Đình Lệ Tảo tọa lạc tại tổ dân phố Lệ Tảo 1, phường Nam Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Đình thờ Thành Hoàng là thần Bạch Mã (ngựa trắng) và Bạch Thiên Quan Cán Trúc Chi Thần (Dê Trắng) hay còn gọi là Nhị Vị Đại Vương, tín ngưỡng thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) của vùng đất Kiến Thụy xưa.
Theo cuốn “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” của sử gia
Ngô Đăng Lợi, Lệ Tảo xưa có tên là Lệ Cảo (Cảo Điền), nơi mà người dân làm ruộng
công cho triều đình. Đến triều Đồng Khánh (1886-1888) làng được đổi tên thành Lệ
Tảo (giọt sương buổi sớm).
Nơi đây vốn là vùng đất hoang vu, mênh mông sông nước còn được
gọi là bụng biển (Phúc Hải). Người dân từ nhiều nơi về định cư trên một vùng đất
tương đối nhỏ hẹp như một đảo nhỏ. Ngoài làm ruộng công cho triều đình, người
dân nơi đây còn giỏi nghề chài lưới và nhất là nghề đào đắp, khai khẩn đất
hoang, đê điều hay còn gọi là nghề đất đấu, cùng với nghề đóng thuyền đã trở
thành nghề truyền thống.
Cũng theo “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng” Lệ Tảo trước
khi có đình đã có miếu thờ thần Bạch Mã từ rất sớm. Theo các dấu tích còn sót lại,
đình được xây dựng vào đời Vua Tự Đức (1847-1883) ngôi đình này xưa gọi là đình
Nam vì nằm ở phía Nam làng, là ngôi đình xây dựng đầu tiên ở làng Lệ Tảo.
Thời phong kiến làng Lệ Tảo có 2 giáp là giáp Bắc, giáp Nam.
Giáp Bắc là nơi sinh sống chủ yếu của dòng họ Phạm Văn. Giáp Nam là nơi sinh sống
chủ yếu của họ Đặng Quang, Phạm Hữu, Đặng Văn, Nguyễn. Sau này dân làng xây dựng
thêm ngôi đình Bắc và đến những năm 1950 ở giữa làng còn dựng thêm ngôi đình (gọi
là đình công) cũng thờ thần Bạch Mã.
Do thăng trầm của lịch sử, những ngôi đình này hiện không
còn, duy nhất còn lại là đình Nam hay còn gọi là đình Lệ Tảo.
Theo các bậc cao niên, công việc xây dựng được ghi lại trong
Ngọc Phả đình Lệ Tảo như sau: một hôm nhằm vào tiết trọng xuân, các chức dịch
cùng kỳ lão trong làng xã mới họp mà bàn rằng: “làng xã ta đền miếu đổ nát hư hại
đã lâu, nay phải xây lại một ngôi đình trước là có nơi làm việc, sau là có chỗ
tế lễ thánh thần Xuân, Hạ, Thu, Đông mọi lẽ”. Chức dịch sở tại cùng các thần
hào kỳ lão và dân làng mới định một mảnh đất hội đủ Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền
Vũ, Chu Tước, dương cơ trạch tiềm tàng và định ngày đại cát xây một ngôi đình.
Nhưng xây nửa năm không thành, nhân tài, vật liệu mỏi mòn,
hao tổn không biết bao nhiêu mà kể. Vào một đêm răm tháng 7 các bậc chức sắc, kỳ
lão mới thiết lễ trước sân đình, nơi đang xây, cầu thánh thần tứ phương, tám hướng
giúp cho việc kiến tạo.
Lễ bái vừa xong bỗng một cơn gió nổi lên đèn đuốc hương nến
tắt hết. Trên tầng không xuất hiện con Bạch Mã nói vọng xuống rằng: “Ta là Long
Đỗ Bạch Mã linh thần, nay tuân du qua đây thấy dân làng xây đình nửa năm không
xong, nay đến đây phù trợ. Ngày mai cho người lên Long Thành cầu lấy thần chủ
linh pháp của ta về trấn yểm, tự khắc đình xây xong”. Nói rồi cưỡi Bạch Mã đằng
vân mà đi.
Dân làng cùng các bậc kỳ lão bái lạy. Hôm sau tức khắc cho
người lên thành Thăng Long, đến đền Bạch Mã rước thần chủ và pháp khí về đây
cúng tế. Điều lấy làm lạ sau buổi lễ thần linh hôm ấy, vào sáng hôm sau dân làng
nhìn thấy một viên đá nổi trên đầm nước, từ từ tiến vào bờ nơi định xây đình.
Mọi người cho rằng thánh thần đã phù hộ và chỉ bảo dân làng
vị trí xây đình, ai nấy đều mừng. Các thân hào, kỳ lão trọng làng cứ theo đó mà
làm, quả nhiên chỉ 3 tháng đình xây xong. Sau ngày khánh thành đình, dân làng tổ
chức cúng lễ rồi rước viên đá để trong hậu cung hư một bảo vật.
Hiện viên đá này vẫn còn đặt trong hậu cung đình cho đến
ngày nay. Đình có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, tiền thánh hậu thần, có kết cấu
bề thế vững chắc với 5 gian tiền đường và hậu cung bằng gỗ tứ thiết. Các phù
điêu hoa văn chạm khắc cả nội, ngoại thất khá tinh xảo. Trong hậu cung có tượng
thánh.
Đình thờ nhị vị Đại Vương là Bạch Mã (Ngựa Trắng) và Bạch Dê
(Dê Trắng) còn gọi là Bạch Thiên Quan Cán Trúc chi thần, tín ngưỡng thờ thần
Long Đỗ của vùng đất Kiến Thụy xưa, nên mới có câu: “Thăng Long Bạch Mã, Bát xã
Bạch Dể”. Nhiều đồ thờ tự cổ như hoành phi, câu đối, cửa võng, đại tự, đồ tế
khí, nhang án, sập thờ, kiệu mũ... Mặc dù qua nhiều biến cố, quy mô của đình,
các vật thể kiến trúc và nhiều đồ thờ tự còn lưu giữ đến ngày nay. Điều đặc biệt
kiểu dáng bài trí nội thất giống như đền Bạch Mã ở Thăng Long (Hà Nội).
Theo các bậc cao niên, ngay từ xa xưa thân Bạch mã là vị thần
linh thiêng luôn đồng hành với đời sống tâm linh của người dân Lệ Tảo. Nhờ thần
hộ trì ban phúc mà nghề nghiệp được mở mang, tránh được nhiều tai ương, hoạn nạn.
Một điều đặc biệt, mặc cho thiên tai hay địch họa, ngôi đình từ khi xây dựng đến
nay vẫn đứng vững chưa lần nào bị hư hỏng hay phá hoại.
Năm 1905 đời vua Thành Thái, bão nước dâng khắp vùng lũ lụt,
nhà cửa quanh vùng đô nát, hay trận sóng thần vỡ đê năm 1955 cũng vậy mà ngôi
đình vẫn đứng vững. Năm 1967 máy bay Mỹ bắn tên lửa hòng phá trạm ra đa của sân
bay Kiến An tại đình vẫn không trúng. Mọi người đều tin rằng Thành Hoàng linh
thiêng đã bảo vệ ngôi đình như bảo vệ đền Bạch Mã ở Long thành trước cuồng
phong, giặc lửa khi xưa.
Đình Lệ Tảo không những là chốn tâm linh mà còn là chứng
tích hào hùng trong tiến trình phát triển của làng. Nơi đây đã từng là nơi tụ hội
của các sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương chống Pháp (1885- 1896).
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Lệ Tảo
còn để lại những dấu tích kiên cường, bất khuất của người dân địa phương. Trong
kháng chiến chống Pháp các chiến sĩ cách mạng, dân quân du kích đã đào hầm bí mật
bám trụ tại đình để chống giặc.
Nhân dân Lệ Tảo còn ghi rõ ngày 2/6/1947 (Đinh Hợi) địch tập
trung càn quét thôn Lệ Tảo bằng hai gọng kìm từ bốt Vọng Hải lên, từ Kiến An xuống.
Được sự đùm bọc của nhân dân, du kích xã từ hầm bí mật tại đình và một số nhà
dân đã xây dựng trận địa đánh địch.
Trận đánh này mặc dù chiến sĩ ta chiến đấu dũng cảm nhưng do
địch đông quân, tràn qua trận địa mai phục càn quét địa bàn xã, đốt phá nhà cửa,
bắn giết nhân dân rất dã man. Phía ta đã bắn chết và làm bị thương một số tên địch,
nhân dân Lệ Tảo chịu nhiều tổn thất, chết tổng cộng 11 người, không thể nào quên
tội ác tàn bạo của giặc Pháp và bọn tay sai.
