Làng Lý Viên thuộc xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là ngôi làng cổ, đã có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời. Khu di chỉ Đông Lâm thuộc xã Hương Lâm khi khai quật đã phát hiện nhiều đồ đá, đồ gốm, đồ đồng và cả khuôn đúc rìu đồng bằng đá có niên đại cách ngày nay khoảng 3070 năm.
Từ thời kỳ vua Hùng, Hiệp Hòa nằm trong bộ Vũ Ninh. Thời Bắc
thuộc, Hiệp Hòa nằm trong huyện Long Biên thuộc quận Giao Chỉ.
Kết quả khảo cứu thần
phả nghè Bắc Lý cho thấy: Lý Viên xưa là một
xóm của Bắc Lý, Bắc Lý có từ thời Hùng Vương. Vật chứng đặc biệt là Trống
đồng Bắc Lý, hiện được trưng bầy tại bảo tàng tỉnh Bắc Giang.
Qua nghiên cứu cho thấy di chỉ khảo cổ học này được phát hiện
vào tháng 12/1975, tại tại Gò Mụ, ấp Thi Đua, thôn Lý Viên, xã Bắc Lý, huyện Hiệp
Hoà, tỉnh Bắc Giang, trống đồng Xuân Giang xã Mai Trung, các hiện vật đào được
trong khu di chỉ Đông Lâm Hương Lâm.
Tất cả các hiện vật này được lưu giữa ở Bảo tàng tỉnh Bắc
Giang. Trống đồng Bắc Lý giống trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn, ở giữa
có ngôi sao 12 cánh, 4 tượng cóc ở xung quanh. Đó là loại trống được xếp vào loại
cổ nhất, một di sản đặc sắc và tiêu biểu của nền văn hóa Đông sơn cách đây 2350
năm.
Lý Viên xưa kia được chia làm hai xóm, người xưa đã đào hào,
ao lấy đất đắp lũy bao quanh làng làm thành lũy. Cổng làng được xây bằng đá ong
theo hình cuốn, cánh cổng được ghép bằng gỗ dầy và được chốt toang ngang chắc chắn.
Đình và chùa của làng là hai di tích lịch sử được xây dựng
khá sớm, chỉ sau đình Cả và chùa Cả. Chùa Lý Viên có tên chữ là Thanh Vân Tự.
Đình làng Lý Viên cũng nhiều lần di chuyển. Năm 1900 dân làng quyết định di
Đình làng từ đất nghè Cổng Đình về vị trí hiện nay là Thanh Vân và cử các vị chức
sắc vào kinh xin sắc phong Thành Hoàng.
Đình Lý Viên thờ phụng Thành hoàng làng là Cao Sơn Đại
vương, Quý Minh Đại vương và đức thánh Tam Giang, hiện đình còn lưu giữ được sắc
phong của vua Duy Tân, Khải Định.
Ngày nay, quá trình đô thị hóa nông thôn đang phát triển
nhanh chóng, mặc dù vậy nhưng người dân Lý Viên vẫn giữ gìn, bảo tồn những di vật
lịch sử, những phong tục tập quán đẹp truyền lại từ xưa để duy trì và phát huy
những giá trị văn hóa ngàn năm của một làng cổ, giữ gìn bản sắc của người dân vùng đất lịch sử.
Ngô Quang. Trung học Phổ thông Hiệp Hòa I