Đình Mai Phúc thuộc phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, thờ phụng Thành hoàng làng là Xuân Vinh Đại vương và Luân Nương Công chúa, danh tướng đã có công phò giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Đình Mai Phúc có kiến trúc chữ “Nhị”, nhìn hướng Đông Nam,
được xây dựng trên nền của ngôi đền trong sự tích từ thời Đinh Tiên Hoàng. Đình
hiện còn giữ được 28 sắc phong qua các triều đại.
Sắc phong có niên đại sớm nhất vào đời vua Lê Gia Tông, niên
hiệu Dương Đức thứ 3 (1674), đặc biệt còn lưu giữ được đôi chân đèn thời mạc có
niên hiệu Diệu Thành thứ 7 (1583) do người dân xã Bát Tràng cung tiến.
Ngoài nguồn tư liệu ghi chép trong Thần tích của địa phương
còn có những địa danh liên quan như Bãi trình diễn ở rìa làng rộng đến 3 mẫu là
nơi tập bắn của quân sĩ trước ngày xuất trận. Ngõ Giáo là nơi tập hợp quân đội,
nơi để gươm giáo. Khu Từ Vũ là nơi nghỉ ngơi của tướng quân trước và sau khi
vào kinh đô yết kiến nhà vua, Khu Từ Vũ nay không còn nhưng tên gọi vẫn được
lưu truyền cho đến ngày nay.
Nghè Hoa ở phía Tây là nơi thờ phụng song thân của hai vị,
tương truyền là nối phần mộ trên đất hương hoả của vua Đinh cắt có tới 360 mẫu
của 4 xã. Tại đình còn có đôi câu đối ca ngợi công lao:
“Phù Đinh diệt sứ xưng lưỡng tướng,
Hộ quốc an dân hiển phúc thần”.
Dịch nghĩa:
Phù Đinh diệt sứ quân là tướng giỏi,
Giúp nước yên dân hiển linh là phúc thần.
Theo dấu tích còn lại và Thần tích đã nói thì ở Mai Phúc có
một quần thể di tích gồm: đình Trong, đình Ngoài, Từ Vũ và Nghè Hoa để tưởng nhớ
Đại vương và Công chúa cùng song thân hai vị. Sau kháng chiến chống thực dân
Pháp, xã đã trưng dụng làm nơi làm việc, năm 1964, Ủy ban nhân dân xã cho hạ giải
để xây trường học. Ngày 25-9-2013, khuôn viên của đình được trả lại nguyên trạng.
Đình Trong, tức đình Mai Phúc được làm theo kiểu chữ Nhị,
ngoảnh mặt hướng Đông Nam. Đại đình có năm gian đầu hồi bít. Đình được tu sửa
và tôn tạo nhiều lần, tồn tại cho đến ngày nay.
Vào khoảng thế kỷ XVI, đình Mai Phúc là một danh thắng đồ sộ.
Theo người dân kể lại, trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở
miền Bắc, nhân dân trong làng đã phải di chuyển các đồ thờ tự trong di tích đi
sơ tán. Sau trả lại, đồ thờ, nhưng bị thất lạc rất nhiều, hiện nay di vật cổ nhất
trong di tích là đôi chân đèn thời Mạc (1583).
Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, đình Mai Phúc đã bị
huỷ hoại. Đến năm 1992, đình được tu sửa Nghi môn, năm 1994 xây dựng lại Tả mạc,
Đại đình, năm 2003 đại tu phần Hậu cung.
Trong đình hiện còn lưu hai hiện vật quý là quyển thần tích
bằng đồng thau, khắc năm 1920, theo nội dung viết ở năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh
Hựu 3 (1737), đời vua Lê Ý Tông, khắc lại bản thần tích do Hàn Lâm viện Ðông
Các Ðại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) đời Lê Anh Tông.
Ngoài bìa sách đóng có mấy dòng ghi “Ðinh triều công thần,
nhất vị đại vương, nhất vị công chúa”. Nội dung cuốn sách kể về hai vị thần triều
Đinh và là Thành hoàng được thờ trong đình. Đó là Xuân Vinh Đại vương và Luân
Nương Công chúa.
Phần đầu của sách, tác giả điểm lại lịch sử nước nhà từ thời
Hùng Vương đến sau khi Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân và lên ngôi Hoàng đế.
Phần tiếp theo là kể về lai lịch, xuất thân của hai vị thần. Sách cũng nói về
tài ba, trí thông minh của thần, ngày hoá của thần và việc tổ chức lễ của dân
làng Mai Động.
Hiện nay, sách đồng vẫn được Ban khánh tiết đình Mai Phúc lưu
giữ. Đây không chỉ là một cuốn sách quý do chất liệu đặc biệt mà nội dung sách
còn là tư liệu quan trọng giúp các nhà nghiên cứu sử học, xã hội học, khảo cổ học
khám phá ra nhiều vấn đề về thời kì dẹp loạn 12 sứ quân, về đời sống nhân dân
thời kì này cũng như lệ làng, lệ cúng thần, sự thay đổi tên gọi của địa
phương...
Cuốn sách đồng của đình Mai Phúc đã được sao chép và dịch phục
vụ nghiên cứu và nhu cầu tìm hiểu của những người quan tâm. Bản dịch đã được
nhà nghiên cứu Dương Thị The dịch lại như sau:
Ngọc phả ghi về hai vị công thần triều nhà Đinh, một vị đại
vương, một vị công chúa.
Cấn chi, bộ thứ 3, hạng trung, bản chính tại bộ lễ quốc triều.
Hùng Vương sơn vốn là thánh tổ trời Nam, xưa gọi là Việt Thường.
Kinh Dương Vương thừa nhận mệnh cha đến nhậm chức ở nước Việt ta, truyền mấy đời,
xưng là Lạc Long Quân. Xem ra nước Việt
ta, hình thế núi sông tiện lợi, biền châu thắng địa, xây dựng kinh đô, củng
cố vùng Nga Lĩnh sửa sang miếu điện, cha truyền con nối hơn 2000 năm đều lấy
Hùng Vương làm hiệu.
Đến đời Duệ Vương đóng đô ở Việt Trì, không có người nối dõi
nhường cho Thục An Dương Vương. Dương Vương lấy được nước 50 năm thì có người ở
Chân Đình họ Triệu tên là Đà đem quân đến xâm lược, thế là nước Thục mất. Triệu
Đà lấy được nước, cha truyền con nối làm vua được 5 đời. Tiếp đó nước ta bị thuộc
về Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương gồm 349 năm.
Đến Tiền Lý, Hậu Lý, 12 sứ quân cát cứ chia sẻ, nước Việt ta
bị tàn phá, sinh dân lầm than. May thay lòng người chán loạn, ý trời muốn mở
cho họ Đinh, nên có người ở miền đất rộng động Hoa Lư họ Đinh tên là Bộ Lĩnh ngầm
nổi binh ở động Hoa Lư, cùng với đại tướng là Đinh Điền, Nguyễn Bặc chiêu tìm
anh tài hào kiệt, dự trữ lương thực, chờ thời nổi dậy.
Lúc đó ở trang Mai Động, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An có 1
người biết cư xử với đời, hiếu đễ với nhà, họ Lê tên là Cự. Tổ tiên vốn là người
châu Bố Chánh lánh loạn Nhiễu Dương Tư, cư trú ở trang Mai Động, đến ông đã là
đời thứ 3, lấy người ở Nga Bá tên là Hoàng Thị Tuyết, gia thế vốn hoà cường.
Vợ chồng sống rất trung hậu. Lúc ấy, ông đã ngoài 40 mà chưa
có con. Vì thế ông chia hết gia tài, chuẩn cấp cho người nghèo, chỉ cầu mong có
con nối dõi. Phàm là đền thờ thần, chùa thờ Phật, không nơi nào ông không đến cầu
khấn.
Một hôm nghe nói có chùa ở núi Yên Tử, đạo Hải Dương có đền
thờ rất linh ứng, cầu gì được nấy, ngay hôm đó, vợ chồng ông đem tiền, hương tiến
cúng và khấn rằng: Thần ở trần thế, của cải nào có thiếu, nhưng lại chẳng có
con, dám xin ngài rộng lòng từ bi xét tới lòng thành, cho một điều phúc, vợ chồng
tì thần nhận được, xin đội ơn mãi mãi, Phật chứng minh cho.
Khấn xong, đêm hôm đó, vợ chồng ông nằm ở trước án ngủ thiếp
đi, bỗng mộng thấy trong chùa sáng bừng, hương khói thơm nức, kim đồng ngọc nữ
cầm đàn sáo hát, vàng bạc châu báu vô số, ở phía trong điện chính có một vị
quan áo tím ngồi ở trên tuyên bố với vợ chồng ông rằng: Nhà ngươi đã tích đức
3, 4 đời cho tới nay chưa mảy may làm điều gì ác. Giờ đây một bên là tiền của,
một bên là tiên đồng, ngươi muốn lấy vật gì ta cũng cho. Vợ chồng mơ màng ngước
về phía tiên đồng, ở đó có một đứa con trai rất kháu. Vợ chồng vui sướng cầu
xin. Quan mặc áo tím bèn chuyền cho vị sứ mặc áo xanh chọn đứa bé. Theo mộng đó
ắt là có điềm lành.
Hôm sau, ông bà làm lễ bái tạ rồi về. Từ đó, bà có mang. Được
12 tháng, đến giờ Dần ngày 12 tháng giêng mùa xuân năm Giáp Dần sinh hạ được một
con trai. Thần sắc hiên ngang, cao khác người thường, cha mẹ đặt tên là Xuân
Vinh. Năm 12 tuổi, cậu bắt đầu học ở nhà họ Dương tiên sinh. H
ọc ở vài năm, văn chương thông thái, thiên sử bách gia,
không gì không thuộc, từ thiên văn đến địa lý, không gì không biết, không vật
gì không hiểu. Lại ham cung tên, thích binh pháp. Mỗi khi bàn luận nói chuyện
thì từ cha mẹ đến bạn bè, không ai không kinh sợ bái phục.
Năm ấy, Hoàng Thị Tuyết trong mộng còn thấy một ông lão tóc
bạc phơ, ban cho một bông hoa mai, thế là bà có thai. Đến kỳ sinh nở, bà sinh
được một cô con gái nhan sắc tuyệt trần, phong tư yểu điệu, môi đỏ mặt phấn,
tuyệt thế giai nhân.
Cha mẹ đặt tên là Luân Nương (nàng Luận). Đến năm 3 tuổi,
cha mẹ đều mất. Cô ở với anh trai. Năm 15 tuổi, theo anh học rất giỏi, lại kiêm
lục giác, không gì không tinh xảo. Thực là một kỳ tài trong giới nữ. Anh em khảng
khái, có chí lớn.
Anh em thường nghĩ: nước Việt ta tại sao không có người dẹp
loạn 12 sứ quân? Thế là kết thành một đảng, dự trữ lương, rèn quân tinh nhuệ,
âm mưu làm việc lớn. Hào kiệt các huyện bên, phần lớn kéo về, không hô hào kêu
gọi mà xa gần đều biết tên. Lúc đấy có sứ quân tên Nguyễn Viết Khoa cát cứ vùng
Tế Giang, nghe tài anh em ông là bậc anh tài mưu trí bèn sai gia thần đến dụ.
Ông không chịu, trả lời rất khinh mạn. Sứ thần bực tức đem binh đến mà đánh anh
em ông. Anh em ông cùng dân binh Mai Động chống lại.
Ngô sứ quân thua chạy, không dám quấy nhiễu. Biên cương Mai
Động nhờ anh em ông mà được yên ổn. Từ đó tiếng tăm càng lẫy lừng trong thiên hạ.
Thời kỳ đó Đinh Tiên Hoàng sai quan văn là Đinh Điền ban chiếu mời anh em ông đến
yến ẩm họp mặt. Ở nhà, ông uống say, ngủ thiếp đi. Bỗng trong mơ hiện lên một
ông lão mặc áo trắng đội mũ chỉnh tề, đoàng hoàng xuống thẳng chỗ ông nằm. Ông
liền hỏi ở đâu mà dám đường đột như vậy. Lão ông cười rồi ngâm:
“Lại nhật Điền nhân đáo nhữ gia,
Đinh Hoàng chính thống nhất sơn hà.
