Đình Ngãi Cầu (Hoài Đức, Hà Nội) nơi thờ 5 vị thành hoàng, là nữ thần Bản Thổ, nữ thần tối cao của chế độ mẫu hệ nguyên thủy và 4 người con là Tả Hữu tướng quân của Tản Viên Sơn Thánh thời Hùng Duệ Vương.
Đình làng Ngãi Cầu có từ năm 1670, thờ phụng nữ thần Bản
Thổ và 4 tướng lĩnh của vua Hùng thứ 18. Lễ hội: 8 tháng Giêng ÂL. Xếp
hạng: Di tích quốc gia (1989). Địa chỉ: thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện
Hoài Đức, TP Hà Nội.
Cổng làng và cổng đình Ngãi Cầu. Panorama ©NCCong 2019
5 vị thành hoàng thờ phụng tại đình là:
- 1 vị nữ thần Bản Thổ, vị nữ thần tối cao của chế độ mẫu hệ nguyên thủy
- 4 người anh em là Tả Hữu tướng quân của Tản Viên Sơn Thánh.
Giới thiệu
Ngãi Cầu là một trong 2 làng ca trù của đất Bắc, tên chữ
Nghĩa Kiều Trang, tương truyền có từ thời Lý. Vua Lê Lợi đã từng đặt đại bản
doanh tại đây vào năm 1426 khi dẫn nghĩa quân Lam Sơn tiến ra bao vây thành
Đông Quan. Ngày nay, làng nằm ven đường DT72 và thuộc địa bàn xã An Khánh,
huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Đình làng Ngãi Cầu hình thành vào thế kỷ 17, thời Hậu
Lê. Sau khi sáp nhập mấy xóm nhỏ làng trở nên đông đúc, chia làm 8
giáp, chung nhau dựng một ngôi đình, đến nay đã trải qua nhiều lần
trùng tu. Trong hậu cung có bài vị và ngai thờ 5 vị thành hoàng làng là
nữ thần Bản Thổ và 4 anh em võ tướng của Hùng Vương.
Từ trong phương đình Ngãi Cầu. Panorama ©NCCong 2019 Jan.
Phía tây làng có một ngôi chùa tên chữ Phổ Quang Tự, dân
quen gọi là chùa Ngãi Cầu. Chùa được tạo lập năm 1573 và hiện đang
trùng tu, dự kiến khánh thành năm 2019. Trong chùa còn lưu giữ các di vật
như: chuông đồng, khánh đồng thời Tây Sơn; chuông đồng thời Nguyễn và một tấm
bia đá mang niên hiệu Duy Tân.
Liền bên chùa Phổ Quang Tự còn có một kiến trúc đơn
giản được xây bằng gạch, dân gọi là Quán. Theo bản thần phả hiện được
lưu giữ trong hậu cung đình Ngãi Cầu thì Quán là nơi ra đời của 4 anh em
thành hoàng.
Khu vực này có cổ thụ um tùm nhưng lại ở sát cạnh chợ
quê, thường xuyên rác rưởi nhiều và lều lán trông không được sạch sẽ.
Gần đình có Miễu là nơi thờ mẹ của bốn vị tướng. Bà
vốn tên Huệ, do đó khi sinh con gái thì dân làng phải tránh đặt tên này và
nếu ai về đây làm dâu mà tên Huệ thì sẽ đổi thành Huề hoặc lấy tên khác.
Đức Thánh Mẫu sinh vào ngày 8 tháng 3 năm Giáp Tý (298
TCN), vì vậy dân làng hay tổ chức lễ bánh trôi bánh chay vào mùng 8 thay vì
mùng 3 như tục lệ của nhiều làng quê khác ở Việt Nam.
Ngày 5-9-1989 quần thể di tích Đình, Chùa, Miễu, Quán của
làng Ngãi Cầu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn
hóa quốc gia. Theo đúng tiến độ, một dự án trùng tu di tích Miễu và
xây dựng lăng mộ của Đức Thánh Mẫu sẽ được hoàn thành vào dịp Tết Kỷ
Hợi 2019.
