Đình Lập Bái xã Kim Trung, huyện Hưng Hà, thờ phụng thành hoàng làng tam vị danh tướng triều Đinh Phạm Tích, Phạm Thánh, Phạm Thành là Thượng đẳng Phúc thần, Đệ nhất Tích Linh Đại Vương, Đệ nhị Thánh Đậu Đại Vương, Đệ tam Lê Hạnh Thành Đại Vương, Đương cảnh Thành hoàng Thánh bái Chân Giang Đại Vương.
Cách làng Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà nơi đặt đại bản
doanh Thụy Thú, trang Diên Phúc, đạo Sơn Nam trong cuộc trường chinh dẹp loạn
12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh (944 - 968) khoảng 2km là trang Cổ Sách, tổng Lập
Bái, nay là thôn Lập Bái, xã Kim Trung, huyện Hưng Hà địa danh tiền đồn của
Doanh đầu, nơi “Tứ vị công thần khai quốc” nhà Đinh luyện quân đánh bại sứ quân
Đằng Châu Kiều Công Hãn.
Khi ông Phạm Trù và bà họ Trương ở làng Yến Vĩ huyện Hoà An
phủ Ứng Thiên đến cầu tự ở động Hương Tích, thời gian sau, Bà sinh liền ba con
trai: Một người mặt xanh tên là Tích; mặt trắng tên là Thánh; mặt đỏ tên là
Thành.
Phạm Trù quê ở trang Yến Vĩ, động Hương Tích, huyện Hoài An
(sau đổi là Ứng Hoà), đạo Sơn Nam. Là người có chí lớn, hiềm vì vợ chết sớm, một
mình gà trống nuôi ba con trai thơ dại (Tích Công, Thánh Công, Thành Công), lại
bị sức ép của bọn trộm cướp ở địa phương Phan Công Tề. Thấy Phạm là người trí
dũng, bọn chúng buông lời dụ dỗ.
Phạm quyết không theo, đành dắt díu đàn con đến trang Cổ Tiết
(tên cũ của Cổ Bái) mở trường dạy học. Đinh Bộ Lĩnh trong buổi đầu dựng nghiệp
phải thân chinh cùng với Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú đánh đường tìm đến tận
nơi đón bốn cha con họ Phạm. Phạm Trù cùng với Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú
trở thành bộ tứ mưu thần (rồng thao hổ lược). Ba người con tài ba của Phạm Trù
đều được triều đại sau này phong tặng cho làm Thượng đẳng Phúc thần: Đệ nhất
Tích Linh Đại Vương, Đệ nhị Thánh Đậu Đại Vương, Đệ tam Lê Hạnh Thành Đại
Vương, Đương cảnh Thành hoàng Thánh bái Chân Giang Đại Vương.
Ba anh em lớn lên theo phò giúp vua Đinh Tiên Hoàng và lập
được nhiều công lớn. Khi ba ông mất đều được phong phúc thần, riêng người anh cả
được phong là Tích Lịch đại vương và được thờ cùng thần Cao Sơn ở đình Phương
Liệt. Ba anh em được thờ ở đình Lập Bái, xã Kim Trung, Hưng Hà, Thái Bình.
Nhà văn hóa thôn Lập Bái được xây dựng ngay trên nền ngôi
đình cổ xưa thờ tứ vị đại thần khai quốc triều Đinh.
Sử cũ chép: “Thời vua Lý Thái Tổ sự nghiệp Cổ Pháp nhà Lý cơ
ngơi ổn định, nhà vua thấy các ngài ở đây tận trung với nước, tận hiếu với dân,
đầy rẫy trung chính, cần mẫn nên Lý Thái Tổ đã gia phong ban tặng mỹ tự “Thượng
đẳng, đại vương phúc thần” và khuyến cáo người đời sau: “Làm bề tôi cần như các
ngươi đây”.
Cách đây hơn 2 năm, nhân dịp đầu xuân 2017, tại cố đô Hoa
Lư, đoàn công tác Báo Thái Bình được Ban biên tập Báo Ninh Bình dẫn tham quan một
số di tích lịch sử văn hóa đất Tràng An trong chuỗi liên kết vùng Tràng An - Kỳ
Bố Hải Khẩu thời Đinh Bộ Lĩnh nương nhờ sứ quân Trần Lãm dẹp loạn 12 sứ quân,
thống lĩnh sơn hà, tôi có dịp tiếp cận với nhiều tài liệu, hiện vật, di chỉ khảo
cổ liên quan đến các công thần khai quốc nhà Đinh được các triều đại phong kiến
sắc phong “Thượng đẳng thần” phụng thờ ở nhiều đình, đền, miếu, tự...
Mới đây tôi tìm về làng Lập Bái, xưa là Cổ Trang, tổng Lập
Bái, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là thôn Lập Bái, xã Kim Trung, huyện Hưng
Hà) với mong muốn có thể tìm được dấu tích huân lao của “Tứ vị Đại thần” triều
Đinh (Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Phạm Thành) sau đó được các triều đại sắc
phong “Thượng đẳng thần” và thờ ở đình làng.
Nhưng đáng tiếc, ngôi đình Lập Bái đã không còn, hình bóng
chỉ nhạt nhòa trong trí nhớ của các bậc cao niên trong làng và ghi chép trong một
số thư tịch cổ, đình có kiến trúc gỗ độc đáo, to và đẹp, thờ Phúc thần (Thành
hoàng làng) là “Tứ vị Đại thần” triều Đinh có công lao dẹp loạn 12 sứ quân. Trước
năm 1954, đình Lập Bái bị giặc Pháp bắn phá hư hỏng nặng và đình bị dỡ bỏ hoàn
toàn vào những năm 70 của thế kỷ XX.
Truyền ngôn rằng, sứ quân Trần Lãm qua đời, (vua) Đinh Bộ
Lĩnh là con nuôi Minh Công đã nắm quyền chỉ huy sứ quân Kỳ Bố Hải Khẩu, một lần
ông cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú đi dò xét sứ quân Đằng Châu (Hưng Yên
nay), đến trang Cổ Sách thì trời tối, mưa gió mịt mùng. Bốn vị tướng quân phải
vào ngủ trọ trong chùa Cổ Sách.
Đêm ấy, 3 người con trai gia đình họ Phạm trong làng chiêm
bao thấy bầu trời lóe sáng ba vị tinh tú rồi một đám mây vàng như chiếc lọng
bay qua. Tỉnh giấc, nghĩ có hiển thánh trong chùa, 3 chàng trai họ Phạm đang
đêm đến chùa và nhìn 4 người nằm ngủ, thấy bóng rồng vàng phủ lên trên một người,
bên cạnh có 3 người. Nghe tiếng bước chân, 4 vị tỉnh giấc, 3 anh em họ Phạm cho
là hiển thánh vội quỳ lạy.
Người có bóng rồng vàng phủ trên thân hình chính là Vạn thắng
Vương Đinh Bộ Lĩnh, 3 anh em dập đầu xin theo Đinh Bộ Lĩnh. Truyền ngôn, nhận 3
anh em họ Phạm làng Lập Bái xong (vua) Đinh Bộ Lĩnh liền đem quân đến lập căn cứ
ở Lập Bái để ngăn chặn sự tấn công của sứ quân Phạm Phòng Ất từ Châu Đằng đánh
sang.
Cũng từ vị trí tiền đồn Lập Bái, sứ quân Đinh Bộ Lĩnh đã tiến
lên thượng nguồn sông Hồng đánh chiếm được Châu Đằng, lúc này cách Lập Bái
không xa là trang An Việt (Việt Yên, Điệp Nông) có 4 anh em họ Trịnh phò giúp (vua)
Đinh Bộ Lĩnh tổng lực đánh chiếm thành công Châu Đằng, chém đầu Kiều Công Hãn.
Sử cũ ghi, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Vạn Thắng vương Đinh
Bộ Lĩnh lên ngôi vua, tại vị không lâu thì năm 979, Đinh Tiên Hoàng và Thế tử
Đinh Liễn bị sát hại, nghi can là Chi hậu Nội nhân Đỗ Thích. Trong lúc triều
đình bấn loạn, Định Quốc Công Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp Đinh Điền, cùng Thập đạo
tướng quân Lê Hoàn liền đưa Vệ Vương Đinh Toàn (6 tuổi) lên ngôi Vua, phong
Dương Vân Nga (mẹ Đinh Toàn) làm Hoàng Thái hậu.
Vì “Ấu chúa” mới 6 tuổi nên Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được
Thái hậu Dương Vân Nga “sủng ái” phong làm Phó Vương nhiếp chính. Vụ việc xảy
ra quá nhanh khiến Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú (là trung thần của
Đinh Tiên Hoàng) nghi ngờ cho rằng Lê Hoàn có ý soán cướp ngôi.
Các trung thần phù Đinh động binh chống lại Lê Hoàn. Đầu
tiên là Phạm Thọ, Nguyễn Bặc, Phạm Thành, Đinh Điền đem quân bản bộ cự chiến,
nhưng không ngờ các quan lớn, nhỏ triều chính đã đi theo Lê Hoàn.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Đinh Tiên Hoàng thống
nhất bờ cõi, dùng bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc làm người phò tá, sáng chế triều
nghi, định lập quân đội”. Thực chất, quân đội Lê Hoàn sử dụng để đánh dẹp “Tứ vị
Đại thần” chống Lê Hoàn lại là đội quân kinh qua trận mạc do chính các đại thần
xây dựng, rèn luyện.
Theo thần phả đền vua Đinh: “Sau khi lên ngôi, vua Đinh Tiên
Hoàng chia Nội giáp trong kinh thành giao cho Định Quốc Công Nguyễn Bặc phụ
trách dưới quyền chỉ huy trực tiếp của vua gọi là “Nội thông vạn cơ” (bên trong
thông giữ muôn việc cơ mật) cùng với việc phong Đinh Điền là Ngoại giáp cai quản
mọi việc bên ngoài…”.
Còn đền thờ Định Quốc công ở Gia Viễn (Ninh Bình) có câu đối:
“Quải thụ khởi vô tình” (treo ấn há vô tình) để khắc thờ Định Quốc công nghĩa
là “Treo ấn không vô tình, mắt giận Lê Hoàn nhòa ánh nhật” tạm hiểu là “Nguyễn
Bặc khởi binh đánh Lê Hoàn không phải vị kỷ, lòng đau Đinh nghiệp ngút trời
sương”.
Có tài liệu ghi rằng Đinh Điền trọng thương phải tung tin là
tử trận mới thoát về căn cứ Đằng Man (thuộc huyện Kim Động, Hưng Yên ngày nay).
Trước khi về đến Đằng Man, Ngoại Giáp Đinh Điền nương náu ở Lập Bái và được dân
làng nghênh đón như anh hùng, chăm sóc vết thương cho Đinh Điền.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: “…việc
khởi binh ấy không phải là làm loạn mà là một lòng phò tá vua Đinh, đánh Lê
Hoàn không được mà chết đấy là đúng chỗ”… “bề tôi trung nghĩa, làm không xong
việc mà chết, ấy là bề tôi tử tiết”. Do vậy, đình Lập Bái được dân làng dựng
lên phụng thờ Đinh Điền, Nguyễn Bặc… là “Thượng đẳng thần” trung liệt.
Lúc chưa bị phá, đình Lập Bái còn bức đại tự: “Trung quán nhật
nguyệt” (Lòng trung xuyên suốt mặt trời) ý chỉ bốn vị trung thần một lòng phò
giúp vua Đinh.
Sử cũ cũng chép, khi Lê Hoàn lên ngôi vẫn cảm phục Đinh Điền
đã sắc phong ông làm: “Tế thế Hộ quốc Hiển ứng Linh quang Đại vương”, phu nhân
Đinh Điền là Phan Môi Nương cũng được sắc phong là: “Huệ Hoa Gia Tĩnh Trinh Thục
phu nhân”.
Đến thời nhà Lê, Lê Thái Tổ sắc phong cho Đinh Điền là “Thượng
đẳng Vạn cổ Phúc thần Trung thánh Đại tư đồ Bình chương sự Khai quốc Công đức
Văn Đại vương”. Đôi câu đối cổ khẳng định việc chống kẻ cường thần, lấy cái chết
đáp đền ơn sâu Đinh Tiên Hoàng của 4 vị danh tướng triều Đinh là trung nghĩa,
tiết liệt từng treo tại đình Lập Bái:
Nhất phiến trung can huyên nhật nguyệt
Thiên thu chính khí tác sơn hà.
(Một tấm gan trung xuyên suốt vừng nhật nguyệt;
Nghìn thu chính khí rung động non sông)