Đình Lũng Kinh còn có tên gọi là đình Lũng Kênh, thuộc xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, thờ đức thành hoàng làng tên là Trịnh Tích. Ông đã nổi dậy khởi nghĩa chống lại Triệu Đà và thất bại, anh dũng hy sinh.
Đình Lũng Kinh thờ đức thành hoàng là Trịnh Tích. Ông vốn
sinh ra trong một gia đình nghèo ở châu Hoan (Nghệ An) vào thời Hùng Vương thứ
18. Thuở nhỏ, ông là người thông minh hiếu học, tinh thông văn võ. Khi Thục
Phán định cướp ngôi, ông đã chiêu mộ nghĩa binh chống lại nhưng không thành nên
đã học đạo tu tiên.
Khi tuổi cao, gặp lúc Triệu Đà xâm lược, ông lại chiêu mộ
các trai tráng và các tù trưởng các vùng xung quanh nổi dậy chống lại. Trong một
trận chiến, ông đã hy sinh anh dũng. Trải các triều về sau, ông được ban sắc
phong thần, tặng phong là Quy Chính thượng sĩ. Nhiều nơi lập đền thờ, trong đó
có thôn Lũng Kinh.
Trước đây, Lũng Kinh có tên gọi là Hoa Kinh, tổng Kim Thìa,
huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, nay thuộc xã Đức Giang, huyện Hoài Đức,
TP Hà Nội. Từ năm 1904 đến 1945, thôn từng có tên là Hoa Kinh, thuộc
tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông.
Đình Lũng Kênh được xây vào khoảng thế kỷ XVIII, tức
thời Lê trung hưng. Bên trong hậu cung Đình có kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm
Đại bái và Hậu cung. Trước khi vào Đại bái, qua cổng đình được làm theo kiểu “tam
quan” chùa, xây vòm theo lối chồng diêm, 4 mái đắp giả ngói ống, trên bờ nóc đắp
mâm rượu với lá cách điệu ở hai đầu. Cổng chính cao hơn 2 cổng bên ngăn cách bởi
cột gạch. Qua một khoảng sân là tới Đại bái, toà nhà này gồm 5 gian với 4 mái đắp
đao, tường hồi gắn với cột trụ.
Hai đầu bờ nóc đắp con rồng lá Makara, một con vật linh, chủ
của nguồn nước, cuối bờ dải đắp các con lân gắn mảnh sứ. Vào bên trong, các bộ
vì làm theo kiểu thức “giá chiêng chồng rường”.
Các bức cốn tại gian giữa chạm khắc tứ linh ở mặt trước, mặt
sau chạm hoa lá, các cốn ở gian bên thì đơn giản hơn. Tại các kẻ rường ngoài
soi gờ chạy chỉ, đôi chỗ chạm vân xoắn. Các bẩy chạm rồng cách điệu và hoa
lá... Riêng tại các đầu dư chạm lộng đầu rồng mang phong cách thời Nguyễn.
Nối từ gian giữa Đại bái về phía sau là Hậu cung tạo thành
hình “chuôi vồ”. Hậu cung kết thúc bằng tường hồi bít đốc, bộ khung cơ bản là
vì nóc “chồng rường” trên hai hàng chân cột cái, các con xà nách gối ngay lên
tường. Các mảng chạm khắc chủ yếu là chạm nổi tứ linh, mây xoắn và hoa lá. Bên
trong Hậu cung xây bệ gạch để bài trí long ngai bài vị và các đồ tế tự khác như
7 đạo sắc phong của ba triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn, hai bộ cửa võng sơn son thếp
vàng, hương án, hoành phi, câu đối, bát hương đồng... Nhìn chung, đình Lũng
Kinh mang phong cách kiến trúc thế kỷ XVIII.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến
trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01
Nguồn: Người Hà Nội