Tháng 2 năm 1951 bọn bang Thiếu, kí Ngưỡng ở đồn Vọng Hải
điên cuồng chống phá cách mạng, chúng bắt nhiều người dân vô tội ra đình đánh đập
tàn bạo, ép buộc phải hàng tề. Một số người chúng cho là có liên quan đến Việt
Minh, bị trói tay chân, hòa với nước điếu đổ vào mũi từng người, cho uống nước
no rồi đánh đập chết đi, sống lại, song không một ai khuất phục.
Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc
Mỹ, từ 1966-1973 đình Lệ Tảo là nơi đóng quân của trạm Ra đa sân bay Kiến An,
đoàn K71 và sư đoàn 363. Đình còn đón nhận cho một số cơ quan xí nghiệp từ nội
thành Hải Phòng về sơ tán như: xí nghiệp nước mắm cầu Niệm, công ty Bông vải sợi
Hải Phòng.
Ngày 13/12/1967 máy bay Mỹ đã bắn tên lửa hòng phá hủy trạm
ra đa của sân bay Kiến An tại đình nhưng không trúng, gây thiệt hại lớn về người
và của cho nhân dân Lệ Tảo với 6 người chết, nhiều nhà cửa bị phá hủy.
Trải qua thời gian, nhiều biến cố ngôi đình đã phải sửa chữa,
tu bổ nhiều lần. Năm 2003, ngôi đình đã được sửa chữa lớn với kinh phí hoàn
toàn do nhân dân và các nhà hảo tâm đóng góp. Năm 2007 xây dựng nhà khách. Năm
2013 một số nhà hảo tâm đã công đức xây dựng bia trấn phong, tượng đá ngựa trắng.
Ngày nay đình Lệ Tảo đã được tu bổ, tôn tạo ngày càng khang trạng tố hảo, xứng
đáng là danh lam nơi vùng quê yên bình.
Đình có bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh (J), gồm 5 gian bái đường, 02 gian chuôi vồ, hậu cung đình quay hướng Nam, phía Đông là nhánh sông nhỏ, phía Tây là đồi Cựu Viên nằm trong dải núi Thiên văn bao bọc, phía Bắc và phía Nam là vườn cây, cánh đồng ruộng. Tòa bái đường 5 gian bằng gỗ tứ thiết, nổi bật 3 khung cửa gỗ chính giữa được làm theo lối “Thượng song hạ bản”.
Bờ nóc mái, tường hồi phục dựng và trang trí theo tường hồi-bít đốc. Đồng thời, nóc mái có kết cấu kiểu “Giá Chiêng” 1 vì có 4 cột. Bên cạnh đó, trong phần cảnh quan của ngôi đình ở mé hồi phía tả, còn có một ban thờ lộ thiên trên tảng đá gốc có diện tích vừa phải dưới gốc cây đa được dân làng giũ gìn và bảo vệ.
Đến nay, đình Lệ Tảo còn bảo tồn và lưu giữ được một số sắc phong và di vật thuộc một số triều vua nhà Nguyễn. Gồm bộ bát biểu 20 cây, 01 sập thờ, 01 nhang án tiền, 03 bộ ngai, ỷ, mũ thờ, 02 pho tượng Thành Hoàng, 01 bộ ghi lạc khoản các đời vua Nguyễn …
Tuy trải qua nhiều lần tu tạo, đình Lệ Tảo vẫn giữ được nhiều mảng chạm, khắc nghệ thuật mang giá trị niên đại Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như trang trí trên thân bẩy hiên, hai bộ cửa võng gian trung tâm và gian chuôi vồ nối với tòa bái đường được thể hiện khá sinh động như: Trúc hóa Long, Mai – Điểu, Tứ Quý, Tứ Linh với đường nét đục chạm chau chuốt, sơn thếp công phu.
Sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống tại đình Lệ Tảo diễn ra vào các
ngày âm lịch trong năm, gồm10/02, 16/4, 15/7, 02/12. Vào những ngày này,
người dân đến đình tham gia các sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng
cổ truyền của dân tộc.
Ngày 19 tháng 01 năm 2004,
Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng ra quyết định số 205-QĐ/UB công nhận
đình Lệ Tảo xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng