Đình Lễ Hợp thuộc thôn Lễ Hợp, xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng thờ Thành Hoàng Phạm Đàm, danh tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng, tham gia khởi nghĩa chống quân Đông Hán, thế kỷ thứ I.
Nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng hơn 30 km, đình Lễ Hợp
tọa lạc trên khu đất có diện tích khoảng 13 nghìn mét vuông, thuộc thôn Lễ Hợp,
xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng (trước là trang Lễ Hợp, huyện Tứ
Kỳ, phủ Hạ Hồng, đạo Hải Dương). Đình thờ Thành Hoàng Phạm Đàm, là một trong số
các tướng của Hai Bà Trưng, tham gia khởi nghĩa chống quân Đông Hán, thế kỷ thứ
I.
Vị Tướng công tài ba
Tương truyền rằng, Tướng công Nguyên soái Phạm Đàm, sinh ra
trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, có lòng căm thù giặc sâu sắc.
Lúc sinh thời, giặc Đông Hán sang xâm lược nước ta, để triệt tiêu người tài giỏi,
chúng đã giết hại cha ông.
Cha mất, ông phải đưa mẹ về quê nhà ở trang Lễ Hợp mai danh,
ẩn tích. Tại đây, ông bí mật chiêu tập binh mã, ngày đêm luyện tập, kết giao với
hào kiệt bốn phương, bàn định kế hoạch đánh đuổi giặc Đông Hán.
Khi Nhị vua Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Ông đem binh
lương về Mê Linh tập hợp dưới ngọn cờ của hai bà Trưng và được phong làm Thống
chế, kiêm thủy dao Nguyên soái, chỉ huy một cánh quân. Cánh quân do ông chỉ huy
nhanh chóng tiêu diệt 56 thành trì của giặc, góp phần đánh tan giặc Đông Hán.
Nước nhà sạch bóng quân thù, nhân dân suy tôn bà Trưng Trắc lên làm vua gọi là
Trưng Nữ Vương.
Tượng Tướng công Phạm Đàm
Trưng Nữ Vương cử Tướng công Nguyên soái Phạm Đàm về xây dựng
chiến lũy, bảo vệ vùng Đông Bắc Tổ quốc. Ông lĩnh mệnh, trở về trang Lễ Hợp, mở
tiệc ăn mừng, khao thưởng quân sĩ và bắt tay vào xây dựng thành lũy, bảo vệ đất
nước.
Nước nhà vừa giành được độc lập 3 năm, đến tháng 4 năm 43,
Hán Quang Vũ lại sai Tướng giặc là Mã Viện đem 2 vạn quân cùng 2 nghìn thuyền
chiến ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta.
Ông chỉ huy quân sĩ chiến đấu rất dũng mãnh. Song do quân giặc
đông, lại ở vào thế bất lợi, quyết không để rơi vào tay giặc, Tướng công Nguyên
soái Phạm Đàm đã gieo mình xuống sông tự sát. Ông ra đi, để lại lòng tiếc nuối
vô hạn. Người xưa có thơ rằng:
“Sinh bản cư đầu, hóa hựu đầm
Trung thần, nghĩa sĩ, thế gian nan
Đầm thượng nhất đôi thu nguyện ảnh
Vãng lai bất động, ngũ tâm tàng”.
Thương nhớ vị tướng công tài giỏi, sau này dân làng trang Lễ
Hợp xây dựng đình, suy tôn ông làm Thành Hoàng làng, để quanh năm hương khói,
phụng thờ.
Nét độc đáo kiến trúc đình Lễ Hợp
Đình Lễ Hợp được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII, trải qua thời
gian bị xuống cấp và qua nhiều lần trùng tu. Đến năm 2009, được sự quan tâm của
cấp ủy, chính quyền, sự đóng góp của nhân dân địa phương và các nhà hảo tâm,
đình được mở rộng, nâng cấp.
Kiến trúc đình kiểu chữ 'đinh' (J), có 5 gian tiền, 2 gian
cung chuôi vồ. Mái đình được lợp ngói hai lớp, nóc mái trang trí đôi kìm ngậm.
Tường đình được xây cất bởi hàng vạn viên gạch đại, đáng chú ý qua kỹ thuật gắn
và trát mạch vữa liên kết những viên gạch cổ.
Dưới bờ nóc mái đắp 5 trụ đấu hình chữ T, vữa trát tường cao
sát đến nóc trụ mái, còn phần lớn tường hồi ngôi đình để lộ mạch vữa phẳng rãnh
và đều tạo hình 'quả chuông cách phản'.
Tiền sảnh đình Lễ Hợp
Mặc dù không có qui mô đồ sộ nhưng đình Lễ Hợp lại mang nét
rất đặc sắc, nổi bật ở phần trang trí nghệ thuật qua các chi tiết, mảng chạm của
kiến trúc gỗ tập trung ở toà tiền đường.
Với phong cách trang trí dàn trải từ ngoài vào trong, các đề
tài như 'Phượng hàm thư', 'Lưỡng ngư chầu nguyệt', 'Rồng mây hội tụ, 'Nghê gảy
đàn'.... Trong đình còn bảo lưu được nhiều đồ thờ tự quí, có niên đại từ thế kỷ
XVIII đến đầu thế kỷ XX, như long đình, đang án, câu đối, đại tự... phản ánh
nét văn hoá lễ hội làng Lễ Hợp.
Đình Lễ Hợp có một cảnh quan thoáng rộng, đặc biệt phần
trang trí trên kiến trúc ngôi đình vừa phóng khoáng, vừa phong phú về loại
hình, nội dung thể hiện trên gỗ. Qua sáu cặp đầu dư được cách điệu hình đầu rồng,
có đủ phần râu tóc, mắt lồi, lưỡi rồng đè lên viên ngọc nhỏ. Đây là nét khác biệt
qua phong cách tạo hình rồng dân gian, góp phần tạo ra vẻ đẹp cổ kính của ngôi
đình.
Chính những giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ
thuật nên đình Lễ Hợp được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia
năm 1994.
Trước kia lễ hội đình Lễ Hợp được tổ chức bảy ngày (từ ngày
mồng 9 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch). Ngày nay, lễ hội tổ chức trong 3 ngày (từ
ngày mồng 9 đến ngày 12 tháng 3 âm lịch).
Lễ hội diễn ra với nhiều trò chơi: Đu sòng, hát chèo, múa tứ
linh, câu thùng, cờ tướng, đấu vật, chọi gà, bóng chuyền, cầu lông. Đình Lễ hợp
không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa mà còn là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa, cốt
cách của người dân địa phương.