Quân thần cộng hợp bình Ngô tặc,
Thiên dĩ định chi, khởi hữu ngoa”.
Dịch nghĩa:
Đinh Điền sẽ đến nhà ngươi,
Tiên Hoàng là người có chí thống nhất sơn hà.
Vua tôi hãy hợp sức dẹp giặc Ngô.
Trời đã định rồi há phải ngoa.
Ngâm xong ông lão vút lên không biến mất. Tỉnh dậy, ông biết
mình mơ. Lúc bấy giờ trời đã sáng. Ba bốn khắc sau đã thấy một cánh quân khí giới
người ngựa tinh nhuệ tiến đến đồn sở. Anh em ông tưởng là tướng giặc Ngô bèn
bài binh bố trận, lên ngựa chỉ vào đám quân mà mắng rằng: mày là quân Ngô đến
xâm lấn bờ cõi của ta, không tự giữ, ta quyết đánh mày, mày sẽ bị bại.
Rồi thấy một người cưỡi ngựa ô, cầm binh khí tiến thẳng đến
nói rằng: ta là tướng phụ của Tiên Hoàng, họ Đinh tên Điền, vâng mệnh Đinh Tiên
Hoàng, đến cùng Vinh công đồng tâm báo quốc tiễu trừ giặc Ngô, lấy lại bình
yên, cùng hưởng niềm vui mãi mãi.
Ông nghe vậy, nghĩ ngay đến lời báo mộng của thần. Điền nhân
tức là chữ điền vậy. Ai nấy gác đao, bắt tay vui vẻ đón Điền vào đồn sở, mở tiệc
khao quân. Xong việc, chiêu mộ được 3000 người khoẻ mạnh lên đường đánh giặc,
còn đồn sở giao cho em gái trông giữ.
Từ khi ông cùng Đinh Điền yết kiến Đinh Tiên Hoàng, Tiên
Hoàng thấy Xuân Vinh công tướng mạo oai phong lẫm lẫm, thân dài 8 thước, sức có
thể địch được vạn người, bèn tôn là Xuân Vinh đại phu, giao cho làm tiên phong
sứ đi đánh Ngô sứ quân là Kiều Công Hãn ở Phong Châu.
Ông vâng mệnh trở về Mai Động cùng em gái là Luân Nương tiến
thẳng đến Phong Châu, đánh nhau với Kiều Công Hãn tại làng Phú Lâm, Bạch Hạc.
Anh em ông trong một trận chém được Công Hãn.
Quân Ngô đại bại, chạy toán loạn, ông đuổi, chém được vô số.
Còn lại 11 sứ quân, Đinh Điền, Nguyễn Bặc chia ra các đạo và dẹp được hết. Đinh
Tiên Hoàng lên ngôi vua ở Hoa Lư, mổ trâu bò khao tướng sĩ. Các công thần lớn
nhỏ đều phong đại vương, phong Xuân Vinh là “Xuân Vinh đại vương”, Luân Nương
được Phong là “Luân Nương công chúa”.
Có công với dân tất được dân nhớ tới mà thờ cúng. Ông dâng
biểu xin vua cho trang Mai Động miễn đi lính, các thuế dung, tô mà tạp dịch để
anh em ông trăm tuổi về sau có nơi thần hưởng.
Vua cho phép. Ngay hôm đó anh em bái tạ, rước sắc vua ban
cho Đại vương về trang Mai Động làm lễ mừng. Hôm ấy, nhân dân trang Mai Động
làm lễ mừng. Bổng lộc được hưởng, ông chia hết cho nhân dân Mai Động. Lại biết
nhân nghĩa đoàn kết nhân tâm để cùng vui, còn làm lễ khuyến học, nông tang, trừ
hại. Nhân dân già trẻ trang Mai Động rất mến ông.
Ông nhìn trong ấp có một dải đất, sông uốn quanh như rồng lượn,
đó là mạch nước nhỏ, cảnh sơn thuỷ hữu tình, bèn truyền cho binh sĩ nhân dân lập
một ngôi đền thờ sống, hướng nam. Tháng 3 thì xây xong. Ông lại ban cho dân 3 hốt
vàng để sau chi dùng trong các tiết lễ và ngày sóc vọng hàng năm. Ông về chầu
vua, chầu xong lại về đền cung Mai Động.
Một hôm anh em đang ngồi ở cung đền, tả hữu, nhân dân đứng hầu,
bỗng thấy trời đất tối sầm, gió mưa ập đến. Lúc đó ở trong cung như có tiếng
người ngâm rằng:
“Mai Động nhân hề, Mai Động nhân,
Ngô thừa sắc chỉ báo ư dân:
Kim chiếu Vinh, Luân hồi tiên cảnh,
Tâu vi huyết thực nhã nhân thần”.
Dịch nghĩa:
Người Mai Động, hỡi người Mai Động
Ta vâng sắc chỉ báo với dân rằng:
Có chiếu vàng gọi Vinh, Luân về tiên cảnh,
Sau này làm thần hưởng ở đây.
Đọc xong thì trời quang mây tạnh, mọi người nhìn lên trên
tòa thì không thấy 2 anh em đâu nữa, mà chỉ còn lại áo mũ ở đó. Lúc bấy giờ là
ngày 25 tháng 12. Nhân dân đều rất sợ, làm lễ tâu với triều đình.
Vua Đinh Tiên Hoàng nghe tấu, nhớ đến công lao của 2 anh em,
gia phong mỹ tự “Vạn sứ thần” và cho sửa sang xây dựng miếu vũ, cho phép dân
Mai Động được làm dân hộ nhi để thờ phụng. Bốn mùa hương khói, mãi mãi cùng đất
nước hưởng điều lành.
Phong ông là “Vinh Xuân hộ quốc tán trị linh đức Đại vương”,
cho phép trang Mai Động được thờ phụng.
Phong đức vua bà là “Luân Nương trịnh thục từ hòa công
chúa”, cho phép trang Mai Động được thờ phụng. Từ đó về sau trải các triều Lê,
Lý, Trần, Lê thường giúp nước, giúp dân rất linh ứng, cho nên nhiều lần gia
phong mỹ từ, để ức năm được hưởng còn mãi cùng trời đất.
Phụng khai: Vinh, Luân là chữ húy, cấm dùng.
Mặc sắc phục hai màu hồng, vàng làm lễ. Cấm dân dùng màu đỏ.
Ngày sinh của thần đại vương: lễ dùng lợn đen, xôi rượu, trầu
cau, vàng mã, ca hát 5 ngày. Sinh nhật thần công chúa ngày 12 tháng 2. Lễ trên,
dùng cỗ chay, dưới dùng lợn đen, xôi rượu. Ngày hoá của đại vương, công chúa… lễ
trên dùng lễ chay, dưới, dùng lợn đen, xôi, rượu, trầu, vàng... Lễ mừng ngày 10
tháng 10, lễ dùng lợn đen, xôi, trầu, rượu, ca hát 1 ngày.
Ngày lành đầu xuân năm Hồng Phúc (1572).
Hàn lâm viện, đông các đại học sĩ thần Nguyễn Bính phụng soạn.
Ngày lành tháng giữa đông năm Vĩnh Hựu 3 (1737). Quản giám
bách thần trị diện Hùng lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền tôn cựu chính bản.
Ngày lành tháng 10 năm Khải Định 5 (1920) thôn Mai Phúc làm
bản đồng.
Hiện vật thứ hai là đôi chân đèn làm bằng gốm hoa lam, có
niên đại Quang Hưng thứ 16 (1593). Chân đèn được trang trí trên nền lam là hình
độc long cuốn màu vàng; các cụm mây nổi 3 chẽ, đặc trưng gốm thời Lê của Bát
Tràng.
Ngoài ra, còn có 1 bộ chén thờ bằng bạc, một số lư hương,
bình rượu, giá bát bửu... mang dấu ấn nghệ thuật thế kỉ XIX.
Đình Mai Phúc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp
hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Phường Phúc Đồng, Long Biên