Đình làng Giáp Nhất hay còn được gọi là đình thôn Lý, thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Đình thờ Thành hoàng làng là Phùng Luông, là vị tướng đã cùng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng chống ách đô hộ nhà Đường (thế kỷ VIII).
Tương truyền, Ngài là cháu gọi Phùng Hưng bằng chú, theo
Phùng Hưng suốt cuộc khởi nghĩa; làng Hoà Mục (phường Trung Hoà, Cầu Giấy) thờ
3 chị em danh tướng hoàng hậu Phạm Thị Uyển, danh tướng Phạm Miện, Phạm Huy của
Phùng Hưng và là anh em con cô con cậu với Phùng Luông. Sau cuộc khởi nghĩa thắng
lợi, để tưởng nhớ công lao của Ngài với dân với nước, dân làng Giáp Nhất đã lập
đền thờ Ngài, tôn làm Thành hoàng làng và rước về thờ tại đình làng.
Qua các triều đại nhà Lê đến nhà Nguyễn, vị Thành hoàng đều
được sắc phong là Thượng đẳng phúc thần. Như vậy, Thành hoàng của làng
Giáp Nhất là một nhân vật có thật trong lịch sử, là người anh hùng dân tộc được
tôn vinh. Hằng năm, cứ vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, dân làng lại tổ chức tế
lễ Thành hoàng rất trang trọng.
Dù trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc,
đình làng Giáp Nhất vẫn luôn là trung tâm sinh hoạt văn hoá – tín ngưỡng của
dân làng.
Đình được xây dựng từ lâu trên một gò đất cao, ở bờ Nam sông
Tô Lịch, nhìn hướng Đông – Đông Bắc. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì
đình được xây dựng trên thế đất hình con voi, bốn ao xung quanh là 4 chân voi,
2 gò là tai voi, còn vòi voi là bờ ruộng trước đình kéo dài ra sông Tô Lịch uốn
lượn phía trước; 2 chiếc ao phía sau đình đã bị lấp kín sau năm 1960.
Theo TS Bùi Xuân Đính, nơi đây từng hai lần phơi xác giặc
Minh xâm lược. Lần thứ nhất, ngày 20-10-1426, nghĩa quân Lam Sơn do Lý Triện và
Đỗ Bí chỉ huy mai phục dọc hai bên đường Thiên Lý và cầu Mọc. Khi quân Minh cầm
đầu lọt vào trận địa, quân ta đổ ra đánh, các tướng giặc là Đào Sâm, Tiền Phụ,
Triệu Trinh cùng nhiều lính bị hạ tại trận, số còn lại chạy về thành Đông Quan.
Đoạn đường gần cầu Mọc thuộc làng Giáp Nhất được gọi là Đường Vỡ, ngụ ý chỉ nơi
quân giặc vỡ trận.
Nửa tháng sau (ngày 5-11-1426), Vương Thông được tăng viện
binh liền phái 10 vạn quân đánh ra vùng Mọc, Ba La. Nghĩa quân Lam Sơn mai phục
ở Sốm (Thanh Oai, nay thuộc thị xã Hà Đông) lại bất ngờ tấn công. Quân địch bị
giết hơn 1000 tên. Các tướng Minh là Sơn Thọ, Mã Kỳ dẫn tàn quân tháo chạy về
Đông Quan. Nghĩa quân đuổi theo đến cầu Nhân Mục, bắt sống 500 tên.
Hiện nay, tại khu vực giáp gianh hai làng Giáp Nhất và Cự Lộc
còn 7 gò đất, tương truyền là 7 gò đống chôn xác giặc, nên gọi là gò Đống Thây
hay gò Kình Quán.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp, đình Giáp Nhất là nơi hội họp, nuôi dưỡng cán bộ, chuyển tiếp thương
binh. Đình đã bị giặc Pháp đốt cháy.
Cổng đình Mọc Giáp Nhất. Photo NCCong ©2017
Đại đình Mọc Giáp Nhất. Photo NCCong ©2017
Sân đình Mọc Giáp Nhất. Panorama NCCong ©2017
Trong đình Mọc Giáp Nhất. Photo NCCong ©2017
Trong khuôn viên đình hiện nay quan sát được, phía bên phải
là giếng, bên trái là ao đình đan xen với 7 cây muỗm cổ thụ xum xuê toả bóng
mát, tạo cho di tích có được cảnh quan đẹp hiếm có. Tổng thể của khu di tích
đình gồm có cổng đình, sân, giếng, ao đình, miếu thờ thần giếng, bậc thềm đá, Đại
bái, Hậu cung và nhà oản.
Phía trước cổng đình là không gian rộng, thoáng, nhìn ra
sông Tô Lịch sang bờ bên kia là đường Láng (thuộc quận Đống Đa). Theo cụ giáo
Nguyễn Bá Đạm cùng một số tài liệu còn ghi lại cho biết cổng đình và cổng làng
Giáp Nhất đều do ông Đỗ Hữu Thục – tức Cai ba Thục, chủ Ty rượu Văn Điển và Quốc
Bảo nổi tiếng hồi đầu thế kỷ XX – bỏ tiền công đức xây dựng.
Năm 1986, Hậu cung của đình được tu sửa để lấy nơi thờ tự.
Hai cột trụ chính trước cửa đình trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp đã bị đạn
pháo phá hỏng cũng được sửa chữa lớn vào năm 1990, đồng thời cổng cũng được làm
lại theo lối kiến trúc cũ và có quy mô như hiện nay.
Chính giữa cổng trụ là lối đi rộng hơn 4m lát viền bằng đá tảng
xanh, chân trụ cao làm theo kiểu đế trái giành, thân có bổ ô viết câu đối, đỉnh
trụ đắp rồng cách điệu nhìn về bốn phương trên cõng đôi nghê chầu vào giữa.
Hai bên thân trụ chính xây tường kiểu cuốn thư và có tường gạch
nối với 2 cổng nhỏ xây kiểu vòm cuốn, mái cổng làm giả ngói lưu ly đắp bởi vôi
vữa tạo ra sự mềm mại cho khối kết cấu kiến trúc.
Nối tiếp với 2 cổng nhỏ là bức tường lửng kết thúc bằng trụ
biểu nhỏ, đỉnh trụ đắp 4 phượng cách điệu hình lá lật. Với kiểu bố cục như vậy
đã tạo ra khoảng cách không gian thiêng giữa phía ngoài là đời thường/trần tục
với phía trong, qua hệ thống cột trụ ở cổng, là nơi chuyển tiếp, có sự giao lưu
văn hoá một cách tự nhiên giữa thế giới trần tục và thế giới thiêng liêng – nơi
thần thánh ngự trị.
Qua khoảng sân rộng lát gạch, bên phải là một giếng đất cổ
có bậc lên xuống (nay đã được tôn tạo kè đá xung quanh). Hiện nay nước giếng
không dùng cho sinh hoạt mà giếng chỉ còn là biểu tượng, tạo không gian, cảnh đẹp
tô điểm cho ngôi đình.
Cạnh giếng là ngôi miếu nhỏ được xây đơn giản, hình vuông có
mái. Được biết, miếu là nơi thờ thần Giếng. Bên trái sân là ao đình nay đã được
kè xung quanh. Từ khi dựng tường rào thì mọi người đi ở đường phía ngoài đình.
Từ sân đình qua 9 bậc đá xây cao khoảng 1,8m thì tới hiên
toà Đại bái. Đại bái là nếp nhà kiến trúc hình chữ “nhất” (一)
theo kiểu tường hồi bít đốc 5 gian, mỗi gian rộng khoảng 2,5m. Bên hồi phải có
trổ một cửa nhỏ dẫn xuống nhà oản. Bên trái có tạo một cửa ngách kiểu cuốn vòm
dẫn ra một cầu thang gạch 10 bậc xây lộ thiên.
Xung quanh tường Đại bái được xây bằng gạch Bát Tràng miết
vôi và mật; tường để mộc không trát, phía ngoài tường hồi hai bên có đắp mặt
hình hổ phù. Cửa chính vào toà Đại bái được làm theo kiểu “thượng song hạ bản”
gồm bốn cánh ghi 4 chữ “Tả hữu phùng nguyên”, có trang trí hoa quả, bút, hòm
sách… Kết cấu bộ vì được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, kẻ bẩy hiên tạo
sự thông thoáng, hài hoà.
Hậu cung được kết cấu 3 gian kiểu thượng chồng rường hạ kẻ bẩy.
Đại bái và Hậu cung được xây dựng theo kiểu chữ “nhị” (二), khoảng
cách mái hiên giữa toà Đại bái và Hậu cung là một rãnh thoát nước ngăn cách hai
toà nhà, trên rãnh có lát hai tảng đá xanh làm lối vào hậu cung. Kiểu kiến trúc
này đã khiến cho cả hai toà nhà đều lấy được ánh sáng tự nhiên vào trong và tạo
không khí thoáng mát. Gian giữa Hậu cung có xây bệ gạch đặt ngai, bài vị và ban
thờ Đức Thành hoàng làng.
Nhìn chung kết cấu kiến trúc đình Giáp Nhất tuy đơn giản
nhưng các cấu kiện gỗ lại được chạm khắc khá tỉ mỉ, mềm mại và mang nhiều hàm ý
sâu xa, cầu mong sự no đủ, giầu có, học hành, trí tuệ và hạnh phúc.
Các bức hoành phi, câu đối và đồ thờ tự đều được sơn son thếp
vàng tạo ra sự tôn nghiêm nơi thờ cúng. Đặc biệt trong đình còn lưu giữ được ba
bia đá, trong đó có tấm bia “Hậu thần” khắc năm 1812 và một tấm bia khắc năm
1892, nhiều chân đá tảng cột đình, phiến đá lát thềm có kích thước lớn; hai
nhang án gỗ lớn, một Ngai thờ chạm rồng cuốn đẹp; một quả chuông nhỏ cùng nhiều
đồ thờ có giá trị khác.
Với những giá trị về lịch sử và văn hoá, đình Giáp Nhất đã
được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm
1992. Ngày 27-8-2006 đình Giáp Nhất lại vinh dự được tổ chức Lễ đón nhận Quyết
định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc công nhận và gắn biển Di tích
cách mạng – kháng chiến.