Ngôi đình cổ tại làng Mai Xá, xã Song Mai, huyện Kim Động (Hưng Yên) là nơi thờ phụng 5 vị thần hoàng làng là Trung Thành Đại Vương, Cao Mang Đại Vương, Đổng Vĩnh Đại Vương, Mộc Phàm Đại Vương, Chấn Lại Đại Vương. Tương truyền, đây là 5 vị công thần thời Hùng Vương thứ 18 - Hùng Duệ Vương.
Tích cổ bên đình Mai Xá
Đó là 5 vị tướng đã dốc sức phò giúp vua Hùng thứ 18 trị vì
đất nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, câu chuyện về những vị công thần đó
đến nay vẫn được lưu truyền đầy tự hảo của lớp lớp các thế hệ nhân dân huyện
Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Theo thần tích đình Mai Xá, thời Hùng Vương, gia đình ông Hải
Bột cùng vợ là bà Trương Thị Đoan hiền lành đức độ chuyển đến sinh sống tại Mai
Xá Trại, châu Xích Đằng, phủ Khoái Châu. H
Hai ông bà thường xuyên làm điều phúc, nuôi dưỡng các bậc
già cả, cứu giúp người nghèo, bỏ tiền xây cầu quán giúp dân trong vùng đi lại
buôn bán thuận lợi, cầu dài 32 nhịp, gọi là Cầu Ngàng…
Hai ông bà sinh được 5 người con trai, Tên của các ông là
Vĩnh Công, Mộc Công, Lại Công, Cao Mang, Trung Thành. khi trưởng thành 5 anh em nổi tiếng khắp vùng
về kinh luân thao lược, văn võ toàn tài.
Vua biết tiếng bèn truyền triệu các ông vào triều ứng thí để
kén người phò vua giúp nước. Nhờ tài năng, cả 5 ông đều được vua phong tước cầm
quân giữ yên bờ cõi. Khi cả một vùng cư dân rộng lớn lâm vào cảnh lụt lội, đói
khát do nạn hồng thủy.
Nhà vua hạ lệnh cho các ông đem quân đi đắp đê trị thủy ngăn
nước lũ cứu dân lành. Đê đắp đến đâu nước rút đến đó. Từ đó, Mai Xá và cả vùng
rộng lớn được mùa liền mấy vụ, dân cư sống bình an no đủ. Ngưỡng mộ tài
năng, đức độ của các vị tướng, dân làng đã cử 20 người theo làm gia thần, vào
triều tiếp tục phụng sự Hùng Duệ Vương.
Năm năm sau, giang sơn lại gặp vận binh đao. Nhà Thục đem
quân sang gây hấn với nước Văn Lang. Triều đình lại huy động các lực lượng ứng
chiến. 5 ông lúc này được phong là Ngũ Vị Đại Vương, cùng Tản Viên Sơn Thánh điều
quân thủy, bộ chặn giặc. Các ông thống lĩnh thủy quân, chấn giữ vùng sông nước
thuộc dòng Nhị Hà.
Sau khi đẩy lùi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, nhà vua
ban thưởng và cho 5 ngài trở về thăm dân chúng và các nơi đã đi qua. 3 ngài mất
trên đường về Mai Xá, 2 ngài sau khi về quê hương Mai Xá làm lễ khao thưởng cho
nhân dân đồng thời trao vàng nén, lụa bạch để tu sửa đền chùa thì mất.
Đời vua Đinh phong 5 ngài là Thượng Đẳng Phúc Thần. Vua Trần
Thái Tông chuẩn phong cho cả 3 thôn Mai Xá, Thanh Xuân, Miêu Nha (thuộc xã Song
Mai) cùng thờ các ngài là Thành hoàng.
Nhân dân biết ơn, lập đền thờ và suy tôn các ông là thành
hoàng làng, thờ phụng tại đình Mai Xá. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều câu
chuyện dã sử cho thấy, “Ngũ vị Đại Vương” đã nhiều lần hiển linh giúp nước, phù
hộ đánh tan giặc ngoại xâm, giúp cho đất nước ngày càng hưng thịnh.
Vun đắp truyền thống con Lạc cháu Hồng
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử cũng như gió bão khắc
nghiệt của thiên nhiên, ngôi đình Mai Xá đã hư hại và phải trùng tu nhiều lần.
Đình đã bị mất khu đại bái, khuôn viên có sự thay đổi.
Nhưng dưới sự quan tâm, chăm sóc và tu tạo của chính quyền
và nhân dân nên giờ đây Đình vẫn giữ được vẻ thanh khiết, uy nghiêm vốn có, đồng
thời là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của địa phương trong tiến trình đấu
tranh cách mạng.
Theo thần tích, sắc phong và kiến trúc còn sót lại – đình
Mai Xá được xây dựng khá sớm vào thời Hậu Lê, năm Tân Mão Lê Cảnh Hưng thứ 32
(1771) và trùng tu lớn 2 lần thời Nguyễn.
Đình tọa lạc trên một khu đất rộng, cao ráo thoáng mát, mặt
tiền quay về hướng Tây Nam – trước sân đình có hồ rộng, xung quanh liền kề
với dân cư, tạo nên một không gian hài hòa đậm nét làng quê Việt Nam.
Toàn bộ ngôi đình nằm trải dài với diện tích khoảng
120 mét vuông và xây dựng theo kiểu chữ Đinh gồm đại bái và hậu cung.
Khu đại bái gồm 5 gian , 2 dĩ gồm 4 vì , hai hồi tạo mái bồ
câu tạo ra đầu đao cong vút bay lên làm cho mái đình thoáng, thanh thoát, nhẹ
nhàng, . Kết cấu các vì kèo nóc từ câu đầu đến phần mái kiến trúc theo kiểu chồng
giường đấu xen hoành trang trí theo kiểu thượng ngũ hạ tứ, hệ thống các con giường
đỡ hoành chạm nổi guột lá cách điệu.
Trải dài phần nóc đình là đôi rồng chầu mặt nguyệt với thế uốn
3 khúc khỏe mạnh, uy nghi. Đầu rồng chầu cao có thế tiến về phía trước, xung
quanh mình rồng là các vân sóng nước, xoáy theo dòng nước cách điệu trông hài
hòa, sinh động.
Xuôi xuống 4 đao đình, nghệ nhân đắp uốn cong mềm mại theo
kiểu rồng chầu lân trông hài hòa sinh động của mái đình cổ kính, các đao uốn lượn
hình mái bồ câu bằng các con bẩy đỡ mái khỏe mạnh chạm bộ tứ quý thanh đẹp.
Kiến trúc bên trong là một hệ thống liên kết của các cột để
tạo thành một bộ khung trụ đỡ toàn bộ sức nặng của ngôi đình, bộ khung này được
hình thành với nhau bởi các vì kèo và nối với nhau bằng các xà dọc.
Mỗi vì kèo gồm 4 cột, 2 cột cái và 2 cột quân, 2 bên tòa đại
bái gồm 24 cột, có 8 cột cái và 16 cột quần. Cột cái được đặt trên các chân tảng
xanh 4 cấp, 16 cột quần đứng xen kẽ của trước, tường hậu và 2 hồi cao, các chân
cột là các chân tảng đá chạm nổi hình tròn, nền đình lát đá bát cũ.
Nghệ thuật chạm khắc đình Mai Xá qua 2 thời Lê Nguyễn nhưng
chủ yếu là các hoa văn của thời Nguyễn. Các họa tiết trên các cột, kèo, hoành của
đình đều được các nghệ nhân chạm trổ một cách khóe léo sinh động nhưng không
kém phần uy nghiêm, trang trọng.
Nhìn bề ngoài, ngôi đình không có gì đặc biệt quy mô không lớn.
Tuy nhiên, khi bước vào bên trong đình,
khách đến chiêm bái sẽ ngạc nhiên bởi khác hẳn với kiến trúc bên ngoài, hệ thống
cột, kèo, đầu dư đều được làm bằng gỗ, chạm trổ công phu, tỉ mỉ các đề tài tứ
linh (long, lân, quy, phụng), cá hóa rồng, hoa lá cách điệu, hoa văn gấp khúc
xen kẽ là các đám mây… tinh xảo. Đại bái gồm 5 gian, được xây theo kiều chồng
rường đấu sen.
Giữa là bức đại tự “Vạn cổ anh linh”. Bên trong là hai gian
hậu cung tôn nghiêm, bày 5 cỗ ngai bài vị đặt song song nhau thờ 5 vị công thần
thời Hùng Vương có công đánh giặc giúp nước, xây cầu đắp đê bảo vệ nhân
dân.
Gian giữa trang trí cuốn thư với 4 chữ “ ngũ long giáng thế”,
kiểu chữ Thọ. Trên trang trí rồng chầu mặt nguyệt, 2 đuôi rồng, 2 bên là 2 cây
bút, cách điệu 2 bên là hai long mã đội hai cây bút, hạc trên rùa chầu
Hậu cung gồm 2 gian kiến trúc đơn giản kiểu giá chiêng đồng
bộ với kiến trúc của đại bái tạo nên không gian tôn nghiêm và thành kính. Ban
thờ hậu cung đặt thờ 5 cỗ ngai vị đặt song song nhau.
Phía trên ngai một bức tự sơn son thiếp vàng với 4 chữ “
Tích ngũ phúc dân”. Vào hậu cung bằng hai cửa nách 2 bên – trên hai cửa bài trí
2 bức trâm dài 1m2 rông 80 cm sơn son thiếp vàng trên bức trâm trang trí chạm
khắc, công chầu sen 2 đuôi công công là hai cây bút chặm khắc tùng- cúc- chúc –
mai cách điệu.
Tại đình còn giữ được một số hiện vật quý như 5 cỗ ngai thờ
Ngũ Vị Đại Vương, 2 bộ đỉnh đồng cùng đài nến, 4 bát hương đồng và sứ thời Lê -
Nguyễn, cùng sắc phong của các triều vua…
Năm 2004, đình Mai Xá được công nhận là di tích kiến trúc
nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện nay, không chỉ đình Mai Xá mà “thất thập” đền thờ
trong cả nước đều thờ phụng Ngũ vị đại vương. Đó là niềm tự hào lớn của người
dân xã Song Mai nói riêng và huyện Kim Động nói chung.
Phát huy truyền thống “Ngũ vị Đại Vương”, , thời kì kháng
chiến chống thực dân Pháp, xã Mai Xá tiếp tục trở thành vùng đất cách mạng, người
dân nơi đây làm tốt nhiệm vụ hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.
Ngôi đình Mai Xá là căn cứ hoạt động của các cán bộ cách mạng.
Năm 1942 - 1943, làng mở trường Hương sư tại Đình để dạy học, có bốn lớp Nhất,
Nhì, Tam, Tứ.
Đình Mai Xá còn là cơ sở của chính quyền chi bộ họp bàn
kháng chiến. Hậu cung đình là nơi che giấu, bảo vệ cán bộ kháng chiến lúc địch càn
quét, dân quân du kích địa phương ngày đêm canh gác luyện tập tại đình.
Đình Mai Xá còn ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng
ở địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình
cũng là nơi bộ đội và du kích xã trú quân.
Trong kháng chiến, đơn vị bộ đội Quang Trung về đóng tại
đình Mai Xá để học tập chính trị, huấn luyện quân sự, được nhân dân nhiệt tình ủng
hộ lương thực và may áo tặng chiến sỹ những này đông giá rét.
Hiện nay, tại khuôn viên đình còn lưu giữ bia tưởng niệm liệt
sỹ Đào Nguyên Tấn, Trung đội trưởng trung đội Quang Trung (thuộc quân khu Tả Ngạn),
ông bị giặc Pháp bắt và hành hình tại gốc nhãn đình Mai Xá vào năm 1950… Trong
hậu cung của đình vẫn còn dấu vết căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Tên đình Mai Xá được lấy tên theo tên làng Mai Xá, trước kia
là xã Mai Xá, châu Xích Đằng, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu. Sau Cách mạng
tháng 8 được đổi thành thôn Mai Xá, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Xã Song Mai hiện nay có 6 thôn là Mai Viên, Mai Xá, Mưu Nha, Thanh Xuân, Phán
Thủy, Hoàng Độc.
Phát huy truyền thống “con cháu Lạc hồng”, người dân xã Song
Mai bên cạnh chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước còn
tích tực xây dựng quê hương giàu mạnh. Người dân Song Mai chủ yếu làm nông nghiệp,
kết hợp buôn bán nhỏ và các nghề phụ như: Đan lát, mộc, xây dựng… thu nhập bình
quân đầu người của xã Song Mai hiện đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, đời sống
người dân ngày càng khấm khá. Đặc biệt, cùng với 13/16 xã trên địa bàn huyện
Kim Động, xã Song Mai đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2018.
Một thời lam lũ chống giặc ngoại xâm, người dân trên đất
“Ngũ vị đại vương” vẫn giữ được đức tính chăm chỉ, cần cù, kiên cường, bất khuất.
Không còn những mái nhà tranh dột nát, hầu hết các gia đình đều đã xây dựng được
nhà cửa khang trang. Đặc biệt, nhiều hộ làm nông nghiệp đã thu tiền tỷ mỗi năm.
Từ nhiều thế hệ, con em xã Song Mai luôn giữ vững truyền thống
hiếu học. Đến nay, trong xã có đến hàng chục Tiến sĩ, hàng năm đều có rất nhiều
học sinh thi đậu vào các trường Đại học danh tiếng.
Vào mỗi dịp 10.3 (âm lịch), cháu con trong thôn Mai Xá, xã
Song Mai và đông đảo du khách thập phương, dù công tác ở nơi xa cũng tranh thủ
thời gian trở về thắp nén nhang thơm, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của
“Ngũ vị Đại vương”, cùng nhau ôn cố tri tân, tưởng nhớ công lao các bậc tiền
nhân đã có công đánh giặc giúp nước và vun đắp truyền thống con Lạc cháu Hồng của
dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.