Đình Lý Nhân thuộc thôn Lý Nhân, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội thờ thành hoàng là nhị đại vương Ả Lã Nàng Đê phu nhân và A Lự, danh tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng. Sau lại thờ thêm Cao Biền làm hậu thần.
Thần tích kể: xưa kia nước ta bị nhà Hán đô hộ, nhân dân vô
cùng cực khổ do sự tham lam, bạo ngược của thái thú Tô Định.
Lúc đó ở trang Phả Lại, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, đạo
Kinh Bắc có vợ chồng Lã Tiến và Triệu Thị Phụng làm nghề đánh cá là người
nghèo khó, trung thực, hiếu thuận.
Đại đình Lý Nhân
Một hôm ông bà đến trang Đường An kiếm cá thì trời tối, bèn
nghỉ lại ở ngôi miếu đầu xóm. Đêm ấy, thần báo mộng rằng ông bà sắp có tin mừng.
Quả nhiên, sau đó bà có mang, sinh được một bé gái, đặt tên là Ả Lã. Lớn lên
nàng học giỏi, trí dũng song toàn. Không may ông bà lần lượt sớm qua đời.
Lo tang ma cho cha mẹ xong, gặp lúc Nhị vua Hai Bà Trưng phất
cờ khởi nghĩa, Ả Lã đứng lên tuyển mộ dân binh địa phương kéo về xin theo. Hào
trưởng các nơi cũng dẫn binh tới, lực lượng nghĩa quân lớn mạnh và mau
chóng dẹp được Tô Định.
Hai Bà Trưng lên ngôi vua, ban cho Ả Lã thực ấp ở Đường
An. Bà mất ngày 2 tháng 11; đời sau được nhân dân Đường An và nhiều nơi
khác lập đền thờ cúng quanh năm.
Ngày 20-4-1995 đình Lý Nhân đã được Bộ Văn hoá và Thông tin
xếp hạng là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định
số 1568/QĐ/BT/1995.
Sân đình Lý Nhân. Ảnh ©NCCong 2022
Kiến trúc
Đình tọa lạc trên một khu đất rộng, mặt nhìn về phía tây
nam qua một sân gạch lớn, bên trái là đường Dục Tú, bên phải là nhà
Văn hoá thôn, xa hơn là sông Ngũ Huyện Khê. Toà đại đình gồm 5 gian 2 chái
và có quy mô trung bình. Bốn mái trải dài và lợp ngói mũi hài. Bốn góc đao uốn
cong với hai mũi ngắn. Các bộ vì dựa trên 6 hàng chân cột gỗ lim vững chắc.
Toà hậu cung 2 gian dọc kết nối với gian giữa của toà đại đình tạo thành
hình “chữ Đinh”.
Di vật
Trên các cấu kiện gỗ trong đình có nhiều mảng trang
trí bằng kỹ thuật chạm lộng và chạm bong. Chúng tập trung ở các
cốn và đầu dư, chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Trong đình Lý Nhân. Ảnh ©NCCong 2022
Những cổ vật cũng phong phú và đa dạng, bao gồm:
giá gươm, ngai thờ, tượng thành hoàng, hoành phi, câu đối chữ Hán...
Đáng chú ý nhất là 10 đạo sắc phong, trong đó 1 đạo mang niên đại
thời Tây Sơn và nhiều đạo khác được ban vào thời Nguyễn.