Đình làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội thờ Công Thần Long Hầu Thủy Bộ Thượng Đẳng Trung Thành Phổ Tế Đại Vương, sắc phong Nam Thiên Thượng Đẳng Phúc Thần Trung Thành Phổ Tế Hộ Quốc An Dân Đại Vương Thổ Lệnh Trưởng triều đại Hùng Vương thứ 18.
Ngài đã nhiều lần cùng các Thủy Thần phối hợp với Tản Viên
Sơn Thánh đánh đuổi giặc Thục. Tên húy là Thổ Lệnh Trưởng Đào Trường, chính là vị Thổ
Lệnh đã tranh tài với Thạch Khanh ở Ngã Ba Hạc, sinh Bạch Hạc thác Ba Lương nên
ngài còn được gọi là Tam Giang Bạch Hạc, là Quan Đệ Tam trong Ngũ Vị Tôn Quan của
Vua Cha Bát Hải.
Ngôi đình ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên,
thành phố Hà Nội. Đình được xây dựng từ rất lâu đời, trải qua nhiều biến thiên
của lịch sử và thời gian tàn phá, nhưng đã được nhân dân xây dựng, tôn tạo lại
nhiều lần. Ngôi đình hiện nay, có niên đại thuộc giai đoạn cuối Lê, đầu Nguyễn
(thế kỷ 17-19).
Kiến trúc
Đình tọa lạc trong một
khuôn viên có diện tích khoảng 1.548m², có cảnh quan đẹp giữa mặt làng, có dòng
sông êm trôi, có cánh đồng bát ngát. Diện tích xây dựng đình là 627m², gồm 3
tòa nhà đại bái, trung cung, hậu cung, giữa sân đình là một tòa nhà cao tám
mái, tạo thành thế kiến trúc hài hòa, bề thế, khang trang, lung linh soi bóng
nước.
Tòa đại bái, đình ngoài, là một nét ngang của chữ tam, dài 7
gian, với hai mái chảy, lợp ngói mũi nhỏ. Hai đầu bờ nóc đắp bờ đinh, hoa văn
tàu lá giắt. Suốt dọc đình, nóc đắp lớp lớp “bích vân”, biểu tượng của những
đám mây, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa mùa bội thu. Hai đỉnh đầu hồi đắp long
phượng giao thoa, ngũ phúc hài hòa, cầu mong cho dân làng hạnh phúc, thuận hòa.
Bên dưới, đắp nổi hai voi chiến, có cung tên, có búa sắt, cờ lệnh sẵn sàng ra
trận chiến đấu.
Trung cung là một nét ngang giữa của chữ Tam, ba gian hẹp,
bên trong làm theo kiểu cuốn vòm, hai bộ vì kèo cũng được làm theo kiểu cánh
cung ăn theo mái cuốn vòm, gối vào hai đầu cột chung với đại bái và hậu cung.
Dưới hai bức thuận đắp nổi “Tây Phương bạch hổ chầu vào làng ta” và “Thanh Long
uốn khúc chầu vào làng ta...”
Hậu cung cao rộng hơn đại bái, cũng gồm 7 gian. Đây là nơi
thờ tự chính của ngôi đình, được xếp thứ tự từ trong trở ra, là cung đệ nhất, đệ
nhị, đệ tam... đến tòa đại bái... như một tiểu cung đình thờ vua chúa ngày xưa.
Tuy là ba mái, tam cung nhưng nhìn bên ngoài, bên trong vẫn liền một khối, trên
mặt bằng, gần như hình vuông, mỗi cạnh trên dưới 20m, khá rộng rãi, thông
thoáng.
Lễ hội
Lễ hội đình lớn, dân
làng gọi là ngày “Đại kỳ phước”, diễn ra từ ngày 15/8, đến ngày 18/8 hàng năm để
tôn vinh vị Thành hoàng làng là “Trung thành đại vương thượng đẳng phúc thần”,
từng cùng Tản Viên Sơn thánh giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc giữ nước Văn
Lang.