Đình Lương Xá (Lý Đế Từ), di tích lịch sử cấp tỉnh ở thôn Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Đình thờ phụng các hoàng đế triều Lý cùng các vị hoàng hậu. Là một di tích có ít giá trị nghệ thuật nhưng chứa đựng giá trị lịch sử văn hoá vượt bậc.
Lam Điền là một xã nông nghiệp thuộc huyện Chương Mỹ, TP Hà
Nội. Địa giới hành chính về phía bắc giáp xã Thuỵ Hương, phía nam giáp xã Hoàng
Diệu, phía tây giáp xã Đại Yên và xã Hợp Đồng (đều cùng huyện Chương Mỹ), phía
đông giáp sông Đáy và xã Thanh Cao (thuộc huyện Thanh Oai).
Giao thông thuận tiện nhờ có dòng sông Đáy ở phía đông, đường
Máng Bảy và con đường đê Hữu Đáy với tuyến xe bus 124 chạy dọc xã theo trục bắc-nam.
Hiện xã Lam Điền nối với xã Thanh Cao bằng 3 cây cầu dành cho xe hai bánh và
người đi bộ. Xuống làng Cốc Thượng (xã Hoàng Diệu) mới có cầu cho ô tô nhỏ. Xe
to thì phải qua cầu Mai Lĩnh hoặc cầu làng Chuông.
Cổng đình Lương Xá. Photo ©NCCông 2022
Xã Lam Điền có mã hành chính là 10063, tổng diện tích đất tự
nhiên 8,14 km², dân số cuối năm 2003 khoảng 9.500 người, mật độ đạt 1.167 người/km².
Dân xã hầu hết là người Kinh, một số theo đạo Thiên Chúa. Hiện nay họ sinh sống
tập trung trong 5 thôn: Lam Điền, Ứng Hòa, Đại Từ, Duyên Ứng, và Lương Xá.
Thôn Lương Xá vốn tên là Mạc Xá, đến thế kỷ XVII mới thay đổi
tên sau khi quân đội Lê-Trịnh buộc triều nhà Mạc phải rút khỏi Thăng Long. Trước
kia trong làng có dòng họ, trong đố họ Đặng là đông nhất và cũng có số người đỗ
đạt làm quan nhiều nhất.
Lược sử
Đình Lương Xá có từ thời Lê Trung Hưng, trong hậu cung thờ
Lý Bát Đế tức là 8 vị hoàng đế của nhà Lý đã trị vì nước Đại Việt suốt hơn 2 thế
kỷ (1010-1225). Trải qua mấy trăm năm với nhiều lần sửa chữa, tôn tạo, ngôi
đình ngày nay in đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc và trang trí của thời cuối
Lê đầu Nguyễn.
Đây là nơi thờ cúng gần như đầy đủ các vua Lý ở bên ngoài
quê hương của các Ngài. Đình còn lưu giữ nhiều đạo sắc tôn phong mỹ tự cho các
vị hoàng đế, hoàng hậu. Triều Lý gắn liền với lịch sử định đô ở Thăng Long - Hà
Nội, vậy nhưng trải qua mấy lần kỷ niệm ngày dời đô, ngành văn hoá của Hà Nội
cũng đã quên di tích "đặc biệt" này.
Trong thời xây dựng hợp tác xã, đình bị sử dụng làm nhà kho,
nơi họp hành, thượng cung bị cải biến thành kho thóc, toàn bộ hệ thống hoành
phi, câu đối bị làm củi. Kiệu, hạc và nhiều đồ thờ tự bị phá bỏ. Sau thời kỳ
này đình được nhân dân địa phương góp công của phục hồi, trùng tu và mở lại hội
làng vào ngày sinh của Lý Thái Tổ hoàng đế (12/2/âm lịch).
Hiện nay, đình đang bị xuống cấp trầm trọng. Toàn bộ hệ thống
cột đã bị tiêu tâm, mục chân. Nền đình bị sụt lún, nhiều chỗ như nền đất. Trung
cung nơi đặt thánh vị các vị hoàng hậu bị dột nát. Thượng cung có long ngai
thánh vị của chư vị Hoàng đế, cột kèo bị xô lệch, do ảnh hưởng bởi thời gian và
thời kỳ làm kho thóc. Các sắc phong phải đưa đi sơn tán để bảo quản tránh ẩm mốc
và trộm cắp.
Đình Lương Xá. Photo ©NCCông 2019
Ngôi đình nằm cạnh nhà thờ chi họ Đặng làng Lương Xá, tức Hữu
Phủ Từ được chúa Trịnh Tráng cho xây vào năm 1647 để thờ đại công thần Đặng Huấn.
Chi họ này có nhiều hậu duệ rất nổi tiếng như Đặng Đình Tướng, Đặng Tiến Lân, Đặng
Tiến Đông, Đặng Trần Thường v.v.. Nghe nói chi họ Đặng bắt nguồn từ một chi họ
nhà Trần đã từng tiêu diệt nhà Lý vào đầu thế kỷ XIII.
Kiến trúc
Cổng đình Lương Xá hiện được xây theo kiểu nghi môn tứ trụ
và giáp mặt với con đường Hữu Đáy ở hướng tây. Du khách đi qua nghi môn và con
ngõ ngắn khoảng vài chục bước sẽ đến chiếc cổng 2 tầng 8 mái giả, có cửa ngăn với
một sân gạch khá dài. Phía bên kia sân là nhà văn hoá và ao đình, xa hơn chút nữa
là Hữu Phủ Từ.
Ngôi đình nhìn hơi chếch qua sân dài về phía đông nam, mặt bằng
xây dựng bố cục theo hình “chữ Nhị”. Toà đại bái lớn nhất, gồm 5 gian 2 chái,
hàng hiên hẹp thụt vào ở giữa 2 chái và dựa trên 4 cột vuông, trên bờ dải có gắn
hình các linh thú nhỏ. Sau 3 gian giữa của toà đại bái là một khoảng hẹp để lấy
sáng rồi đến toà hậu cung nối liền với thượng điện, nơi đặt bài vị Lý Bát Đế. Tất
cả các mái chảy đều lợp ngói ri.
Ao đình Lương Xá. Photo ©NCCông 2022
Di sản
Ngoài đồ tế khí, hoành phi, câu đối và bản ngọc
phả, trong đình làng Lương Xá hiện còn giữ được 82 đạo sắc phong thần và mỹ tự
do các triều đại từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn ban tặng cho Lý Bát Đế
và các vị thái hậu nhà Lý. Huyền Thiên Chấn Vũ đại đế là đức thành hoàng được
thờ riêng trong ngôi quán ở đầu làng. Hằng năm vào ngày 12 tháng Hai âm lịch
dân làng tổ chức mừng sinh nhật của vua Lý Thái Tổ, mở đầu có đám rước kiệu đức
Thánh từ quán về đình để làm lễ tế.
Bản dịch một sắc phòng thời vua Bảo Đại