Đình Hưng Hiền, xã Hiền Giang thờ phụng Cao Sơn đại vương, thần tướng triều đại Hùng Vương thứ 18 và. Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng triều hậu Lê, có công bình định Chiêm Thành, được các triều đại sắc phong Thành hoàng Làng.
Đình, miếu Hưng Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín là một
trong những di tích lịch sử văn hóa có niên đại khởi dựng từ sớm, có giá trị
trên nhiều phương diện nghiên cứu. Ngày nay, tuy di tích không còn giữ được sự
bề thế vốn có trước đây, song những giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật vẫn
được bảo tồn nguyên vẹn và có nhiều giá trị về nhiều mặt trong kho tàng di tích
văn hóa dân tộc.
Đình Hưng Hiền
Cụm di tích đình, miếu Hưng Hiền tọa lạc trên một thế đất
cao đẹp giữa trung tâm của làng, trông về hướng Nam, đình bao gồm các hạng mục
ao, sân, vườn, nghi môn, đại bái, trung cung và hậu cung.
Nghi môn đình là một hạng mục khá đồ sộ hai phần đăng đối
nhau xây kiểu tứ trụ có niên đại vào thế kỷ XX, có 2 trụ biểu, ở chính giữa là
hai trụ biểu lớn có mặt cắt ngang hình vuông, ở những nghi môn tứ trụ xưa thì đỉnh
đắp bốn con phượng chầu cách điệu hình trái dành kiểu phượng lá lật, vì phượng
tượng trưng cho bầu trời, với đầu đội công lý và đức hạnh, mắt là mặt trời – mặt
trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, lông là cỏ cây, chân là đất… nó còn tượng
trưng cho Thánh nhân.
Phía dưới là ô lồng đèn trang trí tứ linh, thân trụ soi gờ
chỉ đắp những đôi câu đối đắp các chữ Hán để ca ngợi cảnh đẹp của ngôi đình, đế
trụ thắt hình cổ bồng. Nối hai trụ biểu lớn với hai trụ nhỏ là bức tường lửng
trang trí các tích ngư long hý thủy và đắp phù điêu võ quan trông coi đình.
Tiếp đến là cột trụ biểu kết hợp với cổng nhỏ làm kiểu chồng
diêm hai tầng 8 mái, kiểu mái lợp ngói giả ống với các góc đao uốn cong, nghi
môn nối liền với tường bao di tích. Qua một khoảng sân rộng lát gạch vuông đỏ
là tới nhà đại bái.
Nghi môn đình Hưng Hiền
Nhà đại bái là một nếp nhà gồm 5 gian nhà ngang, xây kiểu tường
hồi, bít đốc, tay ngai, trụ biểu. Trên nền cao 60cm so với mặt sân, xung quanh
bó vỉa gạch, mái lợp ngói ri, ở hai đầu bờ nóc là hai con kìm chầu mặt nguyệt.
Phía trước hai hồi xây hai trụ biểu có tiết diện vuông ô lồng đều vuông 4 mặt,
đây là những trục thông linh với trên hai đỉnh trụ đắp nổi hình nghê hướng vào
nhau, trong thế ngồi nhìn xuống, mang ý nghĩa kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương.
Phía dưới là ô lồng đèn đắp tích long mã, thân trụ bổ khung gờ
chỉ. Tay ngai được nối với tường hồi nhà đại bái bằng 2 bức tường lửng cao
ngang điểm mái trước.
Nhà Đại bái được chia làm 5 gian, tương ứng với các gian là
6 bộ vì đỡ mái được làm theo 2 kiểu thức khác nhau chút ít trên mặt bằng 4 hàng
chân cột, ba gian giữa mở hệ thống cửa bức bàn. Bốn bộ vì giữa đại bái được làm
theo kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ cốn bảy hiên” trên mặt bằng 4 hàng
chân cột gỗ.
Phía dưới hệ thống vì có 12 đầu dư và 14 cốn mê, đây là những
trang trí trên các kiến trúc tập trung vào đầu dư chạm nổi hình đầu rồng và chạm
tích truyện long cuốn thủy và hoa văn lá lật vân mây, nghệ thuật chạm khắc tinh
sảo theo lối chạm nổi; hai bộ vì hồi trang trí hình hổ phù với các đường nét chạm
khắc tinh xảo.
Qua đây có thể thấy với bàn tay khéo léo của người xưa, được
những người thợ gửi gắm những nguyện vọng của con người luôn cầu sự no đủ, may
mắn và đầy đủ qua các đề tài trang trí của trình độ dân gian đương thời giúp
chúng ta phần nào hiểu được về lịch sử kiến trúc dân gian Việt Nam. Ở ba gian
giữa bài trí cuốn thư, cửa võng, y môn cùng các câu đối. Tại chính giữa treo bức
đại tự “Thượng đẳng phúc thần”.
Tổng thể khu gian giữa nhà Đại bái
Trung cung, là hạng mục nằm liền kề với đại bái, các bộ vì ở
đây được làm thống nhất theo kiểu “kèo kẻ quá giang”, bào trơn đóng bén, gian
chính giữa bài trí bộ bát bửu cùng một bộ kiệu long đình thờ. Tiếp đến là hậu
cung, hậu cung gồm 3 gian làm theo kiểu tường hồi bít đốc.
