Đình Lỗ Khê có từ giai đoạn cuối thời kỳ Hùng Vương, phụng thờ Ngài Điện Hưng, danh tướng trong đạo thần binh của Sơn thánh Tản Viên, tham gia đánh bại cuộc xâm lăng của vua Thục Phán và Thủy thần Út Đầu Rền một vị tướng cùng thời. Hậu Lê phúc thờ thêm 2 danh tướng Dương Trực và Tô Quang.
Đình Lỗ Khê ngày nay đã có từ thời Hậu Lê, thờ 2 vị tướng thời
Hùng Vương và 2 vị khác theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa, ở thôn Lỗ Khê, xã Liên
Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đình Lỗ Khê ban đầu tương truyền là ngôi đền thờ đệ nhất
thành hoàng Điện Hưng, được dân làng dựng vào cuối thời kỳ Hùng Vương ở bãi
Đình Chiền, ngay trong khu vực đồn trại của Ngài. Đến khoảng thế kỷ 3, dân làng
chuyển đền từ ngoài đồng về chỗ hiện nay.
Sau này, đền được mở rộng và nâng cấp thành đình. Giữa thế kỷ
15 phối thờ thêm 2 vị tướng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn là Dương Trực và Tô
Quang, cùng với Thủy thần Út Đầu Rền một vị tướng từ thời Hùng Vương từng được
phong “Phổ tế linh ứng đại vương”. Bốn vị thành hoàng làng được gọi chung là “Vạn
cổ tứ linh”.
Đình làng Lỗ Khê - nơi phụng thờ Vạn cổ Tứ linh thượng đẳng Thần
Theo thần tích, Ngài Điện Hưng sinh năm 313 TCN. Mẹ là Vũ Thị
Khang – người làng Mộ Trạch, nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải
Dương, rời quê đến xã Vạn Kỳ, huyện Gia Định (nay là Gia Bình, tỉnh Bắc Giang),
sau về làng Lỗ Khê, rồi sinh ra Ngài. Lớn lên, ngài Điện Hưng tham gia vào
đại binh của vua Hùng Duệ Vương đánh thắng nhà Thục. Sau khi mất, Ngài được dân
làng Lỗ Khê thờ và các triều vua phong là “Hiển ứng linh phù đại vương, Thượng
đẳng thần”.
Tướng Dương Trực (1402 – ?) quê ở trang Thanh Liêm, huyện
Thanh Liêm, phủ Lý Nhân, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Ngài từng theo Lê Lợi đánh giặc
Minh, đóng quân ở làng Lỗ Khê, tại đây Ngài đã sai quân lính cùng dân làng đào
72 cái chuôm và 11 mạch để trữ nước tưới cho đồng ruộng. Vì thế Ngài được dân
làng tôn thờ và các triều vua phong là “Hầu Đại liêu đại vương, Thượng đẳng thần”.
Tướng Tô Quang là con nuôi của cụ Dương Bang, thân sinh ra
Dương Trực và anh trai của mẹ Tô Quang. Hai anh em con chú con bác này cùng
theo vua Lê Lợi đánh giặc Minh và cùng mất ngày mồng bảy tháng chín âm lịch.
Ngài cũng được các triều vua phong là “Hầu Đại liêu đại vương”, lúc đầu chỉ là
Trung đẳng thần, đến thời Nguyễn nâng lên thành Thượng đẳng thần.
Đình được dựng trên thế đất phong thủy hình đầu rồng quay về
hướng tây-nam, cặp mắt rồng là 2 giếng nước ở cổng Đồng và cổng xóm Tây, nhìn
ra đồng không bị che khuất. Quanh làng có 10 gò cao xếp thành 2 nhóm trước 3
sau 7 (tiền tam thai, hậu thất diệu), tượng trưng cho 10 ngọn đèn thần chiếu
vào đình và mọi nhà trong làng. Mé sau đình là chùa Lỗ Khê và nhà Văn hóa thôn.
Tam quan đình khá độc đáo, cửa bên phải vốn có tấm bia đá
ghi sự tích đình làng; phía trước và sau đình từng có 2 cổ thụ nghìn tuổi, nay
bia và cây đều không còn. Đình nhìn về hướng đông-nam ra một ao to, có cầu bắc
ra đảo. Trước đình có con chó đá, đầu ngẩng, cổ đeo nhạc. Cạnh đình là 5 từ chỉ,
trong đó ở mé tây nay đã trùng tu văn chỉ thờ Khổng Tử. Di vật là nghiên mực
trong bộ bút nghiên tương truyền do Đức Thánh Cả trao lại cho dân làng cùng lời
dặn “Để mất bút nghiên thì con cháu sẽ dốt nát”.
Nghe nói năm Kỷ Tỵ đời vua Tự Đức (1869), quân triều đình về
dẹp giặc cỏ, đình bị đốt cháy ngày 21-9 âm lịch. Sau dân làng quyên góp xây dựng
lại đình, tổ chức rước các thần tạm ngụ ở gốc đề Cầu Bài, gốc đa Mạch, gốc đa Cổng
Trại và gốc đa ven miếu sông Nguyệt Giang (huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Năm Mậu
Ngọ đời vua Khải Định (1918), đình được trùng tu, phục chế và mở rộng cửa võng,
giữ các đường nét chạm khắc thời Lê. Năm Tân Tỵ đời vua Bảo Đại (1941) mở rộng
lòng giếng đình, năm 1987 lại tu sửa nhỏ.
Sân đình rất rộng, có đôi rồng đá trước thềm. Đình bố cục
hình chữ “Tam”, gồm tiền tế, trung tế cùng 5 gian và hậu cung 3 gian, nền nhà
trung tế cao hơn thềm đình. Tòa tả mạc lẫn tòa hữu mạc đều không còn. Hai bên hậu
cung là tả trù và hữu trù. Những chạm khắc hoa văn ở cả hai phần nề và mộc đều
mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê.
Tương truyền Đinh Tiên Hoàng đến đình Lỗ Khê làm lễ tế, xin
Thủy thần “Mỹ tự âm phù” về kinh đô cầu mưa. Được toại nguyện, vua phong tặng
Điện Hưng và Út Đầu Rền 4 chữ vàng “Nhị vị đại vương” (năm 978). Tiếp đó vua Lê
Đại Hành cũng đến tế tại đình và phong 2 vị là “Trung đẳng phúc thần” (981).
Lê Thánh Tông khi lên ngôi vua (1460) đã gửi thơ tới Lỗ Khê,
ca ngợi 2 thần hoàng mới (Dương Trực và Tô Quang) có công lớn phò Lê Lợi chống
giặc Minh. Trong hậu cung còn giữ được 8 đạo sắc phong của các triều vua từ thời
Hậu Lê đến thời Nguyễn.
Đình còn được vinh dự đón Hồ chủ tịch về chúc tết vào ngày đầu
năm Giáp Thìn (13-2-1964). Ngày 21-01-1989 đình Lỗ Khê cùng với ba ngôi đình Hà
Vỹ, Hà Lỗ và Hà Hương thuộc xã Liên Hà đã cùng được xếp hạng Di tích lịch sử
văn hóa quốc gia.
Làng Lỗ Khê – Đền Ca Công
Đền Ca Công có từ đầu thời Hậu Lê, bên trong thờ 2 vị tổ nghề
hát ca trù thuộc thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Làng Lỗ Khê nằm trong vùng “Ngũ Giỗ” của huyện Đông
Ngàn, thời phong kiến là một xã, sau trở thành một thôn của xã Liên Hà, huyện
Đông Anh, Hà Nội. Làng xưa có 4 giáp chia theo xóm và gọi theo tên xóm: xóm
Đông, xóm Tây, xóm Chùa, xóm Trước. Mỗi giáp cử 4 người giữ lềnh ở dưới tuổi 50
để điều hành các công việc do hội đồng làng phân bổ.
Làng hình thành từ lâu đời, căn cứ vào các địa danh gắn với
sự tích thánh thần như: Cầu Bài là nơi Ông Dực, Ông Minh (tướng của vua Hùng,
thành hoàng 2 làng Hà Lỗ, Hà Hương ở cạnh Lỗ Khê) bày binh bố trận để phục kích
giặc Ân, Cầu Lợn là nơi đặt trạm hậu cần quân sự, Ao Hiềm là nơi lấy nước uống
và nấu ăn cho binh lính, làng Lỗ Giao là nơi giao quân, v.v…
Đình làng Lỗ Khê ban đầu là nơi thờ Điện Hưng, một vị tướng
tài có công giúp vua Hùng đánh lại nhà Thục sau này thờ thêm 3 vị thần hoàng nữa,
gồm Thủy thần Út Đầu Rền với 2 vị tướng của Lê Lợi là Dương Trực và Tô Quang.
Tháng 11- 2003, tại gò Đình Chiền, nơi dựng đình cũ, các nhà khảo cổ học đã
phát hiện các rìu đá, đồ gốm, có niên đại cách nay trên dưới 3500 năm.
Cạnh đình là nhà Văn chỉ, còn ngay sau lưng là ngôi chùa Lỗ
Khê. Ngoài ra ở phía bắc đường Liên Hà còn có một ngôi chùa khác, mới được mở rộng.
Tương truyền thời xưa nơi đó có 10 “Bụt đá” mọc lên tự nhiên. Dân làng bèn dựng
một ngôi điện để bảo vệ và thờ Bụt, tên chữ là Quang Linh am điện (am thờ tâm
linh trong sáng), sau đổi thành Quang Linh am tự, dân quen gọi là chùa Bụt Mọc.
Do chùa toạ lạc trên một gò đất cao ngoài đồng, nên còn gọi là chùa Đồng.
Lỗ Khê thuộc vùng đồng trũng xung quanh một nhánh cụt của
sông Hoàng Giang. Trước kia, cạnh nghề trồng lúa, dân làng còn tận dụng lợi thế
của địa hình có nhiều ao chuôm để khai thác mọi nguồn thủy sản bằng các cách
đăng đáy, kéo vó, quăng chài, tát vét…. Ngoài ra, dân làng có nghề nấu rượu,
làm hàng xáo và mới gần đây là nghề làm đồ gỗ để thờ cúng. Nay làng có diện
tích 183 ha, trong đó khu dân cư chiếm trên 20 ha đang đô thị hóa.
Làng Lỗ Khê là một trong những cái nôi sinh ra nghệ thuật ca
trù (còn gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ,
hát nhà trò hay hát ca công), một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc có từ lâu
đời của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Đền thờ Ca Công tại làng Lỗ Khê là một di tích
vô giá. Trong đền còn lưu bản sao ngọc phả nói về nguồn gốc của ca trù, do Tiến
sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận (1466) Hộ bộ Thượng thư Đào Cử soạn thảo
năm Hồng Đức thứ 7 (1476). Đào Cử cũng là người viết ngọc phả cho đền thờ tổ của
giáo phường làng Phú Đô (quận Từ Liêm).
Theo ngọc phả, Đinh Dự là con tướng quân Đinh Lễ. Trong khởi
nghĩa Lam Sơn, năm 1426 Đinh Lễ được Lê Lợi cử ra Bắc lập đồn đóng trại tại Lỗ
Khê, ông đã cưới vợ và sinh con ở đây. Đinh Dự lớn lên giỏi đàn hát và lấy vợ
tên là Đường Hoa Tiên Hải. Hai vợ chồng mở giáo phường dạy hát, nổi tiếng khắp
vùng. Sau hai ông bà cùng mất một ngày, được dân tôn là tổ ca trù. Như vậy, ca
trù đã có ở làng Lỗ Khê từ đầu thế kỷ 15. Đầu thế kỷ 20, khi ca trù thịnh hành,
nhiều người đã ra Hà Nội mở ca quán tại phố Khâm Thiên.
Trong điện thờ của đền Ca Công
Hiện vẫn còn ngôi đền thờ 3 gian 2 dĩ, năm 2001 đã được Nhà
nước cấp kinh phí trùng tu. Trên chính điện treo bức hoành phi đề 4 chữ Hán
“Sinh Tài Tự Điển”. Trong khám thờ có đặt tượng gỗ của hai vị tổ ca trù. Ngoài
ra, còn 5 đạo sắc (sao lại) của các triều vua phong cho Đinh Dự là “Thanh Xà đại
vương” (do ông sinh năm Tỵ) và vợ ông là “Mãn Đường Hoa công chúa”. Theo sắc
phong ngày 15 tháng 6 năm Gia Long thứ 9 (1810) thì nguyên gốc của ca trù Lỗ
Khê mà hai vị tổ đã thụ nghiệp là giáo phường huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).
Ngày 21-01-1989 đền Ca Công cùng với đình Lỗ Khê đã được xếp
hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hàng năm tại đền có tổ chức lễ sinh nhật
Đinh Dự vào ngày 5 tháng Tư (âm lịch) và giỗ kỵ hai vị tổ ca trù vào ngày
15-11. Ca trù Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật
thể cần được bảo vệ khẩn cấp kể từ ngày 01-10-2009.
Mỗi năm Lỗ Khê có hai kỳ hội làng theo âm lịch. Hội tháng
Giêng nếu bội thu thì vào đám từ mồng 10 đến 27, nếu được mùa thì vào đám từ mồng
10 đến 19 và nếu mất mùa (bán trà) thì vào đám từ mồng 4 đến 9, có rước văn, rước
mục lục, lễ đón quan anh làng kết nghĩa để cùng hát ca trù; ngoài ra còn có thi
vật, cờ tướng và một số trò chơi khác. Hội tháng Tám từ mồng 10 đến 13, diễn lại
sự tích tướng Dương Trực mổ trâu khao quân và dân làng.
Làng Lỗ Khê xưa kết nghĩa với làng Hương Trầm (xã Thụy Lâm) ở
bên cạnh và làng Choá (huyện Yên Phong). Theo lệ cũ, hàng năm bất luận thời tiết
thế nào, hai bên đều cử đoàn đại diện đến thăm nhau vào kỳ hội. Ngày mồng 10
tháng Giêng, làng Lỗ Khê mời quan anh làng Chóa (6-8 người), lễ vật của quan
anh mang theo là hương đen đặc biệt. Vào ngày 14, mời làng Hương Trầm (80 người)
vừa dự tiệc, nghe hát ca trù và cùng hát xướng tại đình.
Ths Nguyễn Thy Ngà tổng hợp