Đình làng Cao Quang, Thôn Cao Quang, Xã Cao Minh, Thị xã Phúc Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc, thờ phụng Thành Hoàng làng - Đức Thánh Xa Lai, người có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước. Ngôi đình này là niềm tự hào của người dân Cao Quang.
Tọa lạc trên một gò đất cao nằm ngay đầu làng, đình Cao
Quang có lẽ là một nơi ít ai biết đến. Nhưng đối với người dân Cao Quang mà
nói, đó là một nơi tâm linh đầy thiêng liêng, trung tâm sinh hoạt văn hóa, là sợi
dây gắn bó tình người thân thiết bao năm qua trong một chốn thanh bình, yên ả
tuy nhỏ mà lại không nhỏ chút nào!
Để đến được khu di tích đình Cao Quang chúng ta có thể đi
theo nhiều con đường khác nhau, song gần hơn cả là từ thị xã Phúc Yên vào thị trấn Xuân Hòa, rẽ trái theo con đường
bê tông vào làng Cao Quang rồi đi tiếp khoảng 500m là đến di tích.
Cao Quang cũng như bao ngôi làng Việt trải qua bao thăng trầm,
biến cố theo thời gian đã bồi đắp cho mình những huyền sử đẹp về sự hình thành
và phát triển lâu dài của vùng đất. Làng Cao Quang có một ngôi đình cổ thờ
Thành Hoàng là tướng quân Xa Lai, một vị tướng tài ba có công lớn đánh giặc cứu
nước thời Hai Bà Trưng.
Ngọc phả cùng với người làng Cao Quang truyền đời kể lại rằng:Vào
một đêm sau cuộc luyện quân, Xa Lai vẫn thao thức bởi lo việc nước, bỗng thấy một
nữ tướng áo xanh hiện lên tự xưng là con
gái Quốc chủ tên là Tiên Hải Minh Chu, hiệu là Thanh Sam nói: “ Thiên đình đã định
âm dương phải hợp đức, nghe tướng quân giúp nước động binh nên tự nguyện âm
phù”, Xa Lai rất vui mừng.
Ngay sáng hôm sau, ông nổi hiệu lệnh kéo đại quân xuống Mê
Linh xin cùng Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước. Bà Trưng thấy ông tài giỏi, văn
võ hơn người liền thăng ông chức Đô chỉ huy xứ tiền tướng quân, cử ông cùng với
bà Trưng Nhị tiến đánh Tô Định phá tan đồn bốt của giặc, bắt sống tướng địch
cùng ba quân thu về giang san sáu mươi năm thành trì.
Giặc tan Xa Lai xin với vua bà được trở lại quê nhà Trang
Linh Cuông lập ấp, tu sửa miếu mạo, khai phá điền trang, vỗ về dân chúng làm
ăn, xây đời thái bình no ấm. Mùa xuân năm 43, giặc Mã Viện lại kéo quân sang
xâm lược nước ta. Xa Lai đã cùng với vua bà và quân dân ra sức chiến đấu nhưng
thế giặc quá mạnh, tướng Xa Lai đành lui quân về Linh Cuông.
Ông hoá về trời ngày 15 tháng giêng. Thương nhớ và tỏ lòng
biết ơn bậc tiên liệt có công lớn với đất nước, dân Cao Quang đã lập miếu thờ,
nay là đình Cao Quang đời truyền đời nhang khói phụng thờ.
Từ đó đức thánh luôn hiển linh bảo vệ dân làng, âm phù trợ
giúp cho các triều đại nước ta đánh tan quân giặc. Các triều đại về sau: Nhà Tiền
Lê năm Thiên Phúc, nhà Trần thời Trần Thái Tông, triều đại Tây Sơn Nguyễn Huệ,
triều Nguyễn đã ra phong Đức Thánh là Vương thần bậc thượng đẳng với nhiều mĩ tự
đẹp ca ngợi công ơn của thánh Xa lai với dân với nước.
Đối với dân làng Cao Quang, Ngài là người có công đức lớn
lao. Để lưu truyền lại cho con cháu đời sau niềm tự hào và kính trọng hết mực,
nhân dân đã cùng nhau góp công, góp sức dựng lên một ngôi đình với quy mô khá đồ
sộ để tôn thờ Ngài làm Thành Hoàng làng bảo vệ cho dân làng được bình an, yên ổn.
Với những giá trị quý báu về lịch sử - văn hoá, ngày 27 tháng
12 năm 1990 đình làng Cao Quang được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử
-văn hoá cấp quốc gia, trở thành một trong số không nhiều những ngôi đình làng
trong vùng được đón nhận danh hiệu cao quý này.
