Đình làng Dương Húc, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh có lịch sử khởi dựng từ lâu đời. Đình thờ phụng Thành hoàng làng là Châu Công và Giang Công, danh tướng cùng Thánh Gióng đánh giặc Ân triều vua Hùng Huy Vương.
Thời kỳ trước Cách mạng tháng 8, đình Dương Húc là địa điểm liên lạc,
hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và xứ ủy. Đặc biệt, nơi đây đã
diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân
dân Dương Húc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Mặc dù bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến, ngôi đình đã
được người dân xây dựng lại khang trang như hiện nay.
Đình Dương Húc nằm ở giữa làng, quay hướng Tây Nam. Phía trước
giáp đường giao thông liên thôn và chợ làng. Các phía còn lại giáp khu dân cư.
Tòa đại đình
Lưỡng long quán nhật, đắp nề trên nóc đình
Đình thờ Thành hoàng làng là Châu Công và Giang Công - những
vị tướng có công cùng với Thánh Gióng, đánh tan giặc Ân cứu nước thời Hùng
Vương. Ngoài ra đình còn phối thờ “Bạch câu Cao minh đại vương”, có công mở trường
dạy học, bảo vệ nhân dân làng Dương Húc.
Ban thờ công đồng trong tòa Đại đình
Đình làng Dương Húc xưa có kiến trúc hình chữ Đinh gồm Đại
đình 5 gian 2 chái và tòa Hậu cung. Hiện đình Dương Húc gồm các hạng mục công
trình: Tòa đình chính có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh; Nghi môn, Nhà truyền
thống.
Các mảng chạm khảm ở đình
Đại đình 5 gian 2 chái, 4 mái đao cong, hệ thống cửa thượng
song hạ bản, 2 chái trổ cửa sổ hình chữ Thọ tròn. Mái lợp ngói mũi hài, đỉnh đắp
lưỡng long chầu nhật. Bộ khung gỗ lim chắc khỏe. Vì nóc giá chiêng chồng rường.
Nghệ thuật trang trí đình tập trung trên các đầu dư, được các nghệ nhân chạm rồng,
các thanh rường chạm hoa lá cách điệu.
Bộ bát bửu thờ trong đình
Các đạo sắc phong thời Nguyễn còn được lưu giữ
Long ngai và bài vị các vị Thành hoàng làng được thờ ở hậu cung
Hậu cung 2 gian, bộ khung gỗ lim. Nhà truyền thống 3 gian,
mái lợp ngói, bộ khung gỗ quá giang gác tường.
Hội đình diễn ra vào ngày 5 - 6 tháng 2 âm lịch. Xưa lễ hội
gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ rước văn và rước kiệu. Ngày
nay, phần lễ không tổ chức rước kiệu mà chỉ tế lễ tại đình. Phần hội với các
trò chơi dân gian: đánh đu, chọi gà, tổ tôm điếm, cờ tướng, hát quan họ.
Đình Dương Húc được xếp hạng là di tích cấp tỉnh
theo Quyết định số 42/QĐ-UBND, ngày 18/01/2011.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh