Theo sự tích về Thành Hoàng còn lưu giữ được, ngài là Thiên thần có hiệu là “Trâu”, sinh vào ngày 16 tháng 10 năm Giáp Tý đời Hùng Vương thứ 6. Ngài lớn lên văn võ song toàn được phong làm Tổng Đốc Đại Vương, cùng với đức Phù Đổng thiên vương dẹp tan giặc Ân.
Nếu ai đã có dịp về thăm xã Trường Thành, chắc hẳn đều sẽ có
ấn tượng sâu sắc về một dãy Tam Quan nằm ở trung tâm xã, tuy đã phủ màu rêu
phong, nhưng nó vẫn toát lên một vẻ uy nghi, cổ kính.
Đây chính là dấu tích duy nhất còn sót lại của đình làng Phù
Tinh – một kiến trúc văn hoá nghệ thuật đã tồn tại cách đây hàng trăm năm trước.
Phù Tinh – một làng quê thanh bình, trù phú, giàu truyền thống
văn hoá. Tương truyền làng hình thành từ rất sớm, con người hội tụ về đây với
nhiều dòng họ lớn, dần dần hình thành một cộng đồng dân cư cần cù, thông minh
và sáng tạo, đời sống kinh tế, văn hoá phát triển rất nhanh.
Theo các cụ cao niên kể lại, mấy trăm năm về trước, làng đã
xây dựng được những công trình văn hoá tâm linh to đẹp nhất vùng như: Đình, Miếu,
chùa, Văn chỉ, Tam quan, nhà thờ các dòng họ. Đặc biệt, đình làng Phù Tinh là một
công trình văn hoá tâm linh rất uy nghi, ngoạn mục để thờ Đức Thành Hoàng và
nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của dân làng.
Dãy Tam quan với nhiều hoa văn hoạ tiết độc đáo là dấu tích
duy nhất còn sót lại của đình làng
Theo sự tích về Thành Hoàng còn lưu giữ được, ngài là Thiên
thần có quý hiệu là “Trâu”, sinh vào ngày 16 tháng 10 năm Giáp Tý đời thứ 6
Hùng Vương. Ngài lớn lên văn võ song toàn được phong làm Tổng Đốc Đại Vương,
cùng với đức Phù Đổng thiên vương dẹp tan giặc Ân.
Đánh thắng giặc, ngài được phong là Lạc Hầu tướng và được
quyền cai quản Dương Huyền chấn, tức tỉnh Hải Dương ngày nay. Ngài hoá vào ngày
mùng 1 tháng Chạp đời thứ VII Hùng Triều. Sau khi Ngài hoá, được phong sắc là
Thượng Đẳng thần và giao thần sắc Ngài cho làng Phù Tinh phụng sự.
Ngoài ra, Ngài còn có 17 đền thờ khác nhau, làng Phù Tinh thờ
Ngài bằng Ngai và bài vị tại Đình và Miếu. Theo truyền thuyết kể lại, đình làng
khởi đầu xây dựng rất đơn sơ, mái tranh vách đất.
Đến năm Đinh Dậu 1897, đình làng được xây dựng lại to đẹp, bề
thế. Đình làm bằng gỗ lim, lợp ngói theo lối cổ. Ngoài có 5 gian, trong có 3
gian theo lối chữ Đinh, đằng trước hai bên có giải vũ, ngoài sân lát gạch, xung
quanh đình xây thành cao.
Tam quan Đình được đắp vẽ tứ linh, hoa lá lộng lẫy, cao đẹp.
Trên vòm cổng chính đắp 4 chữ “Vạn đại chiêm ngưỡng” bằng gốm sứ. Hai bên cổng
có đôi câu đối: “Tả hữu giang loan chung tú khí – Hậu tiền sơn trĩ dục tinh
anh”.
Đình làng Phù Tinh ngoài mang những giá trị văn hoá tâm
linh, nó còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Tháng 8
năm 1945, nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh lớn nhất của nhân dân trong vùng, đứng
lên cướp chính quyền từ tay thực dân phong kiến, lập lên chính quyền dân chủ
nhân dân.
Trong những năm chống thực dân Pháp, đình làng là đài quan
sát, cảnh báo trước cho du kích và nhân dân khi địch sắp càn vào làng.
Do chiến tranh, giặc giã nhiều năm cùng với những biến đổi
thăng trầm của lịch sử, đình làng đến nay chỉ còn lại dãy Tam quan đã xuống cấp.
Nơi thờ tự đức Thành hoàng nhiều năm nay rất đơn sơ, tạm bợ, nên rất cần được
tôn tạo, tu bổ, để gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh trong những
năm tiếp theo.
Đình làng Phù Tinh là một di tích lịch sử cách mạng của địa
phương, đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá của nhân dân mà còn
là một di tích cách mạng lớn.
Do chiến tranh và thăng trầm của thời gian nên một số kiến
trúc cũ đã không còn. Vì vậy hiện nay chúng tôi đang tích cực kêu gọi nhân dân
và con em xa quê, cùng chung sức ủng hộ về tinh thần và vật chất, để tôn tạo và
xây dựng lại một số hạng mục của di tích.
Lễ hội truyền thống làng Phù Tinh được tổ chức vào ngày 15
tháng 10 âm lịch hằng năm. Theo bút tích lưu truyền lại, khi xưa trong 1 năm
làng tổ chức đến 10 kỳ tế lễ, trong đó kỳ tế lễ rằm tháng 10 là dài ngày và trọng
thể nhất. Trong những kỳ tế lễ ấy, dân làng đóng góp tiền theo xuất đinh để mổ
lợn, nấu xôi, mua sắm hương hoa, trầu rượu cúng tế Thành Hoàng sau đó chia phần.
Ngày nay, do không có điều kiện, làng chỉ tổ chức được một kỳ
tế lễ đức Thành Hoàng vào dịp rằm tháng 10. Cứ 5 năm một lần, làng lại tổ chức
lễ trọng, với các hoạt động cúng tế, văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, trò
chơi dân gian vô cùng sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập
phương về dự hội./.
Đức Anh