Hai bộ vì giữa được làm thống nhất theo kiểu “Thượng chồng
rường hạ cốn rường” trên bốn hàng chân cột, hai bộ vì hồi được làm theo kiểu
“chồng rường”. Ba gian hậu cung bài trí ba bàn thờ. Ban chính giữa đặt bốn long
ngai bài vị và các đồ thờ tự khí. Ban bên tả đặt hai long ngai bài vị. Ban bên
hữu đặt một bức tranh Kim Hoàng và một thống gỗ.
Miếu Hưng Hiền tọa lạc trên một gò đất cao, phía trước là
con đường làng và rặng cây cổ thụ, khu miếu gồm cổng và am thờ. Cổng là một hạng
mục khá đơn sơ gồm hai trụ xây theo hình bát giác phần trên thắt gờ và thót về
phía trên.
Từ đường đi qua bốn bậc lên xuống, tiếp đến là bức bình
phong, trông giống như tiết diện hình chữ nhật, hai bên có trụ đỡ. Am thờ, làm
theo kiểu hai tầng tám mái đao cong, mái giả ngói ống, bên trong cuốn vòm theo
kiểu tò vò. Tại hạng mục này trang trí những hoa văn rồng và đặt ba cỗ long
ngai, theo truyền thống của làng, cứ mỗi khi diễn ra lễ hội, đình và miếu là
hai địa điểm chính thường rước kiệu xa giá hoàn cung.
Những con rồng được chạm khắc tinh sảo
Đặc biệt, trong đình Hưng Hiền còn lưu giữ được nhiều di vật
đa dạng như đồ đá, đồ đồng, đồ gỗ, đồ giấy, các di vật có niên đại từ thời Lê đến
thời Nguyễn như thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị, kiệu…
Đình Hưng Hiền thờ Cao Sơn đại vương, người có công dạy dân cày cấy, phổ bác
thuần phong mỹ tục. Đông Hải đại vương là một vị khoa bảng triều hậu Lê, đã
tham gia bình chiêm cùng với vua, sau khi hóa, vua truy phong công đức và tôn
thờ là vị thành hoàng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Hưng
Hiền là một trong những điểm sơ tán của bộ đội Phòng không và cơ quan của Đài
tiếng nói Việt Nam và đây cũng là nơi đã tiến đưa nhiều thanh niên lên đường
đánh giặc tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông.
Lễ hội truyền thống của làng được mở vào ngày 10/11 âm lịch
hàng năm. Theo lệ làng, để chuẩn bị mở hội, từ cuối tháng bảy, làng mời những
người có chức sắc trong làng họp lại để thành lập Ban tổ chức lễ hội, sau khi họp
làng, phân công việc cho mỗi người như treo cờ đại và cờ đám, trống, kiệu quét
dọn khu vực nội tự đình và chuẩn bị lễ vật để dâng lên thành hoàng làng, đánh
trống chiêng báo toàn dân biết để dân làng tham gia quét dọn đường làng, ngõ
xóm, làm cổng chào cắm cờ hoa.
Ngày 9/11, làm lễ sái tảo, mộc dục, khi rước Thánh về đình
làm buổi tế nhập tịnh; chiều 10/11 là buổi tế “chính tịnh” trong buổi tế này
trước kia có sự kết hợp giữa 2 làng Hưng Hiền và Mai Thượng; ngày 10/11 buổi tế
mãn tịnh, mỗi buổi tế đồng kéo dài từ 2 đến 3 giờ, trong mỗi buổi tế có 3 tuần
tế; tuần một là hành sơ, hiến lế, dâng rượu lần đầu, tuần 2 là hành, hiến lễ
dâng rượu lần 2; tuần 3 là hành chung, hiến lễ dâng rượu lần 3, trong khi tế có
trống, chiêng phường bát âm phụ họa, xưa kia, trong khi tế mà sai thì bị cắc trống,
người làm sai theo lệ làng bị phạt cắm nhang vào mũ tế.
Lễ vật dâng lên Đức thành hoàng làng trong các ngày lễ thì
ngày 10 gồm xôi nén, hoa quả, chính tịnh thì có thịt lợn, tiêu chuẩn chọn lợn để
làm lễ là lợn màu đen tuyền, phải mua của gia đình phúc đức đầy đủ, đuề huề,
không bụi bặm, tang tóc, trước tiệc 15 ngày, lợn phải được nuôi riêng ở nơi sạch
sẽ.
Đến ngày tiệc đưa về đỉnh mổ, lấy thủ lợn và một khăn lăm miếng
thịt ở cổ lợn dưới gáy, dâng lên lễ Thành hoàng làng. Trong các ngày hội làng,
có các trò diễn dân gian cũng được tổ chức để biểu diễn như vật dân tộc, đánh cờ…
trước sân đình biểu diễn hát tuồng, chèo, hát ca trù.
Ngoài hội chính, trong 1 năm, làng còn tổ chức các ngày lễ
khác như lễ giao thừa, lễ động thổ đầu năm, Tết Nguyên đán, Xuân Thu nhị kỳ, Tết
Đoan Ngọ, lễ Thượng điền, giỗ cụ hậu… Các ngày sóc vọng, tuần tiết cụ từ đều
làm lễ ở đình.
Với những giá trị của mình, ngày 4/10/2012, Đình, miếu Hưng
Hiền được UBND thành phố công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật.