Đình Lão Cầu thuộc làng Láo, xã Văn Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình) thờ phụng Ngài Cao Sơn Đại Vương và Ngài Hiển Công, nhị vị thần tướng triều đại Hùng vương thứ 18, là em của Tản Viên Sơn thánh.
Như thường lệ cứ vào ngày 15/3 âm lịch hàng năm, tại Đình
Lão Cầu nhân dân thôn Lão Cầu, làng Láo, Văn Phú, Nho Quan (Ninh Bình) sẽ tổ chức
ngày mất của Thần Cao Sơn Đại Vương và Thần Hiển Công.
Đình Lão Cầu thuộc làng Láo, xã Văn Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình)
Tên cổ của Đình trước kia là Đền Láo, hay còn gọi là Đình
Láo. Đến năm 1976, Đền được gọi là Đình Lão Cầu. Đình được xây dựng trên diện
tích 1.286m2, quay mặt về hướng Tây nam
nhìn ra cánh đồng lúa mênh mông. Đình được kiến trúc theo kiểu tứ mái có chiều
dài là 8,9m, chiều rộng là 7,6m, chiều cao là 6,4m.
Phía trong Đình có 4 hàng cột chạy dọc, 3 hàng cột chạy
ngang. Đình có 1 gian, 2 trái và 2 dĩ, Các cột được đổ bằng bê tông giả gỗ mỗi
cột cao 5,4m, rộng 0,5m2. Các cấu kiện, kèo, chồng giường được làm đơn giản
không chạm khắc. Bên trong Đình có 3 gian thờ chính. Phía trên gian chính trang
trí “lưỡng long chầu nguyệt”, phía dưới gian chính thờ Ngài Cao Sơn Đại Vương
và Ngài Hiển Công.
Ngoài thờ hai Ngài này ra, Đình còn thờ Công Chúa Liễu Hạnh
và Thành Hoàng Làng. Và khi nói đến ngài Cao Sơn thì không thể không nói đến
ngài Hiển Công vì từ thưở nhỏ Cao Sơn và Hiển Công là hai anh em kết nghĩa. Cả
hai đều khôi ngô tuấn tú, học 1 biết 10, có sức khỏe phi thường, đều có công
giúp Vua Hùng Vương thứ 18 khôi phục lại nước Văn Lang.
Chính vì thế, khi 2 ông mất không chỉ người dân Làng Láo lập
đền thờ mà ở trong Nghệ An, ra đến Đồng bằng Bắc bộ như Hà Nội, Hưng Yên và các
tỉnh miền núi phía Bắc: Yên Bái, Lào Cai…đều có đền thờ để tỏ lòng ghi nhớ công
ơn hai Ngài Cao Sơn và Hiển Công.
Đình Lão Cầu là một ngôi đình cổ, trước đây người dân thường
gọi là Đền Láo hay Đình Láo cũng vậy. Từ năm 1943 – 1945, Đình còn là nơi ẩn
náu của các đồng chí lãnh đạo về xây dựng phong trào cách mạng.
Năm 1945 - 1947 cũng tại Đình này, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh
Bình đã mở phiên Tòa xét xử bọn tay sai bán nước cho Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ,
Đến năm 1953, Đình Lão Cầu lại một lần nữa là nơi tập kết lực lượng, trang thiết
bị, vũ khí, hậu cần…chuẩn bị cho Chiến dịch mặt trận Tây Nam Ninh Bình.
Ngày nay, Đình Lão Cầu là di tích Lịch sử gắn liền với việc
phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ bảo
tồn văn hóa đó. Đặc biệt, tình cảm của nhân dân dành cho những người đã có công
với nước qua những câu ca hò vè được lưu truyền đến tận hôm nay:
“ Chợ Láo một tháng chín phiên.
Cái ô em đội là tiền
em mua
Tiền em bán thóc
ngày xưa
Chộm thày, giấu mẹ
em mua cho chàng”
Và: “ Nhất đỉa chùa đùn
Nhất hùm xụ chọc
Nhất quạ làng
Dơ
Nhất cờ làng
Láo”
Hiện nay, không chỉ người dân và các phật tử ở địa phương mà
còn có đông đảo du khách xa gần về với Đình Lão Cầu để tham quan du lịch và
hành lễ. Hầu hết, mọi người đến với Đình là để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của 2
ông có công giúp Vua khôi phục lại Đất nước. Đồng thời, cũng là để cầu cho mưa
thuận gió hòa, âm phù dương trợ, giúp cho nhân dân làm ăn có cuộc sống ấm no hạnh
phúc.
Hoàng Thị Thanh Hải/ KD&PL