Đình Lễ Pháp có từ thế kỷ XIX thuộc thôn Lễ Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, thờ phụng Đống Vĩnh đại vương, vị thần có công phù giúp Quý Minh Đại vương triều đại vua Hùng thứ 18. Xếp hạng di tích quốc gia (1996).
Tiên Dương là một xã nông nghiệp nằm cách trung tâm của
thành phố Hà Nội khoảng 16km; phía đông giáp đường Quốc lộ 3 và thị trấn Đông
Anh; phía tây giáp xã Vân Nội; phía nam giáp xã Vĩnh Ngọc, và phía bắc giáp xã
Nguyên Khê. Năm 1982 một phần diện tích của xã Tiên Dương được tách ra để thành
lập thị trấn Đông Anh theo Quyết định số 173-HĐBT ban hành ngày 13/10/1982 của
Hội đồng Bộ trưởng. Từ đó, Tiên Dương thuộc về thành phố Hà Nội và địa giới
hành chính của xã được xác lập ổn định đến nay.
Xã Tiên Dương hiện có chiều dài 6km, rộng 3,5km. Tổng diện
tích đất tự nhiên là hơn 1.000ha; trong đó đất thổ canh hơn 622ha, đất thổ cư
hơn 130ha, ao hồ hơn 8ha, các loại đất khác hơn 239ha. Dân số đạt 19.056 người
theo thống kê tính đến hết quý II năm 2020. Xã gồm có 6 thôn là: Trung Oai, Cổ
Dương, Tuân Lề, Lương Nỗ, Tiên Kha, Lễ Pháp.
Thôn Lễ Pháp có đình và chùa nằm liền kề nhau. Căn cứ vào
phong cách nghệ thuật của các pho tượng Phật giáo và dáng vẻ kiến trúc còn lại,
có thể đoán cụm di tích này được xây ít nhất từ thế kỷ XIX. Trong hậu cung đình
thờ bài vị của Đống Vĩnh đại vương là thành hoàng làng - một vị thần có công âm
phù giúp Quý Minh đại vương đánh thắng giặc Thục đến xâm lược nước Văn Lang.
Theo sự tích được chép trong ngọc phả, dưới thời Hùng Vương
thứ 18 có một lần vua nước Thục lại cho quân tới quấy nhiễu bờ cõi. Quý Minh đại
vương do vua Hùng cử làm tướng dẫn quân đi đánh giặc, đến thôn Uy Nỗ Trung, huyện
Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc thì nghỉ đêm tại đó. Rồi ngài nằm mộng thấy
có ba người mặc áo đỏ, đeo đai đỏ, thân hình kỳ dị và cổ quái, tự xưng là Linh
Linh thuỷ thần. Một người gọi là Thuỷ Hải, người khác là Bạch Tượng và người thứ
ba là Đống Vĩnh, báo rằng sẽ linh hiển âm phù cho.
Đình Lễ Pháp, thờ phụng Đống Vĩnh Đại Vương, vị thần phù
giúp Quý Minh đánh giặc. Thần tích chép: Vào thời Hùng Duệ Vương, nhà Thục thường
đem quân quấy nhiễu, Vua Hùng đã nhiều lần sắc chỉ cho Quý Minh Đại vương dẹp
giặc.
Một lần ông đến Uy Nỗ Trung, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo
Kinh Bắc và nghỉ đêm. Ông nằm mộng thấy có ba người mặc quần áo đỏ, đeo đai đỏ,
thân hình kỳ dị cổ quái xưng là ba vị linh linh thủy thần, một người gọi là Thủy
Hải, một người là Bạch Tượng, một người là Đống Vĩnh sẽ linh hiển âm phù.
Quả nhiên hôm sau Quý Minh đại vương tiến binh và chiến thắng.
Ngài bèn cấp tiền cho dân làng Lễ Pháp dựng đền thờ. Đời sau các triều vua đã
ban phong Đống Vĩnh đại vương là thượng đẳng phúc thần.
Ba vị Linh Linh Thủy Thần chính là Tam Công Long Vương.
Đình và chùa Lễ Pháp cùng nhìn về phía tây nam qua sân rộng
và con kênh ăn thông với sông Hoàng Giang chảy qua Cổ Loa. Ngôi chùa nằm ở cực
nam làng, toà tiền đường 3 gian 2 dĩ xây kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, kết nối
với thượng điện 2 gian dọc theo hình “chữ Đinh”.
Nền lát gach Bát Tràng, bệ xây đơn giản. Ngoài các bức tượng
tròn sinh động, bên trong chùa ít có chạm khắc trên gỗ và trang trí sơ sài
nhưng thân thiện.
Ngôi đình liền kề chùa, trông to lớn hơn hẳn sau lần đại
trùng tu mới đây. Toà tiền đường rộng 5 gian, cửa bức bàn, cũng xây kiểu đầu hồi
bít đốc tay ngai, kết nối với toà thượng điện 3 gian dọc thành hình “chữ Đinh”.
Hai gian bên và phía trước chánh điện có sập gỗ cao chừng 0,5m, các cột và các
bức cốn trang trí rực rỡ. Trong cung cấm bài trí 2 bộ long ngai với mũ áo thêu
trang kim của Đống Vĩnh đại vương và Đức Thánh Bà.
Trong đình Lễ Pháp. Ảnh ©NCCong 2022
Ngoài sân đình Lễ Pháp hiện có dựng lộ thiên 5 tấm bia đá, nét
chữ đã khá mờ. Các mảng chạm khắc gỗ trên cốn và đầu dư trong đình được trang
trí khá dày đặc nhưng thanh thoát với bố cục chặt chẽ, sinh động và có nhiều đề
tài phong phú như: rồng mây, rồng lá, tứ linh, tứ quý. Các bức cửa võng, đồ tế
khí, tranh trần và đại tự cũng là những tạo tác công phu.
Trong chùa Lễ Pháp còn lưu giữ được một hệ thống tượng Phật
giáo Bắc tông đầy đủ. Các pho tượng đặt ở hai gian bên và trên thượng điện đều
nhỏ nhắn và phúc hậu, in đậm phong cách nghệ thuật dân gian của Việt Nam thế kỷ
XIX.
Năm 1996, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình và chùa Lễ
Pháp là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.