Đình Văn Điển thờ bài vị của 3 thành hoàng vợ chồng tướng Nguyễn Bồ - Đinh Quế Hương (chị gái Đinh Bộ Lĩnh) và tướng Nguyễn Phục, phối thờ ngài Nguyễn Bặc, những dũng tướng trung nghĩa của triều đại Đinh Tiên Hoàng.
Làng Văn Điển xưa kia có tên Nôm làng Giấy. Vào thời nhà
Đinh (968 - 980) thì xóm Bến (tức bến sông Tô Lịch, khu vực đầu cầu Văn Điển
hiện nay) vốn là một nơi buôn bán giấy.
Sau vì kỵ húy thân mẫu Phạm Thị Giấy của thành hoàng Nguyễn
Bồ nên gọi chệch đi thành làng “Ráy”. Trong thập niên 1960, các nhà khảo cổ
học đã phát hiện được di chỉ Văn Điển thuộc hậu kỳ đồ đá mới với các công cụ đá
mài là chủ yếu.[1]
Ban đầu làng có tên chữ là Vạn Điền, nghĩa là nhiều ruộng.
Dân làng tụ cư ở khu vực Đồng Ghênh (giáp phố Quốc Bảo bây giờ), sau thường bị
cướp nên phải chuyển về phía dưới. Từ đầu thế kỷ XX, khi mở tuyến đường sắt Bắc-Nam
thì Văn Điển trở thành một ga, lại có trạm Bưu điện và Nhà máy Rượu. Khu dân cư
nằm sát quốc lộ 1A ngày càng đông đúc, dần dần hình thành xóm phố Văn Điển.
Cổng đình Văn Điển. Photo NCCong ©2018
Trước 1945, Văn Điển là một xã độc lập thuộc huyện Thanh
Trì. Năm 1946, sáp nhập với các làng Cổ Điển, Cương Ngô, Đồng Trì thành xã Tứ
Hiệp thuộc quận 6 của ngoại thành Hà Nội. Từ 1955 thuộc tỉnh Hà Đông. Năm 1958,
xóm phố Văn Điển tách ra thành thị trấn Văn Điển. Từ tháng 6-1961, Tứ Hiệp cùng
một số xã, thôn của huyện Thanh Trì được chuyển về thành phố Hà Nội.
Trong hậu cung đình Văn Điển thờ bài vị của 3 thành
hoàng vợ chồng Nguyễn Bồ - Đinh Quế Hương (chị gái vua Đinh Bộ Lĩnh) và
tướng Nguyễn Phục, phối thờ ngài Nguyễn Bặc [2] và. Tướng Nguyễn Bồ (919 -
967) hy sinh tại đây khi tiến đánh sứ quân Nguyễn Siêu, nghe tin phu nhân
bèn tuyệt thực chết theo. Ngày 25-3-1994, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng
đình là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Kiến trúc
Đình Văn Điển đã trải qua nhiều đợt trùng tu. Đợt sửa lớn
năm 1995 đã định hình kiến trúc cho đến nay với phong cách nghệ thuật cuối
thời Nguyễn. Đình xoay về hướng tây-bắc, mở ra mặt đường Tứ Hiệp. Cổng đình
gồm 4 trụ biểu với các câu đối chữ Hán. Hai bên cửa chính có một cặp tượng hộ
pháp đắp nổi trên tường, hai cửa phụ đều nhỏ và xây đơn giản.
Sân đình Văn Điển. Photo NCCong ©2018
Tại sân trước có bức bình phong nhỏ đắp cuốn thư, phía sau
là một phương đình. Tòa đình có mặt bằng hình chữ “Công”, tiền tế gồm 3 gian
2 chái rộng rãi. Mái đình lợp ngói ta, trên bờ nóc có đắp hình lưỡng long triều
nguyệt. Khuôn viên hiện nay khá chật chội và thiếu vắng cổ thụ, những bộ phận
kiến trúc truyền thống khác cũng không còn gì thật sự cổ kính.
Di sản
Tuy vậy tại góc trái phương đình có một nhà bia với tấm
bia Văn chỉ hình trụ cao 110cm, chu vi 226cm; khắc chữ to, đẹp. Bia được dựng
vào tháng Một năm Gia Long thứ hai (1803), trước tiết Đông chí một ngày. Cụ
thủ từ họ Nguyễn giữ đình đã 20 năm nay nói văn bia là của Hoàng giáp
Bùi Huy Bích [3] và bia từng bị dùng để cột trâu nên mặt đá bóng
lộn.
Bia đá hình trụ ở đình Văn Điển
Lễ hội đình làng và giỗ bà Đinh Quế Hương được tổ
chức vào ngày 15 tháng Hai âm lịch. Sau đó là đại lễ giỗ ngài Nguyễn
Bặc vào mùng 5 tháng Năm âm lịch. Cuối cùng là đại lễ giỗ ngài Nguyễn
Bồ vào ngày 23 tháng Một âm lịch. Các làng Cương Ngô, Đồng Trì, Cổ
Điển xung quanh cũng có những ngày lễ tương tự và cùng thờ ba vị
thành hoàng trên.
[1] Tại Nghĩa trang Văn Điển đã phát hiện và khai quật (vào
các năm 1962, 1964, 1966) một di chỉ khảo cổ học thuộc thời đại hậu kỳ đồ đá
mới, có niên đại từ 4000-3500 năm trước, thuộc văn hóa Phùng Nguyên, đặt tên là
di chỉ Văn Điển.
[2] Nguyễn Bặc 阮 匐 (924-979), hiệu Định Quốc Công
定
國
公,
bạn từ nhỏ của vua Đinh Bộ Lĩnh, lớn lên cùng nhau đánh dẹp 12 sứ quân, sau
được vua Đinh Tiên Hoàng phong là Định Quốc Công.
[3] Bùi Huy Bích 裴 輝 璧 (1744-1818), tự Hy Chương 熙
章,
hiệu Tồn Am và Tồn Ông, là một danh sĩ người làng Định Công, Hà Nội, từng giữ
chức Tham tụng trong triều đình dưới thời vua Lê chúa Trịnh, cháu 7 đời của Quảng
Quận công Bùi Xương Trạch.