Theo thần phả và các sắc phong còn lưu giữ được thì Thành Hoàng làng Mai Động, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có tên là Phạm Hán và Phạm Phổ, hai danh tướng triều vua Đinh Tiên Hoàng.
Sinh ngày 10/8 năm Kỷ Hợi (939). Phạm Hán và Phạm Phổ
là hai người con sinh đôi của hai Cụ Phạm Tuyên và Trần Thị Ngoạn. Tổ
tiên của cụ Phạm Tuyên phát tích từ đất Ái Châu về cư ngự ở Đạo Sơn
Nam – Phủ Lý Nhân – huyện Bình Lục (nay là làng Mai Động – xã Trung
Lương – huyện Bình Lục – tỉnh Hà Nam) đã bao đời. Cha mẹ mất từ năm các
ông mới 24 tuổi.
Trước cảnh đất nước bị 12 sứ quân nổi loạn. Hai ông đã tự đứng
lên chiêu mộ binh sỹ, tích lũy lương thảo, luyện tập võ nghệ, giao kết với anh
hùng bốn bể để tìm chọn vị minh quân, chiêu mộ trai tráng thiết lập đồn lũy
trên đất Mai Khu và đánh nhau với sứ quân Phạm Phòng Át và Ngô Nam vài mươi trận;
Hai ông tài giỏi, thông minh giàu lòng yêu nước thương
dân. Sục sôi ý chí căm thù trước cảnh đất nước bị 12 xứ quân nổi
loạn. Hai ông đã lãnh đạo nghĩa quân nhiều lần đánh bại sứ quân của
Ngô Nam Phạm Phòng Ất (tức Phạm Bạch Hổ).
Tiếng tăm của hai ông vang dội. Ở Động Hoa Lư, Vạn Thắng
vương Đinh Bộ Lĩnh, các danh tướng Đinh Điền, Nguyễn Bậc dấy binh khởi
nghĩa đã cho sứ giả đến mời hai ông về nhập nghĩa quân.
Vua Đinh sắc phong ông Phạm Hán giữ chức Tham mưu đại thần,
ông Phạm Phổ giữ chức Đại thống. Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, vua Đinh Bộ Lĩnh
lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế phong cho Phạm Hán chức Đinh An
công, ông Phạm Phổ chức Thống lĩnh chư quân. Được thực ấp ngàn bộ. Hai ông làm
lễ lậy mừng rồi trở về đất Mai khu lập hành cung.
Hai tướng cùng vợ con lo việc cầy cấy, trồng dâu nuôi
tằm, trồng bông dệt vải đem lại cuộc sống ấm no cho dân. Bổng lộc vua
ban hai ông đều ban phát chia cho dân cùng hưởng. Ghi nhận công lao to
lớn của hai ông vua Đinh Tiên Hoàng bèn ban cho Thất việt cùng với
quốc gia hưởng phúc.
Vua Đinh Tiên Hoàng trị vì đất nước được 12 năm thì
mất, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn khi lên ngôi có mời hai ông ra làm việc
và hứa phong tước lớn. Nhưng hai ông từ chối và ở lại làng Mai cùng
dân làng phát triển nghề nông và mất ở tuồi ngoài 60.
Hai ông đã được dân làng suy tôn là Thành Hoàng làng,
lập đền thờ. Hiện giờ phần mộ hai ông, hai bà vẫn còn nguyên vẹn.
Dòng họ Phạm ở đây cùng dân làng Mai luôn thờ phụng hai ông. Lấy ngày
10/8 là ngày Đại lễ, ngày 10/10 hằng năm là ngày mất của hai ông, dân
làng thắp hương tưởng niệm.
Xét công lao của hai vị tướng Triều Đinh,đời sau vua Trần Thái Tông ban sắc phong cho
hai ông: một tướng là Phổ Hộ Bảo Quốc Tự Thiên Đại Vương, một tướng
là Nhân Đồ Hàng Úy Đại Vương.
Đến đời hậu Lê: Vua Lê Lợi ban sắc phong Mỹ Tự: một
tướng là Dực Vân Linh Ứng Minh Thánh Đại Vương, một tướng là: Tuyên Lực
Quả Đoán Đại Vương và cho phép tu sửa nơi thờ tự.
Triều Nguyễn từ đời vua Thành Thái, Duy Tân,,Khải
Định,,Tự Đức… có 9 đạo sắc phong hiện nay vẫn còn lưu giữ.
Năm 1994 Đình Mai Động nơi thờ hai vị tướng Phạm Hán,
Phạm Phổ được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Được biết ở thôn An Bài, xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà
Nam cũng có Đền thờ hai ông với thần phả và các sắc phong mang nội dung như ở
đình làng Mai Động, xã Trung Lương.
Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng Tám Âm lịch, chính quyền
đoàn thể và nhân dân làng Mai Động, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh
Hà Nam lại tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của hai vị Thành Hoàng
làng. Ngày 10 tháng Tám năm Giáp Ngọ (tức 3-9-2014) lễ kỷ niệm 1075 năm
ngày sinh của hai đức ông đã được tổ chức rất long trọng.
Sau nghi lễ rước kiệu hai ông quanh làng là lễ tế,
lễ dâng hương tại Đình thờ hai ông. Đêm hôm trước tổ chức giao lưu văn
nghệ giữa đội văn nghệ của làng với đội văn nghệ Tp. Phủ Lý. Nhân
dân các vùng lân cận đã đến dự cùng nhân dân làng Mai rất đông vui và
phấn khởi, hồ hởi đón ngày lễ Thành Hoàng làng ngày hôm sau.
Vài hình ảnh buổi Lễ:
Văn nghệ chào mừng.
Lễ rước hai vị Thành Hoàng.
Ảnh tượng thờ hai vị Thành hoàng
Phạm Duy Đống