Có thể nói, đình làng Cao Quang là một trong những cái nôi của
truyền thống bao đời của dân tộc Việt Nam với niên đại xây dựng lâu đời. Theo
nghiên cứu, di tích đình làng Cao Quang được toạ lạc trên một quả đồi cao so với
xung quanh, được xây dựng ở đầu làng, phía trước tam quan của đình là một hồ vuông.
Bờ hồ được tạo bởi một hòn đảo nhỏ có trồng các loại cây
linh thiêng như: cây si, cây đại,.. mà hiện nay đã trở thành những cây đại thụ
cổ với những tán lá rộng lớn, xanh mướt như một chiếc ô xanh khổng lồ bao phủ
khắp bờ hồ khiến cảnh vật ngôi đình thêm linh thiêng, sầm uất.
Giữa hồ là bát ngát một màu xanh thẳm của những chiếc lá sen
chao mình đong đưa như làm duyên với gió. Đặc biệt khi vào mùa, ta có thể đắm
mình vào hương thơm dịu nhẹ phảng phất của những bông sen hồng, sen trắng duyên
dáng tinh khôi, tạo nên một nét cổ truyền thanh tao cho ngôi đình.
Đình làng Cao Quang được xây dựng theo cấu trúc kiểu “tiền
thần hậu phật” đây là lối xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ của đình chùa Việt
Nam. Mở đầu là Tam quan, được dựng lại từ thế kỉ XIX. Tam quan được cấu trúc
theo kiểu 4 cột trụ với một cổng chính và hai cổng phụ.
Hai cổng phụ được làm theo kiểu mái che với hai tầng mái, kiến
trúc này tránh tháp Tam quan khỏi sự nặng nề bởi kiến trúc vôi gạch. Với những
chất liệu hiện đại nó đã ít nhiều làm giảm tính cổ kính của đình.
Vì vậy những người xây dựng đã có sáng kiến đưa vào những trụ
phân cách các cửa những câu đối chữ Hán. Khoảng cách bức tường nối từ cổng
chính đến cổng phụ cả hai bên mép tường trên cùng được trang trí những ô gạch
nhỏ, phía trên ô gạch được trang trí hai con rồng uốn lượn chầu vào cửa chính.
Cả một khoảng bức tường lớn phía dưới được tạc nổi một đôi
voi chầu gợi lại sự kiện lịch sử Hai Bà
Trưng cưỡi voi ra trận. Ở cổng chính, mỗi bên là một cột trụ . Đỉnh trụ gồm bốn
con chim phượng chụm đầu vào nhau , phía dưới là lồng đèn được tô vẽ tỉ mỉ .
Thân trụ với các đường soi ở bốn cạnh tạo thành các mảng trống lớn để làm câu đối.
Kiến trúc bên trong của ngôi đình bao gồm ba gian. Bộ khung
của ngôi đình là các vì kèo bào trơn bóng theo kiểu kèo tuột (kèo quá giang),
các khoảng hoành làm bằng thân gỗ tròn.
Hậu cung gồm hai gian một dĩ, kiến trúc các kèo giống như
bên ngoài. Song hậu cung được kết cấu như một chiếc khám lớn bằng gỗ: cửa gấp,
trên các cánh cửa trang trí hình hoa
văn, phía trong được phân cách làm 3 phần: Phía trên trang trí các hình: Long,
Li, Quy, Phượng, khoảng giữa là bầu rượu túi thơ, phía dưới là hoạ tiết :
Thông, Cúc, Trúc, Mai( thể hiện bốn mùa).
Các cánh cửa có niên đại đầu thế kỉ XX song về tổng thể đây
là một bức tranh sơn mài rất đẹp, hoàn chỉnh hài hoà được coi là một trong những
hiện vật quý của đình.
Hàng năm cứ vào những
ngày trung tuần tháng giêng, dân làng Cao Quang lại tưng bừng tổ chức lễ hội để
tưởng nhớ tới công lao của đức thánh với dân với nước, cũng là dịp để dân làng
được nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả. Từ đây gắn kết tình làng
nghĩa xóm giữa mỗi dòng họ, mỗi chòm xóm trong làng với nhau.
Lễ hội đình làng Cao Quang
Lễ hội đình làng Cao Quang thường kéo dài trong 4 ngày (từ
ngày 12 đến hết ngày 15 tháng giêng âm lịch). Ngày 12 và 13 tháng giêng dân
làng đã tiến hành mở hội với nhiều hoạt động như giao lưu văn nghệ, gia đình
tài tử, thi đấu bóng chuyền, …Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian như bịt mắt
bắt vịt, bịt mắt đập niêu, hát quan họ nơi cửa đình.
Sáng ngày 14 tháng giêng dân làng tổ chức lễ rước kiệu thánh
gồm hai cỗ kiệu bát cống được rước theo thứ tự: Kiệu thánh Xa Lai đi trước tiếp
đến là kiệu của bà Huệ Nương – thân mẫu của đức thánh. Hai kiệu này được 16
trai và 16 gái tuổi từ mười tám đôi mươi chưa có chồng vợ được trọn làm phu kiệu
thay nhau khênh rước. Tất cả các thành viên trong các đội nghi thức rước kiệu tế
thánh đều được làng lựa chọn theo quy định truyền thống của làng đã có từ lâu đời.
Đi sau kiệu là đầy đủ các vị chức sắc của chính quyền, đoàn
thể và đông đảo già trẻ, gái trai trong làng, ai ai cũng háo hức đều coi việc
đi rước kiệu Thánh là việc làm có ý nghĩa để cầu may mắn, bình an, tươi tốt cho
bản thân, cho gia đình và làng nước trong cả năm mới.
Kiệu thánh được rước
xuyên qua làng, qua cánh đồng Rau Xanh, theo bờ con kênh dẫn nước tưới tiến về
Miếu Thượng thuộc xóm Quảng Tự( tương truyền đây là nơi thánh sinh thánh hoá
cũng là nơi ngài đã cùng quân sĩ tập luyện năm nào).
Tại đây hai ngai thờ Đức Thánh và thân mẫu của ngài lần lượt
được rước tiến vào miếu. Ban tế tiến hành tế ba tuần, tấu đọc chúc văn kính cáo
tại miếu. Tế xong, ông Từ chuyển bát hương của Đức Thánh vào kiệu và sau đó lại
được rước quay trở về đình. Khi kiệu về đến đình, ông Từ của đình làng nghênh
đón bát hương tiến lên thượng cung. Nghi lễ rước kiệu đã hoàn tất, cũng là vừa
kết thúc buổi sáng.
Để bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh đã phù hộ cho dân làng được
may mắn, bình an. Sau nghi lễ rước kiệu hoàn tất là các dòng họ trong làng đều
thành tâm kính cẩn sửa lễ ra đình để dâng cúng Thánh. Lễ vật được sắp tuỳ tâm,
có thể là lễ chay với nhang đăng hoa quả, có thể là lễ mặn với con gà, thủ lợn,
ván xôi. Mâm lễ dâng Thánh dù chay hay mặn đều được các họ trong làng tạo hình,
sắp đặt rất cẩn thận, cầu kì, trang trí đẹp mắt. Tất cả cho thấy sự thành tâm
như nhất của dân làng Cao Quang với Đức Thành Hoàng làng.
Với bề dày truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, truyền thống
cách mạng tiêu biểu, đình làng Cao Quang xứng đáng được công nhận là di tích lịch
sử - văn hoá cấp Quốc gia. Hiện nay trong đình còn lưu giữ được một số hiện vật:
bát hương làm bằng đá, 7 sắc phong, hai hoành phi, hai câu đối và bốn ngai thờ( một
ngai của Đức Thánh Xa Lai, một ngai của thân mẫu Đức Thánh, một ngai của thần
bà Thanh Sam và một ngai thờ của quan nghè), và một chiếc sập gỗ theo kiểu chân
quỳ dạ cá được trạm khắc rất tinh tế và đây cũng là một hiện vật góp phần tôn
thêm giá trị của di tích…
Đình Cao Quang không chỉ là di tích lịch sử có giá trị về
nhiều mặt mà còn là nơi giáo dục lòng yêu nước, hội họp, phục vụ tín ngưỡng của
dân làng Cao Quang nói riêng và nhân dân xã Cao Minh nói chung.
Vì vậy rất cần được sự quan tâm đầu tư về vật chất và tinh
thần của các cấp chính quyền, ngành văn hoá, cơ quan bảo tồn di tích lịch sử và
đặc biệt là sự quan tâm của UBND xã Cao Minh, Ban di tích lịch sử đình Cao
Quang và nhân dân trong thôn có ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy
những tải sản quý báu mà cha ông ta để lại nhằm giáo dục truyền thống yêu nước
cho muôn đời sau.
Đất Cao Quang sơn thuỷ hữu tình, nước biếc bao quanh có dải
núi Thằn Lằn như Long chầu Hổ phục. Do vậy đình làng Cao Quang không những là
nơi thực hiện mọi nghi lễ hội họp của dân làng mà còn là một điểm đến của khách
du lịch thập phương muốn trở về với cội nguồn của dân tộc.
Với những giá trị to lớn đó, mỗi dịp tết đến xuân về mời bạn
hãy về Cao Quang - vùng đất trung du thuộc xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, tỉnh
Vĩnh Phúc này để cùng tìm hiểu thêm những nét độc đáo của đất và người nơi đây,
cùng trẩy hội làng, cùng rước kiệu Thánh, cùng ôn lại và nhớ lại những truyền
thống oanh liệt của ông cha, thêm vững niềm tin xây dựng cuộc sống mới ngày
càng tươi đẹp hơn.