Kiến trúc
Đình được chuyển về vị trí hiện nay tức là ở bên
cạnh cổng làng, sau khi thôn Ngãi Cầu chính thức thành lập. Cổng
đình quay hướng đông-nam, nhìn ra mặt đường liên tỉnh DT72.
Nghi môn đình Ngãi Cầu. Photo NCCong ©2019
Đó là một nghi môn gồm 3 gian xây kiểu đầu hồi bít
đốc, 2 tầng, 4 mái với vì kèo chồng rường. Hai bên nghi môn lại có cổng
phụ dẫn vào sân gạch. Hai dãy giải vũ 5 gian nhỏ nằm song song đối diện
nhau qua sân.
Trung tâm sân là toà phương đình 2 tầng, 8 mái với 4 cột
gỗ tròn ở giữa và 12 cột vuông xây bằng gạch to để trần. Toà đại đình
nằm sát ngay sau phương đình. Đó là một kiến trúc bằng gỗ có quy mô
khá lớn, rộng 5 gian, 4 mái cũng lợp ngói ta với các đầu đao cong cong
thanh thoát.
Hậu cung gồm 3 gian nhỏ, kết nối với đại đình theo
hình chuôi vồ. Phía sau lưng là vườn chuối và khu đất được dự kiến
sẽ chuyển dịch toàn bộ di tích đình về đó để cách xa mặt đường
quá nhộn nhạo.
Đình Ngãi Cầu được thiết kế và bài trí theo Dịch học:
- Đầu hồi cửa nghi môn có hình hổ/rồng ngậm mặt trăng và mặt trời (Âm Dương)
- Tòa Đại bái chồng lớp 4x2 thành Bát quái.
- Hoành phi chính điện đề Càn Nguyên Hanh Lợi Trinh, tức là 4 nguyên lý cơ bản
của Dịch học.
Câu đối:
氣作山河鴻貉基圖長鞏固
忠同日月春秋華衮叠褒封
Khí tác sơn hà, Hồng Lạc cơ đồ trường củng cố
Trung đồng nhật nguyệt, xuân thu hoa cổn điệp bao phong.
Câu đối tại đình:
二氣同神偉烈猶傳雄嶺紀
五位相得靈聲長衍杏溪流
Nhị khí đồng thần, vĩ liệt do truyền Hùng lĩnh kỷ
Ngũ vị tương đắc, linh thanh trường diễn Hạnh khê lưu.
Xét kỹ cách thể hiện như vậy thì vị "nữ thần Bản Thổ" ở đây chính là
Cửu Thiên Huyền Nữ hay Hậu Thổ Nguyên Quân. Cùng với 4 vị tướng Tả Hữu sẽ tạo
thành Ngũ hành.
Câu đối bên trong ban Điếm Ngãi Cầu:
Hầu Bá Tử Nam Công tại thượng
Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ cư trung.
Đặc biệt ở đây kỵ húy tên thánh mẫu là Huệ. Điều này càng cho thấy đây là tên của
Hậu Thổ Nguyên Quân trong danh hiệu: Thừa Thiên Huệ pháp.
Từ trong phương đình Ngãi Cầu. Panorama ©NCCong 2019 Jan.
Di sản
Tám giáp thuộc làng Ngãi Cầu mở hội đình hàng năm, bắt
đầu vào mùng 7 Tết và thường kéo dài đến mùng 9, mùng 10. Đặc biệt, tối mùng 8
có tiết mục hát cửa đình. Cứ 5 năm có tổ chức một lần lễ rước kiệu.
Lễ rước gồm lọng trước đi đầu, 4 kiệu 4 vị tướng, kiệu Thánh
Mẫu và kiệu song loan. Riêng kiệu Thánh Mẫu là nặng nhất, tới hơn 1 tạ và
nghe nói được tạo tác vào thời Lê. Màn múa sư tử - lân – rồng đón chào
đoàn rước, tiếp đó là trẻ em mặc quần áo xanh đỏ múa điệu xênh tiền.
Những chàng trai và trinh nữ khỏe mạnh là người dân gốc
của làng được chọn từ gia đình nề nếp và không có tang xa gần sẽ chung vai
khiêng các kiệu khởi hành vào 6h sáng ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch.
Lễ hội truyền thống thôn Ngãi Cầu năm 2020
Nguồn: Hà Nội 360o