Đình Phương Độ nằm ở xã Xuân Phương (tỉnh Thái Nguyên) gây ấn tượng với bất cứ ai đến thăm bởi kiến trúc độc đáo. Hàng năm, những lễ hội diễn ra tại đình nhằm ghi nhớ công ơn của Thành Hoàng làng là Cao Sơn Quý Minh đại vương và danh tướng Dương Tự Minh.
Đình làng Phương Độ có lịch sử ngàn năm tuổi.
Đình cổ bên sông Cầu
Cách trung tâm TP.Thái Nguyên khoảng 20km về hướng Đông
Nam. Làng Phương Độ xưa thuộc tổng La Đình, phủ Phú Bình. Dù đã trải qua
nhiều biến cố nhưng làng Phương Độ vẫn giữ được nét văn hóa xưa của làng
quê Bắc bộ, bao gồm nếp sinh hoạt, công trình kiến trúc, lễ hội văn hóa và đời
sống sản xuất.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, đình Phương Độ có từ thời
Hậu Lê, khoảng năm 1511 – 1512, là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật
lâu đời nhất tỉnh Thái Nguyên còn lại đến ngày nay. Đình ban đầu dựng gần sát
bờ sông Cầu, đến năm 1901, được chuyển vào giữa làng như ngày nay. Những nét
kiến trúc đặc trưng từ thời Lê đến nay vẫn cơ bản giữ được nguyên vẹn.
Năm 1993, Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao
& Du lịch đã ban hành quyết định công nhận Đình Phương Độ là Di tích Lịch sử
cấp Quốc gia.
Làng Phương Độ là một trong những làng cổ điển hình của vùng
trung du Bắc bộ còn bảo tồn được một quần thể di tích lịch sử văn hoá như:
đình, chùa, nghè, miếu và nhà thờ họ.
Trong làng Phương Độ có nghè Trên, nghè Dưới. Đình nằm ở giữa
làng, còn hai Nghè ở hai bên, dân địa phương vẫn thường gọi nghè đầu làng là
‘Nghè trên”, ở cuối làng là “Nghè dưới”. Ngay phía sau đình là ngôi chùa cổ,
tên chữ là “Úc Tân tự”, tạo nên một quần thể văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.
Cây đa cổng phía bắc làng là cây đa cổ thụ lớn và đẹp nhất hiện còn lại ở Thái
Nguyên.
Khu đình nhìn từ xa nổi bật giữa phong cảnh làng
quê. Mái đình 4 góc cong vút ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ, phủ lớp rêu phong
thời gian. Đình quay hướng Tây với 48 cột gỗ lim, trước cổng là ao bán nguyệt,
xung quanh có tường xây bao bọc. Tương truyền, gỗ lim làm đình được chuyển
từ Thanh Hóa ra.
Trên nóc mái đình được trang trí theo kiểu “Lưỡng long chầu
nguyệt” đạt trình độ nghệ thuật cao. Theo các nhà nghiên cứu dân gian, rồng
là biểu tượng của tài trí cao sang, quyền uy. Tổng thể rồng thời Lê nhìn dữ tợn
hơn và lộ rõ uy quyền nhà vua gắn liền với thời kì Nho giáo thay thế Phật giáo
làm quốc giáo.
Gian chính của đình, là nơi đặt điện thờ gồm: Một bàn hương
án trang trọng lộng lẫy, gọi là Thượng Cung Đình. Trên Thượng Cung Đình, có Cửa
Vọng được sơn son thiếp vàng.
Phía trong Nội Cung, đặt tượng đức thánh Dương Tự Minh tạc bằng
gỗ hình nổi. Bên tả và bên hữu của bàn hương án là bộ “Hạc đứng lưng Quy”, thể
hiện cho sức mạnh và sự chiến thắng. Trong gian chính, còn có câu đối, các bức
tranh, bộ bát cửu… được bố trí hài hoà làm tôn thêm vẻ uy nghiêm của ngôi đình.
Hiện đình vẫn còn lưu giữ các hiện vật có giá trị như 1 sắc
phong và 2 bức Đại tự thờ Dương Tự Minh thời Khải Định; Bàn hương án của cuối
thời Lê đầu thời Nguyễn; Bát hương sành cổ (thời Lê); Hai cây nến đồng cao 0,8m
(thời Lê) và các đồ vật quý như: Kiệu, bát hương, hương án… được trang trí và
trạm trổ hoa văn tinh tế.
Không chỉ về kiến trúc, Đình phương Độ vẫn còn giữ được dáng
vẻ uy nghiêm, cổ kính, nét đặc trưng riêng có. Bởi vậy, đình đã được công
nhận là Di tích Quốc gia với những giá trị đặc biệt về lịch sử và nghệ thuật
điêu khắc.
Thành hoàng làng độc nhất vô nhị
Theo tư liệu còn lưu giữ, đình Phương Độ thờ hai danh tướng
thời vua Hùng là Cao Sơn và Quý Minh, tương truyền hai vị tướng này có công lớn
trong việc đánh giặc phương Bắc, giữ yên bờ cõi nước ta.
Đặc biệt, đình còn thờ danh tướng Dương Tự Minh thời Lý. Ông
là người dân tộc Tày, quê làng Quan Triều, phủ Phú Lương, nay thuộc thành phố
Thái Nguyên, tỉnh Thái nguyên. Là một thủ lĩnh có uy tín được vua Lý giao phó
cai quản phủ Phú Lương - một vùng đất rộng lớn tương đương với vùng đất thuộc tỉnh
Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, một phần Hà Giang, Vĩnh Phúc và Lạng
Sơn ngày nay.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư và các cuốn sử sách khác đều
ghi chép về hoạt động và công lao của Dương Tự Minh, đặc biệt là việc ông
được vua Lý gả hai cô công chúa: “Tháng 12 (1127) gả công chúa Diên Bình cho
thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh”, “Mùa đông tháng 10 (1142), sai thủ
lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập người
châu ấy”, “Mùa thu tháng 8 (1143), xuống chiếu cho Dương Tự Minh cai quản việc
công các khe động dọc theo biên giới về đường bộ”, “Ất Sửu (1145), tháng 8, mùa
thu.
Người Thổ nhà Tống là Đàm Hữu Lượng vào cướp châu Quản
Nguyên. Nhà vua sai bọn Dương Tự Minh đi đánh bại được giặc”, “Năm 1144 đem
công chúa Thiều Dung gả cho thủ lĩnh Dương Tự Minh” (Đại Việt sử ký toàn thư tập
1, Ngô Sỹ Liên).
Linh vật trên đầu dư xà dọc của đình Phương Độ.
Dương Tự Minh là một con người yêu nước, thương dân được thể
hiện qua các sự kiện sử sách đã chép như việc dẹp giặc Tống ở phía bắc và thực
hiện chính sách khoan thư sức dân ở địa phương. Dưới sự cai quản của Dương Tự
Minh ở vùng phủ Phú Lương, nhân dân được ổn định, liên tục nhiều năm được mùa
to.
Bởi những công đức lớn lao đó mà người Phương Độ đã
thờ Ngài Dương Tự Minh làm Thành hoàng làng. Đối với người dân làng
Phương Độ, lễ hội của đình làng có ý nghĩa rất lớn đối với đời
sống tâm linh của người dân, hướng đến việc tri ân công đức của Đức Thánh
Dương Tự Minh và cầu xin sự che chở của Ngài cho cả cộng đồng.
Lễ hội đình làng Phương Độ.
Do đó, đối với người dân Phương Độ, lễ vật dâng cúng
lên Thành hoàng làng đều được lựa chọn vô cùng cẩn thận từ những
sản vật của địa phương. Các vật phẩm dâng lên phải đảm bảo tư duy cân
bằng âm - dương, mấu chốt của sự sinh sôi, phồn thịnh.
Những năm gần đây bên cạnh những lễ vật mang tính quy phạm
như: hoa quả, bánh chưng, bánh dày, mâm xôi thủ lợn, oản, cỗ chay cùng với vàng
hương, trầu rượu, … Ngoài ra, các du khách và người dân quanh vùng khi tới
lễ hội cũng dâng lên Đức thánh Dương Tự Minh những lễ vật là đặc sản của
các vùng miền.
Vào mỗi dịp lễ hội, chỉ có thủ nhang và các bậc
cao niên, đức độ, được dân làng tín nhiệm bầu ra mới được thực hành
nghi lễ. Trong đó, nghi thức đại tế được thực hiện tại sân đình, chủ
tế sẽ khoác lên mình chiếc áo dài thụng đỏ, quan viên mặc quần áo
tế thụng xanh, đi hia, đầu đội mũ có dải.
Theo các bậc cao niên trong làng, trang phục xanh đỏ là
màu gắn với sinh lực, gắn với bầu trời và là màu của thần linh. Cho nên chủ tế
là người đứng chung gian giữa đời, giữa tầng dưới và tầng trên thay mặt dân
thưa việc với thần thánh, đồng thời thay mặt thần thánh để tiếp cận với thế
gian.
Vì thế trong những lễ hội ở đây các cụ còn giữ được chuẩn mực
phân tầng thế giới, nên chỉ một mình chủ tế được phục trang màu đỏ. Còn các bồi
tế - tức quan viên chỉ được mặc quần áo tế màu xanh lam nhạt.
Suốt bao đời nay, lễ hội đình Phương Độ được nhân dân gìn
giữ và duy trì tự nhiên trong cộng đồng như một nhu cầu tất yếu trong đời sống
tinh thần. Hàng năm ở đình Phương Độ diễn ra nhiều kỳ lễ, ngày lễ tính theo âm
lịch, nhưng được tổ chức quy mô hơn cả là ba kỳ: Thượng nguyên; Lễ cầu mát và Đại
lệ, người dân địa phương thường gọi là Lệ làng. Đại Lệ, là lễ lớn nhất trong
năm tổ chức từ ngày 9 đến 11 tháng 10 để tạ ơn Thành hoàng làng đã phù hộ cho
nhân dân mùa màng bội thu và dâng lễ vật được chế biến từ sản vật địa phương để
báo ân với Ngài.
Ngày nay, lễ hội đình Phương Độ ngày càng được
nhiều du khách thập phương biết đến, góp phần quan trọng vào việc
phát triển vănn hóa, du lịch, kinh tế của địa phương. Năm 2018, Bộ trưởng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội đình Phương Độ vào
Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống.
Tiểu Vũ