Đình làng Thư Trai, cụm 4 Thư Trai, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội xưa thuộc tổng Lạc Trị, huyện Thạch Thất thờ 3 vị Cẩn Công, Khiêm Công và Đàm Công hay Tam Vị Chu Công đánh Mạnh Hoạch.
Ba vị Chu Công thờ ở Quán Sải, đình quán Hương Ngải, đình Đại
Đồng ở khu vực Thạch Thất gần đây. Như vậy thời Tam Quốc nơi đây không chỉ thuộc
Ngô.
Là làng cổ thuộc xã Phúc Hòa (huyện Phúc Thọ), Thư Trai nổi
tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng trong lịch sử. Phát huy truyền thống,
ngày nay, mỗi gia đình, dòng họ và cả làng quê nơi đây không ngừng quan tâm,
chăm lo cho việc học của thế hệ trẻ, coi đó là động lực, tiền đề để xây dựng
quê hương giàu đẹp, văn minh.
Theo các cụ cao niên ở làng Thư Trai, từ xa xưa, nơi đây có
2 cổng vào làng. Cổng điếm ghi đậm 2 chữ “Thư Trai” - nghĩa là "phòng đọc
sách", còn cổng giếng nổi lên 2 chữ “Thư Điền” - tức là "ruộng
sách". Cái chữ đã nói lên truyền thống của người làng: Học hay, làm ruộng
giỏi, nhiều sách, nhiều ruộng, nhiều chữ, nhiều lúa…
Theo những trang vàng trong sử sách, làng Thư Trai vinh dự
có 2 trong 8 tiến sĩ của huyện Phúc Thọ được ghi tại Bảng vàng bia đá nơi Văn
Miếu - Quốc Tử Giám là Khuất Duy Hài (đỗ Tiến sĩ năm 1868, lúc 46 tuổi) và Nguyễn
Đình Dương (đỗ Tiến sĩ năm 1880, lúc 37 tuổi).
Làng còn có Nguyễn Đỗ Mục (1866-1949) là con của tiến sĩ
Nguyễn Đình Dương - là nhà văn, nhà nho uyên thâm, ông đỗ Tú tài năm 1909 khoa
Kỷ Dậu, là dịch giả đã biên khảo nhiều tác phẩm như Đông Chu liệt quốc, Khổng Tử
tạp ngữ, Thủy hử và nhiều tác phẩm khác.
Trong lĩnh vực hội họa, một trong những người nổi tiếng ở thế
kỷ XX sinh ra ở Thư Trai là họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), con trai của nhà
văn Nguyễn Đỗ Mục.