Đình Lực Hành xưa thuộc xã Lực Hành, tổng Trung Hành, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương, nay thuộc tổ dân phố Lực Hành, phường Đảng Lâm, quận Hải An thành phố Hải Phòng.
Đình Lực Hành cổ được khởi dựng từ nhiều thế kỷ trước, thờ
phụng Đức vua Ngô Quyền, vị anh hùng dân tộc dẹp thù trong, phá giặc ngoài với
chiến thắng Bạch Đằng giang chói lại nghìn thu, lưu danh muôn thuở.
Diệt xong giặc, giữ yên bờ cõi, Ngô Quyền xưng Vương, là người
đầu tiên đem lại nền độc lập tự chủ cho nước nhà sau gần một nghìn năm bị các
thế lực phong kiến phương Bắc đô hộ. Khi Ngài qua đời, nhân dân vùng Hải An có
11 làng có đình thờ Ngài làm Thành hoàng, ghi nhớ công ơn vệ quốc, an dân của Ngài
và cầu mong Ngài phù hộ cho quốc thái dân an.
Trải qua hàng trăm năm, đình làng Lực Hành đã trải qua bốn lần
xây dựng. Từ xa xưa đình làng có kiến trúc đơn sơ, lợp gianh tọa lạc ở khu vực nay
thuộc phường Cát Bi, quận Hải An, nhưng bị bọn trộm cướp đốt phá nên dân lãng
phải xây dựng lại, đình tuy không lớn nhưng là ngôi đình rất đẹp thời bấy giờ.
Năm 1954 giặc Pháp dồn dân để mở rộng sân bay Cát Bi, đình
làng bị Pháp đốt phá, tượng thờ bị đốt cháy, dân làng phải di dời về xóm Trại
(nay là tổ dân phố Lực Hành) và đình được xây dựng lại bằng gạch xỉ, mái lợp tấm
pro xi măng, ba gian bít đốc và hậu cung.
Trải qua bao năm tháng với sự tàn phá khắc nghiệt của thiên
nhiên và trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ngôi đình bị
xuống cấp và hư hỏng nặng không thể trùng tu sửa chữa được vì thế từ năm 1970 đến
1994, sau hơn hai chục năm làng Lực Hành không có đình.
Trước nhu cầu cấp thiết về văn hóa tâm linh, chính quyền và
người dân địa phương đã đầu tư tiền của, công sức cùng với sự đóng góp nhiệt
tâm của khách thập phương phục dựng ngôi đình. Ngày 16 tháng 9 năm Giáp Tuất
(1994), đình Lực Hành được khởi công xây dựng mới hoàn toàn.
Ngôi đình mới được hoàn thành ngày 10 tháng Giêng năm Ất Hợi
(1995). Từ đó ngày 10 tháng giêng hàng năm đã trở thành ngày Lễ hội của Làng.
Đình Lực Hành được dựng trên khuôn viên của diện tích 959,9
m2 rộng rãi, thoáng mát, quay hướng chính Đông, gồm 5 gian bái đường, 2 gian hậu
cung, có sân rộng, có hồ nước phong thủy với diện tích 1537 m2, tích tụ phúc đức
cho cả cộng đồng dân cư.
Mặc dù được xây dựng mới, nhưng khung đình bằng gỗ lim, chạm
khắc tinh xảo, kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn, mái lợp ngói mũi hài, nóc
đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu nóc đắp hai con kình trông rất uy linh, tuyệt
mỹ, mái cong mũi đao đắp tứ linh, giữ vẻ tôn nghiêm cổ kính, hội tụ linh khí của
đất trời.
Hai nhà giải vũ tả, hữu theo hướng Bắc-Nam, hai bên đắp hai
ông hộ pháp, với ý tưởng các ngài bảo vệ nơi thờ cúng tối linh. Nghi môn kiểu
Tam quan uy nghi với cổng chính là hai cột biểu cao, trên đỉnh cột trang trí
đôi nghê múa, thân trụ biểu đắp câu đối ca ngợi công lao oanh liệt của chủ thần
thờ.
Hai bên cổng phụ là cổng vòm long đình hai tầng tám mái, hai
trụ biểu ngoài cùng phía trên đắp tứ phượng, qua cổng chính có hai sư tử chầu đỉnh
hương. Qua sân đình, trước gian giữa đình là hai tượng nghê chầu bằng đá trắng.
Phía cuối bậc tiền sảnh là hai tượng rồng với thế cuộn mình đầu cất cao.
Đình gồm tòa Đại bái và Hậu cung, gian chính điện tòa Đại
bái với ban thờ Công đồng, dẫn vào điện thờ chính với bốn cửa võng và câu đối,
hoành phi đại tự sơn son thếp vàng ca ngợi công huân của chủ thần.Trên xà
hoành, cột cái hai bên tả, hữu đều treo hoành phi câu đối sơn son thếp vàng, họa
tiết tinh xảo.
Tượng Ngô Vương uy nghi tĩnh tại trong khám thờ nơi cung cấm,
Ngài ngự trên ngai rồng như thiết triều. Ngoài là bộ kiệu bát cống, hai bên kiệu
là hai bộ chấp kích, trên kiệu có lọng che bức chân dung của Ngài, gian ngoài để
bộ long đình, hai bên có hai bộ bát biểu, ngoài cùng là nhang án và nhiều đồ tế
tự quý giá khác càng điểm tô cho nơi thờ phụng tôn nghiêm trang trọng.
Sắc phong ngày 20 tháng giêng năm 1621 của vua Lê Thần Tông
hiệu Vĩnh Tộ (1619-1643).
Sắc phong ngày 26 tháng 4 năm 1648 của vua Lê Chân Tông hiệu
Phúc Thái (1643-1648)
Sắc phong ngày 29 tháng 7 năm 1675 của vua Lê Gia Tông hiệu
Dương Đức (1672- 1675)
Sắc phong ngày 18 tháng 10 năm 1890 Thành Thái (1889-1907)
Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Thành phố
Đình Lực Hành còn lưu giữ được 6 sắc phong của các triều đại
sau này, bao gồm
* Sắc phong ngày 20 tháng giêng năm 1621, hiệu Vĩnh Tộ (vua
Lê Thần Tông 1619-1643).
* Sắc phong ngày 26 tháng 4 năm 1648, hiệu Phúc Thái (vua Lê
Chân Tông 1643-1648).
* Sắc phong ngày 29 tháng 7 năm 1675, hiệu Dương Đức (vua Lê
Gia Tông 1672- 1675).
* Sắc phong ngày 18 tháng 10 năm 1890 - Thành Thái
(1889-1907).
Bốn sắc phong trên, bản gốc nay vẫn được lưu giữ tại đình.
Còn Sắc phong ngày 17 tháng 8 năm 1910 của Vua Duy Tân (1907-1916), Sắc phong
ngày 25 tháng 7 năm 1925 của vua Khải Định (1916-1925), bản gốc đã bị thất lạc
chỉ còn bản sao viết tay của hai ông lý trưởng, chính hội Hàng Lực Hành năm
1938 (tài liệu được lưu giữ tại Viện KHXH VN).
Trải qua gần bốn trăm năm, đình Lực Hành dù phải xây dựng mới
nhưng vẫn giữ được truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng thời đỉnh cũng là điểm
sinh hoạt văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Đình Lực Hành đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Thành phố ngày 5
tháng 11 năm 2007.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng