Đình Mai Xá (còn gọi là đình Hóp Mòi), thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thờ phụng 2 trong 5 vị thủy thần và 2 vị nhân thần đã công đức xây dựng đình.
Mai Xá là khu dân cư cổ, được hình thành sớm trong lịch sử
dân tộc trong quá trình bồi đắp phù sa sông Luộc. Nhân dân Mai Xá có truyền thống
sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước từ rất lâu đời.
Căn cứ vào những thư tịch và di khảo cổ học đã phát hiện có
thể xác định mảnh đất thôn Mai Xá hình thành muộn nhất vào thời Tiền Lê (TK
10).
Đầu thế kỷ 19, Mai Xá (tên nôm là làng Hóp Mòi) là một trong
bốn thôn của xã Lực Đáp (Mai Xá, Tiền Liệt, Trung và Thọ Đa) tổng Bất Bế, huyện
Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương.
Các thôn Mai Xá, Tiền Liệt, Trung và Thọ Đa có lệ ”kết chạ”
gắn bó sâu sắc do cùng thờ chung các vị thành hoàng là thủy thần.
Cũng như nhiều làng xã khác tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ,
thôn Mai Xá dựng đình thờ Thành Hoàng từ khá sớm. Di tích là nơi sinh hoạt văn
hóa tín ngưỡng chung của cộng đồng làng xã. Theo dòng lịch sử, tên đình gắn bó
một cách tự nhiên với tên thôn và sớm trở thành niềm tự hào của các thế hệ người
dân Mai Xá.
Nay thôn Mai Xá là một trong bốn thôn của xã Hiệp Lực, huyện
Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Thôn Mai Xá được hình thành khá sớm trong lịch sử. Theo văn
bia: “Lê triều vạn vạn tuế, Trịnh chúa vạn vạn niên, Lưu truyền vạn vạn đại, lập
miêu đình bi ký” khắc dựng năm Chính Hòa thứ 13 (1692).
Mai Xá là 1 trong 4 thôn thuộc xã Lực Đáp. Nhân dân Lực Đáp
cư trú ven hai bờ sông Chu Giang. Thôn Mai Xá có 20 dòng họ cùng chung sống gồm
Mai, Đào, Lê Lương, Đào Kim, Nguyễn, Đào Văn, Đào Viết, Nguyễn Văn, Đỗ, Đặng,
Trần… Trong đó có 2 dòng họ cư trú lâu đời nhất là họ Đào và họ Lê, đến nay đã
qua 21 đời (tương đương 630 năm).
Thôn Mai Xá xưa có 2 giáp: Vĩnh Long và Trung Tín, giáp Vĩnh
Long có nhà thờ riêng (nay đất cũ vẫn còn, một phần đã chia cho dân ở). Giáp
Trung Tín sinh hoạt tại nhà thờ họ Lê Lương do giáp này chỉ có một họ).
Xã Hiệp Lễ “Nhất xã, nhất thôn”. Đời sống chính của nhân dân
dựa vào nghề sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, phong tục thuần hậu.
Sau cách mạng tháng 8/1945, thực hiện chủ trương điều chỉnh
địa giới làng xã của Chính phủ: Hai xã Lực Đáp và xã Hiệp Lễ sáp nhập thành một
xã mới lấy tên là xã Hiệp Lực. Xã Hiệp Lực thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải
Dương.
Đình Mai Xá là nơi thờ Tứ vị tôn thần gồm: Ông Thinh, Ông
Linh, Phúc Chính và Đào Từ Nhân. Trong đó ông Thinh, ông Linh là Thiên Thần,
Phúc Chính và Đào Từ Nhân là nhân thần được thờ là hậu thần do có công đức xây
dựng đình.
Theo “Thần tích, thần sắc” năm 1938 của xã Lực Đáp hiện lưu
trữ tại Viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội thì huyền tích các Thành hoàng
Mai Xá được ghi lại như sau:
Tục truyền vào một hôm thượng tuần tháng 11 âm lịch, dân
làng Hóp bỗng thấy một cây gỗ tròn rất to trôi dạt vào bến đò thuộc địa phận
làng. Mọi người thấy lạ liền bảo nhau tới xem rất đông rồi xúm lại kéo vào bờ
nhưng lạ thay không đưa vào được và cũng không đẩy ra được.
Ngay ngày hôm sau dân làng và gia súc vật nuôi xảy ra dịch bệnh.
Người làng ai nấy đều vô cùng lo sợ. Được mấy hôm, một viên kỳ lão cao tuổi nhất
trong làng đêm nằm lo nghĩ việc tai biến, trằn trọc mơ màng bất giác thấy 5 người
tướng mạo đàng hoàng, xiêm áo chỉnh tề đến nhà gọi ông lão bảo rằng:
“Chúng ta là 5 anh em dưới thủy phủ, nay bảo rõ cho nhà
ngươi biết: Dân làng phải cắt ngay cây gỗ trôi đến bến đò mà tạo thành 05 cỗ
long bài đề húy hiệu anh em ta: Thứ nhất là ông Thinh, thứ hai là ông Linh, thứ
ba là ông Bình An, thứ tư là ông Phả Thiện và thứ năm là ông Quảng Nghiêm. Các
thôn Tiền, Trung, Thọ cứ theo thứ tự anh em ta mỗi thôn thờ một vị. Cứ tuân phụng
như thế thì trong làng sẽ hưng thịnh và khỏi tai biến hiện thời”. Nói đoạn, các
thần biến mất.
Giật mình tỉnh giấc, viên kỳ lão mới hay là trong giấc mộng,
cho đó là điều linh ứng, ông liền cho họp cả làng lại để bàn bạc. Các viên kỳ
lão trong làng đều đến dự đông đủ và nhất tâm sửa lễ.
Khi các thôn đều làm theo lời, từ cây gỗ tạo tác long ngai,
bài vị thờ thần tại các đình, dân làng yên ổn làm ăn thịnh vượng.
Đến thời Lê-Mạc (Thế kỷ 16), dân Mai Xá gặp cơn binh hỏa,
nhiều gia đình phải lưu tán khắp nơi, đền đình bị phá hủy. Phúc Chính và Đào Từ
Nhân công chúa trong triều đã phát tâm công đức, cấp phát lương thảo tiền bạc để
tu sửa miếu đình, kiến thiết nhiều việc có ích khiến cho dân Mai Xá phồn thịnh
hơn trước. Vì vậy sau khi các vị qua đời, dân Mai Xá nhớ ơn xin phong lĩnh tôn
hiệu hai vị hợp tự tại đình cùng với hai vị thiên thần.
Đến cuối thời Lê Trung Hưng (TK 18) có quan quận công đem
quân đi đánh dẹp giặc He (tức Nguyễn Hữu Cầu) đi qua sông thuộc địa phận làng,
vào lễ đình các thôn. Trận ấy đánh giặc thắng lợi, quan Quận công lập tấu sớ
triều đình ban sắc phong cho thần và cho phép bản xã hương khói thờ phụng.
Trải qua các triều đại phong kiến, Tứ vị tôn thần đều được sắc
phong vào năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Quang Trung thứ
4 (1791), Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887),
Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924).
Căn cứ vào tấm bia đá: “Lê triệu vạn vạn tuế, Trịnh chúa vạn
vạn niên, Lưu truyền vạn vạn đại, lập miếu đình bi ký” hiện còn lại di tích.
Đình Mai Xá được dựng vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692) tại xã Lực Đáp, tổng Bất
Bế, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương.
Đây là vùng đất này: “ rồng chầu, hổ phục” phía trước có
dòng sông quanh co uốn khúc là nơi hội tụ khí thiêng “Địa linh nhân kiệt”, xuất
sinh nhiều bậc hiền tài có công giúp nước, bảo vệ cuộc sống nhân dân ổn định. Nhiều
người đã công đức tu sửa đình. Người dân đã khắc dựng bia ghi danh của những
người đóng góp công đức để lưu truyền lâu dài.
Kiến trúc tổng thể di tích cũ không còn song căn cứ vào dấu
vết nền móng, ngôi đình ban đầu được xây theo kiểu chữ “Đinh” ( J ) gồm 5 gian
Đại bái và 3 gian Hậu cung với quy mô khá lớn. Xung quanh đình có nhiều ao hồ.
Đình Mai Xá là một trong những di tích đẹp nổi tiếng đương thời trong vùng.
Theo các văn tự Hán nôm, khắc lưu trong tòa Đại bái, đình
Mai Xá được trùng tu vào ngày lành, tháng nhuận, năm Thành Thái- Quý Mão
(1903). Các cụ cao niên trong thôn Mai Xá cho biết: lần trùng tu này toàn thể
người dân bản xã đóng góp công đức.
Ông Lê Lương Hãnh, Tiên chỉ làng Mai Xá trực tiếp đặt thượng
lương cho đình; ông Mai Quang Oanh làm” Giám biên” (giám sát), ông Lê Lương
Oánh làm “Giám chương” (đôn đốc nhân công), ông Đào Đình Uyển làm “Thủ quỹ” (giữ
tiền và mua nguyên vật liệu).
Hai hiệp thợ Nam Hà cùng thi công, nửa phía tây do thợ Cao
Đà, nửa phía đông do thợ Đông Hồ thực hiện. Theo yêu cầu của các Hương lão: sau
khi thống nhất quy cách, kiểu dáng, các hiệp thợ bí mật trổ tài, nếu bên nào
làm đẹp sẽ được thưởng. Kết quả là cả hai đều đóng và chạm khắc rất thành công
được bản xã thưởng lớn. Đình Mai Xá đẹp nổi tiếng trong vùng đương thời.
Năm 1946- 1947, hưởng ứng phong trào: “Diệt giặc dốt” do Chủ
tịch Hồ Chí Minh phát động, chính quyền địa phương đã dỡ sàn đình để đóng bàn
ghế cho các lớp “Bình dân học vụ”, xóa nạn mù chữ, tham gia sự nghiệp “Kháng
chiến, kiến quốc” thành công.
Năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt,
lực lượng du kích xã đã đào hầm bí mật dưới Hậu cung, bám trụ cùng dân lang chống
Pháp càn quét, bảo vệ quê hương.
Năm 1965, thực hiện chủ trương “Bài trừ mê tín dị đoan” của
huyện, địa phương đã giải hạ Hậu cung lấy vật liệu xây dựng công trình phúc lợi
trong xã, nhà Đại bái trở thành nơi hội họp của nông dân, bàn bạc và chỉ đạo sản
xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, nhân dân địa phương tự nguyện công đức tu
sửa, từng bước trả lại vẻ đẹp vốn có của di tích. Hiện tại đình Mai Xá là nơi
sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh và học tập đường lối, chính sách của Đảng,
Nhà nước của nhân dân địa phương.
Lễ hội hàng năm
Vào ngày 10- 15/11 âm lịch hàng năm, nhân dân 3 thôn: Thọ
Đa, Hiệp Trung và Tiền Liệt cùng kiệu rước về đình Mai Xá tổ chức lễ hội tôn
vinh công đức các Thành Hoàng. Lịch trình lễ hội được quy định khá chặt chẽ.
Ngay từ đêm 9/11 âm lịch làng đã tổ chức “lễ vũ dội” (bao sái đồ thờ). Tham gia
sửa lễ gồm những “ông Nhất” (tuổi từ 53 trở lên) và những chức dịch trong làng.
Công việc được tiến hành thận trọng, sau khi dâng lễ xong mới được thực hiện.
Thời gian diễn ra trong khoảng 01 giờ là hoàn tất.
Sáng ngày 10/11, nhân dân tập trung tại đình. Hội đồng kỳ mục
tổ chức cắt cử người tiến hành lễ tế. Đội tế thường có từ 12- 14 người, chủ tế
do phó lý tham gia. Lễ vật gồm: hương, hoa, oản, rượu được bày đặt chu đáo theo
điển lễ. Thời gian tế lễ diễn ra từ 2- 3 giờ. Đến tối làng tổ chức hát chèo tại
sân đình, thu hút đông đảo nam phụ, lão ấu tham dự. Thực hiện chèo hát do những
đào kép là người địa phương. Vào những năm “Phong đăng, hòa cốc” làng mới cho mời
đào kép các làng bên tham gia.
Ngày 12- 14/11 làng cho mở cửa đình để mọi người dân đến lễ
bái mà không tổ chức tế. Đến ngày 15/11 nhân dân ra đình tổ chức lễ tạ thành
hoàng và kết thúc lễ hội.
- Sự tích tiên sa:
Tục truyền xưa Mai Xá có nhiều phụ nữ xinh đẹp, không ít
quan lại trong triều đình đã về làng chọn vợ. Vào một đêm có anh thư sinh người
làng Mai Xá mơ thấy có một nàng tiên sa xuống cánh đồng làng mình. Tỉnh giấc,
không kìm được xúc động và khát khao, anh thư sinh đã tự vẽ hình cô tiên và
thuê thợ giỏi khắc thành tượng rồi cho sơn son thếp vàng. Sau thấy tượng cô
tiên đẹp, dân làng đã đưa vào đình để thờ.
Hiện đình Mai Xá có tượng cô tiên, thân hình cân đối đẹp mắt,
hai tay gắn liền với hai cánh chim dang rộng trong tư thế bay từ trên cao hạ xuống.
Tượng được gắn tại trụ trốn gian dĩ góc tây bắc đình làng.
- Sự tích Cánh Đồng Sao:
Theo truyền ngôn tại khu vực Cánh Đồng Sao (nay thuộc xóm 10
thôn Mai Xá) có một mảnh thiên thạch to bằng nửa chiếc chiếu tự rơi xuống cánh
đồng làng vào nửa đêm. Những năm được mùa, đêm về dân làng thường thấy có một
chú bé mặc áo đỏ thấp thoáng hiện trên cánh đồng.
Vào những năm 1955- 1960 nhân đân địa phương còn thấy chóp mảnh
thiên thạch nhỏ tại góc cánh đồng làng. Song qua nhiều năm không ai để ý đến,
nay phù xa đã lấp kín.
Đình Mai Xá tọa lạc trên mảnh đất bằng phẳng, rộng rãi, nhìn
hướng Nam. Phía trước giáp đường liên thôn và khu Đống Đá 99 viên, nơi đặt mộ của
bà Đào Từ Nhân công chúa, thành hoàng làng. Tại đây có tấm bia đá hình trụ
vuông bốn mặt khắc dựng năm Chính Hòa thứ 13 (1692). Đình Mai Xá không có Nghi
Môn và nhà Giải vũ nghỉ chân và sửa lễ của khách dâng hương.
Đình Mai Xá có bố cục kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian Đại Bái và 3
gian Hậu cung. Tòa Đại bái có phong cách kiến trúc thời Nguyễn, 4 mái uốn đầu
đao, Hậu cung xây bít đốc bổ trụ truyền thống. Đình mới tu bổ, tôn tạo trong những
năm gần đây bằng công đức của toàn thể nhân dân trong thôn.
Đình Mai Xá lợp ngói mũi kiểu “vỏ sò” (vật liệu phố biến vào
đầu thời Nguyễn- TK 19). Bờ nóc soi chỉ kép chạy suốt, hai đầu có đôi rồng kìm
(lạc long) gối thân trên đấu vuông rêu phong cổ kính. Các đầu đao đắp hình tượng
“tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phượng), góc chối bờ mái gắn nghê múa chầu khá đẹp mắt.
Bộ khung Đại đình làm hoàn toàn bằng gỗ lim. 4 bộ vì chính đóng
kiểu “ chồng rường, giá chiêng”, lòng mái mở theo thức: “Thượng tứ, hạ ngũ” bằng
“con chồng, đấu sen”, chạm khắc tinh xảo. Các xà hoành kết nối vì kèo bào soi,
kẻ chỉ, kết nối bằng “mộng mang cá”. Hai gian dĩ hạ khoảng bằng “xà đùi” gối đỡ
“trụ trốn” theo phong cách “con chồng, đấu sen” truyền thống.
Hậu Cung 3 gian mới được phục dựng. Kết cấu tương tự như tòa
Đại bái, vật liệu bê tông giả gỗ.
Các mảng chạm khắc được thực hiện trên 2 bức cốn gian giữa, 4
đôi đầu dư và 6 đầu bẩy mái hiên. Chủ đề là “Tứ linh”, “Tứ quý” với nhiều bố cục
khác nhau. Các đồ án đều rất phong phú, sinh động ghi nhận tài năng, tình cảm của
các nghệ nhân dân gian đương thời. Quan sát thực tế tại di tích cho thấy hai nửa
đình mang phong cách nghệ thuật của 2 hiệp thợ khá rõ. 2 bức cốn gian chính điện
và 1 bức cốn thế vì gian trước Hậu cung được chạm khắc hết sức công phu, đường
nét mềm mại lạ thường, Sử dụng kỹ thuật chạm “bong kênh” kết hợp với “chạm lộng”,
các nghệ nhân xưa đã tạo phù điêu “lưỡng long chầu nguyệt” uy linh, sống động
cho không gian thờ tự.
Bài trí thờ tự tự đình Mai Xá còn khiêm tốn so với trước
đây. Tại ban thờ chính điện tòa Đại bái hiện có 1 cỗ long ngai Công đồng thờ
chung cả 4 vị thành hoàng làng là ông Thinh, ông Linh, Phúc Chính và Đào Từ
Nhân công chúa.
Trong thời gian tới, chính quyền địa phương và nhân dân sẽ
chế tạo đủ bộ long ngai, bài vị các thành hoàng làng và bài chí tại hậu cung.
Trải qua nhiều biến động phức tạp trong hơn 300 năm lịch sử
nhưng đình Mai Xá vẫn giữ được phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn,
mang nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa và nghệ thuật của địa phương. Đình không chỉ
là nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng mà còn là niềm tự hào của người dân Mai
Xá.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Huyện Ninh Giang