Đình làng Thượng Trung Thôn Thượng Trung, xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, thờ phụng Thành hoàng làng có sắc phong thần hiệu là Thanh Tĩnh Long Vương trung đẳng thần. Ngài là một danh tướng tài ba của Hai Bà Trưng, khi đi chinh phạt quân Tô Định, ngài bị thương nặng phải lưu lại nơi này và được nhân dân hết lòng yêu thương, đùm bọc, chạy chữa thuốc thang.
Xã Liên Am là một trong những địa phương của huyện Vĩnh Bảo
sớm có phong trào cách mạng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phát huy truyền
thống yêu nước, tinh thần và nghĩa cử cao đẹp của cha ông, nhân dân làng Thượng
Trung, xã Liên Am luôn nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng, chống lại mọi âm
mưu thâm độc của kẻ thù, đoàn kết một lòng, bám làng, giữ đất, xây dựng quê
hương, làng xóm ngày thêm giàu đẹp.
Đình làng Thượng Trung được huyện Vĩnh Bảo chọn làm địa điểm
thành lập Ủy ban lâm thời huyện Vĩnh Bảo.Cũng tại đây, Ủy ban lâm thời của xã
được thành lập tại Đình làng Thượng Trung gồm ông Bùi Văn Huỳnh giữ chức Chủ tịch;
ông Lê Văn Luân giữ chức Phó Chủ tịch; ông Nguyễn Hữu Cầu là ủy viên.
Trong không khí phấn khởi được trở thành công dân của một nước
độc lập, có quyền tự do, nhân dân xã Liên Am đã nô nức kéo về Đình Thượng Trung
tổ chức mít tinh, chào đón sự ra đời của chính quyền mới. Sau khi chính quyền
lâm thời xã được thành lập, Đình Thượng Trung trở thành trụ sở làm việc của cơ
quan chính quyền mới cho đến ngày toàn quốc kháng chiến.
Từ Đình làng Thượng Trung, các đoàn thể cứu quốc, các đội tự
vệ, bạch đầu quân được thành lập. Đình là nơi mở các lớp bình dân học vụ, xóa
mù chữ cho nhân dân trong xã, làm địa điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I của
xã.
Đình làng còn là nơi họp bàn rút kinh nghiệm việc phá công
điền chia cho nam, nữ trong toàn huyện, là nơi để bộ đội mở công binh xưởng chế
tạo vũ khí, chứa vật liệu, là nơi bệnh viện Quân y, cứu chữa thương binh, là
nơi tổ chức họp bàn của cán bộ tình Hải Kiến.
Trong những năm kháng chiến ác liệt từ 1949-1953 Đình làng
Thượng Trung luôn là địa điểm quan trọng, nơi liên lạc, hoạt động bí mật của
cán bộ kháng chiến.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đình làng Thượng Trung
tiếp tục phát huy vai trò là chỗ dựa của cộng đồng. Tháng 4/1965 huyện ủy Vĩnh
Bảo đã chọn Đình làng Thượng Trung là địa điểm mở Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng
bộ huyện. Đồng chí Vũ Thạnh được bầu làm Bí thư huyện ủy; đồng chí Vũ Bá Ngọc
được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy.
Sau đó Đình làng Thượng Trung là địa điểm tổ chức các hội
nghị của huyện. Từ tháng 8/1965 đến tháng 12/1966 Đình làng Thượng Trung là địa
điểm trường Đảng của huyện Vĩnh Bảo. Tình hình chiến sự miền Nam ngày càng gay
go ác liệt, trường Đảng chuyển đi nơi khác,
Đình làng Thượng Trung lại là địa điểm của Đoàn 151 về điều
trị vết thương cho thương binh từ chiến trường B ra. Dân làng thương yêu, đùm bọc
những chiến sĩ thương, bệnh binh như những người con ruột thịt của mình.
Thành tích của nhân dân Thượng Trung cũng là thành tích
chung của nhân dân toàn xã Liên Am, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã Liên Am anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân.
Từ ngày khởi dựng cho đến cuối những năm 1970, Đình Thượng
Trung là một công trình kiến trúc có quy mô hoàn chỉnh với kiến trúc thường thấy
ở huyện Vĩnh Bảo là mô típ tiền nhất hậu đinh. Tức tòa tiền đường là một kiến
trúc kép gồm 2 tòa với 5 gian đình ngoài, 3 gian cung giữa liền nhau theo kiểu
trùng thiềm điệp ốc và hậu cung 2 gian tạo thành cung chuôi vồ.
Đình làng Thượng Trung tọa lạc trên một gò đất cao ở phía
tây của làng thượng Trung, xã Liên Am, quay hướng tây, nhìn ra sông Bạch Đà..
Ngô đình hiện nay mới được nhân dân đóng góp công của trùng tu, tôn tạo năm
2010.
Tòa tiền đường hiện gồm 5 gian, nguyên là 3 gian tòa trung đường
trước đây của ngôi đình cũ. Mái đình lợp ngói ta 2 lớp, hai đầu bờ nóc là đôi
kìm ngậm bờ nóc, giữa nóc mái đắp lưỡng long chầu nhật. Đình xây theo kiểu tường
hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn, tay ngai trụ biểu. qua 5 gian cửa làm theo lối
“thượng song hạ bản” là vào nội thất đình.
Toàn bộ hệ thống chịu lực được liên kết bởi 4 bộ vì kèo và hệ
thống xà thượng, xà hạ được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Vì nóc mái làm theo kiểu
chồng rường giá chiêng. Nối hai đầu cột cái là thanh câu đầu. Trên lưng câu đầu
dựng 2 cột trốn kê trên đấu sen.
Nối 2 đầu cột trốn là một thanh rường làm theo kiểu cánh
cung (rường bụng lợn) tạo thành khung giá chiêng. Vì nách làm theo kiểu chồng
rường cốn mê, trang trí hoa văn kiểu hoa lá thiêng, tứ linh, tứ quí… Nhìn
chung, các mảng hoa văn trang trí của đình được chạm khắc rất tinh xảo, có tính
thẩm mỹ và nghệ thuật cao, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ
XIX đầu thế kỷ XX.
Các cột đình hiện tại có đường kính 0,35m, kê trên các chân
tảng bằng đá xanh. Chân tảng được tạo dáng thắt quả bồng, cao 0,50m, đây cũng
là hệ thống chân tảng được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Đình làng Thượng Trung còn là nơi tôn thờ Thành hoàng làng
có sắc phong thần hiệu là Thanh Tĩnh Long Vương trung đẳng thần. Ngài là một
danh tướng tài ba của Hai Bà Trưng, khi đi chinh phạt quân Tô Định, ngài bị
thương nặng phải lưu lại nơi này và được nhân dân hết lòng yêu thương, đùm bọc,
chạy chữa thuốc thang.
Khi lãnh vết thương, ngài đã dạy dân nghề trồng trọt, trồng
dâu nuôi tằm, dệt vải, khai khẩn đất hoang, biến một vùng đất rộng lớn từ đầm lầy,
lau sậy um tùm thành những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ.
Trải qua thời gian, hiện đình còn lưu giữ được 3 sắc phong:
sắc vua Thành Thái năm thứ nhất (1889), sắc vua Duy Tân năm thứ ba (1909), sắc
vua Khải Định năm thứ chín (1924) đều phong bản cảnh thành hoàng Thanh Tĩnh
Long Vương trung đẳng thần.
Đình còn là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống và tổ chức lễ
hội cổ truyền. Sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống tại Đình Thượng Trung
thường diễn ra vào các ngày âm lịch hàng năm: 12/8 lễ thánh sinh, 12/12 lễ
thánh hóa, 1/6 lễ hạ điền. Vào những ngày này, mọi người thượng tụ hội nơi đình
làng cùng nhau sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền.
Đồng thời ôn lại kỷ niệm về những năm tháng hào hùng trong
thời kỳ kháng chiến chống Pháp, về những đóng góp, hi sinh của mọi người trong
cộng đồng. Như một nét văn hóa truyền thống, ăn sâu vào máu thịt của con dân,
cháu làng, lễ hội tại Đình làng thượng Trung luôn duy trì được những thuần
phong mỹ tục, lan tỏa trong cộng đồng, động viên mọi người cùng nhau đoàn kết,
xây dựng quê hương, xóm làng ngày thêm giàu đẹp.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng