Đình làng Đoan Bái là di tích lịch sử lâu đời trên địa bàn xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa. Theo thần tích do Nguyễn Bính soạn năm 1572 còn lưu giữ tại Viện Hán Nôm Việt Nam, Đình Đoan Bái thờ phụng Cương Nghị Đại Vương và Diên Bình Đào Yêu Công Chúa, triều đại Đinh Tiên Hoàng.
Cương Nghị Đại Vương tên húy là Lý Cương Nghĩa cùng với phu
nhân Diên Bình Đào Yêu Công chúa tên húy Đào Diên Bình, được sắc phong Đào Thiên
Nương, đã có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng đế đánh dẹp 12 sứ quân, lập ra nhà
nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam.
Đình làng Đoan Bái là di tích lịch sử cấp tỉnh thuộc địa bàn
xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận năm 2005. Ngôi
đình nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 25 km về phía Tây, cách trung tâm huyện
Hiệp Hòa khoảng 6 km về phía Đông Nam, đình tọa lạc trên khu đất rộng và bằng
phẳng ở thôn Đoan Bái, theo hướng Tây Nam, trước đây nhìn ra cánh đồng, sau này
dân cư phát triển, an cư, lạc nghiệp giờ đây người dân đã ở quây quần bên ngôi
đình.
Đình Đoan Bái-Hiệp Hòa-Bắc Giang
Đình Đoan Bái, xã
Đoan Bái là công trình văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, được dựng
lên thờ thành hoàng làng, căn cứ vào nguồn tư liệu thành văn như thần tích, sắc
phong, văn cúng mà đình Đoan Bái còn bảo lưu được, cho biết ngôi đình này thờ
Lý Cương Nghị, Đào Thiên Nương (Thánh Phụ, Thánh Mẫu).
Đình Đoan Bái nhìn về hướng Đông Nam, kiến trúc theo kiểu chữ
đinh, gồm tòa đại bái 3 gian, 2 chái, dài 15 mét, rộng 7,6 mét. Hậu bầu 2 gian,
dài 3,6 mét, rộng 3,4 mét, gian trong cùng có cấu tạo thành khám thờ thần cao
1,35 mét; dài 1,93 mét; rộng 0,66 mét. Bên trong đặt ngai thờ, bài vị, quán tảy,
mũ và nhiều đồ tế khí khác.
Phía trước Đình Đoan Bái
Đình Đoan Bái được khởi tạo vào tháng 3 năm Quý Mùi, đời Cảnh
Hưng thứ 24 năm 1763, đã trải qua hơn 200 năm (243 năm) nhưng ngôi đình vẫn còn
chắc chắn. Một đặc điểm rõ nét trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí ở
ngôi đình có một mối quan hệ hữu cơ thống nhất. Sự hài hòa giữa kiến trúc và
điêu khắc là đặc điểm bao trùm của toàn bộ công trình.
Ở đây, ngoài những dụng công trong nghệ thuật kiến trúc ra
thì vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc được thể hiện ở các mảng chạm khắc dày đặc
trên các đầu kẻ bẩy, các bức cốn mê đến các con rường... Những mảng chạm khắc ấy
đã làm tròn chức năng thẩm mỹ, góp phần làm tôn lên vẻ đẹp của đình.
Rõ ràng sự gia công của trí tuệ con người đã nâng hiệu quả bố
trí không gian bên trong và kết cấu hình khối bên ngoài ngôi đình lên cao trên
cả ba hình diện nghệ thuật, kỹ thuật và tư tưởng. Các bộ phận cấu kiện kiến
trúc ở Đình Đoan Bái được chạm khắc nhiều hơn. Người thợ đã chú ý tập trung chạm
khắc vào các bức cốn ở các vì nách.
Trên các bức cốn được phủ đầy hoa văn. Đề tài trang trí là
hình long hý thủy, hình văn kỉ hà cách điệu, hình lá lật,…mang phong cách thời
Nguyễn.
Đình còn nguyên hệ thống các đầu dư chạm hình đầu rồng mang
phong cách thời Lê, trên các đầu bẩy chạm khắc hình rồng, hình lá lật, đặc biệt
có hình một con lân đang chạy xuống.
Bức cửa võng tòa hậu cung đình Đoan Bái là một tác phẩm nghệ
thuật đẹp của thế kỉ XIX, được trang trí hình rồng chầu nguyệt, tứ linh và tứ
quý. Trên các cấu kiện kiến trúc đã được cách điệu phủ đầy hoa văn trang trí
nhưng khả năng chịu lực vẫn được đảm bảo. Hơn nữa, các cấu kiện kỹ thuật ở đình
còn trở thành cái truyền tải các đề tài trang trí mang nguồn gốc dân dã và đầy
chất biểu trưng.
Mặc dù đã được trùng tu lớn vào thời Nguyễn và những năm gần
đây nhưng Đình Đoan Bái còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa kiến trúc truyền thống
như ngày đầu khởi tạo. Sân đình được lát gạch, phía trước có cây xanh tỏa bóng
mát. Phía trước cửa đình đặt hai linh thú là voi chầu và ngựa chầu bằng đá ráp.
Đình được tạo dựng trên một địa thế đẹp, thoáng, có cây đề, cây đại phía trước
đình tạo cho ngôi đình dáng vẻ cổ kính uy linh.
Đình Đoan Bái hiện nay
Những hiện vật có trong di tích gồm: các hiện vật bằng gỗ, bằng
đồng (chiêng đồng cao 6 mét, rộng 0,80 mét), các hiện vật bằng gốm, sành, sứ,
đá (bát hương gốm thời Lê, lô hương sứ, voi đá,…) hay các di sản Hán Nôm (hoành
phi, câu đối, bài vị và 12 đạo sắc).
Đây là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị về nhiều mặt,
đặc biệt là giá trị kiến trúc nghệ thuật. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, đình
Đoan Bái còn là trung tâm văn hóa, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân
địa phương. Hội đình tổ chức vào các ngày 11, 12, 13 tháng Giêng âm lịch hàng
năm.
Vào những ngày này, người dân địa phương và du khách từ khắp
mọi nơi quy tụ về tại cửa đình để làm lễ dâng hương để tỏ lòng biết ơn tới vị
thành hoàng làng và cũng là để cầu tài, cầu lộc, cầu bình an cho gia đình.
Ngoài ra hội đình còn tổ chức rất nhiều những hoạt động khác như: đấu vật, bóng
chuyền hơi, cờ tướng,… thu hút được rất đông đảo người dân đến tham gia và cổ
vũ.
Lễ hội vật cổ truyền Đình Đoan Bái - xuân Quý Mão 2023
Đình làng Đoan Bái đã lưu lại được những di tích truyền thống
của người dân làng Đoan Bái nói riêng, con người Việt Nam nói chung mang đậm
tâm hồn Việt Nam, bản sắc, cốt cách Việt Nam từ đời này qua đời khác.
Quý khách gần xa hãy về nơi đây, thăm và vãng cảnh đình sẽ
thấy nét đẹp truyền thống của làng quê Đoan Bái chúng tôi đi vào lịch sử. Là thế
hệ con cháu chúng tôi sẽ gìn giữ, bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di tích đình làng
Đoan Bái ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn, để cho hậu thế hôm nay và mai sau.