Đình - Chùa làng Trung là di tích lịch sử cấp Tỉnh trên địa bàn xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đình làng Trung thờ phụng Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương và Thánh Tam Giang.
Nguồn gốc
Theo sách “Tên làng xã Việt Nam” của Triều Nguyễn thì xã Lam
Quật có các làng như: Làng Đồng, Làng Kép Vàng, Làng Trung, Làng Kép Thượng, Làng
Ngo; Làng Chậu (trên); Làng Mèn (nay là thôn Tiền Sơn, xã Phúc Sơn, huyện Tân
Yên).
Căn cứ vào văn bia ở cây Hương đá, Chùa Khánh Quang - bia viết vào tháng 4 năm
1714 và các sắc phong thần đang được lưu giữ ở Đình làng Trung, Đình Kép Thượng,
thì chúng ta có thể phỏng đoán rằng: làng Trung cũng như các làng cổ ở khu vực
này có cách đây khoảng trên bốn trăm năm (400 năm), cụ thể là vào thế kỷ thứ
XVI.
Làng Trung xưa gồm có 22 gia đình, gồm có 5 dòng họ (hai họ
Nguyễn, một họ Hoàng, một họ Đỗ, một họ Giáp), dân số gần hai trăm người sống tựa
vào nhau sau bìa rừng bạt ngàn lim, sim, mua và lau sậy.
Làng Trung thuở trước, cửa làng có giếng đơn sơ, có gò thần
Đồng, có đình Bờ Cả. Đình là đình chung của 4 làng: Làng Trung, Làng Nguộn, 1/2 làng Kép Vàng,
1/3 làng Chậu.
*Đình Bờ Cả, người đời trước truyền đời sau kể lại rằng:
Đình to, năm gian, hai trái, bốn đao cong vút.
Đình được làm bằng gỗ lim suốt năm gian. Đình có 3 gian hậu cung, trông
bề thế, uy nghiêm, linh thiêng tọa lạc đỉnh đồi bờ Cả trong rừng cây Sau sau cổ
thụ.
Thời gian mưa nắng, đình Bờ Cả hư hỏng. Dân làng chuyển về
khu bãi Nang Hương, là đình ngày nay xây dựng vào năm 1932. Nóc đình có ghi
hàng chữ hán “Hoàng triều Bảo Đại, Nhâm thân niên, Thập Nhất Nguyệt, Nhị thập
bát nhật, thụ trụ thượng hương, đại cát xương”, nghĩa là Đình dựng vào triều
vua Bảo Đại ngày 28/11 năm Nhâm Thân (1932).
Đó là ngày Tết và sẽ thịnh vượng. Đình là nơi tụ họp của dân
làng, là nơi đón tiếp các quan chức cấp trên mỗi khi về thị sát. Năm 1939 Phủ
Yên Thế cho xã Lam Cốt mở trường Hương sự đầu tiên (Tiểu Học) đặt ở Đình làng
Trung. Sau cách mạng tháng Tám, Đình làng Trung là trụ sở của Ủy ban giải phóng
lâm thời xã Lam Cốt. Thời kháng chiến chống Pháp, Đình làng Trung là nơi sơ tán
của nhà thương Bắc Giang.
Đình Làng Trung thờ
ba vị thần Thành Hoàng làng, bao gồm:
Cao Sơn Thượng Đẳng
Công Thần.
Quý Minh Thượng Đẳng
Công Thần.
Tam Giang Trung Đẳng
Công Thần.
Hiện nay, Đình Làng
Trung còn lưu giữ được bốn đạo sắc phong của thời Nguyễn, tuy đã cũ, có tờ đã bị
rách, nhưng vẫn giữ nguyên được nội dung văn bản, các đạo sắc phong có hai nội
dung cơ bản:
Một là phong danh
hiệu phẩm cấp cho Thần.
Hai là ưng chuẩn
cho các địa phương được phụng thờ tế lễ.
- Sắc phong thứ nhất của Vua Thiệu Trị ngày 8/11/1846. Sắc
phong thứ 2 của Vua Tự Đức Ngày 16/5/1853. Sắc Phong thứ 3 của Vua Tự Đức ngày 24/11/1880. Sắc phong thứ
4 của Vua Duy Tân ngày 11/8/1909.
Hằng năm, có hai ngày lệ Đình cúng tế các vị thần Thành
Hoàng làng là: Ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch và ngày mùng 8 tháng 9 âm lịch.
Chùa làng Trung được xây dựng cách đây khoảng bốn trăm năm,
tọa lạc trên đỉnh đồi rừng, nơi cao nhất làng. Chùa kiến trúc theo lối chữ Nhị,
gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường sư vãi hành lễ. Bên trong thượng là hệ
thống tượng phật được đặt trên các bục cao dần từ ngoài vào trong, tiêu biểu có
5 hệ thống tượng phật.
Hệ thống tượng thờ thứ nhất: Tượng Tam thế Phật.
Hệ thống tượng thờ thứ thứ hai: A Di Đà.
Hệ thống tượng thờ thứ ba: Đức Phật Thích Ca, người sáng lập
Đạo Phật .
Hệ Thống tượng thờ thứ tư: Ngọc Hoàng
Hệ Thống thứ Năm: Đức Thánh Hiển và Đức Chúa.
Theo cuốn sách “Di sản Hán Nôm Tỉnh Bắc Giang” có tên chùa
làng Trung là “Quang Linh Tự” và có đôi câu đối đề là:
“Quang linh chính khí
truyền thiên cổ
Trung tự lưu danh đức vạn niên’’
Dịch nghĩa là:
“Chính khí quang linh truyền từ thiên cổ
Tiếng thơm chùa Trung đức để vạn năm”.
2. Quá trình phát triển cùng chiều dài lịch sử dân tộc
Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, nhân dân ta đã vùng
lên chống giặc và có rất nhiều cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu nhất là cuộc khởi
nghĩa của nông dân Yên Thế từ 1884 - 1913.
Đây là một cuộc khởi nghĩa lớn nhất trong lịch sử nông dân
Việt Nam vùng lên chống thực dân Pháp và bọn vua quan triều Nguyễn. Phạm vi hoạt
động của nghĩa quân rộng lớn nhất, có thể nói gần khắp Bắc Kỳ, khởi nghĩa Yên
Thế có tiếng vang rất lớn làm rung động cả ba kỳ, vang lừng trong bốn cõi.
Khởi nghĩa Yên Thế kéo dài gần 30 năm (1884-1913).
Trong cuộc chiến tranh du kích trường kỳ, gian khổ 30 năm ấy
ở Yên Thế và các tỉnh, huyện phụ cận xã Lam Quật (Lam Cốt ngày nay) là cơ sở vững
chắc của nghĩa quân thời đó, Làng Trung xuất hiện 7 vị tướng lĩnh đó là các vị
:
1- Đốc Ấu: Nguyễn Văn Ấu- ông hy sinh trong trận Thuý Cầu -
xã Ngọc Vân.
2- Đốc Luân : Nguyễn Văn Luân - ông hy sinh trong trận Bằng
cục- Ngọc Châu.
3- Đốc Đảng - Nguyễn Văn Đảng - ông hy sinh trong trận Đông
Lỗ - Hiệp Hoà.
4- Đốc Minh - Nguyễn Văn Minh - ông hy sinh trong trận Cao
Thượng - xã Cao Thượng.
5- Lãnh Ba- Nguyễn Văn Ba- ông hy sinh trong trận Bằng Cục -
Ngọc Châu.
6- Võ Toàn - Hoàng Văn Toàn - ông là chú ruột của tướng quân
Hoàng Hoa Thám , là võ sư của nghĩa quân Yên Thế , ông mất tại đồn Phồn Xương
Yên Thế.
7- Cả Cõn - Hoàng Văn Cõn - Ông là con đẻ của cụ Võ Toàn.
Ông là một tướng giỏi của nghĩa quân Yên Thế, ông bị Pháp bắt được trong một trận
giao chiến cuối năm 1912, ông bị Pháp đầy ra đảo Cát Bà rồi ông mất ở đó.
Mùa đông năm 1913, cuộc
khởi nghĩa Yên Thế bị kẻ thù dập tắt trong máu lửa, nhưng tinh thần Yên Thế vẫn
còn mãi mãi trong lòng nhân dân. Trải qua hơn một trăm năm, người làng Trung vẫn luôn tưởng nhớ đến các
nghĩa binh người làng Trung đã anh dũng hy sinh trong cuộc khởi nghĩa nông dân
Yên Thế.
“Tự hào thay! Ta người làng Trung
Lịch sử làng ta thật hào hùng
Bẩy ông đốc, lãnh lưu danh mãi
Bạt vía quân thù giữ non sông!”
Suốt chiều dài lịch sử 400 năm, làng Trung được sinh ra, tồn tại và phát triển
các công trình Đình, Chùa, Đền, Miếu được dựng lên và đi vào lịch sử của làng.
Do thời gian thăng trầm của lịch sử, mưa nắng làm cho Đình, Chùa làng Trung xuống
cấp, không còn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Nhân dân trong làng đã phải sửa chữa
nhiều lần. Những năm gần đây, với sự hảo tâm công đức, sự đóng góp của nhân
dân, sự hỗ trợ của cấp trên, Đình, Chùa làng Trung được nâng cấp, sửa chữa lại Đình, mở rộng thêm 2 gian Tiền
đường của Chùa, xây mới 3 gian nhà mẫu, bổ sung 12 pho tượng góp phần tăng thêm
của giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích, từng bước đáp ứng được nhu cầu
sinh hoạt tâm linh của nhân dân khu vực.
Với những giá trị lịch sử của Đình, Chùa làng Trung, ngày mùng 6 tháng 10 năm 2012, Đình, Chùa
làng Trung đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc
Giang ra quyết định số 10/QĐ- UBND, về việc công nhận xếp hạng di tích lịch sử
văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm tự hào cho cán bộ và nhân dân làng Trung.
Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần thượng võ, những
giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích, cán bộ và nhân dân làng Trung luôn quyết
tâm phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, gìn giữ và tôn tạo những di tích lịch
sử văn hóa Đình, Chùa ngày càng khang trang, tôn nghiêm và to đẹp hơn./.
Tin và ảnh: Vũ Văn Hùng- Phó Bí thư Đoàn xã Lam
Cốt.