Theo truyền thuyết và thần phả còn lưu giữ tại đình Lưu Khê thì từ cuối đời vua Hùng thứ 17, đất Liên Bạt đã có dân Việt đến tụ cư và lập nên những trang ấp. Tướng quân Quý Minh đã đến vùng này chiêu binh đi đánh dẹp quân xâm lược Thục Phán.
Đình Lưu Khê có từ lâu đời. Thờ thành hoàng: Quí Minh đại
vương, tướng của Hùng Vương. Xếp hạng: Di tích lịch sử - văn hóa Hà Tây
(1988). Địa chỉ: thôn Lưu Khê, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội.
Xã Liên Bạt nằm ở gần giữa huyện Ứng Hòa, trải dài ven quốc
lộ 21B nối quốc lộ 6 (Hà Đông - Hòa Bình - Tây Bắc) với đường 60 (Chợ Dầu - Kim
Bảng, Hà Nam). Phía bắc xã gần tỉnh lộ 429A, phía nam xã gần đường 428, đây đều
là những tuyến giao thông quan trọng nối quốc lộ 21B với quốc lộ 1A.
Xã có tên Nôm là Bặt, gồm tám thôn: Bặt Ngõ, Bặt Chùa, Bặt
Trung, Vũ Nội, Vũ Ngoại, Lưu Khê, Lương Xá, Đình Tràng; số dân 6.681 người (năm
2012), diện tích tự nhiên 7,75 km2.
Về phía bắc và tây-bắc giáp các xã Quảng Phú Cầu và Trường
Thịnh; phía đông và đông-bắc giáp các xã Phương Tú và Phú Túc (huyện Phú
Xuyên); phía tây và phía nam giáp thị trấn Vân Đình (tức huyện lỵ Ứng Hòa).
Lược sử
Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, xã Liên Bạt thuộc tổng Xà Cầu,
huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (từ 1831 là tỉnh Hà Nội). Thời
thuộc Pháp, sáu thôn Bặt Ngõ, Bặt Chùa, Bặt Trung, Vũ Nội, Vũ Ngoại, Lưu Khê vẫn
thuộc tổng Xà Cầu; còn các thôn Lương Xá, Đình Tràng, Hoàng Xá cắt về tổng
Phương Đình. Sau tháng 8-1945, ba thôn Bặt Ngõ, Bặt Chùa, Bặt Trung hợp thành
xã Liên Bạt. Đến tháng 4-1946, ba thôn Vũ Nội, Vũ Ngoại, Lưu Khê nhập lại thành
xã Thượng Hiền.
Đầu năm 1949, hai xã Thượng Hiền và Liên Bạt hợp nhất thành
xã Mai Sơn. Đến giữa năm 1950, các thôn Lương Xá, Đình Tràng, Hoàng Xá tách khỏi
xã Phương Đình, sáp nhập vào xã Mai Sơn thành xã Mai Đình.
Đến năm 1973 xã Mai Đình lại đổi tên thành xã Liên Bạt. Đến
năm 2003, thôn Hoàng Xá và một phần của 2 thôn Lương Xá và Đình Tràng tách khỏi
Liên Bạt và nhập về thị trấn Vân Đình, từ đó đến nay cơ cấu hành chính xã Liên
Bạt ổn định.
Theo truyền thuyết và thần phả còn lưu giữ thì từ cuối đời
vua Hùng thứ 17, đất Liên Bạt đã có dân Việt đến tụ cư và lập nên những trang ấp.
Tướng quân Quý Minh đã đến vùng này chiêu binh đi đánh dẹp quân xâm lược Thục
Phán.
Trước công nguyên, Châu trưởng Giao Châu là Đặng Sĩ đã đến
Liên Bạt mở trường dạy học. Về sau, xã cũng có nhiều danh nhân, tiêu biểu trong
thế kỷ 20 là Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền và cụ Bùi Bằng Đoàn.
