Đình Lệ Mật nằm trong cụm di tích đình và chùa làng Lệ Mật tại phố Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội, được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 22-3-1988.
Làng Lệ Mật
Lệ Mật là một làng cổ vốn có tên "Trù Mật", có lẽ
vì kỵ húy tên chúa Trịnh Chù tức Trịnh Cương năm 1686 đến 1729 nên phải đổi tên.
Vào đầu thời Nguyễn đây là một xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận
An, trấn Kinh Bắc.
Năm 1961, huyện Gia Lâm được nhập về thành phố Hà Nội. Năm
2003, một phần huyện Gia Lâm lại được tách ra để lập quận Long Biên, khi đó xã
Việt Hưng đổi thành phường Việt Hưng và thuộc về quận mới này.
Tương truyền, thời vua Lý Thái Tông (1028 - 1054), vào năm
1043, Công chúa cả được phép Vua cha cho về thăm quê bằng thuyền từ sông Hồng.
Vừa vào sông Thiên Đức tức sông Đuống thì gặp dông bão, sóng dữ nổi lên làm lật
thuyền, Công chúa bị nước cuốn đi mất tích.
Được tin thuyền bị đắm, Công chúa đầu mất tích. Vua thương
xót ra lệnh cho các quan đưa thuyền và quân lính đi mò tìm khắp đoạn sông dài
nhưng không tìm được thi thể.
Riêng quan thái giám Hoàng Phúc Trung liều mình lặn xuống
đáy sông giao đấu với các loài thủy tặc giành được xác Công chúa đưa lên bờ.
Nhà Vua rất xúc động, ban thưởng tước lộc, phong cho ông là Thái giám nội thị
thự khanh, thưởng vàng 100 cân, lụa 100 tấm gọi là ân thưởng.
Thái giám Hoàng Phúc Trung dâng biểu xin thay ban thưởng bằng
khu vực vườn Tây Cấm phía tây thành Thăng Long, nay là quận Ba Đình, thành phố
Hà Nội, nới có nhiều khu đất hoang hóa, được phép đưa dân nghèo ở ban trang và
các làng lân cận sang khai khẩn.
Được Vua chuẩn tấu, ông về đưa dân làng Lệ Mật và các làng
lân cận sang lập thành 13 trại. Thập Tam Trại được hình thành dưới quyền quản
lý và chỉ đạo của ông. Khu vườn hoang Tây Cấm trở thành một khu nông nghiệp trù
phú.
Người dân Lệ Mật và tứ xứ đã di cư đến, biến vùng đất ven đô
thành 13 trang trại sầm uất, sử cũ gọi là khu "Thập Tam Trại".
Đức ông Hoàng Phúc Trung làm quan Thái giám trong cung còn
giúp đỡ dân làng trong các việc với quan địa phương nên sự phát triển của Thập
Tam Trại thuận buồn xuôi gió. Sau khi ngài mất, Lệ Mật và các làng trong Thập
Tam Trại đều lập đền thờ, tôn vinh ngài là thành hoàng.
Kiến trúc đình Lệ Mật
Làng Lệ Mật xưa có hai ngôi đình: đình Thượng và đình Hạ.
Đình Thượng được dựng đầu tiên thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng bị xuống
cấp nghiêm trọng, dân làng đã hạ giải năm 1960, chuyển hương án, bài vị, đồ tế
tự, bằng sắc về phối tại đình Hạ.
Đình Lệ Mật, còn gọi là Đình Hạ vốn là ngôi đền thờ đức ông
Hoàng Phúc Trung, tương truyền xây từ đời vua Lý Nhân Tông (1073-1127). Theo tấm
bia đá còn lưu trong đền được trùng tu lớn vào thế kỷ 16.
Đình Hạ vốn được dựng cách vị trí hiện tại 200m. Tương truyền,
khi đình Hạ được dựng lên, trong làng xảy ra nhiều biến cố, các cụ lão làng khẳng
định phong thủy của làng có vấn đề nên đã mời thầy địa lý. Các chức dịch và trưởng
lão mời được thầy Tả Ao người Trung Hoa. Thầy khẳng định, đình làng đặt sai hướng
nên phải di chuyển sang vị trí khác. Sau khi xem xét thế đất, phong thủy cảnh
quan làng, thầy Tả Ao tìm được vị trí “đắc địa” như hiện nay.
Nhưng vị trí này xưa kia là nơi tọa lạc chùa Lệ Mật. Hương
lão và các vị chức sắc trong làng bàn thảo với nhà chùa, xin chuyển chùa sang vị
trí bên cạnh để dựng đình.
Ngôi chùa được di dời đi nhưng tam quan chùa vẫn giữ nguyên.
Chính vì vậy mà đình Lệ Mật có kiến trúc kỳ lạ này, tam quan chùa cao lớn sừng
sững đứng trước quần thể di tích đình Hạ.
Năm 1670 dưới đời vua Lê Huyền Tông (1662-1671), Đại nguyên
soái Trương Phúc Bảo đã cúng tiền, gỗ, sắt và tổ chức đại tu. Sau ngôi đình nhiều
lần được tiếp tục tôn tạo và mở rộng. Gần đây, khi sang thiên niên kỷ thứ ba,
đình lại được đại trùng tu.
Đình Lệ Mật quay hướng nam, mang phong cách nghệ thuật kiến
trúc thời Nguyễn. Chếch mé trước đình là một nguyệt hồ nhỏ với hàng tường hoa vây
quanh. Cạnh hồ giữa hai hàng cây là con đường rộng lát gạch dẫn thẳng đến cổng
tam quan.
Kiến trúc cổng tam quan xây dựng 3 tầng, mái cong, đắp nề mái
hình ống. Tam Quan xây 4 trụ biểu cao khoảng 10m, đắp nổi Lưỡng long quán nhật, nghê, rồng cách điệu khảm mảnh sứ chi tiết và
rất sống động.
Sau tam quan là hai nhà giải vũ 3 gian ở hai bên hòn non bộ
với bức cuốn thư ở giữa làm bình phong trấn phong thủy.
Qua hòn non bộ ta bước vào sân đình lớn lát gạch Bát Trang.
Giữa hai trụ biểu là tòa phương đình xây 2 tầng 8 mái với hai nhà tả hữu mạc 5
gian ở hai bên, tiếp theo là Tòa đại bái. Tòa đại bái có kết cấu 7 gian 2 dĩ, xây
đầu hồi bít đốc, kết nối với tòa Hậu cung 4 gian theo hình chữ “Đinh”.
Hai gian trong cùng tòa Hậu cung đặt khám thờ với pho tượng
thờ và long ngai bài vị của Thành hoàng Làng.
Đình Hạ được trùng tu gần đây nhất vào năm 1998. sau nhiều lần
trùng tu, đình vẫn giữ được nguyên kết cấu và mặt bằng tổng thể như khi khởi tạo
với lối kết cấu cổ điển của các ngôi đình muộn thời Hậu Lê (thế kỷ thứ 17, 18).
Cổ vật lịch sử
Dù trải qua mấy thế kỷ loạn lạc và chiến tranh, hiện đình Lệ
Mật vẫn lưu giữ được nhiều cổ vật. Trong số đó có bản sắc phong mang niên đại
Vĩnh Khánh năm 1730, tấm bia khắc năm Dương Đức thứ 3 đời Lê Gia Tông, năm 1673,
một bia đá khắc dựng năm Chính Hòa thứ 24 đời Lê Hy Tông năm 1702. Đình và chùa
làng Lệ Mật được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 22
tháng 3 năm 1988.
Nguồn: Vietnam Lanmasks