Đình làng Chải và Đình Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, thờ phụng Ngũ vị Tôn thần là : Quốc Công Đại Vương và Lã Nương Phu nhân Đại Vương cùng ba người con là Linh Khổn Đệ Nhất Linh Tố Đại Vương, Minh Chiêu Đệ Nhị Linh Tố Đại Vương và Cung Mục Đệ Tam Linh Tố Đại Vương.
Làng Võng La có tên Nôm là Kẻ Chài, nằm dọc bờ Bắc sông Hồng,
giữa vùng đất bãi rộng, màu mỡ, bằng phẳng, sông nước hữu tình.
Võng La là một làng cổ. Theo thần phả ở đình, vào thời Vua
Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương), ông Quốc Tế cùng vợ là bà Phùng Thị Loan (Lã
Nương) làm nhiệm vụ trông coi kho bạc và lương thực ở xã Võng La.
Hai vợ chồng đã tuổi xế chiều mà vẫn chưa có con. Một đêm,
bà Lã Nương nằm mơ thấy có 3 con rắn trắng bò từ sông lên người. Sau đó, bà mang
thai, đúng 9 tháng 10 ngày sau sinh ra ba người con trai và đặt tên là Linh Khổn,
Minh Chiêu, Cung Mục. Ba người con trai lớn lên thông minh tài trí, văn võ và sức
khỏe hơn người.
Thời đó, vua Thục Phán dẫn 100 vạn quân tinh nhuệ chia làm 8
mũi tấn công đất nước, vua Hùng Duệ Vương xuống chỉ triệu tập các quan đại thần
vào bàn kế sách đánh giặc. Được sự tiến cử của Tản Viên Sơn Thần, ba anh em
Linh Khổn, Minh Chiêu, Cung Mục được vua phong làm tướng quân chỉ huy 2 đường
tiến công là đường bộ và đường thủy để đánh quân Thục.
Trong một trận bị quân Thục bao vây trong một khu rừng, ba
ông cầu khấn trời đất, bỗng nhiên xuất hiện một con bò trước mặt, bèn cùng quân
sĩ vắt sữa bò uống, thấy khoẻ mạnh và tỉnh táo lạ thường, nhất loạt xông lên,
phá tan đội hình quân Thục. Để trả ơn ân nhân của mình, làng Võng La có tục từ
xưa không giết bò.
Nhờ tài trí hơn người, chỉ trong một thời gian ngắn, ba anh
em các ngài Linh Khổn, Minh Chiêu, Cung Mục. đã đánh bại quân Thục Phán. Trên
đường trở về diện kiến vua, ba anh em không bệnh mà mất.
Nhà vua vô cùng thương tiếc, truyền chiếu chỉ lệnh cho dân
làng lập đền thờ phụng và tôn ba anh em làm Thành Hoàng làng, đồng thời sắc
phong cho ba anh em là Đệ Nhất Linh Tố Đại Vương, Đệ Nhị Linh Tố Đại Vương, Đệ
Tam Linh Tố Đại Vương, cùng thân phụ là Quốc Công Đại Vương và thân mẫu là Lã
Nương Phu Nhân Đại Vương.
Đầu thế kỷ XIX, Võng La là một xã đứng đầu tổng Võng La thuộc
huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây. Năm Tự Đức thứ 29 (1876), Võng La được
nhập vào tổng Hải Bối huyện Đông Anh (mới được thành lập), phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc
Ninh (từ năm 1901 huyện Đông Anh được cắt chuyển sang tỉnh Phù Lỗ, năm 1904 là
tỉnh Phúc Yên).
Trước đây, làng Võng La có ngôi đình to và cổ thuộc diện nhất
nhì trong vùng huyện Yên Lãng, với đại đình và nhà tiền tế bốn góc đao cong,
trang trí long cuốn thủy, lân chầu, bờ nóc đắp long chầu mặt nguyệt; cổng đình
với bốn trụ uy nghiêm hòa quyện và nổi bật giữa thiên nhiên, sông nước vùng ven
sông đất bãi.
