Đình làng Tri Chỉ nằm ở thôn Tri Chỉ xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thành phố Vĩnh Yên 10km, thờ phụng nữ danh tướng Khoan Khoáng Đại vương triều đại vua Lý Nam Đế.
Các cuộc đấu tranh, giành quyền tự chủ nổ ra liên miên, tiêu
biểu là cuộc khởi nghĩa do đức ông Lý Bí (Lý Bôn) lãnh đạo (đầu thế kỉ thứ VI).
Lý Bí là người văn võ song toàn, có lòng yêu nước thương dân; ông biết liên kết
với những người có tài, có khí phách. Vì vậy quân xâm lược đô hộ rất sợ và ráo
riết truy lùng ông. Lý Bí phải trốn từ Long Hưng (Thái Bình) lên Long Biên (Hà
Bắc), rồi lại lên Gia Ninh (Vĩnh Phúc). Tại đây ông chọn chùa Diến Táo (Đạo Đức
– Bình Xuyên) làm nơi liên lạc với hào kiệt bốn phương.
Trên đà thắng lợi, nghĩa quân tiến về vây hãm và giải phóng
thành Long Biên. Được tin Long Biên mất, nhà Lương vội đem quân xuống tiếp viện
nhưng tới nơi bị đánh đại bại. Nghĩa quân chiếm luôn cả ái Châu và án Châu. Sau
hai lần chiến thắng, đức ông Lý Bí vững tin ở lực lượng của mình, chuyển sang củng
cố chính quyền trên đất Giao Châu. Đầu năm 544, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế
(Lý Nam Đế) niên hiệu Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân.
Trong số các nữ tướng của vua Lý Nam Đế không thể không nhắc
đến, đó là Dương Khoan Khoáng. Có thể nói, bà là nữ tướng nổi tiếng nhất của
triều Tiền Lý nước Vạn Xuân. Bà quê ở trang Báo Văn, xứ Hồ Kì (nay thuộc thôn
Báo Văn, Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc)
Trong cuốn ngọc phả của đình hiện đang lưu giữ tại Trung tâm
Nghiên cứu Khoa học và Nhân văn Quốc gia có ghi: Đình Tri Chỉ thờ Khoan Khoáng
đại vương. Khi Giao Châu đặt dưới ách thống trị của nhà Lương. Ở Thanh Hoa có
ông Dương Đức Minh giỏi về phong thủy, thường hay nay đây mai đó để xem các cuộc
đất.
Khi đến xứ Hổ Kì, nay thuộc thôn Báo Văn, xã Đồng Văn, huyện
Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Minh đã gặp và nên duyên với người con gái trong
làng là bà Nguyễn Thị Hằng. Hai vợ chồng cùng chung sống êm ấm.
Một lần ông Minh đi đặt đất ở huyện Bất Bạt (thuộc Hà Nội
ngày nay). Bà Hằng ở nhà, trong một đêm mưa to nằm mộng thấy một con rồng lớn
phủ lên người, sau đó thì thụ thai. Ngày mồng 4 tháng Giêng bà sinh ra một người
con gái, trên thân có những vết như khoang rắn, nên đặt tên là Khoan Khoáng.
Ông Dương Đức Minh sau lần đi ấy không còn thấy quay trở về,
bà Hằng tự mình nuôi con khôn lớn. Khoan Khoáng là người dũng lược, ý chí khác
người nên ai ai cũng nể phục.
Năm Nhâm Tuất (542) tại chùa Diên Táo (nay thuộc làng Báo
Văn, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), Khi chúa Lý Bí làm lễ tế cờ,
tuyên cáo khởi nghĩa chống giặc Lương. Các hào kiệt người địa phương là những
người đầu tiên tham gia tề tựu dưới cờ, trong đó có Khoan Khoáng, thủ lĩnh một
toán quân gồm các trai tráng người làng Báo Văn.
Lúc này, Khoan Khoáng đã đến tuổi trưởng thành, liền triệu tập
thân binh gia nhập nghĩa quân của Lý Bí tại chùa Diến Táo. Nghĩa quân tổ chức
công kích ở nhiều địa phương đánh đuổi quân Lương giành được nhiều thắng lợi.
Cuộc khởi nghĩa bùng lên và lan rộng nhanh chóng, quan quân
nhà Lương kẻ bị giết, kẻ ôm đầu tháo chạy về phương Bắc. Khi đức ông Lý Bí xưng
đế lập nước Vạn Xuân, nữ tướng Khoan Khoáng được giao trấn ải phía Bắc, doanh
trại đặt ở trang Hổ Kỳ quê nhà.
Hòng tiêu diệt nước Vạn Xuân non trẻ, đầu năm Ất Sửu (545),
quân Lương kéo sang xâm lược, Lý Nam Đế bèn đem quân ra đánh ở Chu Diên nhưng bị
bất lợi phải lui quân về cửa sông Tô Lịch, dựng thành lũy chống giặc, rồi lại
lui về giữ thành Gia Ninh (Việt Trì). Cuối tháng 2 năm Bính Dần (546), thành
Gia Ninh vỡ, vua chạy vào miền Khuất Lão tập hợp lực lượng.
Trong khi đó, nữ tướng Khoan Khoáng cùng đạo quân của mình
đánh giặc, chiến đấu dũng cảm ở hai vùng đất Bình Xuyên và Yên Lạc trong suốt
hai năm (545-546) với nhiều trận khiến quân giặc kinh hồn táng đởm.
Trong một trận huyết chiến tại Yên Lạc, nữ tướng Khoan
Khoáng bị trọng thương, quân sĩ đưa bà về đến xứ Hổ Kỳ, trang Báo Văn thì mất,
hôm đó là ngày mồng 10 tháng 9 năm Bính Dần (546). Sau khi mất, nhân dân nhớ ơn
Khoan Khoáng, nhiều nơi lập đền thờ. Các triều đại sau này truy phong bà làm “Đệ
nhị á nương Khoan Khoáng đại vương mỹ mạo linh dung”.
Hàng năm, vào mùng 10 tháng 09 âm lịch nhân dân trong làng tổ chức lễ hội, với đầy đủ cả phần lễ và
phần hội. Phần lễ gồm có các lễ vật của người dân mang đến thờ cúng Khoan
Khoáng đại vương. Phần hội dân làng tổ chức bơi thi ở ao đình. Buổi tối có tổ
chức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc với sự tham gia của đông đảo người dân
trong vùng.
Đình làng Tri Chỉ không còn ghi lại được chính xác thời gian
khởi dựng. Đình được xây dựng trên một khoảng đất bằng phẳng, với diện tích
trên 1.000 m2, ba mặt được bao bọc bởi một dải ao làng, bốn mùa soi bóng tre
xanh. Sân đình lát gạch vuông, trồng xen kẽ những cây nhãn lớn, nhìn từ xa đình
làng như ẩn mình dưới những vòm lá sum xuê.
Đình quay về phía tây nam, có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian đại bái, 2 gian hậu cung với
tổng diện tích là 278 m2. Mái lợp ngói mũi hài, với 4 đầu đao cong vút theo
cách tạo dáng truyền thống của đình làng người Việt, thể hiện đầu rồng vươn cao
hướng vào trong, phía dưới được trang trí như cánh sen mở ra phía trước. Phần
kiến trúc cổ của đình, trải qua thời gian nhưng vẫn còn tương đối chắc khỏe, tất
cả có 22 cột gỗ không sơn màu và được bào trơn, đánh bóng.
Các cánh cửa được chạm trổ hết sức công phu, làm theo kiểu bức
bàn 6 cánh sơn son thếp vàng.
Hiện nay, đình làng còn bảo lưu được khá nhiều mảng chạm trổ
lớn bằng gỗ tạo nên giá trị khoa học và thẩm mỹ. Căn cứ vào kỹ thuật đục chạm
và các họa tiết thể hiện trên gỗ, có thể đoán được đây là các bức chạm thuộc thế
kỉ thứ XIX, dưới triều Nguyễn.
Dù ở dưới các dáng vẻ khác nhau, ở vị trí nào, đề tài duy nhất
của các bức chạm vẫn là tứ linh (long, ly, quy, phượng). Nhìn chung, kiến trúc
đình Tri Chỉ tương đối đồ sộ, bề thế, phù hợp với tính chất và yêu cầu của một
ngôi đình làng. Đó là nơi thờ tự linh thiêng, nơi gửi gắm tâm linh và cũng là
ngôi nhà chung của cộng đồng làng xóm.
Đình làng Tri Chỉ còn giữ được nhiều di vật có giá trị:
Di vật gỗ gồm có: một cỗ ngai thờ sơn son thếp vàng, cao
1,40 m, một cỗ kiệu bát cống không còn nguyên vẹn chỉ còn hai đòn cái, hai đòn
nhỡ, và hai đòn con trang trí hình rồng và các hoa văn cách điệu. Một cây quán
tẩy cao 0,8m tạo dáng hình long cuốn thủy và các hình lục lăng, thân rồng uốn
khúc lao từ trên xuống miệng há rộng hút nước.
Bẩy cây nến phao, 4 cây lớn cao 0,9m sơn son, 3 chiếc nhỏ
cao 0,4m. Một sập thờ bốn mặt được trang trí chạm thủng, hoa lá cách điệu. Mâm
xà gồm 4 chiếc được trang trí khác nhau với các hình lưỡng long chầu nguyệt, rồng
chầu chữ thọ. Chín đài nước sơn son vẽ thếp tứ linh, 2 lộc bình gỗ, 1 vòm sắc,
3 bức đại tự.
Di vật bằng đồng gồm có: 2 lư hương cao 0,55m, trang trí
hình lưỡng long chầu nhật, sóng nước, hoa văn trên lư hương có đề chữ “Cung tiến
đình” hai bên có 2 chữ “Tri Chỉ”. Một đỉnh đồng cao 0,32m, trên có đắp con sư tử
ngồi chầu, xung quanh khắc hoa văn. Bốn cây nến phao đồng cao 0,5m có dáng hình
nón cụt. Một chiêng đồng kiểu chiêng núm có đường kính 0,5m.
Di vật bằng đá gồm có: 2 bia đá, bia hậu cao 0,5m, rộng
0,35m, ghi tên những người công đức góp phần xây dựng đình. Bia thứ 2 cao 0,7m,
rộng 0,5m khắc chữ cả 2 mặt.
Đây là toàn bộ di vật của đình được giữ lại từ xưa đến nay,
có giá trị thẩm mỹ và quý của ngôi đình.
Đình Tri Chỉ đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần đại tu lớn
nhất vào năm 2009, nâng cấp toàn bộ phần mái và mặt tiền. Hiện nay, đình to hơn
trước, có kiến trúc như ban đầu xây dựng, chính quyền địa phương đã lập ra ban
bảo vệ và tu tạo di tích gồm 7 người cao tuổi nhất trong làng.
Theo quyết định số 460/ QĐ-BT ngày 18 tháng 03 năm 1996, Bộ
Văn hóa Thông Tin đã cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia cho đình làng Tri Chỉ.
Ngày nay, Đình làng Tri Chỉ là điểm văn hóa tâm
linh, được người dân địa phương giữ gìn và bảo tồn xứng đáng là di tích lịch sử
quốc gia./.