Nước ta truyền tới đời Lạc Long Quân.
Ngài lấy vợ là con gái Động Đình, sống ở núi Nghĩa Lĩnh. Nàng Âu Cơ có
mang, sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành 100 người con.
Đến khi các con trưởng thành, Lạc Long Quân bảo với nàng Âu Cơ rằng: Ta
là giống Rồng, nàng là giống Tiên cho dù âm dương ngũ hành là hợp về khí
mà sinh con cái, nhưng không cùng loài, thuỷ hoả khắc nhau nên phải
phân ly. Bèn phân 50 người con theo cha ra bể làm thuỷ thần cai quản nơi
đầu sông góc bể; 50 người con theo mẹ lên núi thành sơn thần, cai quản
non cao vực sâu. Sau này có sự gì cùng báo cho nhau biết, sẽ đến để giúp
đỡ, không được bỏ mặc. Thế nên cuối triều vua Hùng thường có sơn thuỷ
bách thần xuất thế đầu thai vào làm con của người đời để trợ dân, giúp
nước. Vua Hùng trị vì 18 đời, đóng đô ở Phong Châu, truyền đến đời Hùng
Duệ Vương. Nhà Vua là bậc đại lược hùng tài, noi theo nghiệp lớn, trong
thì rèn luyện văn đức, ngoài thì phòng bị biên ải, nước nhà bình an
thịnh vượng.
Vào thời đó ở động Lăng Xương, đạo Sơn Tây có người họ Trương, huý là
Long, vợ là Nguyễn thị Hiền, nhà nghèo, làm nghề kiếm củi, hay làm điều
thiện, vợ chồng một bề nhân đức, tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Đêm nọ,
bà mộng thấy quan Sơn thần báo mộng sẽ sinh con trai.
Ngày 4 tháng giêng năm Nhâm Tý bà sinh hạ cùng một lúc được hai người
con trai, phong tư cao đẹp, dáng mạo khác thường, đặt tên một người là
Cao Sơn, một người là Quí Minh. Cả hai đều đi học thiên tư vượt trội,
thuộc lòng binh thư, thành thạo võ bị.
Đến năm 22 tuổi, chẳng may chỉ trong một đêm cả cha lẫn mẹ đều mất. Sau
ba năm mãn tang, kịp khi nhà vua hạ chiếu xuống khắp các châu quận kén
chọn người hiền tài. Khi nhà vua hỏi đều ứng đối lưu loát, thi tài văn
võ chẳng ai sánh kịp. Hai ông được cử làm chỉ huy tả hữu tướng quân.
Nhưng thời buổi đó cơ đồ vua Hùng đã đến lúc suy, mệnh trời đã cáo.
Lúc đó có giặc Ai Lao, vì nghe tin Hùng Duệ Vương đã già mà 20 hoàng tử
và 6 công chúa đã tuyệt tích, không có người nối ngôi, (vua) định sẽ
nhường ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh. Bởi thế chúng thừa cơ dấy
binh chia làm năm đạo tiến vào.
Từ biên ải cấp báo về mỗi ngày 5 lần, nhà vua vô cùng lo lắng, vội triệu Sơn Thánh lại để bàn kế. Sơn Thánh tâu rằng:
Xin nhà vua cử hai ông Cao Sơn, Quý Minh, làm tướng quân cùng binh lính
đi tuần tiễu các đạo để dấy thanh khí quân sĩ. Thần xin được lựa chọn
tướng tài, không tới một tuần sẽ dẹp yên quân giặc. Vua nghe vậy tức thì
triệu hai ông đến cùng phong làm tả hữu tướng quân, cùng Sơn Thánh đi
tuần phòng hai đạo Tây Bắc. Hai ông vâng lệnh thủy bộ đường đường đi
tới.
Một hôm tướng quân tiến về đạo Sơn Tây, phủ Đoan Hùng, huyện Đông Lan,
tời đầu địa phận làng Minh Cầm và đóng quân ở đấy. Xem thế đất có hình
núi sông uốn lượn, bao bọc bởi thế rồng cuộn hổ ngồi. Lập tức bảo binh
sĩ cùng nhân dân lập đồn để ứng phó với quân giặc. Khi ấy già trẻ gái
trai làng Minh Cầm đều lo lắng cùng hành lễ xin làm con thần.
Hôm sau sứ giả mang chiếu triệu hai ông cùng Sơn Thánh về triều, đưa
quân đi chặn đánh giặc ở các đạo phía Bắc. Hai ông sai mổ trâu giết lợn
cúng tế trời đất, Sơn Thủy bách thần, khao thưởng sĩ tốt, cất quân tiến
đánh đồn giặc Thục ở đạo Kinh Bắc, cùng giao chiến với giặc Thục một
trận. Quân Thục thua to, chém được chín tướng cùng tuỳ tướng, thu được
khí giới, lương thảo xe cộ vô số.
Lúc đó vào mùa thu, thượng tuần tháng chín, thấy thư của Sơn Thánh tới
nói về việc đã dẹp yên giặc Thục. Vua ban chiếu hồi triều, hai ông vâng
mệnh trở về. Nhà vua mở tiệc lớn ăn mừng, phong tặng tướng sĩ theo thứ
bậc, cấp cho hai ông thực ấp ở phủ Đoan Hùng. Hai ông bái tạ và trở về
nhận thực ấp.
Một lần nọ khi trở về làng Minh Cầm, nhân dân phụ lão gia thần tâu
rằng: Từ khi hai ông lập đồn sở ở làng, dân đều sống bình yên, giầu có,
muốn rằng từ nay nơi đây là đồn sở, sau này là nơi thờ phụng. Hai ông
nói: Ta nay mà được vinh hiển làm chủ ấp, các ngơi có lòng tôn kính,
vậy cho phép các ngươi sau này được thờ phụng thần hiệu của ta.
Hôm sau hai ông mở tiệc mời phụ lão, nhân dân gia thần tới dự. Trong bữa
tiệc, hai ông ban cho hai hốt vàng để sau này mua đất trồng cấy và dùng
vào việc tế lễ. Bỗng nhiên mặt đất tối sầm, không ai nghe và nhìn thấy
gì nữa, mưa to gió lớn, có một áng mây màu vàng như tấm lụa từ trên trời
bay xuống trước bản doanh, thấy hai ông nâng mình bay ra khỏi thành lầu
và không thấy đâu nữa, tức là cùng hoá vậy.
Lễ khánh thành Đình làng Minh Cẩm
Đó là ngày 12 tháng 11. Nhân dân, gia thần trong làng đều kinh ngạc, làm
lễ dâng biểu lên triều đình. Nhà vua hiểu rõ sự việc, ra lệnh trở về
làm lễ, sai cấp sắc phong là Thượng Đẳng Tôn Thần.
Sắc phong hậu tự Thần hiệu: Nhất phong Cao sơn Nhất thống Đại Vương.
Phong thêm là: Uy linh Phổ tế hựu Quốc hộ dân Uy dũng Hùng Kiệt đột Ngật
Thượng Đẳng Tôn Thần.
Nhất phong: Cao Sơn Quý Minh Minh Chính Đại Vương. Gia phong là Quảng tế Hoằng Đức Thượng Đẳng Tôn Thần.
Phong tặng ba vị là Hộ Quốc Hựu Y Thánh Khang Dân Phù Vận Tuyên Hiến Địch Cát Thượng Đẳng Tôn Thần.
Công đức phù trợ đất nước của các ông được mãi mãi ghi nhớ. Nay ban!
Cho phép làng Minh Cầm nghênh đón mỹ tự để nhân dân lập miếu tế lễ.
Đến thời vua Đinh Tiên Hoàng, hàng năm vào ngày 1 tháng giêng, nhà vua xa giá về làm lễ thể hiện sự linh ứng của hai ông.
Do trước đây Vua Đinh bị vây hãm ở chùa, hai vị thần đã hiển linh phù
trợ và giải thoát được. Từ đấy trở đi (vua) vẫn thường tới đây (để tế
lễ).
Lại kể từ đó về sau này, hai ông đều tỏ rõ linh ứng. Nhiều triều đại đế
vương vẫn ban sắc phong, gia phong các mỹ tự cho ba vị đại vương.
Đến thời Lê Thái Tổ, khởi nghĩa diệt Liễu Thăng, dẹp giặc Minh, lấy được
thiên hạ. Thái Tổ cũng gia phong mỹ tự cho ba vị Đại Vương là Phổ Tế Cương nghị Anh linh Đại Vương.
Sắc chỉ ban cho làng Minh Cầm. Vui thay!
Liệt kê các ngày sinh ngày hoá và tên huý của các thần, cấm dùng bốn chữ
Cao, Sơn, Quý, Minh. Cho phép làng Minh Cầm được thờ phụng các thần:
-Thần sinh ngày 4 tháng giêng, được liệt vào lễ chính. Lễ dùng: Trên bàn
là đồ chay, dưới là thịt lợn đen, rượu ngon và ca hát, kèm các môn đánh
vật, đấu cờ. Các trò ( vui) diễn ra sáu ngày thì dừng lại.
-Thần hoá là ngày 12 tháng 11, cũng liệt vào lễ chính. Lễ dùng: Trên
bàn là đồ chay, dưới là thịt trâu, thịt lợn, rượu ngon, bánh dày, bánh
chưng, cấm ca hát.