Làng còn có ngôi chùa Bạch Sam (chùa Chài hay chùa Ba Xã). Tấm
bia có niên hiệu Dương Hòa thứ tư (1638) cho biết, vào đầu thời Lê Trịnh, một vị
sư của chùa có công chữa bệnh cho chúa Trịnh nên được tôn làm “Thánh Tổ Ngọc Động”.
Về sau, dân làng lấy ngày ông mất (mồng 10 tháng Tám) làm ngày giỗ tổ chùa.
Tuy là làng nhỏ (năm 1928 có 727 nhân khẩu), nhưng thời
phong kiến, Võng La có hai người đỗ Tiến sĩ. Người đầu tiên là Phan Tự Cường
(1636 - ?), đỗ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị đời Vua Lê Huyền Tông (năm
1670), làm quan Tham chính sứ Thanh Hoa, sau được thăng chức Thiêm Đô Ngự sử.
Người thứ hai là Nguyễn Đăng Cơ (1670 - ?), đỗ khoa Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh
đời Vua Lê Dụ Tông (năm 1710), làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị giảng, được
thăng lên chức Tự Khanh, tước Hoa Dĩnh bá.
Hàng năm, làng Võng La có hai kỳ hội, tôn vinh Ngũ vị Tôn Thần:
Quốc Công Đại Vương và Lã Nương Phu nhân Đại Vương cùng ba người con là Linh Khổn
(Đệ Nhất Linh Tố Đại Vương), Minh Chiêu (Đệ Nhị Linh Tố Đại Vương) và Cung Mục
(Đệ Tam Linh Tố Đại Vương).
Hội tháng Bảy từ ngày 19 đến ngày 21 tưởng niệm Đức Thánh mẫu
đã sinh ra ba anh em thành hoàng làng, có thi bơi chải giữa các giáp trong làng
(mỗi giáp một thuyền) trên sông Hồng. Hội tháng Mười từ ngày mồng 10 đến 13, có
lễ rước nước từ sông Hồng về đình.
Làng Võng La sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng. Từ
năm 1941, Võng La là một điểm trong An toàn khu của Trung ương ở bờ Bắc sông Hồng.
Cây gạo đầu làng và ngọn tháp trong chùa Bạch Sam là điểm liên lạc và nơi đặt
hòm thư của Trung ương. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như Trường Chinh, Hoàng
Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt từng được các gia đình cơ sở làng Võng La nuôi giấu để
hoạt động.nằm bên kia chân cầu Thăng Long.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Võng La là một xã độc lập.
Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng Đại Độ, Sáp Mai thành một
xã Việt Thắng huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (từ năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc).
Tháng 5 - 1961, xã Việt Thắng cùng các xã khác của huyện Đông Anh được cắt chuyển
về thành phố Hà Nội. Năm 1965, xã Việt Thắng đổi tên thành Võng La.
Hàng năm, xã Võng La có hai kỳ hội. Hội tháng Giêng âm lịch
(hội chính) diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 để tưởng niệm ngày hóa của ba vị Đại
Vương. Hội tháng Tám âm lịch diễn ra vào ngày 15 để tưởng niệm ngày sinh cũng
là ngày hóa của phụ thân và phụ mẫu ba vị Đại Vương. Như vậy hội chính khá
trùng với hội Linh Lang Tây Hồ.
Cùng với nhiều di tích khu vực Tây Hồ, Hải Bối, Đại Mạch, Bồng
Lai thì đây vẫn là bóng dáng của Tam Vị Thủy Thần Lạc Long Quân đánh Thục. Linh
Tố Đại Vương tương tự Linh Lang Đại Vương thời Hùng Vương.
Lễ hội Võng La tổ chức từ ngày 13 đến 15/1 âm lịch
hàng năm, tại Đình Đại Độ, làng Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh.