Đình làng Chuông xã Nhã Nam, huyện Tân Yên thờ phụng đức Thánh Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương và Trấn Giang Đô Thống, phối thờ Nàng Giã Đại Thần nữ tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng và Phúc Thần Nguyễn Đức Hiên.
Đình làng Chuông là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng
lớn của làng Chuông xưa, nay là thôn Tiến Phan 2, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên. Di
tích nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 24km về phía Tây Bắc, cách thành phố
Hà Nội khoảng 85km về phía Đông Bắc.
Từ thành phố Bắc Giang theo Quốc lộ 1A (cũ), qua cầu Sông
Thương, rẽ phải tuyến Bắc Giang - Nhã Nam, tới ngã tư thị trấn Nhã Nam rẽ phải
theo đường lên cầu Gồ chừng 300m rẽ trái theo đường bê tông 100m là tới di tích
đình làng Chuông.
Theo các tài liệu, hiện vật còn lại trong di tích, các nhà
nghiên cứu đã xác định đình làng Chuông là một ngôi đình cổ được khởi dựng thời
Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII).
Hiện nay đình làng Chuông tọa lạc trên khuôn viên đất rộng,
cao thoáng ở trung tâm làng Chuông. Bố cục mặt bằng di tích được làm theo lối
kiến trúc hình chữ đinh gồm 7 gian tiền đình và hai gian hậu cung, ngoảnh hướng
Nam.
Tòa tiền đình xây gạch chỉ, ngoài phủ vữa quét ve vàng, mái
lợp ngói mũi, bờ nóc lợp ngói bò. Bờ dải hai hồi xây gạch, ngoài phủ vữa. Bảy gian
tòa tiền đình đều trổ cửa bức bàn, sơn màu nâu. Giữa sân và nội tự được ngăn
cách bởi hàng hiên nhỏ chạy suốt bảy gian.
Nền đình lát gạch vuông truyền thống. Kết cấu chịu lực bên
trong được tạo bởi 8 vì có chung một kiểu thức gắn kết theo lốì kèo kìm cánh
báng, quá giang gác tường. Hậu cung được tạo bởi 2 gian, tường xây gạch chỉ,
mái lợp ngói mũi, kết cấu chịu lực bên trong được tạo bởi 3 vì, mỗi vì hai hàng
chân cột, các cấu kiện được gắn kết theo kiểu thức kẻ chuyền, trốn cột, bào
trơn đóng bén, không chạm khắc cầu kỳ.
Hậu cung có khám thờ đặt long ngai bài vị. Đồ rước sách có
kiệu bát cống, chấp kích, bát bửu, tàn lọng và nhiều đồ thờ được sơn thếp. Hiện
trong đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật, sắc phong và đồ thờ tự quý giá. Những
hiện vật này phần nào khẳng định lịch sử ra đời của di tích.
Đồng thời cho biết, đình làng Chuông tôn thờ đức Thánh Cao
Sơn, Quý Minh đại vương và Trấn Giang Đô Thống. Ngoài ra đình cũng thờ Nàng Giã
Đại Thần - một vị nữ tướng của hai Bà Trưng. Sau này vào thời Nguyễn, đình còn
thờ một vị phúc Thần là người con của quê hương Nhã Nam, đó là ông Nguyễn Đức
Hiên đã công đức tiền của tu sửa đình.
Trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Hoa
Thám đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, bàn việc tổ chức những trận đánh lớn
chống thực dân Pháp xâm lược và tay sai tại đình làng Chuông.
Làng Chuông còn là nơi sinh ra Dương Văn Truật còn gọi là Đề
Hậu - một trong những vị tướng tài giỏi, giữ vai trò chủ chốt trong phong trào
khởi nghĩa Yên Thế. Ông có tài bắn cung bách phát - bách trúng khiến bọn giặc Cờ
Đen do Ngô Côn cầm đầu và sau này là thực dân Pháp và bè lũ tay sai phải kinh
hoàng, khiếp sợ khi nhắc đên tên ông.
Khi Lương Văn Nắm (Đề Nắm) - người làng Hả giương cao ngọn cờ
khởi nghĩa chống thực dân Pháp, Dương Văn Truật gia nhập nghĩa quân, trở thành
một trong những vị tướng giỏi giúp Đề Nắm và sau này là Đề Thám tổ chức nhiều
trận đánh, gây cho thực dân Pháp những tổn thất lớn cả về người và của.
Năm 1892, Đề Thám lên thay Đề Nắm (do Đề Nắm bị ám sát) lãnh
đạo phong trào chống Pháp. Ông đã sai Đề Hậu cùng các tướng bắt Đề Sặt là kẻ ám
hại Đề Nắm để tế cờ báo thù cho Đề Nắm. Sau đó, Đề Thám điều Đề Hậu lên Thái
Nguyên bắt liên lạc với các cánh quân của Đề Nguyên, Đề Công, Đề Cam.
Những cánh quân này kéo về Yên Thế làm cho lực lượng nghĩa
quân mạnh dần lên. Từ Thái Nguyên trở về, đến đồn Bãi Bục giáp Hồng Lĩnh, Đề Hậu
cho quân dừng chân ăn cơm tối và nghỉ ngơi. Tại đây lợi dụng lúc Đề Hậu mất cảnh
giác, một tên phản bội đã ám hại ông, cắt lấy đầu đem về nộp cho đồn binh Nhã
Nam lấy thưởng.
Thực dân Pháp đem đầu ông bêu 3 ngày ở chợ Nhã Nam đế khủng
bố tinh thần quần chúng. Đến đêm, bà Cổng là con gái ông đã lẻn lấy được đầu
ông gói vào vạt áo dài bí mật đem về làng Chuông mai táng. Sau đó, vợ con ông
phải lên tận Kép Thượng, xã Lam Cốt tránh sự trả thù của thực dân Pháp và tay
sai, sau vài năm mới trở lại làng Chuông.
Cùng với giá trị lịch sử, đình làng Chuông là một trung tâm
sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân thôn Tiến Phan 2. Hằng năm, tại trung
tâm di tích đình làng Chuông, nhân dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ hội
vào ngày 12, 13 tháng Giêng đế tướng nhớ công lao của những vị Thánh thờ trong
đình.
Trong lễ hội có nhiều
trò chơi dân gian đặc sắc và những sinh hoạt văn nghệ truyền thống thu hút đông
đảo bà con cùng nam thanh nữ tú xa gần đến tham dự.