Đình làng Tĩnh Luyện xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, thờ 5 vị nhân thần là Quý Minh Đại vương triều đại Hùng Vương, Quý Lan Nương (An Bình Công chúa triều đại Nhị vua Hai Bà Trưng và Đệ Nhất Đại vương, Đệ Nhị Đại Vương, Đệ Tam Đại vương.
Đình làng Tĩnh Luyện xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh
Vĩnh Phúc, thờ 5 vị nhân thần có công với đất nước và dân làng Tĩnh Luyện đó là
thần Quý Minh (dân làng gọi là Minh Tự), vị tướng tiên phong của Hùng Duệ
Vương, người đã có công giúp nhân dân tạ giữ yên bờ cõi đất nước trước sự xâm
chiếm của quân Thục. Vị thần Quý Lan Nương (dân làng Tĩnh Luyện gọi là Từ Hiên
công chúa) có công đánh giặc Đông Hán những năm 40 sau Công nguyên. Thờ 3 vị thần
đệ Nhất, đệ Nhị và đệ Tam.
Về nữ tướng Quý Lan Nương vị nữ tướng tài năng có công giúp
Hai Bà Trưng đánh giặc giữ nước xưa kia. Bà quê gốc ở Long Động, huyện Chí
Linh, tỉnh Hải Dương. Phụ thân là Hồ Nguyên Trừng, mẫu thân là Trần Thi Y, vốn
là một gia đình có thế lực, giàu có và trung hậu.
Vào thời kì thuộc Hán, miền Chí Linh nhiều loạn lạc, nên cha
mẹ bà mới đi nhiều vùng để tìm nơi cư trú. Sau đó chọn được địa điểm ở làng
Tĩnh Luyện, bên bờ sông Đáy (tục danh làng Diện), nay thuộc xã Đồng Tĩnh, huyện
Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà được sinh ra ở đất Tĩnh Luyện vào ngày 10 tháng
11 (chưa rõ năm), đặt tên là Quý Lan (Quý Lan Nương).
Bà lớn lên cùng gia đình ở làng Tĩnh Luyện, trở người con
gái rất thông minh, văn chương uyên bác, võ nghệ tinh thông, được nhân dân
trong vùng mến phục.
Bà Quý Lan được phong chức quan Nội thị đại tướng. Sau khi
đánh đuổi quân Hán, Nhị chúa Hai Bà Trưng lên ngôi Vua. Bà Quý Lan được phong
thực ấp ở Lập Thạch, hiệu là An Bình Công chúa (người dân địa phương gọi bà là Từ
Hiên công chúa). Trở về Lập Thạch, bà đến các làng Liễn Sơn, Ngọc Liễn dựng hai
cung và sinh sống ở đó.
Đến tháng Giêng năm Nhâm Dần, tướng nhà Hán là Phục Ba, theo
ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm tiến đánh nghĩa quân Hai Bà
Trưng. Bà Quý Lan theo lệnh của Bà Trưng đã đốc xuất binh phu ở các làng Thản
Sơn, Liễn Sơn, Ngọc Liễn, Liên Hồ, Tĩnh Luyện cùng tướng sĩ trong toàn huyện Lập
Thạch, tiến quân về hội với Trưng Vương...
Đình làng Tĩnh Luyện thuộc nhóm di tích kiến trúc nghệ thuật.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, đình được dựng từ rất sớm, có kiến
trúc đồ sộ. Trải qua thời gian, đình bị chiến tranh tàn phá. Trong kháng chiến
chống Pháp, định là nơi nuôi dấu cán bộ cách mạng, là trụ sở của Viện Quân Y
(tiền thân của Viện 108 ngày nay) để cứu chữa thương binh.
Năm 1949, nơi đây bị lộ. Năm 1960, đình được xây thêm phần hậu
cung; Năm 1972 xây lại đại đình và hậu cung. Năm 2007, đình được sửa lại thành
kiến trúc như ngày nay.
Đại biểu cắt băng khánh thành đình làng Tĩnh Luyện
Căn cứ vào giá trị khoa học và lịch sử của mình, đình làng
Tĩnh Luyện được đưa vào danh mục kiểm kê của Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phúc
năm 1998.
Trải qua thời gian, do sự tác động của thiên nhiên, Đình đã
xuống cấp, nhằm giữ gìn và bảo tôn những giá trị của di tích, theo nguyện vọng
và tâm huyết của cán bộ, đảng viên, Nhân dân làng Tĩnh Luyện và con em xa quê
hương, được sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, tháng 9/2020, đình Tĩnh Luyện
được khởi công trùng tu, tôn tạo xây dựng lại với nguồn vốn xã hội hóa.
Dự toán ban đầu, đình được đầu tư xây dựng là 1,8 tỷ đồng
nhưng khi triển khai thực tế chỉ hết 1,3 tỷ đồng. Đến nay, các hạng mục hoàn
thành, đưa vào sử dụng.
Đình Tĩnh Luyện hướng Tây Bắc, hiện nằm trên thế bằng phẳng,
rộng rãi ở giữa làng. Cổng đình xây dựng năm 1999 theo kiến trúc cổ dân gian gồm
một lối ra vào, 6 cổng đồng trụ, 4 bức cánh phong được trang trí hài hòa, hợp
lý.
Hai bên cổng ra vào là hai cột đồng trụ cao gần 8m, đình cột
đắp hình tứ phượng nhìn về 4 phương, đuôi phượng chụm lại vút lên phía trên như
một bông hoa cách điệu rất sinh động. Hai cột phía ngoài, trên đình là một con
nghê uốn mình ngẩng đầu chầu vào giữa với thân hình chắc khỏe, dáng vẻ hùng
dũng và oai phong. Giữa 2 cột đồng trụ, trên mỗi cánh phong người ta đắp nổi
hình 2 còn rồng chầu.
Đình làng được trùng tu, tu bổ khang trang
Nhìn toàn cảnh từ bên ngoài, những cột đồng trụ, cánh phong,
họa tiết trang trí ở cổng đình với chủ đề “Tứ linh” đã làm tôn lên sự linh
thiêng và thâm nghiêm của nơi thờ các vị thần, khắc sâu trong tâm khảm của người
làng Tĩnh Luyện.
Đình Tĩnh Luyện có hình chữ “Đinh”. Đại đình 5 gian và hậu
cung, kết cấu kiến trúc quá giang gối tường. Nối liền đại đình là hậu cung với
3 gian, xưng quang bưng ván gỗ kín táo khám thờ trang nghiêm, kín đáo.
Công trình hoàn thành đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân về nơi
sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phát huy có hiệu quả các giá trị của di tích trong
việc giáo dục truyền thống văn hóa- lịch sử cho thế hệ trẻ tiếp tục học tập, phấn
đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lê Sơn