Ba anh em ngài Hoàng Trung Công, Hoàng Chí Công và Hoàng Uy Công là tam vị danh tướng phò tá vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, người dân tôn thờ làm thành hoàng làng thôn Phương La và thôn Kỳ Tây xã Cẩm Chế.
Mảnh đất Thanh Hà có lịch sử phát triển lâu đời. Căn cứ vào
tài liệu khảo cổ thì xa xưa nơi đây là biển cả mênh mông, trải qua hàng vạn năm
- được phù sa sông Thái Bình và sông Kinh Thầy bồi đắp đã thành đồng bãi phù sa
châu thổ.
Những cư dân Thanh Hà đầu tiên đã đến đây khai phá vùng đầm
lầy, bãi lau, bờ sú thành đồng ruộng tốt tươi. Trải qua quá trình lịch sử dựng
nước và giữ nước cùng dân tộc, nhân dân lao động và đã tạo dựng lên mảnh đất
giàu đẹp như ngày nay và trở thành niềm tự hào của người Thanh Hà.
Từ lâu trong gian lưu truyền câu ca: "Đã là con mẹ con
cha/Sinh ra ở đất Thanh Hà xứ Đông". Cũng có nơi trong huyện truyền nhau
câu ca: "Muốn làm con mẹ con cha/Thì sinh ở đất Thanh Hà xứ Đông" (tỉnh
Hải Dương xưa có tên tỉnh Đông - xứ Đông).
Huyện Thanh Hà từ thời Trần trở về trước là đất Bàng Hà; thời
thuộc Minh là huyện Bình Hà trong châu Nam Sách, phủ Lạng Giang. Đầu thời Hậu
Lê là huyện Bình Hà phủ Nam Sách; đến thời Lê Hiến Tông chia làm hai huyện Bình
Hà và Tân Minh (nay là huyện Tiên Lãng). Huyện Bình Hà mới giữ tên gọi này đến
thời nhà Mạc. Khoảng đời Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) vì kiêng huý Mạc Bình, ông
nội Mạc Đăng Dung, nên đổi thành Thanh Hà. Tên gọi Thanh Hà giữ nguyên từ đó tới
nay (trừ giai đoạn sáp nhập với huyện Nam Sách để thành huyện Nam Thanh).
Trải qua những biến động của lịch sử, đơn vị hành chính và địa
giới Thanh Hà cũng thay đổi. Thời Hùng Vương, nước ta được chia thành 15 bộ, Hải
Dương thuộc bộ Dương Tuyền; đến đầu Công nguyên nhà Hán đô hộ chia nước ta ra
làm 3 quận, 10 huyện, Thanh Hà lúc đó có tên huyện là Câu Lậu (gồm Nam Thanh
Hà, Tây An Lão và 1/3 huyện Tiên Lãng - Hải Phòng). Lúc này, cư dân đã khá đông
đúc, sống tập trung ở các vùng thuộc khu Hà Bắc, Hà Tây và một phần Hà Nam ngày
nay.
Đến đầu thế kỷ VI, Thanh Hà đã có nhiều cụm dân cư ở tập
trung thành xóm trại; lớn hơn là các trang như: Cập Hiền Trang (Tiền Tiến);
Hoàng Mô, Hoàng Mai Trang (Quyết Thắng); Hưu Cao Trang, Sơn Trại Trang (Thanh
Bình); Hạ Hào Trang (Thanh Xá); Đìa La Trang (Cẩm Chế); Tảo Sơn Trang (Thanh
An); Đại Lý, Hải Hộ Trang (Hồng Lạc).
Ngày 24 tháng 2 năm 1979, huyện Thanh Hà và huyện Nam Sách hợp
nhất thành huyện Nam Thanh. Ngày 17 tháng 2 năm 1997, tái huyện Thanh Hà từ huyện
Nam Thanh, giải thể xã Thanh Bình để thành lập thị trấn Thanh Hà, thị trấn huyện
lỵ huyện Thanh Hà.
Huyện Thanh Hà có thị trấn Thanh Hà và 24 xã: An Lương, Cẩm
Chế, Hồng Lạc, Hợp Đức, Liên Mạc, Phượng Hoàng, Quyết Thắng, Tân An, Tân Việt,
Thanh An, Thanh Bính, Thanh Cường, Thanh Hải, Thanh Hồng, Thanh Khê, Thanh
Lang, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Xá, Thanh Xuân, Tiền Tiến, Trường Thành, Việt
Hồng, Vĩnh Lập. Đến năm 2019, sau khi sắp xếp và điều chỉnh địa giới, huyện
Thanh Hà có 1 thị trấn và 19 xã như hiện nay.
Toàn huyện có 85 di tích lịch sử đền, chùa, miếu, trong đó
có 12 di tích được Nhà nước xếp hạng, mặt khác Thanh Hà là một miền quê trù phú
như rừng cây ăn quả giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Cẩm Chế là một xã thuộc huyện Thanh Hà, tại đây có Đình làng
Phương La, Đình làng Kỳ Tây thờ tam vị đại vương là tướng nhà Đinh gồm: Hoàng
Trung Công, Hoàng Chí Công và Hoàng Uy Công có công giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp
loạn 12 sứ quân.
Lễ hội làng Kỳ Tây, Cấm Chế, Thanh Hà, Hải Dương
Đó là những tiềm năng để huyện có thể phát triển du lịch
sinh thái miệt vườn, văn hoá nhân văn, thu hút khách tham quan, tìm hiểu lịch sử
văn hoá dân tộc.