Đình Lạc Nhuế thờ các vị thần linh đã có công phù giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống ở thế kỷ X là: Linh Thánh đại vương, Thuỷ Thánh đại vương, Cao Sơn đại vương, Tướng Công đại vương, Lâm Giang đại vương
Đình Lạc Nhuế ở xã Thuỵ Hoà, huyện Yên Phong. Làng Lạc Nhuế xưa còn có tên nôm là làng Nội, tổng Nguyễn Xá (sau đổi là Phong Xá), huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.
Căn cứ vào các tài liệu hiện vật cùng quá trình khảo sát tại
địa phương thì từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) ngôi đình đã được xây dựng đầy
đủ các hạng mục công trình như: cổng tam quan, 2 dãy nhà Tảo Mạc, toà Tiền tế,
toà Đại đình… nhưng các công trình này bị phá huỷ trong kháng chiến chống Pháp
chỉ còn toà Đại đình tồn tại đến ngày nay.
Toà Đại đình gồm 5 gian 2 chái nối liền với 1 gian Hậu cung
tạo nên một quần thể mặt bằng đình theo kiểu chữ Đinh (J). Toà Đại đình có kết
cấu 4 mái, mỗi góc mái một đầu đao cong thanh thoát. Bộ khung đình chia làm 6 bộ
vì kết cấu theo kiểu thức thượng giá chiêng, hạ kẻ trường nối với nhau theo hệ
thống câu đầu, xà ngang, xà dọc. Trên hầu hết các bộ phận cột, câu đầu, xà… đều
khắc những dòng chữ Hán ghi họ, tên, địa chỉ của những người hảo tâm công đức…
Như vậy chúng ta có thể biết được ngôi đình qua các giai đoạn lịch sử luôn được
các thế hệ nối tiếp chăm sóc, gìn giữ, trùng tu, sửa chữa khiến cho di tích mặc
dù đã trải qua mấy trăm năm mà vẫn uy nghi, chắc chắn và giữ được nét
nguyên sơ từ thời Lê.
Tương xứng với giá trị của ngôi đình là hệ thống tài liệu hiện
vật cổ ở di tích. Theo thần tích bằng chữ Hán cổ còn lưu giữ tại đình do Hàn
Lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572 thì đình Lạc Nhuế
thờ các vị thần linh đã có công phù giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống ở thế kỷ
X là: Linh Thánh đại vương, Thuỷ Thánh đại vương, Cao Sơn đại vương, Tướng Công
đại vương, Lâm Giang đại vương và các đời vua sau đều được các vị thần ở đây âm
phù đánh thắng giặc.
Năm vị thần đã được khắc tên trong bài vị và đặt kính cẩn
trong ngai ở hậu cung đình. Đình còn được lưu giữ được 23 đạo sắc phong thần do
các đời vua Lê và Nguyễn phong tặng cho các vị thần ở đình, 5 đạo sắc phong có
niên đại sớm nhất vào năm 1736 và sắc cuối vào năm 1924.
Hệ thống hoành phi, câu đối ở đình cũng là những tư liệu về
các vị thần ở đây. Hiện vật ở đình hầu hết là những di vật cổ có niên đại thời
Lê - Nguyễn: đôi phỗng thờ bằng gỗ to cao, nồi hương gốm sứ, lọ độc bình, hạc
thờ, biển gỗ, bát bưu, đồ tế khí…
Giá trị của đình Lạc Nhuế còn được thể hiện ở lễ hội truyền
thống. Hàng năm lễ hội đình làng được tổ chức vào 2 kỳ: ngày 12-2 (giỗ thần) và
ngày 6-8 (hội mùa) Âm lịch, lễ hội thường diễn ra từ 3 đến 5 ngày, vào năm được
mùa lễ hội mùa thường được mở nhiều ngày hơn.. Xưa kia, để lo việc đình đám
ngay từ trong năm làng đã họp bàn, phân việc cho các giáp nhận ruộng công để cấy
lúa, nuôi trâu, bò và làm bánh chưng, bánh dày để tế thần.
Trước ngày chính hội
làng mở cửa đình bao sái đồ thờ tự… Cả 2 ngày lễ hội chính trong năm làng đều tổ
chức rước, nghi thức rước rất tuần tự. Khởi đầu làng rước kiệu thần ra lăng mộ
(mả thần) ở xứ đồng Mái làm lễ xin rước thần về đình để tế lễ, sau đó rước kiệu
từ đình làng qua các xóm ngõ đến Biệt Quý Miếu (còn gọi là đình con) mời thần về
đình dự hội, vào chùa viếng phật rồi lại rước về đình tế lễ. Sau phần lễ là phần
hội với nhiều trò chơi dân gian vui chơi giải trí như: tuồng, chèo, câu đầu, đu
vật cờ người, chọi gà, cướp cầu… Trong những ngày lễ hội có tục kết chạ với
làng Đông Yên và làng Bằng Lục: Truyền rằng làng Đông Yên mua bè gỗ rất to về
làm đình, thợ mộc 2 làng Bằng Lục và Lạc Nhuế được mời đến làm.
Bè gỗ to đó làm
đình Đông Yên không hết 2 làng đã mua lại về làm đình Lạc Nhuế và đình Bằng Lục.
Vì vậy 3 làng đã kết chạ với nhau giúp nhau bảo vệ trật tự trị an, phát triển sản
xuất. Một lần có toán giặc cỏ đến bao vây làng Đông Yên. Thấy vậy dân làng Lạc
Nhuế và Bằng Lục kéo đến đánh cướp giải vây cho Đông Yên. Mỗi khi tổ chức hội
làng đều đón dân anh, dân em về dự hội đây là một nét đẹp trong văn hoá truyền
thống.
Với những giá trị cơ bản trên, đình làng Lạc Nhuế đã được
Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 2001.