Đình làng Đông Trù thờ phụng Thành hoàng làng là hai vợ chồng ông Đào Kỳ - Phương Dung là các tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng có công đánh đuổi nhà Hán, giành và bảo vệ độc lập vào những năm 40 - 43 sau Công nguyên.
Làng Đông Trù nằm ven sông Đuống. Theo truyền thuyết, làng
được hình thành trước thời An Dương Vương xây thành Cổ Loa (thế kỷ thứ III trước
Công nguyên).
Từ đầu thời Nguyễn trở về trước, trong sách “Tên làng xã Việt
Nam đầu thế kỷ XIX”, làng có tên Nôm là Ông Xá, có lẽ đổi tên thành Đông Trù
vào đầu thời Vua Minh Mạng (1820 - 1841). Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng,
hai tên này cùng xuất hiện từ xưa, “Ông Xá” dùng trong văn bản hành chính, còn
“Đông Trù” dùng trong dân gian thường ngày. Tên này gắn với truyền thuyết về
“Hoa Lâm lục thôn”.
Vào đầu thời Lý (thế kỷ XII), các Vua Lý thường theo dòng
sông Đuống để du ngoạn và về quê tế lễ tổ tiên ở làng Đình Bảng. Đến địa phận
các làng Cói (tên chữ là Hoa Lâm), thấy phong cảnh ven sông thơ mộng, có nhiều
hoa thơm cỏ lạ, bèn lập tại đây một Hoa viên (vườn hoa) để nghỉ ngơi, thưởng
ngoạn.
Vườn hoa ấy gồm 6 làng (6 thôn) cùng nằm trong xã Hoa Lâm
là: Du Lâm, Mai Hiên, Lê Xá, Phúc Thọ, Thái Đường và Đông Trù, nên gọi chung là
Hoa Lâm lục thôn.
Trong 6 làng ấy, Du Lâm là chỗ có nhiều rừng cây để vui
chơi, Mai Hiên là nơi trồng mơ có nhiều hoa đẹp, Thái Đường, Lê Xá và Phúc Thọ
trồng nhiều loại hoa mọc thành rừng nên gọi chung là Hoa Lâm; còn Đông Trù có
nhiều đầu bếp giỏi nấu ăn cho vua và hoàng tộc (Đông Trù là bếp ở phía Đông).
Đầu thế kỷ XIX, Đông Trù có tên là “Ông Xá”, là một xã độc lập
thuộc tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ 1831 là tỉnh
Bắc Ninh). Năm 1926, làng có 1047 nhân khẩu.
Sau Cách mạng Tháng
Tám 1945, Đông Trù vẫn là một xã độc lập. Năm 1949, làng nhập với thôn Đông
Ngàn thành xã Song Đông. Năm 1949, xã Song Đông hập với các xã: Tiên Hội, Hội
Phụ thành xã Đông Hội, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ tháng 6 - 1961, xã Đông
Hội cùng một số xã của huyện Từ Sơn được chuyển về Hà Nội.
Đông Trù có vừa có đồng, vừa có bãi, lại ở vị trí trên bến
dưới thuyền nên cuộc sống sớm ổn định với nghề trồng lúa, làm màu, làm nghề thủ
công và buôn bán. Nổi bật nhất là nghề trồng dâu, trồng mía và thầu dầu ở vùng
bãi. Cư dân ở vùng bãi sống trong hai trại: trại phía Tây đình làng và trại Vườn
Hồng ven sông. Trước đây làng còn có xóm Lẻ ở bên kia sông Đuống. Năm 1934, xóm
này nhập vào xã Thượng Thanh (huyện Gia Lâm) và mang tên xóm Hòa Bình.
Mặc dù tách về làng mới, hàng năm dân xóm vẫn cử đoàn đại biểu
về đình Đông Trù tế lễ, dự hội, để tỏ lòng nhớ về cội nguồn. Nghề thủ công nổi
bật là làm mật mía: mật vàng óng và thơm ngon có tiếng trong vùng; nghề làm
hàng xáo cũng phát triển, dân làng thường đi các nơi đong các loại thóc cho gạo
ngon để làm hàng và mang đi bán. Về buôn bán, làng có chợ Gạo ở ven đê, ngay bến
đò qua sông Đuống, mặt hàng chính bán trong chợ là gạo, ngoài ra, còn có mật
mía, bỏng, tơ tằm. Trong làng còn có nhiều người đi buôn lâm, thổ sản theo đường
sông.
Làng Đông Trù có ngôi đình nhỏ, 3 gian 2 dĩ, được dựng lại
vào cuối thế kỷ XIX, nhìn hướng Bắc. Đình thờ hai vợ chồng ông Đào Kỳ - Phương
Dung là các tướng của Hai Bà Trưng có công đánh đuổi nhà Hán, giành và bảo vệ độc
lập vào những năm 40 - 43 sau Công nguyên. Hội làng tổ chức vào ngày mồng 10
tháng Ba. Trước đây làng có tục kết nghĩa với làng Gia Lộc (nay thuộc xã Việt
Hùng huyện Đông Anh).
Đông Trù sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng. Đầu năm 1945, cơ sở
Việt Minh được xây dựng tại đây, sau đó lãnh đạo nhân dân giành chính quyền.
Trong các cuộc kháng chiến giữ nước, làng có 50 người con ngã xuống vì độc lập
tự do của Tổ quốc (11 liệt sĩ chống Pháp, 36 chống Mỹ, 3 liệt sĩ bảo vệ biên giới).
TS. Bùi Xuân Đính