Trên địa bàn xã hiện vẫn còn nhiều công trình kiến trúc cổ,
có giá trị cao về nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử như các đình làng Lưu Khê, Bặt
Chùa, Bặt Ngõ... Đình Lưu Khê đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa tỉnh Hà
Tây vào năm 1988, hiện nay do UBND huyện Ứng Hòa quản lý theo phân cấp của
thành phố.
Kiến trúc
Đình Lưu Khê nhìn qua sân gạch và cổng ra một hồ nước hình
vuông ở hướng đông-nam. Bên phải đình và hồ là con đường làng. Bên trái đình là
ngôi chùa làng với tam quan mới xây lại đồ sộ rồi đến một giếng tròn to.
Khi nói đến làng, không thể thiếu hình ảnh
cây đa, bến nước, sân đình. Nhưng khi đến cửa đình Lưu Khê, cái nhìn đầu
tiên là hình ảnh cây muỗm cổ thụ trăm năm tuổi có tán lá tuyệt đẹp,
cân đối và vững chãi tỏa bóng xanh mát ngay bên giếng làng.
Trước giếng chùa có bãi cỏ dẫn đến cây cầu bắc ra một hòn đảo
nhỏ được che mát dưới tán lá cổ thụ bốn mùa tươi xanh. Cổng đình xây theo kiểu
trụ biểu với hai cửa phụ ở hai bên. Sau cổng là một sân gạch khá rộng liền với
sân trước chùa.
Đình mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn.
Đặc trưng là hai dãy tả hữu vu 5 gian rộng, hơi lùi với quá nửa chiều dài áp
sát vào đại đình. Tòa tiền tế xây kiểu phương đình 2 tầng đè lên 16 cây cột có
treo các câu đối chữ Hán.
Nhìn từ bên ngoài, ngôi đình Lưu Khê toát lên
vẻ đẹp cổ kính với mỗi tầng đình 4 mái, đều có hình rồng uốn lượn, đẹp
uy nghi, lộng lẫy.
Giữa mái đình là hình ảnh tương tự như nhụy của một bông hoa sen
Mỗi hình rồng đều đc chạm khắc tỉ mỉ với từng chi tiết vô cùng tinh xảo
Trên 8 mái lợp ngói ta là các tượng rồng được đắp mảnh sứ rất
sinh động, các mảng gỗ bên dưới được chạm trổ tinh xảo với nhiều đề tài phong
phú. Hậu cung rộng 3 gian, sâu 4 gian, cửa gỗ và trần thiết được trang trí đẹp
đẽ với màu sắc ngũ hành và các đại tự thếp vàng rực rỡ.
Bước vào bên trong ngôi đình, những kiến trúc độc đáo còn khá nguyên vẹn
Với thiết kế lạ mắt khác với ngôi đình của
vùng đồng bằng Bắc bộ, đình Lưu Khê có phần giống gác chuông của chùa
Keo, Thái Bình. Cũng mái vòm theo kiểu chồng diêm cổ các, đình có 2 tầng
với 8 mái.
Chạm khắc trang trí mỹ thuật tôn vẻ đẹp lộng lẫy từ trong ra ngoài của ngôi đình
Nối giữa các thành xà lên đến mái, những mảng
chạm khắc gắn với những điển cố, điển tích cũng được chạm trổ tinh vi.
Nối giữa hai tầng mái, những con sơn đa dạng, chạm trổ phong phú không
chỉ có tác dụng đỡ đầu bẩy hay xà mà còn là yếu tố thẩm mỹ ấn tượng.
Dân làng yêu mến tự đóng góp số tiền lên đến 1 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo cho ngôi đình được khang trang đến hôm nay.
Một quần thể đình đẹp, hài hòa và thu hút, đó
là những từ chính xác nhất để miêu tả về cảnh quan đình Lưu Khê mà ai
đến rồi cũng sẽ không thể quên được.