772). Trải qua sự thăng trầm của lịch sử và xã hội, công
trình tín ngưỡng này nay đã hư hỏng hai dải vũ và cây đa cổ thụ cũng không còn.
Một số tài liệu như sắc phong nay cũng bị thất lạc.
Chữ Hán ghi trên câu đầu có ghi rõ năm tu tạo đình vào Thành
Thái thứ 10 (1888). Các bậc cao niên trong làng còn kể lại rằng:
Vào cuối thế kỷ 19, đình làng Bùi được Đề Thám cho gỗ để sửa
chữa và làm thêm đình mới ở khu giữa đồng, tức khu Đồng Đình, nay đình mới
không còn. Đến năm Bảo Đại thứ 9 (1934), đình làng Bùi lại được nhân dân địa
phương tu sửa một số cấu kiện kiến trúc bị mối mọt làm hư hỏng.
Những năm gần đây,
nhân dân địa phương đã đóng góp công sức, tiền bạc vào tu sửa khu di tích này
trở nên khang trang, đẹp đẽ. Đây là nơi thờ hai vị tướng tài giỏi dưới thời vua
Hùng Vương thứ 18 đã có công dẹp giặc Thục Phán, đem lại cuộc sống ấm yên cho
nhân dân lộ Bắc Giang. Đó là đức thánh Cao Sơn và Quý Minh đại vương. Vì thế
hai vị tướng đã được nhân dân làng Bùi tôn làm Thành hoàng, thờ tại đình làng
mình.
Đình làng Bùi vào thời kỳ nhà Nguyễn, cuối thế kỷ XIX-XX, là
nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của địa phương. Đây là nơi trú ẩn của nghĩa
quân, khi giặc Pháp tấn công lên Yên Thế hạ. Vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, đình
Bùi là nơi tiền trạm, đón tiếp các đồng chí hoạt động bí mật từ chiến khu về,
trước khi về đình Cao Thượng.
Suốt trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp
(1946-1954) đình làng Bùi liên tục là địa điểm trú ẩn của dân và quân địa
phương, là nơi huấn luyện đội tự vệ sẵn sàng lên đường chiến đấu. Mặt khác, đây
còn là kho chứa lương thực, đạn dược phục vụ kháng chiến. Trong thời gian kháng
chiến ấy, một số hiện vật của đình như tàn, lọng, áo lậu…được đem ủng hộ kháng
chiến.
Du khách đến thăm đình làng Bùi, từ xa đã thấy ngay một công
trình tín ngưỡng cổ, nằm ở vị trí có cảnh quan thiên nhiên đẹp, rộng rãi,
thoáng mát thuộc trung tâm của làng Bùi.
Đình ngoảnh hướng Đông ghé Nam, phía trước là đường giao
thông liên xã, bên kia đường là cánh đồng hoa màu xanh tốt. Ngoài cùng là cổng
đình được xây theo kiểu nghi môn, gồm một lối ra vào. Phía bên trái trước cửa
đình là một giếng nước cổ kè đá xanh.
Tương truyền giếng này quanh năm nước đầy không bao giờ cạn.
Đây là nguồn nước chủ yếu dùng cho sinh hoạt hàng ngày của nhân dân và phục vụ
cho đội tự vệ, bộ đội khi về làng hoạt động, trong thời kỳ kháng chiến chống thực
dân Pháp.
Đình làng Bùi hiện nay bao gồm toà tiền tế và toà hậu cung tạo
thành bố cục hình chữ nhị, với bốn góc đao cong, mái thấp bao trùm lấy công
trình. Toà tiền đình gồm ba gian, hai chái, với 4 vì chính, mỗi vì gồm có 2 cột
cái, hai cột quân, 2 cột hiên to khoẻ.
Toà hậu cung gồm ba gian, với bốn vì, mỗi vì gồm hai cột
cái, hai cột quân. Tất cả các cột xà, hoành, dui…hầu hết được tạo dựng bởi các
cây gỗ lim chắc chắn nay đã ngả màu thời gian. Trên từng thớ gỗ, nghệ nhân dân
gian đã gửi ngắm tình cảm của mình vào đó, thông qua các bức chạm lộng với đề
tài là các vật linh, như long, ly, quy, phượng…lưu truyền hậu thế.
Hình ảnh rồng được người nghệ nhân tạo dựng luôn giữ vị trí
trung tâm từ bên ngoài đình cho đến bên trong. Ở các đầu dư, cốn mê, thân kẻ…được
chạm khắc đẹp, thể hiện tài khéo léo, điêu luyện của nghệ nhân dân gian. Với
hình rồng ở nhiều tư thế khác nhau, nghệ nhân dựng đình xưa đã khéo tạo ra một
tác phẩm nghệ thuật độc đáo riêng của đình làng Bùi.
Rồng ở các đầu dư được chạm khắc khá cụ thể, chi tiết: mũi
to bành như mũi sư tử, mắt lồi, bờm tóc như những đao mác, hai râu cằm xoắn như
gọng kìm, chân 4 móng sắc nhọn bám chặt vào cột cái, thân có vảy cong như vảy
cá chép. Rồng với thân ngắn, mập, đuôi ngắn.
Các đao rồng là biểu tượng của những tia chớp, đó cũng là xuất
phát từ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng
tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên hai đầu dư ở hai cột cái trước và
sau có phần khác nhau. Đầu dư phía trước, rồng có thân vảy cá chép, song vảy
thưa mỏng hơn đầu dư phía trong. Rồng đầu dư phía cột cái bên ngoài rồng có râu
lò xo nhỏ gọn và ngắn hơn gồm hai nút xoắn.
Ở các vì nách được tạo bởi các cốn mê chạm khắc đề tài tứ
linh. Cốn mê cũng được nghệ nhân chạm lộng đề tài lưỡng long chầu chữ Thọ, xung
quanh là hình tượng các con vật linh như ly, quy, phượng, vân mây. Hai đầu kẻ
trước và kẻ sau được chạm khắc đề tài hoa lá cách điệu.
Rồng ở đầu kẻ có đuôi xoắn, thân dài uốn nhiều khúc, thân có
vảy, mặt dữ. Với đặc điểm này thể hiện rõ đây là rồng mang đặc trưng phong cách
rồng thời Nguyễn. Điều đó chứng tỏ đình làng Bùi đã được tư sửa vào thời Nguyễn
(thế kỷ XIX). Do vậy đến nay vẫn còn dấu vết của hai thời đại Lê và Nguyễn.
Như vậy, qua nghiên cứu, tìm hiểu đình làng Bùi cho thấy,
các đầu dư, cốn mê, kẻ đều được chạm lộng với đề tài rồng là chính. Thoạt nhìn,
chúng ta thấy có vẻ các đầu dư đều được chạm giống nhau, song nhìn kỹ, chi tiết
từng đầu dư lại thấy có sự khác nhau. Điều này minh chứng cho sự ra đời của
ngôi đình khi xưa, có lẽ do hai hiệp thợ đua sức, đua tài tạo dựng.
Đình làng Bùi tuy do hai hiệp thợ cùng tạo tác, mỗi hiệp có
một phong cách riêng, song nhìn chung hiệp thợ nào cũng thể hiện được cái tài
riêng của mình, tác phẩm bên nào cũng hoàn hảo. Chính sự sinh động của hai hiệp
thợ này đã tạo nên sức sống dẻo dai, bền vững cho ngôi đình làng Bùi, xã Cao
Thượng tồn tại tới nay.
Hiện nay, trong đình làng Bùi còn lưu giữ được một số hiện vật
cổ quý thời Nguyễn, có giá trị nghiên cứu lịch sử, văn hóa, như: bát bửu, hương
án, bát hương gốm Phù Lãng, mâm bồng…. Hàng năm xuân - thu nhị kỳ, hội lệ đình
được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng, 10 tháng 9 âm lịch, với nhiều trò chơi
dân gian độc đáo, như: đấu vật, chọi gà, đập niêu, bắt phỗng... Trong ngày hội
mồng 10 tháng Giêng có tổ chức rước từ đình làng Bùi về nghè làng để cúng tế, đến
ngày hôm sau rước hồi cung.
Với những giá trị nổi bật về mặt Kiến trúc - Nghệ thuật,
đình làng Bùi đã được UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định số 2169/QĐ-UBND, ngày
29 tháng 12 năm 2010 là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật.